May 24, 2010

VƯỜN RAU ... XANH NGÁT MỘT MÀU


Vườn rau ...


vườn rau xanh ngát một màu


Có một, có một ...

...bà Liên chăm sóc
là ... lá ... la ... là ... la

ANH HÙNG – JAMES AUTO CENTER VÀ CÂU CHUYỆN PHIẾM VỀ SCANDAL XE TOYOTA TRÊN GIỚI TRUYỀN THÔNG MỸ



Anh Hùng, chủ tiệm garage James Auto Center

Ở Việt Nam hiện nay thì Toyota là xe hơi số một, cũng giống như trước 1975 dân Việt dùng chữ Honda để làm danh từ chung cho tất cả xe gắn máy hai bánh. Còn ở Mỹ, mấy tháng rồi thiên hạ cứ bàn tán về vụ scandal xe Toyota bị thu hồi vì kẹt chân ga, rồi bánh xe sơ cua dễ bị rớt. Tội nghiệp cho hãng xe Nhật này phải đối phó với các vụ kiện pháp lý, rồi chiến dịch marketing rầm rộ, tốn kém để kéo lại niềm tin của khách hàng. Các hãng xe Mỹ thì hả hê. Nhưng cũng có những người ái mộ Toyota đặt ra nghi vấn. Một hãng xe nổi tiếng bậc nhất thế giới về độ tin cậy, về quản trị chất lượng mà lại bị rơi vào những lỗi sơ đẳng như “bánh sơ cua dễ rớt” thì cũng lạ! Hay là bị các hãng xe Mỹ “chơi”??? Thực hư ra sao thì chưa biết, nhưng ở xứ sở tự do này thì ai muốn suy diễn sao cũng được.

Vì cũng là một “fan” của Toyota, tôi bèn tìm đến gặp anh Hùng, chủ nhân của tiệm James Auto Center, để hỏi ý kiến của anh về vụ này. Nghe nói tiệm của anh chuyên sửa các loại xe hơi của Nhật, nên chắc anh cũng rành về Toyota…

Anh Hùng đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành garage xe hơi ở đất Quận Cam này. Anh từng mở ở nhiều địa điểm khác nhau. Hiện nay tiệm James Auto Center nằm ở số 10711 Garden Grove Blvd ( gần đài truyền hình SBTN) hiện nay đã là 16 năm. Đây là một trong hai tiệm Gold Field Smoke Check Station duy nhất ở thành phố Garden Grove, có nghĩa là được sửa các xe cũ không đạt tiêu chuẩn về smog check bằng tiền tài trợ của chính phủ Bang Cali cho các gia đình nghèo. James Auto Center làm hầu hết các dịch vụ sửa xe hơi như làm máy, đại tu, sửa hộp số, làm thắng, làm điện, sửa bộ tản nhiệt…

Thoạt nhìn cái tiệm của anh Hùng thấy có vẻ cũ kỹ giống như một tiệm sửa xe hơi ở Ngã Ba Ông Tạ Sài GÒn ngày nào. Nhiều người đoán rằng khách hàng của anh chắc đa phần là khách Việt Nam, và đến sửa vì giá rẻ là chính. Nhưng họ đã lầm. Anh Hùng cho biết gần 80% khách hàng của anh không phải là người Mỹ gốc Việt. Mà giá cả phải chăng chỉ là một trong những lợi thế cạnh tranh của tiệm. Nhiều khách Mỹ đến sửa và quay lại vì nhận ra tính chân thật trong nghề nghiệp của chủ và thợ ở đây, định bịnh chính xác và chỉ làm những gì đáng phải sửa cho xe của khách hàng. Một điểm đáng nhắc đến nữa là việc chăm sóc khách hàng tận tâm, tử tế. Các Cha hay Sơ đến sửa xe ở đây cũng thường xuyên được “free of charge”, hay chỉ lấy tiền vật liệu tượng trưng, miễn tính công. Đối với một số khách hàng nữ chân yếu tay mềm, việc xe bị bể bánh trên đường là một nỗi lo lớn. Chỉ cần gọi phone, James Auto Center sẽ có người đến phụ thay bánh xe tại chỗ. Dàn thợ kinh nghiệm của James Auto Center thuộc loại “đa hệ”, có nghĩa là làm được nhiều việc và rành về nhiều loại xe, chứ không chỉ biết một loại như thợ của các dealer. Mà thợ ở đây phải làm đủ thứ việc để tiết kiệm chi phí cho “thợ vịn” theo kiểu của dealer, nên giá mới rẻ được. Để giữ được giàn thợ này, bản thân anh Hùng cũng phải biết làm hầu hết mọi việc trong garage. Anh cho biết anh đã đào tạo hơn gần hai chục thợ mà hiện nay đã trở thành chủ của những garage khác. “Bí quyết” mà anh truyền cho họ để có thể tồn tại ở xứ sở cạnh tranh gay gắt này: giữ vững được đạo đức nghề nghiệp.



Trở lại với đề tài “Toyota bị kiện”, anh Hùng cho rằng những vụ ầm ĩ trên báo chí, tivi Mỹ trong thời gian vừa qua mang màu sắc của một cuộc chiến thương mại nhiều hơn là về mặt kỹ thuật. Với hơn 20 năm trong nghề sửa xe, anh Hùng khẳng định Toyota vẫn là một trong những xe có độ tin cậy cao nhất. Những lỗi kỹ thuật của xe thì hãng nào cũng gặp. Chỉ có điều thay vì nhìn nó như là một trường hợp cá biệt, người ta thổi phồng nó lên một cách quá mức. Đã có rất nhiều trường hợp một số hiệu xe khác cũng bị lỗi, nhưng không bị báo chí làm rùm beng. Nguyên nhân của chiến dịch hạ bệ Toyota? Có thể là để cứu các hiệu xe Mỹ đang bị thua lỗ nặng nề, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng vừa qua. Trong một thời gian dài, xe Mỹ bị khách hàng chê là hao xăng, cho nên trong khuynh hướng xăng dầu tăng giá liên tục, người ta đổ qua xài xe Nhật. Một đặc điểm nữa của xe Mỹ là chỉ tốt trong khoảng 5 năm, sau đó hay bị hỏng lặt vặt. Trong khi xe Nhật thì 10 năm máy móc cũng ít khi gặp trục trặc. Giá xe Mỹ lại đắt so với những loại xe Nhật tương đương. Có nhiều người bảo rằng chính các công đoàn của các hãng xe hơi Mỹ, do bảo vệ những quyền lợi quá cao cho công nhân của mình, đã làm cho xe Mỹ không thể cạnh tranh nổi với xe Nhật. Các hãng xe Mỹ như Ford, GM khai báo lỗ nặng, khiến chính phủ phải hỗ trợ để vượt khủng hoảng. Trong các đợt quảng cáo sau đó, các hãng xe Mỹ đã phải dùng đến lòng yêu nước của dân Mỹ để khuyến khích người dân quay lại xử dụng xe Mỹ. Trong một hoàn cảnh bi đát cho ngành công nghiệp xe hơi Mỹ như vậy, đã có người tiên đoán trước là thế nào cũng sẽ có chiến dịch đánh vào xe Nhật. Và điều đó đã xảy ra!

Nói vậy không có nghĩa là kỹ thuật trong ngành xe hơi của Mỹ lạc hậu so với Nhật. Nước Mỹ đưa người lên mặt trăng, phóng được phi thuyền con thoi, thì chuyện chế ra một chiếc xe bền hơn, ít hao xăng hơn đâu có gì là khó. Theo anh Hùng, vấn đề ở chỗ là họ không nghĩ rằng những tiêu chuẩn này là quan trọng. Xăng ở Mỹ vẫn rẻ nhất thế giới, thì người dân đâu có lo về tiền đổ xăng. Đi xe sau 5 năm thì chủ xe phải nghĩ đến chuyện đổi xe đời mới đi cho sướng, vậy thì xe bền để làm gì? Điều đó đúng trong quá khứ. Nhưng nay thì hết rồi. Nước Mỹ đang nghèo đi. Cách tiêu xài xa xỉ, hoang phí theo kiểu chủ nghĩa tiêu thụ đó không còn phù hợp với nhiều người Mỹ nữa. Người đi xe bắt đầu chuyển qua mua xe Nhật với các giá trị rẻ, bền, ít hao nguyên liệu. Các hãng xe Mỹ muốn quay lại thì đã lỗ nặng, phải mất thời gian để chuẩn bị. Như vậy chiến thuật hay nhất trong lúc này là “ngáng chân” để đối thủ chậm lại cái đã.

Theo anh Hùng, mỗi hãng xe chọn cho mình một giới khách hàng riêng. Các hãng xe Nhật, tiêu biểu là Honda và Toyota, rất thành công đối với giới khách hàng có mức thu nhập trung bình và thấp. Các loại xe Toyota Corrolla, Honda Civic dành cho giới học sinh. Khi các em lớn lên đi làm bắt đầu có tiền, Camry và Accord là những chủng loại phù hợp. Cần sang trọng hơn nữa thì có Lexus, Acura. Cách chuẩn bị cho thị trường như vậy rất hiệu quả. Các hãng xe Châu Âu như Mercedez, BMW thì nhắm thẳng vào giới có nhiều tiền hơn trong xã hội. Cầm tay lái những chiếc xe này thì mức độ tiện nghi, sang trọng hơn hẳn xe Nhật. Nhưng tiền trả phải nhiều hơn, đặc biệt là tiền bảo dưỡng và sửa chữa là rất cao, không phải ai cũng kham nổi. Xe Mỹ nằm giữa hai phân khúc thị trường này, mà lợi thế cạnh tranh không rõ ràng lắm. Gần đây các nhà sản xuất Đại Hàn cũng bắt đầu tham gia thị trường, chủ yếu là cạnh tranh với khách hàng của xe Nhật. Xe Đại Hàn rất rẻ, điều kiện bảo hành hấp dẫn, nhưng có điều cũng hay bị hư lặt vặt, thí dụ như phần điện. Nghe nói xe Trung Quốc cũng đã ngấp nghé vào thị trường Mỹ. Hiện nay họ vẫn chưa vượt qua được những tiêu chuẩn rất chặt chẽ của chính phủ Mỹ qui định về sản xuất xe hơi. Không biết người Mỹ đã học được bài học trong quá khứ về hàng hóa Trung Quốc hay chưa.

Tóm lại, anh Hùng vẫn cứ trung thành với Toyota. Ở cái xứ Mỹ, giới truyền thông rất có quyền lực, to mồm và lắm ý đồ. Nếu không tỉnh táo, biết nhìn vấn đề từ nhiều hướng, để rơi vào trận địa truyền thông của họ, thì đôi khi cũng giống như chỉ nhận thông tin một chiều vậy. Từ vụ xe hơi, nghĩ lại vụ Tiger Woods bị giới truyền thông knock-out. Có thực là những bê bối của kỳ thủ đánh golf này mới được phát hiện, hay là tại vì giới truyền thông chỉ tung tin ra vào lúc này vì một ý đồ nào khác?

Đúng là chuyện phiếm về truyền thông ở Mỹ…

Đoàn Hưng

May 19, 2010

DOÃN QUỐC AN NHIÊN hát

Các "ca sĩ" bạn của Nô bước lên sân khấu



Tất cả vào thế chuẩn bị trình diễn.


Nô cũng đã sẵn sàng hát.


Ban hợp xướng của trường Nô gồm đủ màu da.


Trong đó các bạn da trắng là ... thiểu số.


Nhóm của Nô hát với Thầy


và múa với nhau


Nô hát solo đợt 1



Nô hát solo đợt 2



Các bạn nhóm khác hát với Thầy


Các bạn vừa hát vừa múa


Ngoài ra còn có 4 bạn khác múa minh hoạ thêm bên ngoài





Cựu học sinh của trường quay về hát


Nhóm của Nô quay lại hát bài "Gooood byeeee"


rồi ... các ca ca sĩ rời sân khấu,
ai về nhà nấy.


GOOOD BYEEEE khán thính giả !

HƯƠNG - Việt Anh VdA Vô Danh

香香香
香香香
香香香


Thanh Hương thân mến,

Thật ra chữ "Hương" 香 nghĩa là "thơm ngon" trong cái nghĩa "hương vị " ( muì và vị) , nếu ghép với chữ khác thì mới có nghĩa "hương thơm".

Chính vì vậy , nguyên thủy , chư~ "hương" viết trên là chữ "hoà" 禾 ( cây lúa, cây "gạo") và dưới là chữ "cam" 甘 ( là "ngọt" ngào). Nhưng về sau, ngươì ta viết sai chữ "cam" thành chữ "nhật" 日... và cứ sai như thế cho đến ngày nay !

Ai không tin thì xem kiểu chữ triện , thì sẽ thấy "hương" thời Tần viết như thế nào !

VdA





May 18, 2010

VIET-CARE VÀ NGÀY SỨC KHỎE TINH THẦN KỲ II (15-05-2010): THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ BỆNH TÂM LÝ Ở NGƯỜI VIỆT ĐẤT MỸ

Anh Paul Hoàng và ban tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ II

Vào ngày Thứ Bảy 15-05-2010, Viet-Care sẽ tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ II tại Acacia Adults Services ,11391 Acacia Parkway Garden Grove, CA 92840. Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ I diễn ra vào tháng 05 năm ngoái cũng đã được sự hưởng ứng đông đảo của đồng bào tại khu vực Quận Cam Nam Cali. Việc thành lập hội bất vụ lợi Viet-Care cũng như việc tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần đều có cùng một mục đích: đem thêm sự hiểu biết về các chứng bệnh tâm lý, cùng cách điều trị, đối xử với bệnh nhân đến với cộng đồng Người Việt Ở Mỹ. Xin mời quí độc giả cùng nghe anh Paul Hoàng- Chủ Tịch của Viet-Care – nói về sự kiện có ý nghĩa này…

Anh Paul Hoàng tốt nghiệp Cao Học Ngành Tâm Lý Xã Hội ở Chicago vào năm 2006. Anh đã từng là Sư Huynh của Dòng Ngôi Lời, đã đi nhiều nơi để truyền giáo và làm công việc từ thiện xã hội. Anh đã từng điều trị tâm lý cho các trẻ em mắc bệnh tâm thần, đã từng làm tư vấn tinh thần cho thanh thiếu niên băng đảng, đã từng giúp đỡ những người vô gia cư thuộc đủ mọi sắc tộc khác nhau trên nước Mỹ, trong đó có cả người Việt. Khi so sánh với các sắc tộc khác, anh Paul nhận thấy người Việt ít có những thống kê trong cộng đồng về căn bệnh này, do đó việc kêu gọi sự giúp đỡ gặp khó khăn hơn các sắc tộc khác.

Trong một chương trình nghiên cứu của mình trong thời gian còn đi học, anh Paul đã kết luận rằng khi so sánh với các sắc tộc khác ở Mỹ, số lượng người Việt mắc các chứng bệnh tâm lý, tâm thần mà không đi chữa trị chiếm tỉ lệ cao hơn. Những chứng bệnh tâm lý hay gặp ở trong cộng đồng chúng ta là chứng rối loạn căng thẳng sau những chấn thương tâm lý, chứng trầm cảm, chứng lo âu quá độ. Có thể lý giải được cho sự xuất hiện của những căn bệnh này. Nhiều người Việt bỏ nước sang định cư ở Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời. Những bạo hành, ngược đãi trong trại cải tạo ở Việt Nam. Những ký ức khủng khiếp trong những chuyến vượt biên, phải chứng những cảnh hãm hiếp, chết chóc... Những thay đổi về quan niệm gia đình, xã hội do sự khác biệt giữa hai truyền thống Mỹ - Việt, dẫn đến những đỗ vỡ, mất mát trong cuộc sống. Những yếu tố này đã tạo ra những vết thương tâm lý tiềm ẩn, sau một thời gian không được điều trị đúng mức sẽ phát triển thành bệnh lý mãn tính.

Nguyên nhân nào khiến nhiều người Việt không đi chữa trị các bệnh về tâm lý? Theo anh Paul, nguyên nhân đầu tiên là vì những giới hạn về ngôn ngữ và thu nhập. Báo cáo mới nhất trong năm 2010 của tổ chức Đánh Giá Nhu Cầu Về Sức Khỏe Quận Cam (OCHNA) đã đưa ra những thống kê rất đáng báo động về tình trạng chăm sóc y tế của cộng đồng chúng ta. Một cách tổng quát, so với các sắc tộc khác, người Việt ở Quận Cam có tỉ lệ đi khám bác sĩ định kỳ để phát hiện bịnh sớm -kể cả bệnh tâm lý lẫn bệnh thực thể - là rất thấp (tỉ lệ là 1/5). Nguyên nhân chính là vì thu nhập thấp và ngại nói tiếng Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng khi phát hiện ra bệnh thường đã quá nặng. Nguyên nhân thứ hai, thường liên quan đến các bệnh về tâm lý, là do những thành kiến sai lầm của người Việt từ xa xưa về căn bệnh tâm thần. Theo cách nhìn truyền thống của người Việt, bệnh tâm thần thể hiện sự yếu đuối về mặt tinh thần. Nhà có người mắc bệnh tâm thần là đáng xấu hổ, nên thường tìm cách che dấu. Một người trong nhà mắc bệnh có khi được coi là do ma quỉ ám, hoặc là sự trừng phạt của thượng đế về những điều ác đã gây ra. Sự thiếu hiểu biết của người trong gia đình như vậy đã đẩy bệnh nhân vào chỗ tuyệt vọng lý ra không đáng có. Anh Paul kể những trường hợp xảy ra trong các gia đình Việt ở Mỹ rất đáng thương. Một số người ở giai đoạn đầu của bịnh trầm cảm, có biểu hiện xa lánh gia đình xã hội, thay vì được quan tâm, chăm sóc lại bị gia đình chửi mắng, khiến họ càng rút vào thế giới tâm bệnh của mình, làm cho bệnh trầm trọng thêm. Một số gia đình còn trói con bị bệnh trong nhà và đánh đập khi lên cơn. Khó có thể tưởng tượng những cảnh như vậy mà lại diễn ra ở xứ sở văn minh này! Cũng đáng tội cho những gia đình như vậy vì họ thiếu hiểu biết, và hành động theo những định kiến của xã hội cũ.

Theo cách nhìn về y học, những người mắc bệnh tâm thần đáng thương hơn nhiều. Một số phát hiện mới đây cho thấy có trường hợp bệnh tâm lý là do những kích thích tố bất thường gây ra. Có nghĩa là cũng giống như một số bệnh thực thể khác. Nhiều trường hợp tâm bệnh là do ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh, mà gia đình là một trong những yếu tố rất quan trọng vào bậc nhất. Nếu được phát hiện và chữa trị sớm, được người thân thương yêu giúp đỡ, nhiều người bệnh có khả năng trở lại bình thường. Che dấu người bệnh trong nhà, để bệnh tình trở nên trầm trọng, vô tình người thân đã hủy hoại chính tương lai của con em mình, biến người bệnh thành một gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.

Nhận thức rõ được bối cảnh này, anh Paul và một số chuyên gia về sức khỏe tinh thần, về tâm lý gia đình xã hội người Việt đã ngồi lại và thành lập Việt-Care vào ngày 20-07-2008. Hiện nay Viet-Care có 5 thành viên trong Ban Quản Trị và hơn 20 cộng tác viên. Mục tiêu và sứ mệnh của Viet-Care có thể tóm tắt:
- Đem lại kiến thức, kỹ thuật để hỗ trợ cộng đồng trong việc giúp đỡ và chữa trị cho người mắc bệnh tâm lý, đặc biệt là khôi phục lại quyền bình đẳng, sự thông cảm của người bệnh trước xã hội, cộng đồng.
- Hơp lực các nguồn lực, kết hợp các chuyên gia trong lĩnh vực bệnh tâm lý với nhau để hỗ trợ nhau trong việc điều trị cho các bệnh nhân của cộng đồng.
- Tranh đấu các chính sách của chính quyền dành cho bệnh nhân & gia đình
- Tìm ra một phương cách điều trị phù hợp cho các bệnh nhân gốc Việt. Nên nhớ không phải các phương pháp chữa trị tâm lý dành cho người Âu Mỹ đều có thể áp dụng thành công đối với các bệnh nhân gốc Á Đông, do sự khác biệt về văn hóa.

Viet-Care có chương trình radio VietView phát trên đài Little Saigon vào tối Thứ Hai hàng tuần (8:00PM-9:00 PM) để phổ biến thông tin về sức khỏe tinh thần đến thính giả. Ngày Sức Khỏe Tinh Thần là một trong những hoạt động định kỳ hằng năm của Viet-Care hiện nay. Mục đích chính của sự kiện miễn phí này cũng là đem lại cho cộng đồng những kiến thức quan trọng cần biết về tâm lý bệnh, từ đó mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn đối với bệnh nhân. Người tham dự cũng biết thêm các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng hiện nay có thể giúp đỡ về mặt phát hiện, điều trị các căn bệnh tâm lý. Ngày Sức Khỏe Tinh Thần lần I vào năm ngoái đặt trọng tâm vào vai trò của giới lãnh đạo tinh thần, tôn giáo, lãnh đạo cộng đồng. Anh Paul cho biết đã có trường gia đình bệnh nhân đến gặp một vị tu sĩ để xin được giúp ý kiến, thì vị này khuyên là hãy về cầu nguyện thêm, chứ không nhắc đến việc gặp bác sĩ điều trị! Chủ đề của Ngày Sức Khỏe Tinh Thần năm nay là “Sức Khỏe Tinh Thần Là Việc Hệ Trọng Của Gia Đình”. Viet-Care lần này muốn đề cao vai trò của gia đình trong việc phát hiện, điều trị bệnh tâm lý cho người thân của mình. Gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Năm nay sẽ có những buổi nói chuyện về vấn đề sức khỏe tinh thần, tâm lý dành cho mọi lứa tuổi trong gia đình: thiếu niên, thanh niên, người lớn và người cao niên. Đây sẽ là dịp người tham dự nghe những kiến thức cơ bản, quan trọng về tâm lý bệnh. Có chỗ khám sơ quát về bệnh trầm cảm. Mọi người ở mọi độ tuổi đều có thể tìm thấy hữu ích khi tham gia chương trình. Ngay cả khi trong gia đình không có người bệnh tâm lý, việc biết thêm về triệu chứng ban đầu để phát hiện sớm, biết cách phòng ngừa bệnh cũng là một điều cần thiết.

Có thêm một người hiểu biết hơn về sức khỏe tinh thần, có thêm một gia đình biết cách đối xử phù hợp với người bệnh tâm lý, khả năng đưa thêm một người bệnh trở lại đời sống bình thường sẽ cao hơn, và cộng đồng chúng ta sẽ lành mạnh hơn về mặt tinh thần trong tương lai. Đó cũng là mong ước của Viet-Care và những người tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ II…

Đoàn Hưng


Tổ Chức Viet-Care trong ngày kỷ niệm đệ nhất chu niên


May 16, 2010

Thư gửi các cụ - Doãn chị Hai


Các "gà" bố, gà "mẹ"

Thư gửi các cụ,

Con cứ nhủ lòng rằng, bố mẹ cùng cô chú bây giờ già rồi, một 1 những thú vui có lẽ là lâu lâu được nghe các con cháu từ xa kể chuyện này nọ - vậy mà lâu lắm con chưa làm chuyện đó, vì cứ để những bận bịu, những vui chơi của đời sống nó cuốn mình đi băng băng...

Nay nhân dịp chúchú nằm nhà thương, rồi nghỉ ngơi sau dịp mổ, con bảo mình phải thực hiện lời hứa đi chứ, không được lần lữa nữa.

Trước hết phải kể cho các cụ nghe rằng nhà Peel Road bây giờ vắng hoe: anh Anh mua nhà hồi tháng 8 năm ngoái, thì Bi cũng dọn ra ở với Anh cho ... tự do. Nay tới lượt Xiu, sau khi đi làm được 2 tháng là đã hớn hở cùng với bạn mướn apartment gần chỗ làm share với nhau. Thế là căn nhà 4 phòng chỉ còn 2 ông bà già và thằng Em Bé!!

Thằng Xiu ra riêng là con lo hơn thằng Anh với Bi nhiều – Anh tính kỷ luật, gọn gàng sạch sẽ, nhất là không ẩu tả về chuyện ăn uống. Ông Xiu thì lười, cẩu thả, sẽ có nhiều triển vọng ăn đường ăn chợ và sống trong ... 1 cái chuồng heo! Mà y chang như thế, 1 tuần sau khi dọn ra nó xẹt về nhà ăn cơm với bố mẹ, khi về lại nói “Xiu chưa đi chợ, Xiu mượn mẹ hộp trứng nghe” Thế rồi chàng ra tay lấy trứng, lấy thêm dầu, đường, tea bags :) Mẹ nó biết ý bèn gói thêm cho gói bacon, chai maggi, 1 lọ tiêu, 1 lọ muối (chính là gia tài của dì Ngọc cái thủa làm việc tại Wollongong đó)

Thằng Anh thấy thế bèn cười cười: “Mẹ có nhận credit card không? Xiu!! Mày phải đưa thẻ ra cho mẹ chà!!!”

Gà bố gà mẹ mà thiếu gà con thì buồn lắm – cho dù rằng tụi nó bây giờ thành gà cồ cả rồi .Bởi vậy con mới ra lệnh là tối thứ ba hàng tuần cả lũ phải về ăn cơm với bố mẹ. Ít ra là tụi nó có 1 ngày gặp nhau, 1 ngày được ăn cơm Việt Nam mẹ nấu.

Thứ ba cũng là ngày Bi dạy bố G học piano – ôi chao cái vụ này cũng là 1 chuyện dài nhân dân tự vận... Bố nó về hưu quá guởn, sẵn cái piano của Bi ngày xưa, bèn nghĩ rằng ... khiếu văn nghệ của mình cũng chẳng thua ai, bèn bắt con dạy đánh đàn. Học từ năm ngoái, học sang tới năm nay , vẫn chưa xong ... cuốn Methode Rose. Hàng xóm có ông cụ 95 tuổi điếc, nên bình chân như vại, còn chung quanh thì thấy rục rịch bán nhà ...

A, bố G nó bây giờ có cả 1 thời khóa biểu trong tuần: ăn sáng xong ra sân tennis tập thể thao và dợt banh trên tường; 2 lần / tuần chơi tennis với 1 anh già 70 người Nga; tối thứ sáu tennis với nhóm trẻ; thứ ba đi bộ với nhóm người già về hưu - chuyện này là 1 dịch vụ free của Úc, có guide dắt các cụ đi bộ trong vùng, coi như vừa thể thao giữ sức khỏe, vừa đi thăm các danh lam thắng cảnh của tiểu bang. Bố G nó khoái tỉ lắm, nói 7 ngày không đủ thì giờ để vui chơi J

Còn con thì vẫn vui với việc làm ở thư viện Parramatta. Công việc chẳng bao giờ nhàm chán vì shifts thì thay đổi khi sáng khi tối, khi thì làm ở trung tâm, khi thì làm ở những thư viện chi nhánh. Những mặt khách mình phải tiếp thì cũng đủ kiểu, đủ loại người, đủ các sắc dân. Có những người dễ thương, biết công mình ra sức phục vụ khách, có những ông bà già cô đơn chỉ cần có người hỏi han, nói thêm vài câu chuyện đời ngoài việc đưa cho mượn quyển sách - thấy họ vui con cũng vui. Và cũng có những người chỉ biết đòi hỏi và cằn nhằn, thì con cũng chỉ thấy tức cười cái sự lớn lối của họ ...

Thường thường cứ cách tuần thì vợ chồng con với vợ chồng T-AM hẹn nhau đi bộ. Bọn con cứ chấm 1 địa điểm đẹp chưa đi tới, có đường cho người đi bush walk - thế là lên đường ... hành quân, giày vớ đi bộ đàng hoàng, có gậy chống tử tế vì có những đoạn đường phải trèo đèo lội suối cũng châm lắm. Ba lô cũng cụ bị đủ thứ: mùa hè thì có nước lạnh bánh trái, mùa đông thì có thermos trà nóng và 1 flask cognac XO cùng vài gói đồ nhậu. Đoạn đường đi thường dài khoảng 4 tới 8 kms, cứ được nửa đường thì tìm 1 chỗ đẹp ngừng chân nghỉ ngơi, giở đồ nhậu ra và ... khà 1 vài ngụm cognac - mấy ông khoái lắm, mấy bà cũng nhấm nháp theo ... Hết đoạn đường bèn quay trở lại, lên xe đi tìm 1 quán ăn ngon để tự thưởng mình ... vừa mới tiêu 2 kí mỡ J Thỉnh thoảng cả đám lại quyết định thám hiểm món ăn lạ, tỉ như kỳ đi ăn thử đồ ăn Afghanistan. Kết quả: dở ẹc! Phí cả tiền!! thằng Hiển nghe chuyện cằn nhằn: “hết ý rồi sao mà đi ăn 1 cái xứ chỉ toàn đá, mà còn chọi đá xử người nữa chứ...”

Rồi, con nghĩ bữa nay viết như thế là đủ cho các cụ vui rồi. Hẹn các cụ mai mốt có hứng thì con viết nữa nha ...

Con Thanh

Các "gà cồ"

SINH VIÊN HỌC SINH VIỆT NAM ĐI DU HỌC Ở MỸ: THẾ HỆ TỊ NẠN GIÁO DỤC MỚI CỦA DÂN TỘC VIỆT TRONG THẾ KỶ 21


Nhìn lại 35 năm lịch sử tị nạn, ai trong chúng ta cũng dễ dàng hình dung ra từng chặng đường ly hương của mình kể từ Tháng Tư Đen 1975. Những đợt di tản đầu tiên sau ngày mất nước. Kế đến, cuối thập niên 70 là thời kỳ bắt đầu cho những đợt vượt biên, đánh đổi mạng sống đi tìm tự do, ghi vào lịch sử tị nạn thế giới 4 chữ “Thuyền Nhân Việt Nam”. Đến đầu thập niên 90, những đợt ra đi theo các chương trình H.O bắt đầu. Trễ hơn một chút là những gia đình đi theo dạng bảo lãnh, đoàn tụ. Khoảng hai triệu người Việt chúng ta ở Mỹ ngày hôm nay là kết quả của những dợt di dân liên tục đó.

Sau 35 năm, có phải phong trào rời nước ra đi đã thuộc về quá khứ? Câu trả lời là không. Chỉ có điều mức độ, hình thức thì có khác. Đã và đang hình thành một thế hệ “người Việt tị nạn mới” khắp nơi trên nước Mỹ. Chúng ta có thể gọi tên thế hệ này là “thế hệ tị nạn giáo dục”- những du học sinh, sinh viên đến từ Việt Nam. Sự bùng nổ số lượng du học sinh đến từ một nước nghèo như Việt Nam là một sự kiến đáng cho chúng ta suy gẫm…

Đầu tiên phải xác định rằng “du học sinh Việt Nam” được nhắc tới trong bài viết này không bao gồm thành phần con cháu các quan chức lớn của chính quyền Việt Nam, được gởi sang để làm kinh tế, hay rửa tiền. Họ đi nước ngoài không phải để học, nên không thể gọi là du học sinh được. Không ai có thể biết được chính xác, nhưng có lẽ họ chiếm tỉ lệ không nhiều so với con số du học sinh Việt Nam hiện nay.

Sẽ không khó khăn lắm để tìm ra các em du học sinh Việt Nam thực sự ở các trường trung học, đại học ở Quận Cam, San Diego, San Jose và nhiều nơi nữa ở Cali. Thật ta, các du học sinh Việt Nam đi học ở rất nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Singapore, Úc … Đông nhất vẫn là ở Mỹ. Dù không có số lượng thống kê chính thức, nhưng có thể tin rằng bang Cali là nơi có số lượng du học sinh Việt Nam đông đảo nhất.

Tại sao hiện tượng đi du học đang bùng nổ tại Việt Nam? Có nhiều nguyên nhân, nhưng hai nguyên nhân chính thuộc về giáo dục và kinh tế. Xét về khía cạnh giáo dục, người dân đã hoàn toàn mất niềm tin với hệ thống giáo dục của nhà nước Việt Nam. Đã từ hơn một chục năm nay, nhà nước hô hào cải cách giáo dục, nhưng xem ra mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Chương trình học quá từ chương, mang tính chất nhồi sọ nhiều hơn là phát triển trí tuệ. Học sinh tại các trường trung học đi học thêm cả ngày, học đến kiệt sức của tuổi thơ mà tri thức vẫn nghèo. Sinh viên đại học thì vẫn học theo cách của trung học, tức là nặng lý thuyết mà ít thực hành, không phát triển được sự sáng tạo của sinh viên. Ở Việt Nam vẫn thường nói mỉa mai đại học Việt Nam là đi học lớp 13, 14, 15,16. Điều quan trọng hơn là chương trình giáo dục không theo kịp của những thay đổi của kinh tế, xã hội, cho nên sinh viên ra trường thường khả năng thích ứng với môi trường làm việc kém, đặc biệt là đối với các công ty nước ngoài. Xét về khía cạnh kinh tế, sinh viên đi du học khi ra trường có nhiều hy vọng kiếm được những công việc có mức lương cao hơn. Các công ty nước ngoài ở Việt Nam thường ưu tiên tuyển dụng các em có bằng cấp nước ngoài hơn, vì các em có khả năng làm việc tốt trong môi trường kinh doanh của các quốc gia đã phát triển. Các công ty lớn trong nước muốn kinh doanh với nước ngoài thành công cũng cần đến nguồn nhân lực được đào tạo tại nước ngoài. Một cơ hội lớn khác đối với các em là, nếu học giỏi, các em sẽ có khả năng được các công ty Mỹ giữ lại làm việc.


Rất nhiều các em đi du học là học sinh của các trường trung học nổi tiếng tại Sài Gòn. Nhiều em học giỏi thuộc hàng đầu của trường, của thành phố. Có thể nói các em là chất xám tương lai của đất nước. Một câu hỏi hay được đặt ra là gia đình các em thuộc thành phần nào, làm gì ở Việt Nam mà có tiền cho con đi du học? Không trả lời được câu hỏi này, nhiều người dễ kết luận chung là “ tất cả du học sinh đều là con cán bộ cao cấp, vì chỉ có cán bộ mới đủ tiền cho con đi du học”! Một số em đang học tại các trường thuộc bang Cali cho biết cha mẹ mình là giới trí thức, kinh doanh ở Sài Gòn. Họ đang làm cho các công ty nước ngoài, hoặc làm chủ các doanh nghiệp thành công trong nước. Với mức thu nhập trên 2,000 Đô La Mỹ một tháng là họ đã có thể nghĩ đến việc cho con đi du học. Cộng thêm với tiền thu được từ việc mua bán đất, hoặc mua bán chứng khoán, số tiền dành dụm của gia đình trong khoảng 10 năm là tạm đủ để cho một đứa con đi học ở Mỹ. Thay vì dùng số tiền này để có một cuộc sống sung túc, họ đã đổ dồn hết vào việc lo cho con có một tương lai tươi sáng hơn bằng cách đi du học. Giống như trước 30 năm trước đây chúng ta đã từng đổ cả gia tài để có một vài người trong gia đình đi vượt biên. Có một gia đình ở Sài Gòn, chồng là kỹ sư, vợ là bác sĩ, cả hai đều đang làm việc cho các công ty nước ngoài. Họ còn đầu tư được một miếng đất đã mua từ 10 năm trước. Toàn bộ gia sản được dồn vào để đưa cậu con trai đầu lòng đi học đại học ở Cali. Bữa cơm chiều của họ- một gia đình trung lưu ở Sài Gòn- có khi chỉ là một nồi canh để tiết kiệm chi phí gia đình. Nhìn hình ảnh này để thấy sự hy sinh vô bờ bến của nhiều bậc cha mẹ trong nước, theo truyền thống “tất cả cho con cái” của gia đình Việt Nam, khi quyết định cho con đi du học.

Hoàn cảnh ăn, học của du học sinh Việt trên đất Mỹ hiện nay ra sao? Đa phần, các em không gặp khó khăn trong việc học chuyên môn, vì các em đã từng là những học sinh xuất sắc ở quê nhà. Nhiều em cố học thật nhiều (khoảng 19 units một học kỳ) để nhanh chóng ra trường, vì biết bố mẹ đang rất vất vả để gánh học phí của mình. Nhưng không phải em nào cũng có khả năng nhanh chóng hòa nhập vào không khí của học đường và xã hội Mỹ. Nhiều em đang học ở Cali được ở chung với họ hàng (thường là cô, dì, chú, bác), nên cũng đỡ cảm thấy bở ngỡ, cô đơn. Tuy nhiên đâu có ai thay thế được sự thương yêu của cha mẹ mình được. Có những em gái dành một ngày cả tiếng đồng hồ để nói chuyện điện thoại với mẹ ở Việt Nam cho đỡ nhớ. Có những em nhớ nhà, nhớ bạn bè ở Việt Nam quá, xin về lại Việt Nam, nhưng bố mẹ phải khuyến khích để các em cố gắng ở lại để hoàn tất việc học của mình. Đối với cộng đồng, các em ngần ngại khi tiếp xúc vì không lường trước được phản ứng của mọi người.

Các em hoạch định tương lai ra sao? Sẽ trở về hay tìm cách ở lại đi làm tại Mỹ? Các em ý thức được sự hy sinh lớn lao của cha mẹ dành cho mình, ý thức được mình sẽ là đầu tàu của gia đình trong tương lai. Quyết định về hay ở phụ thuộc vào ý nguyện của cha mẹ và của chính các em nữa. Có em muốn về lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Như đã nhắc ở phần trên, khả năng kiếm được một công việc lương cao ở quê nhà là rất lớn. Có em còn muốn về với hy vọng có thể làm thay đổi đất nước. Khi cha hỏi đất nước đâu có dễ gì thay đổi mà con về làm gì, em nói rằng mình phải vững tin chứ. Ở Mỹ có ai trước đây nghĩ rằng sẽ có ngày tổng thống là người da màu đâu, vậy mà bây giờ ông Obama lên rồi đó. Ít ra thì việc hít thở bầu không khí tự do, dân chủ ở Mỹ trong bốn năm cũng làm cho các em có một cái nhìn mới tích cực hơn so với các bạn đồng trang lứa ở quê nhà. Tuổi trẻ Việt Nam trong nước bây giờ thụ động lắm, ít dám nghĩ xa trông rộng. Cũng có nhiều em dự trù ở lại. Nếu học giỏi để có một công ty Mỹ nhận đi làm trong vòng một năm sau khi ra trường, các em sẽ chính thức được cấp visa làm việc, rồi sau đó là thẻ xanh, rồi trở thành công dân Mỹ. Làm việc ở Mỹ mới có thu nhập thực sự xứng đáng với số tiền mà cha mẹ đã bỏ ra cho các em đi du học. Các em sẽ giúp đỡ gia đình được nhiều hơn. Và quan trọng hơn nữa, các em có thể là đầu tàu để đưa gia đình sang định cư ở Mỹ trong tương lai. Có em được dặn dò rằng cha mẹ chỉ đủ tiền lo cho con đi du học, sau này con phải lo cho em mình. Cũng giống như trước đây một gia đình lo cho một người con đi vượt biên vậy. Điểm giống là cha mẹ cũng nhìn thấy đất nước chưa sáng sủa trong tương lai. Điểm khác là hồi xưa việc ra đi có thể được đánh đổi bởi sinh mạng, còn bây giờ chỉ dừng ở mức độ toàn bộ số tiền dành dụm của gia đình mà thôi.

Nhìn các em du học sinh Việt Nam ở Mỹ dưới góc độ như vậy, ta sẽ dễ thông cảm với gia đình và các em hơn. Dù ở lại hay quay về, các em cũng là niềm hy vọng của gia đình, của đất nước Việt Nam trong tương lai. Các em xứng đáng được sự quan tâm hơn của cộng đồng người Việt ở Mỹ chúng ta, tinh thần tương thân tương ái mà chúng ta đã dành cho nhau trong quá khứ, khi người đi trước dan tay ra đón các đợt người Việt tị nạn đến sau vậy…

Đoàn Hưng

May 9, 2010

TÌNH CON CHO MẸ - Sen Trắng

Mẹ cho con một cuộc đời
À ơi ru mãi những lời yêu thương
Bên con suốt những chặng đường
Cho con tất cả, lẻ thường xãy ra
Tình mẹ với cả bao la
Đưa con vượt khó, bay xa nghìn trùng.
Lặng nghe lời hát sao thương
“Mẹ là nếp mật, là đường mía lau”

Mẹ luôn cho những ngọt ngào
Gian nan, khổ nhọc mẹ nào quản chi
Mẹ ơi, con phải làm gì?
Khi mẹ đau ốm con thì ở xa
Ước chi con được gần nhà
Đở đần cho mẹ gọi là trả ơn
Sanh thành dưỡng dục công ơn
Nuôi con khôn lớn cao hơn với đời
Thương con một, thương mẹ mười
Tình con cho mẹ mãi ngời trong tim.

Sen Trắng

4-07-10

* Riêng tặng chị DTH và bác gái

May 8, 2010

MẸ TÔI - chị Cun





Chủ nhật naỳ là ngày MOTHER'S DAY, đối với tôi, đây là ngày lễ ý nghĩa nhất trong năm cuả Mỹ. Dù đã được làm Mẹ 18 năm nay, tôi vẫn chưa có "thói quen" nghĩ mình là "nhân vật chính" trong ngày này, chưa có thói quen mong đợi những điều đặc biệt từ con cho mình. Tôi vẫn nghĩ nhiều hơn đến vai trò làm con, và luôn phải làm gì đó cho mẹ của mình. Vai trò này mình đã có được 47 năm nay rồi mà !

Mẹ tôi là một người đàn bà đặc biệt (có lẽ trong mắt con, mẹ mình bao giờ cũng đặc biệt cả!!), đặc biệt là ở chỗ Mẹ có được những khả năng, những nghị lực khác thường so với những người đàn bà Việt Nam cùng thế hệ. Mẹ tôi đã 85 tuổi, đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chuyển mình của đất nước. Mẹ thuộc lịch sử, thơ văn, ca dao tục ngữ vanh vách, Mẹ hát nhiều bản nhạc tiền chiến, Mẹ hát cả những bài nhạc sinh hoạt hướng đạo học lóm từ các cậu em, Mẹ nói được tiếng Pháp, lõm bõm tiếng Anh (vì mới sang Mỹ sau naỳ). Sau 5 năm sống ở Mỹ, Mẹ đã "hiên ngang" đi thi quốc tịch bằng tiếng Anh, không cần thông dịch viên, và đã pass ngay lần đầu. Mẹ đọc báo, nghe tin tức từ radio, TV, và rất thích thú phân tích, bàn thảo chuyện chính tri, chuyện thời cuộc khắp nơi trên thế giới. Mẹ đã sinh ra, nuôi lớn và vẫn tiếp tục lo lắng cho 12 đứa con, 9 gái, 3 trai. Mẹ đã tròn bổn phận với chồng, với gia đình chồng. Cho đến khi bố tôi qua đời, lúc đó tuy đã ở tuổi 83, Mẹ vẫn là người chăm nom từ miếng ăn, tấm áo cho bố (đã bị stroke, hai chân không đi lại được) dù chính Mẹ cũng không còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn như xưa.

Đó là chưa kể những bương chải của Mẹ trong thời gian bố đi học tập cải tạo. Nhờ sự tháo vát và hi sinh của Mẹ, các con vẫn no đủ, sung túc những năm vắng bố sau 1975. Mẹ đã biến chuyện bị đày đi kinh tế mới lao động nhọc nhằn thành một chuyến đi nghỉ mát lí thú cho các con. Năm 1978, khi gia đình tôi bị chính quyền việt cộng kiểm kê tài sản và bị đuổi đi kinh tế mới, Mẹ đã xoay sở mua được một miếng đất ở Long Thành, ngay cây số 76 trên đường Saigon-Vung Tau, và đăng kí đi hồi hương. Thế là muà hè năm đó cả nhà dọn về Long Thành, đối vời dân sinh ra và lớn lên ở SG thì đây đúng là một cuộc nghỉ hè thú vị, mấy chị em tôi được sống trong mái nhà tranh, vách đất, được cuốc đất, trồng khoai, uống nước giếng, thắp đèn dầu. Thú nhất là ban đêm được nhìn trăng sao lấp lánh, đom đóm bay lập lòe, nghe ếch nhái kêu inh ỏi (những thứ này ở SG làm gì có!!). Buồn buồn thì nhảy lên xe đò ra Vũng Tàu tắm biển. Hết một mùa hè, Mẹ lại lo được cho các con trở về mái nhà xưa, đi học trở lại, chứ không bi lam lũ, thất học cả đời. Nhắm tình hình không ổn cho lũ con với cái lí lịch “bố nguỵ, mẹ tư sản”, năm 1979, mẹ lo cho 3 chị tôi đi vượt biên. Sang năm 1980, mẹ cho tôi và em trai theo gia đình chị cả vượt biên. Một lần nữa, trong khi biết bao người gặp gian nan trên biển, nhọc nhằn ở trại tị nạn, thì đối với tôi, đây lại là một mùa hè thú vị khác. Sau 4 ngày đói khát, mệt nhòai nhưng bình an vô sự trên biển, chúng tôi đến Indonesia, sau đó sống ở trại tị nạn Galang đúng 4 tháng . Trong thời gian này, tôi đi dạy anh văn, tham gia sinh hoạt thanh niên, văn nghệ, văn gừng, tắm biển, và thương nhớ những người thân yêu còn kẹt lại. Ngày 17 tháng 8, 1980, tôi đến Mỹ, vừa đủ 2 tuần lễ để chuẩn bị vào niên học mới, không một chút gián đoạn nào. Trong suốt 10 năm sau đó Mẹ ở lại với cô con gái Út, một mình chống chỏi với bọn công an phường khóm tối ngày kiếm chuyện muốn cướp đoạt căn nhà của Mẹ. Một tay Mẹ không những đã lo thăm nuôi, tiếp tế cho chồng và em trai ở …. tù trong (trại cải tạo), mà còn cưu mang 17 người họ hàng thân thích ở …tù ngoài (xã hội Việt Nam).

Cuộc đời Mẹ đã trải qua 5 cái đại tang. Năm 19 tuổi, vừa sanh xong con trai đầu lòng, Mẹ đã ốm liệt giường vì ông bà ngoại đã theo nhau từ giã cõi đời trong vòng vài tháng . Năm 1965, khi gần đến ngày sanh đưa con thứ 11, mẹ phải vác bụng chửa thật to đưa bà nội tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Năm 2007, anh cả cuả tôi ra đi đột ngột vì bệnh tim. Tôi là người đầu tiên biết tin dữ này và đã không dám báo tin qua điện thoại cho Mẹ, phải nhờ các anh chị ở gần đến tận nơi lưa lời nói cho Mẹ biết. Nỗi đau cuả người tóc bạc đưa người tóc xanh đã khiến Mẹ tôi lịm cả nguòi, nhưng Mẹ đã chấp nhận sự mất mát này một cách hết sức kiên cường. Một năm trôi qua, sau mấy ngày vui tết Nguyên Đán với con cháu đầy đàn, bố tôi đã bình thản ngủ một giấc ngủ dài … bất tận. Lần này thì Mẹ thật sự… chới với. Người bạn đời chung sống 65 năm đã lìa xa mẹ. Mẹ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng . Mẹ khóc, Mẹ than, Mẹ kể lại bao nhiêu kỷ niệm, Mẹ vuốt ve, âu yếm bố (lúc bố còn sống, thì Mẹ lại… mắc cỡ, chúng tôi chưa hề thấy Mẹ âu yếm bố như vậy bao giờ). Có lẽ vì bổn phận phải chăm sóc cho chồng, Mẹ đã cố gắng cầm cự suốt bao nhiêu năm qua . Có mệt cũng vẫng ráng, có mỏi cũng vẫn nhịn. Bố ra vào nhà thương , mổ xẻ khắp người, trong khi Mẹ tuy đã già yếu vẫn lo cho bố được . Thời gian đầu khi bố mới ra đi, sức khỏe Mẹ có phần lung lay, Mẹ bắt đầu nếm mùi nhà thương, ra vào phòng cấp cứu cuả bệnh viện vài lần. Lúc đó tôi rất lo là mất bố, Mẹ cũng mất đi động cơ để sống khỏe như xưa . Thế nhưng may quá, sau một thời gian ngắn, với nghị lực phi thường, Mẹ đã trỗi dậy, Mẹ lo chăm sóc bản thân mình, và Mẹ đã khoẻ lại… hơn xưa. Mẹ cứ nói đùa :”chiếc xe cũ kĩ này tuy caí xác xe đã rục tùng nhưng bộ máy còn chạy rất ngon lành”. Thật vậy, chân tay cuả Mẹ rất yếu vì bị rỗng xương, không đi đứng được, nhưng Mẹ vẫn còn vô cùng minh mẫn . Hàng ngày Mẹ tụng kinh niệm Phật, thắp hương cho ông bà và cho bố. Tới bữa ăn, mẹ vẫn để những món bố thích ăn lên bàn thờ để bố cùng dùng bữa với Mẹ . Tôi trước khi đi ngủ Mẹ lại đứng trước bàn thờ nói chuyện với bố một lúc. Thế mới biết Mẹ tôi yêu bố biết bao nhiêu .


Từ trước đến nay, tôi luôn cảm tạ thượng đế đã cho mình một cuộc đơì quá sức bình an. Tôi luôn biết mình may mắn hơn nhiều ngươì khác, và luôn cảm nhận được hạnh phúc cuả mình. Nhưng hôm nay, tôi thấy rõ ràng hơn, tất cả những gì mình có được đều do bàn tay, tấm lòng, quả tim và sự hi sinh cuả Mẹ mà ra.

Phải nói điều mà tôi thấy mình may mắn nhất là những bài học vô giá mà tôi học được từ Mẹ (tình yêu cuả mẹ thì hầu như ai cũng có rồi, phải không?). Từ khi bắt đầu biết nghe, biết nhớ, Mẹ đã không ngừng rót vào tai các con đủ mọi câu chuyện. Từ những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu của Mẹ, những gian truân chạy loạn thời Tây, những tháng ngày Mẹ sống ở Hà Nội, cuộc di tản năm 54... Rồi thì cuộc đời làm dâu của Mẹ, cuộc sống mồ côi cuả các cậu vì ông bà ngoại mất sớm... Cho đến từng bước trưởng thành của các anh chị, và nhất là những đắng cay Mẹ phải trải qua sau năm 1975 khi bố phải đi tù cải tạo, gia đình li tán...Tôi còn nhớ mãi những ngày mới bước vào tuổi "teen', đêm nào Mẹ cũng mò vào giường thỏ thẻ những điều "cấm kị" , những điều phải "đề phòng", v.v... Qua những câu chuyện của Mẹ, tôi cũng thuộc lòng lịch sử đất nước, rất nhiều ca dao, tục ngữ. Tôi hiểu được vai trò, vị trí của mình, và nhất là có được một phong cách sống để không bao giờ phải hối tiếc vì mình đã vô tình để thời gian qua đi một cách vô ý nghĩa. Mẹ tôi là phật tử thuần thành, tuy không hay đến chuà, nhưng ngày nào Mẹ cũng thắp hương niệm Phật, quan niêm sống cuả mẹ là : khi cho tức là mình đã nhận được rất nhiều. Mẹ luôn luôn nhắc nhở con gái phải biết yêu thương, nhường nhịn chồng, phải hiếu thảo, chăm nom cha mẹ chồng, nhưng phải biết tự lập, để cuộc đời không hoàn toàn lệ thuộc vào ai. Phải tích phúc, để đức cho con cái sau naỳ

Bây giờ Mẹ đã già, "mắt mờ, chân chậm", "tóc bạc, da mồi", "chân yếu, tay mếm", "răng long, đầu bạc", gần đất xa trời"... tất cả những thứ này Mẹ đều có đủ. Người già sống ở Mỹ thường bị cô đơn vì cả ngày ra vào chỉ lủi thủi một mình, chiều tối về may ra mới có thêm người, vì thế, mỗi lần gặp con cháu về thăm, các cụ được dịp kể đủ thứ chuyện , nấu đủ thứ món ăn... Tôi xa Mẹ từ năm 16 tuổi, lúc gặp lại thì tôi đã có gia đình riêng, Mẹ ở miền Bắc CA, tôi ở miền Nam. Mỗi năm tôi chỉ găp Mẹ khoảng 3 lần, có nhiều lần cũng hơi "ớn" vì bị nghe và bị ăn nhiều quá. Từ giờ trở đi, tôi tư nhủ với lòng, sẽ hoan hỉ nghe tất cả những gì Mẹ muốn kể, và ăn tất cả những gì Mẹ nấu cho, bởi vì, tôi bắt đầu cảm thấy "sợ" rằng mình sẽ không còn nhiều cơ hội nưã.


Thiên Hương
Con gaí thứ 10 của Mẹ

May 6, 2010

VIẾT VỀ BỐ - Doãn Cẩm Liên



Lưng thẳng tắp ở tuổi tám mươi bảy, da đồi mồi đen xạm, người thanh mảnh và rắn chắc..., nếu chỉ tả có thế sẽ dễ hiểu lầm ngay đây là một ông già lao động chân chính, một bác nông dân, một ông tiều phu, hay một ngư phu bên bờ biển… Không, đây chỉ là hình ảnh một ông già khoẻ mạnh từ tinh thần đến thể xác. Hiện tượng bên ngoài của làn da là hiệu quả của quá trình dài đạp xe vòng quanh khu nhà ở, với nắng gió của xứ Texas – Houston.
Nghĩa là sao ?

BỐ vốn yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu bầu trời cao rộng, yêu gió yêu nắng, nhưng đến ngày đoàn tụ với thằng con cả, sau bốn năm học tập cải tạo vì là nhà văn và tám năm ở tù vì hoạt động chống cách mạng, mới thực thụ thụ hưởng nó. Thoát ra khỏi nơi kìm hãm tối tăm, BỐ hoà mình ngay vào thiên nhiên như cá về với nước, như mây với bầu trời một cách nhẹ nhàng thảnh thơi.

BỐ đâu còn nhớ gì chuyện trước đó, những gì cần ông đã nói và viết ra hết rồi. Bây giờ ông là thiên nhiên, nắng gió, mây trời, cỏ cây chim chóc ven đường... gặp cành cây khô ư ? Phải giúp nó mau tái sinh, bẻ vụn nó ra đặt xuống đất, như thế là hay nhất. Rồi lại phóc lên xe theo con đường ngoằn ngoèo ra cánh rừng sau nhà, một khoảng rộng mênh mông cỏ xanh, BỐ là màu xanh của trời, rồi lại biến thành màu xanh cỏ cây, rồi là con sóc lang thang dòm ngó quanh mình.
- BỐ, bố còn ngồi thiền nữa không ?
- Không con à. Giờ phút nào bố cũng thiền rồi, đâu cần phải ngồi mới thiền nữa.

Trước kia, còn trong tù, đã từng có lúc quản giáo phải tránh gọi hỏi cung BỐ những lúc ông ngồi thư giãn, giữ cho tâm không nhảy nhót và cũng để nạp lại năng lượng cho một ngày mới sắp đến. Một nguồn năng lượng khác nữa là thương yêu BỐ đã dùng để chuyển hoá những chuyện không vui, không hài lòng, những đối nghịch bất hợp lý... thành một cái gì đó chấp nhận được của đời sống. Như thuở ở trại học tập Gia Trung, BỐ vui với việc gánh cát vì nhờ nó mà BỐ có thể nhai cọng cỏ hái bên bờ suối cho có thêm chất tươi. BỐ thấy tội mấy anh quản giáo phải ở tù chung với mình, mà tệ hơn mình là không có người thăm nuôi. Vì hiền lành nên BỐ dở ẹc trong việc mưu sinh thoát hiểm khi cùng bấn, nhưng rồi thánh nhân đãi kẻ khù khờ, BỐ có bao nhiêu bạn bè thương luôn bù đắp cho BỐ, khi có thể.

Sự cùng khó của thời học tập cải tạo nhờ vào tình thương yêu của bạn tù mà nhẹ nhàng thoát ra được, làm BỐ nhớ đến sự yêu quí của lũ sinh viên của mình khi còn là giáo sư trường Sư Phạm Saigon. Giờ lên lớp của BỐ luôn đông nghẹt sinh viên, không chỉ sinh viên học chính thức mà còn những sinh viên học ké. BỐ nổi tiếng mang chất thơ, tình người, và thiên nhiên vào bài học. Không có gì khó vì BỐ vốn sẵn yêu thiên nhiên sông núi. Sự trong sáng, nhẹ nhàng, và lãng mạng trong tâm hồn BỐ tựa như âm thanh của cây vĩ cầm. BỐ chơi vĩ cầm và mang tính chất ngọt ngào của nó vào đời sống khó khăn thuở kháng chiến chống Pháp, mang vào Nam theo làn sóng di cư đến miền đất nắng ấm chan hoà tình người. Âm thanh của tiếng đàn vĩ cầm hoà quyện cùng tính chất con người BỐ ở vùng đất mới đã làm thành Thiên thời địa lợi nhân hoà là vậy.

Cuộc sống dần ổn định ở thành phố Sài Gòn, tác phẩm của BỐ tăng, cả về đầu con lẫn đầu sách. Với ngòi bút và cục phấn, BỐ sử dụng tài tình để đưa tâm tình vào văn chương, vào lớp học, và truyền vào máu của tám đứa con. Chân thiện mỹ bàng bạc trong các tác phẩm cống hiến cho độc giả, tiếng cười vang của thầy cùng trò trong lớp học. Tình thương tràn ngập trong mái nhà, các con của BỐ dùng làm vốn để đối nhân xử thế khi ra đời và xã hội. BỐ đã làm được.

Người kề cạnh bên BỐ phụ trợ cho sự thành công này không ai khác là Mẹ. Cũng như bài toán số học, 1 + 1 = 2, kết quả tăng, các con của BỐ Mẹ sống an lành, hạnh phúc. BỐ + Mẹ đã gầy được hạt giống nhân ái và ôn hoà cho tất cả thành viên trong mái ấm gia đình. Đến thời gian sau 1975, nhân ái – ôn hoà hữu dụng, giúp BỐ vượt hoàn cảnh khó khăn, lúc tình người không còn, dùng nó để xoá đi ranh giới thù hằn, để gắn thêm bạn, bớt đi thù. Vượt mọi gian lao khổ cực, dòng sông của BỐ qua bao thác gềnh để ra đến biển, êm đềm hoà vào lòng biển mẹ mênh mông vô bờ. Giờ đây, khi BỐ là gió trên ngọn cây bìa rừng, khi là tiếng chim hót bên bụi hoa, lúc hoà tan trong màu xanh của cỏ dại, lúc là cành cây khô được bẻ vụn đặt trả lại đất chờ ngày biến thành phân bón trở lại cho cây... Ôi, BỐ là thế đó.

Những dòng chữ này viết ra là tình cảm của con gửi về BỐ và Mẹ, cũng dùng để ghi nhớ lại cho thế hệ sau này. Những hạt mầm nhân - ái ôn hoà các con cháu có được trong huyết mạch là của hằng hà sa kiếp Ông Bà Cha Mẹ truyền lại. Chúng sẽ chẳng mất đi đâu mà còn được nhân rộng ra và làm lợi lộc cho nghìn muôn kiếp người.
Thật là huyền nhiệm !

Doãn Cẩm Liên
California, 19 – 4 – 2010


May 4, 2010

TRƯỚC & SAU ĐÁM CƯỚI - Nguyễn Nhận sưu tầm



Trước ngày đám cưới

Chàng : Ui! Cuối cùng thì ngày này đã đến! Anh đã chờ mong quá lâu!

Nàng : Anh có muốn em ra đi không?

Chàng : Không! đừng có nghĩ tới chuyện huyển hoặc!

Nàng : Anh có yêu em không?

Chàng : Dĩ nhiên rồi! Cả ngàn lần cũng không đủ!

Nàng : Anh có bao giờ lừa dối em không?

Chàng : Không! Tại sao em hỏi câu ngớ ngẩn!

Nàng : Anh có muốn hôn em không?

Chàng : Mỗi khi anh có cơ hội.

Nàng : Anh có đánh em không?

Chàng : Em điên hả? Anh đâu có phải loại người đó!

Nàng : Em có thể tin tưởng nơi anh được chớ?

Chàng : ừ!

Nàng : Anh yêu!

............

Vài năm sau!

Xin đọc ngược lại từ dưới lên trên!


Nhận sưu tầm nhân ngày MOTHER'S DAY

May 2, 2010

Duy: "Hưng! Hỏi nhỏ cái này:
Đi rải truyền đơn không?"


Hưng: "Gia Hưng! Cho hỏi cái này:
Duy rủ tao đi rải truyền đơn.
Tao nên đi không?"


Bình - vợ của Quang Hưng:
"Thôi hai ông ơi!
Có wuởn thì đi rải ... tôm lên bếp phụ em đi nè"


Thanh Hương: "Để chị phụ má nó cho!"


Đính - đoong!
Oh có thêm hai khách đến nhậu:
Trí và TrươngLinh


Vợ chồng Hưng sợ không đủ "mồi"
lật đật đi bắt thêm ruồi


Bắt được một con rồi!
Ah lê hấp - lên chảo luôn nghe con!


Vợ chồng Quang Hưng rất thảo ăn: chỉ ăn rau ...


ăn hành


và ăn bánh mì.


Hai vợ chồng nhường món "ruồi & seafood áp chảo" cho khách :)


Yummy! Yummy!
Chủ+khách - ai hết đều vui!




TL! Có chắc đã thuộc kịch bản chưa?



HV! Chuẩn bị máy hình nhanh lên!
Chụp dùm 3 poses nghen!


OK rồi hả?
1..2...3 ...
shoot !


Chuẩn bị ...
Sẵn sàng ...


Nắm!


Trời, trời!
Lộn kịch bản rồi mẹ!

Mình dặn nắm "thứ" khác mà bả đi nắm tay !