Nov 27, 2009

Những Cảm Xúc Trong Chương Trình: 10 Năm Tưởng Niệm & 40 Năm Aâm Nhạc Lê Uyên Phương - Đoàn Hưng
















Ca sĩ Lê Uyên.(Photo: Đại Dương)

Chiều Chủ Nhật 22/11/2009, tôi là một khán giả của chương trình nhạc kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Phương và 40 năm âm nhạc Lê Uyên Phương. Ngồi trong một góc của khán phòng, tôi im lặng cảm nhận lại những bài hát Lê Uyên Phương trong thế giới của riêng tôi. Trong âm nhạc, người hát, người chơi đàn, rồi khán giả được quyền sáng tác lại ca khúc mà mình yêu thích bằng cách diễn đạt của riêng mình. Những cảm xúc của người nghe đôi khi là sự đồng cảm, đôi khi lại không giống với tâm tình của tác giả khi sáng tác. Điều này không quan trọng. Có được cảm xúc trong âm nhạc đã là hạnh phúc rồi.

Rất nhiều ca sĩ đã hát lại những ca khúc Lê Uyên Phương trong phần đầu của chương trình. Phần cuối Ca Sĩ Lê Uyên mới ra sân khấu để hát và kể chuyện cùng khán giả. Câu chuyện về anh thầy giáo Lộc từ những sáng tác đầu tiên, cho đến khi thành đôi để cặp song ca Lê Uyên Phương ra đời. Từ Đà Lạt, xuống Sài Gòn, rồi sang đến Cali. Và đến ngày nhạc sĩ Phương nhắm mắt từ giã vợ con, gia đình, bè bạn…

Tôi được nghe lại những các ca khúc mà tôi đã từng nghe, từng hát, hoặc từng đàn cho bạn bè hát. Vũng Lầy Của Chúng Ta, Cho Lần Cuối, Tình Khúc Cho Em, Chiều Phi Trường, Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Đêm Chợ Phiên Mùa Đông, Lời Gọi Chân Mây, Hãy Ngồi Xuống Đây, Khi Xa Sài Gòn… Có một điểm thật kỳ lạ: tôi không chú ý nhiều lắm đến ca sĩ và ban nhạc. Tôi không nhớ rõ là Tuấn Ngọc, Diễm Liên, Công Thành & Lynn, Anh Dũng, Ngọc Lễ & Phương Thảo đã hát bài gì. Khi những bài hát này vang lên, tôi có cảm giác đang nghe trong đầu giọng hát và tiếng đàn guitar của Lê Uyên Phương trong cuộn băng cassette Lê Uyên Phương đầu tiên mà tôi có cách đây đã hơn 20 năm. Đó là cuộn băng cassette thâu lại album "12 Tình Khúc Lê Uyên Phương" từ trong cuộn băng cối Akai có từ trước 1975. Tôi rung cảm lại những cảm xúc thưở xa xưa mà tôi đã từng có với những ca khúc ấy. Tôi còn nhớ rõ âm thanh của cuộn băng đó bị rè. Phần nhạc đệm chỉ là một cây đàn guitar của anh Phương. Vậy mà những âm thanh đó không thể nào phai nhòa trong ký ức của tôi cho đến tận ngày hôm nay. Sức sống của nghệ thuật đích thực mạnh mẽ như vậy đó…

Có lúc tôi phải thầm hát theo ca sĩ trên sân khấu. "… qua đi, qua đi những cơn mê, tình buồn chồng chất lê thê…" (Vũng Lầy Của Chúng Ta), "…Nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau..." (Cho Lần Cuối). Lúc đó, tôi nhớ lại cảm giác của thằng sinh viên thất tình năm nào, cầm cây đàn hát nghêu ngao nhạc Lê Uyên Phương cho vơi đi nỗi buồn. Tôi nhớ lại hình ảnh một người bạn trong ngày cuối cùng ở Việt Nam trước khi đi đòan tụ ở Mỹ, cô đã hát chung bài Cho Lần Cuối với bạn bè mà nghẹn giọng. Còn nhiều cảm xúc và hình ảnh cũ về lại trong ngày hôm đó lắm lắm. Mỗi bài hát của Lê Uyên Phương là một chuyến xe đem kỷ niệm về. Lúc đó tôi lại nghe vang trong đầu giọng hát của bạn bè tôi, của chính tôi nhiều hơn là giọng hát của người ca sĩ. Tôi đang sống lại những phần đời đã qua…

Khi Ca sĩ Lê Uyên xuất hiện trên sân khấu, tôi nghĩ là mình đang nhìn lại hình ảnh của chị trên đài truyền hình Sài Gòn gần 40 năm trước. Aâm nhạc của Lê Uyên đã không có tuổi thì người ca sĩ cũng không có tuổi. Tôi nghe chị hát lại Hãy Ngồi Xuống Đây, Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Vũng Lầy Của Chúng Ta… mà quên để ý đó là giọng hát live của chính chị bây giờ hay là giọng hát thổn thức của Lê Uyên trong cuộn băng cassette của tôi có hai mươi năm trước. Khái niệm về thời gian đã bị bỏ qua…

Đêm hôm đó, chị Lê Uyên dành chiếc ghế số A19 cho nhạc sĩ Phương, để nếu anh có về lại thì được ngồi nghe vợ và bạn bè hát nhạc của mình. Tôi không nghĩ vậy. Tôi mường tượng thấy hình ảnh của anh trên sân khấu, với cây đàn guitar, đang đàn và hát cạnh chị Lê Uyên. Làm sao anh có thể trở thành khán giả trong một đêm nhạc như vậy? Những khán giả yêu nhạc Lê Uyên Phương có thấy anh ngồi ở ghế khán giả bao giờ đâu? Cái ghế của anh, nếu anh có về, sẽ là cái ghế ở trên sân khấu, cùng với cây đàn guitar, cùng chị Lê Uyên. Sẽ là chỗ của anh vẫn ngồi trong tim người hâm mộ…

Tác phẩm Đưa Người Tuyệt Vọng được nghe hai lần trong buổi chiều hôm ấy. Một lần là do ca sĩ trẻ Văn Trường Phúc hát. Một lần là qua tiếng hát Lê Uyên trong phần nhạc nền của đọan phim đám tang của nhạc sĩ Phương muời năm trước. Tôi không cầm được nước mắt khi nghe lại bài hát trong bối cảnh này. Tôi không biết anh làm bài hát này trong hòan cảnh nào. Tôi nghĩ rằng anh viết nó cho đám tang của chính mình. Nếu có dịp gặp anh để hỏi, chắc là anh sẽ cười và gật đầu…

Cảm nhận của tôi lan man chỉ có vậy… Và tôi nghĩ cũng có nhiều người cũng có cảm xúc giống như tôi…


Trong buổi trình diễn kỷ niệm 40 năm âm nhạc Lê Uyên Phương và 10 năm tưởng niệm nhạc sĩ Phương, những yếu tố trung gian như ca sĩ, ban nhạc, kỹ thuật sân khấu… được bỏ qua. Thay vào đó là những phút giao cảm trực tiếp và chân thành giữa khán giả và tác giả. Chúng ta còn chờ đợi gì hơn thế nữa trong nghệ thuật âm nhạc?


Trong một buổi chiều, những ca khúc Lê Uyên Phương và chính ca sĩ Lê Uyên tự nhiên không có tuổi. Người nghe như sống trong thời gian không phân biệt giữa quá khứ và hiện tại. Người nghe không phân biệt được âm nhạc của Lê Uyên Phương 40 năm trước và bây giờ. Chúng ta còn chờ đợi gì hơn thế nữa trong nghệ thuật âm nhạc?


Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày tác phẩm đâù tay của Lê Uyên Phương ra đời. Tôi còn ngồi đây để nghe và hát nhạc Lê Uyên Phương. Thêm nửa thế kỷ sắp tới sẽ là năm 2059. Lúc đó chắc tôi sẽ không còn trên cõi đời. Nhưng tôi chắc chắn một thứ sẽ vẫn tồn tại. Đó là cái tên Lê Uyên Phương và những tình khúc của Lê Uyên Phương…


Đòan Hưng














Chiếc ghế A19 dành cho Nhạc Sĩ Phương trong buổi diễn.(Photo: Đại Dương)

No comments: