Những ngôi trường lớn và nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975 đương nhiên là có hội cựu học sinh đông nhất, trong đó phải kể ngay đến Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng Vương và Gia Long. Tình cờ vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tôi có dịp tham dự buổi họp mặt của hội Cựu Aùi Hữu Trường Trung Học Chân Phước Liêm. Cái tên này còn khá xa lạ đối với tôi (là cựu học sinh trường Petrus Ký) và chắc cả với nhiều người khác nữa. Tuy nhiên, khi được nghe các anh chị cựu học sinh Chân Phước Liêm kể về mái trường của mình, tôi nhận ra một điều: ký ức về ngôi trường cũ của ai cũng đều nên thơ và độc nhất vô nhị…
Trường Chân Phước Liêm là một trường trung học tư thục nhỏ nằm ở quận Gò Vấp, gần Ngã Ba Chú Ía, đằng sau lưng Tổng Y Viện Cộng Hòa. Trường được thành lập vào năm 1961 và được điều hành bởi các Cha thuộc dòng tu Đa Minh. Chân Phước Liêm là tên của một vị Thánh Tử Vì Đạo ở Việt Nam. Hình ảnh in sâu đậm trong ký ức của một số cựu học sinh là hàng phượng vĩ màu đỏ rực rỡ trong sân trường mỗi khi hè về, và những chiếc áo dòng màu trắng thánh thiện của các cha trong ban giám hiệu.
Chuyện kể rằng các cha cho thành lập ngôi trường tư thục này với mục đích phụng sự chứ không phải là kinh doanh. Ai cũng biết khu vực này là của dân nghèo ngoại ô Sài Gòn, với nhiều tệ nạn xã hội. Lập ra trường Chân Phước Liêm, các cha muốn gom các em còn ở độ tuổi thanh thiếu niên trong những khu xóm nhỏ ở đây lại để giáo dục, dạy dỗ các em nên người, tránh xa những cạm bẫy xã hội rình rập bên ngoài. Lưu ý rằng học sinh trường Chân Phước Liêm không nhất thiết phải có đạo Công Giáo. Hình ảnh các cha ví von cho ngôi trường Chân Phước Liêm thật là đẹp: Sen trong bùn. Một đóa sen nở ra trong đầm mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ngược lại, sen nở tỏa hương thơm, làm đẹp cho chốn trước đây chỉ có bùn nhơ. Đầm sen trở nên một hình ảnh thanh tịnh.
Các cha gom các em lại từng bước, dần dần tạo cho các em một mái ấm thứ hai để nương tựa bên cạnh gia đình của mình. Nhớ lại vào năm 1961, trường chỉ có lớp 6. Sang đến năm sau mở thêm lớp 7 để đón các em từ lớp 6 lên, đồng thời nhận thêm các em mới vào lớp 6. Cứ thế mà phát triển cho đến khi trường có đến lớp đệ nhất. Cách chiêu sinh đối với các gia đình nghèo cũng phải khác. Tiền học phí các cha lấy chỉ ở mức tượng trưng. Học sinh học giỏi thì có học bổng. Nghèo quá thì còn được miễn cả học phí. Buổi sáng, có lúc học sinh nghèo được phát sữa và bánh mì nữa. Mái trường nhỏ này quả thật là một mái ấm cho lũ học sinh nhỏ. Các anh chị em chung một gia đình nay lại lần lượt dắt díu nhau vào học cùng trường. Tối xum họp ở nhà với cha mẹ. Sáng quây quần với thầy cô trong trường.
Trường nhỏ, mỗi cấp lớp chỉ có chừng dăm ba lớp. Trường nhỏ có cái thân tình mà trường lớn không có được. Học sinh ở các cấp lớp khác nhau đều biết nhau, chơi với nhau, giúp đỡ nhau trong học tập. Bạn học với nhau thì chơi luôn cả với anh chị em của bạn mình. Tinh thần tương trợ vì vậy mà dễ phát triển. Trường có cả nam lẫn nữ học chung. Chắc cũng vì vậy mà trường có nhiều mối tình học trò dưới hàng phượng vĩ của mình. Rất nhiều mối tình Chân Phước Liêm đã nên duyên vợ chồng sau này.
Như đã trình bày ở trên, các cha không chỉ chú trọng vào kiến thức, mà còn đặt nặng phần giáo dục nhân cách, các sinh họat học đường để tách các em học sinh xa khỏi những tệ nạn xã hội. Trường nhỏ mà cũng thành lập đòan Hướng Đạo Chân Phước Liêm là Thiếu Đòan Nhuệ Giang của riêng mình. Trường có đội túc cầu. Một thành viên đã mô tả đội bóng của mình thật dễ thương: đồng phục chỉ có áo mà không có quần; người có giầy người không. Cũng chẳng sao, niềm vui và có sức khỏe là mới là mục tiêu chính mà. Trường cũng có ban văn nghệ của mình. Hằng năm có chương trình văn nghệ Giáng Sinh. Có đi hội diễn văn nghệ với các trường bạn. Các họat động xã hội, từ thiện được các cha đặc biệt chú ý. Trường thường xuyên tổ chức các chương trình ủy lạo chiến sĩ. Các nữ sinh Chân Phước Liêm thêu khăn, viết thư, đi hát để ủng hộ tinh thần chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Các cô đã trở thành người em gái hậu phương cho đất nước thời chinh chiến. Các cha còn tổ chức cho các em vận động quyên góp để giúp đỡ người nghèo. Ngẫm nghĩ thấy mà thương, các em học sinh nghèo mà vẫn đi quyên góp để giúp đỡ những người nghèo hơn mình. Bởi vì tinh thần bác ái là món quà vô giá mà Chúa ban cho nhân lọai, đâu có phân biệt người giàu, người nghèo. Chính trong tinh thần phụng sự xã hội, tương thân tương ái như vậy, vào năm 1971, hội Cựu Học Sinh Chân Phước Liêm được thành lập. Cựu học sinh về lại trường để giúp đàn em trong chuyện thi cử, phụ các cha tổ chức các chương trình ủy lạo đồng bào bị bão lụt… Đây là một đặc điểm hết sức nghĩa tình của hội Cựu Học Sinh Chân Phước Liêm.
Đến năm 1975, cùng với vận mệnh chung của đất nước, mái trường Chân Phước Liêm và học sinh tan tác. Trường đổi tên thành Trường Cấp Ba Gò Vấp, và không còn thuộc về các cha dòng Đa Minh nữa. Kẻ ở lại, người bỏ quê hương ra đi. Cái tên Chân Phước Liêm chỉ còn là nỗi nhớ trong tâm tưởng của các cựu học sinh. Nghe nói nhiều người đã từng học cùng một cấp lớp còn ở trong nước vẫn cố gắng giữ liên lạc với nhau. Còn nhóm cựu học sinh sang Mỹ, sau hơn 20 năm để ổn định cuộc sống, cũng bắt đầu tìm cách nối lại nhịp cầu. Vào năm 2002, hội Cựu Học Sinh Chân Phước Liêm Hải Ngoại họp mặt lần đầu tiên ở Little Saigon. Lúc đó chỉ mới có 10 người. Anh Đào Văn Tiến, Chủ Tịch đầu tiên của hội cựu học sinh trường năm 1971, đã đề nghị lập một website để kết nối với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Lúc đầu trang web có tên là www.cpliem.net , sau đó mới chuyển thành www.chanphuocliem.com. Trang web này đã trở thành cầu nối hữu hiệu, vì không những nó mà tên ngôi trường cũ thân thương, mà còn có rất nhiều hình ảnh của mái trường, thầy cô, bạn cũ. Các thành viên của gia đình Chân Phước Liêm tham gia gặp lại nhau trên web này đã lên đến hơn 200 người. Vào năm 2007, buổi họp mặt cựu học sinh Chân Phước Liêm được tổ chức tại Sài Gòn, với sự góp mặt của hơn 80 cựu học sinh ở Việt Nam và từ Mỹ về. Năm 2008, Đại Hội Cựu Học Sinh Chân Phước Liêm tòan thế giới được tổ chức lần đầu tại Little Saigon Nam Cali với trên 100 thành viên về từ khắp các tiểu bang, Canada, từ Việt Nam, Châu Aâu… Năm 2009 chỉ mới là đại hội lần hai.
Chủ đề của đai hội Chân Phước Liêm năm 2009 là “Vào Thu Nỗi Nhớ”. Học sinh của trường nào cũng nhớ đến mùa thu, mùa tựu trường. Rồi mùa hè chia tay với màu phượng đỏ. Rồi trường lớp, thầy cô cũ. Đêm đó các cựu học sinh có tổ chức buổi lễ dâng y cho các thầy cô cũ của mình. Trong nền nhạc là bài Bụi Phấn, các học trò tóc đã bạc dâng áo tặng thầy cô như một lời tri ân. Tinh thần tôn sư trọng đạo trong truyền thống của Người Việt mình quả là bất diệt. Ngay bây giờ, các thành viên đã bắt đầu nghĩ đến việc tổ chức cho lễ kỷ niệm 50 ngày thành lập trường vào năm 2011. Kỷ niệm về tuổi học trò, thầy cô, trường lớp chắc sẽ còn theo đuổi những người cựu học sinh Chân Phước Liêm cho đến ngày răng long đầu bạc. Chỉ có tâm hồn học sinh của họ là còn trẻ mãi với thời gian…
Đòan Hưng
1 comment:
Ba`i viet ve truong hoc "Chan Phuoc Liem" rat la thu' vi, vi` doi voi Quan la` mot cau chuyen chua tung duoc ke qua ( untold story). Co le gan 50 troi qua, tai Vietnam khong con mot truong nao duoc thanh lap nhu vay ca
QUAN
Post a Comment