Bìa sách Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác
Chiều Ngày Chủ Nhật 21 Tháng 04, tại Hội Quán Lạc Cầm ở cạnh khu Phước Lộc Thọ, những người dự buổi ra mắt tập nhạc Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác ra về với khuôn mặt mãn nguyện. Cầm trong tay tập nhạc này, nhiều người nói rằng mình đợi nó đã lâu rồi. Nhiều người hỏi nhau rằng chừng nào sẽ có một chương trình tương tự như vậy nữa, để cùng rủ nhau đi dự.
Theo anh Phạm Thành- con trai của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, và cũng là người chủ trương thực hiện tập nhạc này- đây là một chương trình ra mắt sách nhạc, với phần phụ diễn văn nghệ chỉ mang tính chất thân hữu. Như vậy điều gì đã làm cho chương trình này đem lại cho khán giả nhiều điều thú vị đến thế?
Chắc có lẽ bởi vì nó mang đậm tính chất văn hóa mà không phải chương trình ca nhạc chuyên nghiệp nào cũng có được.
Đó không phải là một buổi trình diễn ca nhạc bình thường. Vào chiều hôm ấy, qua những chia xẻ ngắn mà cảm động của nữ tài tử Kiều Chinh, của nhà thơ Trần Dạ Từ, của anh Phạm Thành… về nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người tham gia có dịp nhớ lại không khí văn nghệ tuyệt vời của Sài Gòn trước 1975, nay đã bị xóa đi tại quê nhà.
Tập nhạc Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác cũng không phải là một tập nhạc bình thường, chỉ gồm những dòng kẻ, nốt nhạc, lời nhạc. Đó cũng là một công trình văn hóa. Nó chứa đựng rất nhiều kỷ niệm về một nền văn hóa Sài Gòn xưa, mà bây giờ chỉ còn được ghi nhớ lại bởi một số mái đầu đã bạc, đang sống rải rác khắp nơi bên ngoài quê hương Việt Nam…
Mở từng trang của tập nhạc Phạm Đình Chương, người xem như sống lại với những kỷ niệm của chính mình gắn liền với cái tên Sài Gòn. Nhẩm hát trong đầu bài Mộng Dưới Hoa, hẳn có người nhớ lại những mối tình thơ mộng của mình thời thanh xuân ở một Sài Gòn thanh lịch. Có những người trẻ hơn sẽ tự hỏi sao người xưa có thể yêu nhau lãng mạn đến thế.
Mở trang có bài Đêm Màu Hồng, hẳn có người sẽ nhớ lại con đường Tự Do với phòng trà Đêm Màu Hồng, phòng trà Khánh Ly, vũ trường Maxim… Nhớ đến Sài Gòn phong phú về văn hóa, với nhiều phong cách nhạc cho đủ mọi tầng lớp người dân. Từ Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, đến Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, rồi nhạc bolero với Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Thanh Sơn…
Mở trang có bài Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Lá Thư Mùa Xuân… người ta nhớ lại những mùa xuân bất tử của Miền Nam tự do, với nắng vàng, trời xanh nhuộm màu tự do phơi phới. Dù quê huong chẳng bao giờ ngưng chinh chiến, nhưng những mùa xuân Miền Nam qua nhạc của Phạm Đình Chương cứ vẫn mãi là những mùa xuân tràn đầy hy vọng, tràn đầy lạc quan, hạnh phúc…
Xen kẽ với những bài nhạc, đâu đó người xem lại bắt gặp một vài giai thoại văn nghệ giữa nhạc sĩ Phạm Đình Chương và những người bạn cố tri. Thi sĩ Trần Dạ Từ nhắc lại kỷ niệm ngày đầu tiên ông được nhạc sĩ Phạm Đình Chương & ca sĩ Thái Thanh hát riêng cho ông nghe bài nhạc phổ thơ của mình, Người Đi Qua Đời Tôi. Một buổi sáng Sài Gòn mùa mưa bão năm 1969, tại phòng trà Đêm Màu Hồng… Trong khung cảnh của một phòng trà ban ngày, với bàn ghế ngổn ngang, người nhạc sĩ mời người bạn thi sĩ nghe bài nhạc mới phổ thơ từ đêm hôm trước… Nghe với ly rượu đầu ngày do chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương pha chế…Có một cái gì đó rất là Sài Gòn trong câu chuyện này… Mới đó mà đã hơn 40 năm rồi…
Đối với người chơi guitar, tập nhạc có một món quà thú vị: tất cả các bài hát đều ghi sẵn các accord để đệm, cùng cả các thế bấm trên đàn guitar. Người có chơi nhạc sẽ nhận ra một điều: nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết quá nửa các ca khúc của mình trên các bộ khóa flat (sử dụng âm giáng): Fa trưởng, Si giáng trưởng, Mi giáng trưởng, Sol Thứ, Đô thứ… Cũng không rõ nguyên nhân. Chắc là tại vì đa phần ca khúc của người nhạc sĩ có đượm một vẻ u hoài… Cũng đượm u hoài như nét mặt, cuộc đời của người nhạc sĩ…
Ngay cả Lời Giới Thiệu của tập nhạc được viết bởi anh Phạm Thành cũng đọng lại cho người xem nhiều suy nghĩ. Anh Phạm Thành có tâm sự là bố anh chưa bao giờ khuyến khích anh nối nghiệp nghệ sĩ của ông. Có lẽ vì ông hiểu được tính thăng trầm của đời nghệ sĩ. Ấy vậy mà dòng máu yêu văn nghệ cứ tiếp tục tiếp nối trong gia đình anh. Anh cho biết chính con trai anh là người thực hiện công việc kẻ nhạc cho tập nhạc của ông nội mình. Hai cha con cùng làm việc, anh chia xẻ với cháu về sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của ông nội mình. Anh cảm thấy hạnh phúc làm được cầu nối cảm thông giữa ba thế hệ. Anh Phạm Thành và con trai cảm nhận được di sản quí báu mà mình nhận được từ nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Điều quan trọng hơn nữa, di sản đó bây giờ không còn thuộc về của riêng gia đình anh nữa rồi. Nó là gia sản văn hóa của chung của toàn bộ 90 triệu con người Việt Nam, ở trong và ngoài đất nước với 3 dòng sông cứ mãi mơ ngày hội trùng dương bên trời Biển Đông…
Chắc chỉ là sự tình cờ, khi anh Phạm Thành chọn ngày ra mắt tập nhạc Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác vào dịp cuối Tháng Tư, khi mà người Việt hải ngoại khắp nơi kỷ niệm năm thứ 38 mất nước. Cầm tâp nhạc như một di sản văn hóa trong tay, nghĩ về Phạm Đình Chương cùng nền văn hóa Sài Gòn rực rỡ hơn 4 thập kỷ về trước, nhiều người không khỏi bùi ngùi. Đất nước đã qua gần 4 thập niên trăn trở. Nền kinh tế, chính trị vẫn chưa có lối thoát. Còn về văn hóa thì sao? Nền văn hóa Việt Nam trong nước hiện tại có điểm gì đặc biệt, có gì đáng tự hào? Người ta vẫn sáng tác, vẫn hát, vẫn đi nghe hát. Nhưng đâu là bản sắc của nền âm nhạc Việt Nam hôm nay?
Xin hãy nghe tâm sự của một đạo diễn còn trong nước Việt Nam, khi nhận được tập nhạc Phạm Đình Chương từ một người bạn ở Mỹ gởi tặng:
“…Tui chỉ có thể nói chữ "Trời ơi" vì H. đã dành cho tui một "di vật văn hóa" vô cùng quý giá…
…Tui vẫn luôn giữ và scan lại mọi thứ "xa xưa"... chỉ mong rằng thế hệ sau (ít ra là con mình) không được quên quá khứ (tất nhiên trong đó có văn hóa và tư tưởng).
Tui không biết lấy gì cám ơn H… chỉ mong rằng những "chia xẻ văn hóa" này có thể "động viên" mình trong thời kỳ hỗn mang (chaos) này…”
Trong bối cảnh văn hóa dân tộc đang xuống cấp như vậy, di sản văn hóa của Phạm Đình Chương để lại cho dân tộc Việt còn đáng trân quí hơn bao giờ hết…
VB
Để đặt sách, xin gởi order cho Phạm Thành tại địa chỉ email là: phamthanh@phamdinhchuong.com, phone: 951-973-3030. Xin cho biết tên, số cuốn muốn đặt và địa chỉ gửi sách đến.
Xin Gửi chi phiếu $25 USD/1 cuốn về: Pham Thành, 38638 Vista Del Bosque, Murrieta CA 92562. Chi phiếu xin viết cho: Pham Thành.
Giá trên chỉ áp dụng cho USA mà thôi. Đối với Canada, Australia hay Châu Âu, xin email để tính chi phí gửi.
Phạm Đình Chương & ban hợp ca Thăng Long tại phòng trà Đêm Màu Hồng
No comments:
Post a Comment