Jun 9, 2015
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VIỆT NAM NẰM Ở ĐÂU? - Doãn Quốc Hưng
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VIỆT NAM NẰM Ở ĐÂU?
Trong bài viết này, tôi có hai vấn đề muốn chia xẻ với các bạn.
Vấn đề thứ nhất: hồi còn ở Việt Nam, tôi làm việc cho Phòng Thương Mại Úc tại Sài Gòn, nên tôi có điều kiện làm việc với nhiều doanh nhân người Úc. Tôi nhận thấy rằng có nhiều người Úc thích xứ sở Việt Nam. Nhiều doanh nhân Úc bảo với tôi rằng họ muốn mở business với Việt Nam chỉ để có dịp được được sang Việt Nam thường xuyên. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi có gì thú vị ở cái xứ sở vừa thóat qua giai đọan xóa đói giảm nghèo này, nơi mà ngành du lịch báo động là lượng khách du lịch quay trở lại chiếm một tỉ lệ khiêm tốn? Những người bạn Úc ấy nhận xét: họ yêu nụ cười Việt Nam. Cho dù còn muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, hãy nhìn vào nét mặt của người Việt Nam trên đường phố. Cho dù đó là một bác xích lô, hay một người bán hàng rong trên hè phố, hay một cô sinh viên mới tan trường. Họ thường xuyên bắt gặp được những nụ cười, những gương mặt vô tư lự. Những con người này hình như có được sự thư giãn, có được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Họ còn nhận xét được rằng những gương mặt ấy dễ tìm thấy ở người dân miền Nam hơn là miền Bắc. Họ cảm thấy họ được thư giãn theo trong tinh thần lạc quan yêu đời đó, cái mà họ ít tìm thấy ở xứ sở mình. Họ gọi đó là “quality of life” của người Việt, cho dù “living standard” của nước Việt Nam còn rất thấp. Lúc đầu, tôi không tin lắm vào những lời khen này. Tôi đã đi Úc rất nhiều lần, tôi nhận xét xứ sở Kangaroo cũng rất… relax, đâu có thua gì Việt Nam? Nhưng rồi tôi lại nghe nhận xét đó từ một vài người bạn Mỹ, châu Âu, một vài Việt Kiều về thăm quê nhà… Tôi bắt đầu tin vào nhận xét đó, và bắt đầu thắc mắc “quality of live”, hay “chất lượng cuộc sống” của người Việt nằm ở đâu?
Vấn đề thứ hai: Trong một bài viết trước đây, tôi có đề cập tới phương cách để xây dựng được lòng nhân ái, hay lòng thương người một cách vững chãi. Câu hỏi đặt ra: khi đã có lòng thương người rồi, chừng nào thì ta có thể bắt đầu thực sự sẵn lòng chia xẻ với người khác đây? Thọat tiên, câu hỏi này có vẻ thừa, vì ai trong chúng ta mà chẳng từng làm việc thiện từ thưở bé? Ở Việt Nam, trong lứa tuổi học sinh tiểu học & trung học, hầu như con tôi năm nào cũng về xin bố mẹ tiền, tập vở để giúp đồng bào bão lụt, giúp các bạn học sinh nghèo vùng sâu vùng xa. Và ta cũng dễ dàng bắt gặp hành động bố thí, cho tiền ăn xin diễn ra trong các tiệm ăn, chùa chiền…Thế nhưng có bao nhiêu phần trăm trong những hàng động chia xẻ đó xuất phát từ lòng thương người thực sự, hay chỉ được thực hiện theo phong trào, hay theo một quán tính trong xã hội? Xin đừng hiểu lầm rằng tôi không trân trọng những hành vi tốt đẹp đó. Đối với tôi, những hành vi chia xẻ, giúp đỡ người khác, cho dù là tự phát, không có ý thức, cũng nên được nhân rộng hơn nữa, để góp phần vào việc chấn hưng nền đạo đức của xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Tôi chỉ muốn lưu ý thêm một ý nhỏ: nếu hành động ấy đi kèm với một ý thức hướng thiện, thì bản thân người cho sẽ được lợi lộc hơn rất nhiều. Trong Đạo Phật, ý nghiệp là điều quan trọng nhất trong ba nghiệp của một cá nhân: thân-khẩu-ý. Bạn cho một người nghèo một đồng với một tình thương yêu thực sự, ý thức đó sẽ nằm lại trong tiềm thức bạn như một chủng tử tốt, nó sẽ có ích cho bạn hơn là khi bạn bố thí một ngàn đồng một cách vô cảm.
Chừng nào thì ta bắt đầu đi làm từ thiện, bắt đầu giúp đỡ người khác? Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là: khi nào ta đã hòan thành trách nhiệm đối với bản thân ta, với gia đình của ta xong. Hay ít ra khi việc giúp đỡ người khác không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của ta nhiều. Khi ta trả tiền một bữa ăn ngòai tiệm với giá mười chín đồng, thì một đồng tiền lẻ còn lại ta sẽ dễ dàng cho một đứa bé ăn xin đứng bên cạnh. Nhưng nếu được đề nghị nhường một ngày lương cho đồng bào bị bão lụt, ta phải cân nhắc hơn. Như vậy, theo lôgic này, có phải người giàu sẽ làm việc từ thiện nhiều nhất, còn người nghèo thì ít làm hơn? Ai cũng thấy thực tế không đúng như vậy.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi đặt cả hai vấn đề trên vào cùng một bài viết. Tôi thấy hình như chúng cùng có liên quan đến một khái niệm: SỰ THỎA MÃN NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI. Khi những ham muốn, nhu cầu đã được thỏa mãn, chúng ta vui vẻ, hạnh phúc, ta có nụ cười. Lúc mà ta ít phải lo lắng nhu cầu bản thân, đó chính là lúc ta dễ bắt đầu nghĩ đến việc giúp đỡ kẻ khác.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề thứ hai, tôi đã chịu khó làm nhiều cuộc phỏng vấn nhỏ với nhiều hạng người, từ các doanh nhân, một số bạn bè làm việc cho các công ty nước ngòai, cho đến giới sinh viên học sinh. Câu hỏi của tôi gồm có hai phần: bạn có bao giờ tham gia làm việc từ thiện, xã hội một cách có ý thức không? Nếu có, bạn bắt đầu làm từ thiện vào lúc nào?
Sau đây là một số câu trả lời để các bạn tham khảo:
- T. (doanh nhân): T. chưa làm việc từ thiện vào lúc này, vì việc giúp đỡ đơn lẻ chỉ có tính cách ngắn hạn. T. chỉ muốn tập trung gây dựng một sự nghiệp kinh doanh vững mạnh trước, sau đó sẽ làm việc từ thiện sẽ có hệ thống, lâu dài hơn.
- D. (doanh nhân): D. không có động cơ để làm việc từ thiện theo cái kiểu cho tiền, giúp đỡ người nghèo. Hiện nay, D. đang làm chủ của một doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gần 60 con người. Theo D., đó là một cách làm từ thiện thiết thực nhất. (Tôi rất thích câu trả lời thẳng thắn này và hòan tòan ủng hộ với ý kiến của D.. Chỉ có điều, số người giỏi làm ăn như D. không nhiều, mà xã thì còn có quá nhiều người cần công ăn việc làm. Hơn nữa, vẫn có một số người trong xã hội cần giúp đỡ cụ thể cái ăn, cái mặc, học vấn hơn là giúp cho việc làm, thí dụ như trẻ em, người già…)
- C. (doanh nhân): không muốn làm vì công việc từ thiện ở xã hội Việt Nam bây giờ như muối bỏ biển. Đó là nhiệm vụ của nhà nước Việt Nam. Cho ăn mày là hình thức khuyến khích sự làm biếng. Hiện nay, những tổ chức tự xưng là làm từ thiện có đáng tin cậy hay không? Tiền cho từ thiện liệu có tới tay người nghèo không?
- T. (nhân viên nhà nước): việc làm xã hội thiết thực nhất là trong gia đình mình. Hãy chăm sóc vợ, con cho chu đáo.
- A. (nhân viên công ty nước ngòai): Quá bận bịu với công việc làm ăn, rồi đến gia đình, nên không có thì giờ để nghĩ đến việc xã hội. Tuy nhiên, nếu ai đứng ra tổ chúc hô hào thì A. sẵn sàng đóng góp trong một chừng mực cụ thể.
- Một số sinh viên nhận học bổng từ quĩ của một Việt Kiều: hầu hết các em đều quan tâm đến công việc từ thiện, bởi vì chính các em đang được hưởng lợi từ đây. Các em chỉ có ý kiến khác nhau là chừng nào thì bắt đầu làm việc từ thiện. Có em muốn đến khi ra trường, có công ăn việc làm. Có em muốn được đóng góp ngay bằng công sức, thời gian cho các lọai hình công tác xã hội.
Các bạn dễ dàng nhận thấy ý kiến quanh vấn đề này rất khác nhau, không bàn chuyện đúng sai. Ngay cả đối với những người muốn làm việc từ thiện, thời gian bắt đầu cũng không giống nhau. Xem ra, anh sinh viên nghèo nhận học bổng lại tham gia công việc từ thiện sớm nhất! Tại sao thế?
Như đã nhận xét ở trên, cả hai vấn đề đều có liên quan đến khái niệm “Thỏa mãn nhu cầu cá nhân”. Nhu cầu của một con người có thể là nhu cầu vật chất: ăn ngon, mặc đẹp, ở tiện nghi; hoặc nhu cầu tinh thần, ví dụ như nhu cầu được tôn trọng, được thương yêu. Nhu cầu của con người thì rất đa dạng, khó đo lường. Trừ những nhu cầu ở mức độ cơ bản như cơm no áo ấm, mỗi người trong một hòan cảnh khác nhau lại có những nhu cầu khác nhau. Thí dụ như một ly nước ở sa mạc có giá trị cao hơn một viên kim cương. Trong kinh tế, giá cả hàng hóa cũng được định dựa trên nhu cầu người tiêu dùng, chứ không dựa trên giá thành của chúng. Một chai nước hoa, tiền sản xuất ra nó có thể chỉ là một đồng, nhưng giá bán có thể là mười đồng, vì nó đánh đúng vào nhu cầu của giới khách hàng cao cấp, giàu có. Một bác nông dân sẽ không bao giờ hình dung nổi tại sao người ta phải mua và xức lên mình thứ nước có giá trị bằng vài chục kí lô gạo này!
Ta dễ dàng thấy rằng thỏa mãn nhu cầu của con người là một khái niệm hết sức tương đối. Điều quan trọng là nó mang tính chất CẢM TÍNH, phụ thuộc nhiều vào cảm nhận con của người. Bản thân tôi vẫn cảm nhận những thứ đồ chơi thời thơ ấu, nghèo khó như bắn bi, tạt lon, đánh bông vụ... có vẻ lý thú hơn nhiều so với việc bấm game điện tử bây giờ, nhưng con tôi thì không đồng ý vậy! Hoặc khi nhớ lại ly rượu đế, dĩa mồi khô cá rẻ tiền trong những buổi nhậu với bạn bè thưở mới đi làm nhà nước, tôi thấy hình như có vẻ "ngon lành" hơn nhiều so với ly rượu tây uống với khách hàng trong các nhà hàng sang trọng ngày hôm nay ! Hoặc nghĩ rộng hơn nữa, ai có thể chứng minh được rằng giữa một ông vua nằm cáng đi kiệu ngày xưa, với một vị thổng thống đi xe sáu cửa, có kính chống đạn ngày nay, ai sẽ có cảm giác "được thỏa mãn nhu cầu" hơn ai? Các bạn thấy không, khi đã dùng đến cảm giác để đánh giá, thì chính mình là người có kết luận đúng nhất về sự thỏa mãn của mình. KHI NÀO MÌNH BIẾT ĐỦ, CẢM NHẬN LÀ ĐỦ THÌ NÓ ĐỦ. Hãy vui với cái mình đang có. Đó là nguyên lý của lối sống TRI TÚC.
Theo tôi, tri túc là bí quyết của cái gọi là "quality of life" của người dân Việt. Tri túc là chìa khóa để dẫn đến sự an lạc, tự tại trong cuộc sống. Đó là cách đơn giản nhất để tìm được hạnh phúc, để có được nụ cười trong cuộc sống. Các người bạn Âu- Mỹ- Úc của tôi sống trong một xã hội phát triển, đời sống vật chất cao, cho nên đôi khi quên mất điều này. Người Việt Nam thì vừa mới thóat ra khỏi giai đoạn nghèo đói, cho nên dễ bằng lòng với cái mà mình đang có, cho nên họ dễ trở nên lạc quan, yêu đời hơn.
Tri túc cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi chừng nào ta mới có thể "sharing" . Làm sao ta có thể chia xẻ tiền bạc, thời gian cho người khác khi mà ta đang nghĩ rằng bản thân ta và gia đình còn chưa có đủ? Vì tri túc, mà một bác xích lô vẫn có thể nhường cơm xẻ áo cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung. "Mình nghèo, nhưng cũng đã tạm đủ ăn, đủ mặc rồi. Người ta còn không có chỗ ở, không có cái ăn kìa...", chắc bác đã nghĩ vậy. Tương tự, một đứa bé vẫn có thể sẵn sàng nhường cho các trẻ trong trại mồ côi tiền lì xì, đồ chơi của mình nếu nó ý thức nó đã may mắn hơn hơn người khác. Ngược lại, vì chưa thấy đủ, cho nên các quan chức tham nhũng ở Việt Nam vẫn tiếp tục bòn rút tiền của từ ngân sách viện trợ, từ mô hôi công sức của dân Việt mình để làm của riêng, mặc dù tài sản của họ đến đời con phá không cũng chưa hết. Những hình ảnh trên làm tôi nhớ đến một câu nói rất hay tôi được nghe ở đâu đó từ thuở bé: Lạy chúa, xin chúa đừng để con nghèo để con phải nguyền rủa chúa, nhưng Chúa đừng để con giàu để con quên Chúa.
Nhờ tri túc, lòng vị tha và nhân ái có môi trường để phát triển. Con người tri túc mau chóng nghĩ đến người khác hơn, vì nhu cầu của bản thân họ dễ được thỏa mãn. Đó là lý do tại sao anh sinh viên nghèo nhận học bổng lại mau mắn bỏ thì giờ, công sức của mình vào công tác từ thiện hơn là một doanh nhân. Đó là vì anh ta đang được hưởng lợi lạc từ lòng vị tha, cho nên dễ dàng chia xẻ với người khác hơn. Lòng nhân ái sẽ được lan rộng nhanh trong một xã hội như một phản ứng dây chuyền, nếu người khởi đầu và tiếp nối đều thực hiện công việc chia xẻ với cả một tấm lòng, chứ không chỉ vì nghiã vụ. Được sống trong một môi trường như vậy, nghĩ cũng đáng sống lắm chứ!
Tự nhiên viết đến đây, tôi nghĩ đến cộng đồng người Việt mình ở xã hội Mỹ. Tôi tin chắc rằng, nếu còn giữ được tinh thần tri túc, người Việt mình trên đất Mỹ sẽ dễ dàng tìm được hạnh phúc hơn nhiều so với đồng bào mình đang ở quê nhà. Bởi vì ở Mỹ, nhu cầu cơm no áo ấm không còn là vấn đề lớn của xã hội. Những nhu cầu cao cấp hơn cũng được đáp ứng đa dạng tùy theo các thành phần xã hội với các mức thu nhập khác nhau. Nếu biết dừng sự thỏa mãn nhu cầu vật chất tương ứng với thu nhập, người Việt ở Mỹ sẽ có "quality of life" cao hơn tại Việt Nam. Những nụ cười "tri túc" sẽ dễ dàng tìm thấy hơn ở Việt Nam. Hình như thực tế lại không phải thế! Vấn đề của một số người Việt mình là hay nhìn quanh, rồi chạy theo cách sống của người khác mà mình không có đủ khả năng tài chính để đáp ứng. Ở Mỹ mượn “loan” dễ quá mà, vì đó là xã hội của sự tiêu thụ. Cuối cùng chính mình là người dắt mình đi vào ngõ cụt, khi phải quay quắt kiếm tiền trả cho những nhu cầu quá tầm với. Mình tự đánh mất cơ hội để có một cuộc sống an lạc hơn với tinh thần tri túc. Trở lại với chuyện bác nông phu và chai nước hoa mà tôi nhắc tới ở phần trên, ban đầu bác không hề hiểu tại sao người ta chịu mua chai nước hoa đắt thế. Rồi có một ngày, đất ruộng của bác "lên đời" thành khu phố thị. Bác có một mớ tiền kha khá do bán đất. Thành phố bây giờ ở kề bên, bác nghe người ta kháo nhau rằng "xài nước hoa mới là sành điệu", và nhiều thứ khác nữa để biến bác thành...người của thành phố văn minh. Bác bắt đầu bán tín bán nghi. Nhưng chiến lược marketing của các công ty cứ nói riết trên truyền thanh, truyền hình, từ từ bác tin là mình có nhu cầu xài nó thật! Bác mua nước hoa, xe máy xịn, đi ăn nhậu ở nhà hàng bốn năm sao gì đó mỗi đêm. Rồi đến khi hết tiền, trở về với căn nhà cũ, bác mới nhận thấy rằng mình vẫn là bác nông phu. Điều tệ hơn, bác không thể hài lòng với nếp sống giản dị ngày xưa nữa. Bác không còn là con người tự do nữa rồi, vì bác đã bị nô lệ vào một số nhu cầu ảo...
Tôi không có ý khẳng định rằng chỉ có sống tri túc mới có hạnh phúc. Nhiều người thành công trong xã hội, họ có đủ điều kiện tài chính để thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất. Những người này sẽ không cần đến "tri túc" để có hạnh phúc. Tôi thành thực chúc mừng bạn nếu bạn là một trong những người thành đạt này. Tôi sẵn sàng lắng nghe bạn khuyên nhủ làm thế nào để thành công, để có được mọi thứ mà mình muốn. Có điều là số người thành đạt này không nhiều trong xã hội loài người, đặc biệt là trong những xã hội mới phát triển như Việt Nam. Do đó, "tri túc" vẫn là một cách sống hữu ích cho nhiều người.
Tôi cũng muốn nhắc đến một khuyết điểm của quan niệm sống tri túc: nó làm chậm đi phần nào sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại. Vì tri túc, ít có tham vọng, nên ta ít thấy những chính trị gia, nhà quân sự thành công ở Việt Nam là người Miền Nam. Tôi cho rằng, ở một quốc gia còn đang phát triển để thóat nghèo như Việt Nam, tinh thần cầu tiến phải lấn át tinh thần tri túc để nước nhà mau bắt kịp đà tiến của nhân lọai. Thực ra "cầu tiến" và "tri túc" không hòan toàn trái ngược nhau. Ta vẫn có thể LÀM HẾT SỨC MÌNH RỒI HÃY VUI VỚI CÁI MÌNH ĐANG CÓ. Vấn đề là ý thức được đâu là điểm mình "đã làm hết sức mình" rồi. Mỗi cá nhân chúng ta sẽ phải tự tìm được sự cân bằng cho chính mình, tương tự như người đi thăng bằng trên dây vậy.
Hồi bố tôi còn ở Việt Nam, vào những đêm giao thừa, bố tôi hay bắt đầu năm mới bằng một câu chuyện đầu năm có ý nghĩa dành cho con cháu, để giúp nhau sống vững chải, đường hòang trong buổi nhiễu nhương, giao thời. Tôi nhớ vào đêm giao thừa của năm 1982 thì phải, bố tôi đúc kết kinh nghiệm cuộc đời rồi tặng con cháu một lời khuyên: "Hãy Sống Giản Dị Và Làm Lành". Lời khuyên này đi theo cuộc đời tôi mãi mãi. Đến ngày hôm nay, ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi muốn xin bổ xung thêm một chút: "Hãy Sống Giản Dị Để Có Thể Làm Lành"...
Tháng 10/2006
Dõan Hưng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment