Feb 26, 2009

TODAY STORY - Anh Quân

Hôm nay bỏ hết mọi việc lái chiếc xe cà là tàn của mình lên phía miền trung nước Anh, để xem triễn lãm về công nghệ nhiếp ảnh. Vừa đi vừa về khoảng 400 cây số, thấy cũng khá xa nhưng thấy vui vì biết được nhiều điều tiến bộ của nhân loại.

Khi tới tòa nhà triễn lãm nhìn qua sơ đồ trên tay là có sự hiện diện gần 200 gian hàng, như vậy tha hồ mà học hỏi. Vừa bước qua khỏi cửa là thấy hai gian hàng khổng lồ của hai anh đại gia là Nikon và Canon, dân anh chị nên chơi cái gì cũng bảnh, hai anh đem hết mấy ảnh xếp hàng loạt, từ D40 Nikon cho đến DX3S Nikon, rồi anh Canon cũng không chịu thua, đem hết máy ảnh đi cùng với các loại ống kinh cở hạn 600m trở lên, nhìn cái ống kính mà nghĩ tới bà xã của mình và cô Thanh Hương mà cầm chụp thì chắc hai cô té lăn cù ra đất luôn. Nhờ vậy mình có thể nhắm các ống kính này, mà đầu óc nghĩ lung tung là có ống kính này mà đem ra biển chụp người đẹp từ xa chắc thích lắm nhỉ.

Đi sâu vô trong cùng thì không còn anh đại gia nào hết, thì thấy một gian hàng rất là khiêm tốn nhưng lại vô cùng ý nghĩa, một gian hàng bán những máy hình cổ xưa để giúp người cao niên tàn tật mà thích nhiếp ảnh. Họ bày những máy ảnh xài phim 35mm, có những loại SLR Pentax, Chinon, Olumpus, Zenit … rồi những cái Canon net thời 196… hay 197.. là mình nghĩ đến bạn Thanh Hương là anh Tùng bên Canada, chắc có anh tại đây thì chắc anh sẽ làm một điều là “trước mua vui , sao làm nghĩa” cầm vài cái máy đó về chụp thử. Đó là hình ảnh đối nghịch trong cuộc triễn lãm này vì 99% các công ty có mặt là họ đem những cái gì mới nhất, hay nhất để bán cho khách hàng, chỉ có 1% là một nơi duy nhất đem cái xưa nhất ra trưng bày mà những thứ đó mới ngày nào được xem là sự tiến bộ của nhân loại, giờ cầm chiếc máy đó lên cũng có đôi phần bùi ngùi về sự đào thải và người chung quanh đang để tâm vào những linh kiện phần mềm như Photoshop, Photo Suit, Corel Draw… những giàn đèn tối tân sử dụng trong phòng studio, nhất là kỹ nghệ in ấn về những quyển hình cưới hỏi. Các quyển album đó in quá đẹp những giá cả cao cấp khoảng từ $2,000 trở lên. Ngoài ra có những quyển sách do các nhiếp ảnh nổi tiếng đi chụp về đời sống Hà Nội, chụp đẹp và in còn đẹp hơn.

Họ cạnh tranh ở mọi khía cạnh, đến những mức độ không biết tả như thế nào. Khi mình đứng nhìn một quyển sách hướng dẫn các thế chụp cho một lễ cưới thì vào trang là họ có bài dạy tên gọi là “SEXY ENGAGEMENT” là cô dâu chú rễ mặc áo lót thôi, trưng bày những nét khiêu gợi trên cơ thể, rồi những tư thế uốn éo, rồi anh chị xuống hồ bơi khỏa thân dưới nước cho thấy một ẩn hiện mờ ảo.




Còn phần Quân vẫn cái tật bon chen thấy các nàng người mẫu đứng chụp hình triễn lãm, Quân cũng phải khiều một em ra chụp hình vì ít ra cho quí phụ nữ trong nhóm là quí ông vẫn còn có giá lắm, nhưng luôn chung thủy với vợ con, chứ biến một cái là có em út rồi đó… Thấy bảnh không ?????




Feb 25, 2009

TO MY DEAD GOLDEN FISH - Vit Doan


I can't believe it. My fish is gone. In a place where their fish bowl is like a mansion, it is there. That fish has been in my house since we lived in the Hollow Rock. The fish has seen me grow and grow and grow.. but it's too sad to see it go.

I really hate how things die by having too much food or too much of something that they need. It's very sad for the whole fish tank because once I took the fish out all the fish gathered around the spot where it died. That fish must have been important to the others. I

t all started when I walked across the fish tank. Then I saw something pale, orange, and lying on the bottom of the tank. I was frightened! I noticed that the fish was a bit bigger. It was round and hard-looking. I took the fish net and tried to pull it out. Dang! Was that fish heavy! The stick of the net bent as I walk to my dad.

I convinced him to do a funeral outside in the backyard. So he did.. We found a small tree that has barely grew and dug a hole next to the roots. As you can see, once a dead organism is buried underground, it give nutrients to the ground and make the soil healthier. But it was also a great place to say our prayers to the fish.

I mumbled a couple of words and left. All I know is that the fish will be in a happy face where they get right amounts of food. Rest in peace. R.I.P little fat fish! :(

By Sad duckling,
Vit Doan


Photos: http://colchado.us/wp-content/uploads/2007/07

Feb 22, 2009

LO GIÀ HẾT DUYÊN - Đoàn Khoa


Giọng ru của má tôi cứ đều đều, nằng nặng dỗ thằng cháu ngủ dưới nhà làm tôi nao lòng:

“Một mình lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn lo già hết duyên...”

Tôi loay hoay mãi với cái ảnh đối ngược của chính mình trong gương mà vẫn không cách nào tự nhổ được mấy cọng tóc bạc vừa phát hiện. Mệt mỏi và căng thẳng, tôi đành bỏ cuộc rồi vội vàng gom mớ sách tập bỏ vào trong chiếc cặp chuẩn bị đi học.
- Thà sớm ngồi đợi còn hơn đi trễ một chút mà bị kẹt xe thì toi !...

Mỗi lần đến lớp, tôi cứ tủm tỉm nhớ lời đạo diễn L. căn dặn khi nghe tin tôi đi học lại lại tiếng Pháp ở Idecaf:
- Ráng đi học sớm, nếu không cả lớp tưởng mình là thầy, mọi người sẽ đứng lên chào !!!...

...Lớp tôi đa số là các em học sinh cấp hai, đôi ba sinh viên, còn lại là một vài người già chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp như tôi.
“Anh-Thầy” người Pháp trẻ măng than thở:
- Ở Việt Nam, tôi rất khó chịu khi người ta hỏi tôi những câu như sau:
“Lương ông bao nhiêu ?...”
“Ông có vợ chưa ?...”
“Ông bao nhiêu tuổi ?...”
Tôi giơ tay hỏi ngay:
- Thầy bao nhiêu tuổi ?
- Ông đoán đi !
- Tui nghĩ thầy 30 !
- Cám ơn ông, tôi 31 mà ông nói tôi chỉ mới 30, vậy từ nay về sau, nếu ai hỏi tôi bao nhiêu tuổi, tôi sẽ trả lời rằng tôi chỉ 30 ! – “Anh-Thầy” trịnh trọng.
Sau đó thầy đùa với cả lớp:
- Tội nghiệp quý vị, quý vị có một ông thầy vừa “khùng” lại vừa “già” !...
Tôi nói ngay:
- Thầy không “khùng” vì thầy sống động như một diễn viên. Thầy càng không “già” vì thầy trẻ hơn tui !
- Tôi nghĩ rằng ông khoảng 30 như tôi ! – Thầy nói
- Không, tôi già hơn thầy 15 tuổi !
- Thật không ? – Thầy ngạc nhiên
Tôi nói thêm:
- Cái ngày mà tôi 30 tuổi, tôi buồn vô hạn, vậy mà lúc tôi 40, tôi lại hài lòng...
“Anh Thầy” thở dài rồi nói:
- Tôi cám ơn ông một lần nữa vì động viên tôi, tôi hy vọng rằng năm tôi 40 tuổi, tôi cũng sẽ hài lòng như ông...
- Thầy yên tâm đi, lúc đó tui tin rằng thầy sẽ lạc quan hơn bây giờ... Như ông ngoại tui chẳng hạn, năm ổng 80 chục, ổng tưng hơn năm 40...

...Ngoại tôi một thời ngang dọc với quá khứ lẫy lừng vậy mà bây giờ chỉ là một ông già cô quạnh sống trong căn hộ hết sức bé nhỏ và khiêm tốn ở Paris. Mỗi lần qua Pháp, dù đã có chỗ ở thoải mái, nhưng tôi vẫn giữ một bộ chìa khóa nhà ông để bất cứ lúc nào thu xếp được cũng có thể ghé qua và nằm vật trên cái ghế dài duy nhất, nghe ông kể chuyện đời.

- Trong những ngày thường, nếu vào mà không thấy ông thì đợi một chút ông về. Riêng thứ bảy, sau 7 giờ chiều thì ông đi lâu, đừng đợi. - Ông dặn:
- Ông đi đâu ?
- Ông đi nhảy đầm với mấy bà bạn !...
Thấy tôi ngạc nhiên quá đỗi , ông rủ:
- Hay là cháu đi với ông... vui lắm !


...Vài hôm sau đó, ông giới thiệu với tôi một bà bạn của ông.

Dù chỉ thua ông nhiều lắm là non chục tuổi vậy mà điệu bộ và tư thế của bà vẫn còn linh hoạt và duyên dáng. Tôi xưng cháu với bà, còn bà thích tôi gọi bà bằng tên hơn. Tạm gọi bà bằng Xanh vì trong những lần gặp bà sau đó, bà luôn mặc những bộ đồ màu da trời rất trang nhã.
Xanh nói giọng Bắc rất chuẩn, cực hay, bà kể cho tôi nghe rằng ngày xưa bà làm trong ngành hàng không ở Lào và có địa vị cao, hèn chi ở từng tuổi này, bà vẫn hết sức bặt thiệp và tao nhã...

...Trong không khí rộn ràng “Lễ hội âm nhạc” mừng ngày đầu tiên của mùa hè, tôi gặp lại ông đang “tung tăng” giữa đường phố Paris náo nhiệt. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy ngoại tôi đi cùng với một bà già khác, hết sức điệu đàng, nào là bộ đồ rất chic*, chuỗi hạt, bông tai, nón, bóp đầm,... thậm chí cả màu son trang điểm... tất cả đều hồng tươi từ đầu tới chân.

Tôi buột miệng hỏi ông:
- “Xanh” đâu ?
Ông vội vàng kéo tôi ra xa và dặn:
- Xuỵt !!! ...Đừng nhắc tới “Xanh” ở đây vì “Hồng” không thích...
- A !!!... - Tôi làm ra vẻ hiểu

Ông giải thích ngay:
- Không phải họ ghen nhau vì ông đâu, mà vì hai người này luôn chê nhau rằng người kia nhảy không đúng nhạc !...

...Trước khi ông cháu tôi tách ra hai hướng để lẫn vào đoàn người rộn rã, ông vói dặn thêm:
- Về Việt nam đừng kể lại mấy chuyện này cho tụi nhỏ ở nhà nghe nha... Chúng nó “rầy” ông !...

...Ông làm tôi nhớ lại vở kịch “Ban mai nắng ấm” của Tây Ban Nha mà tôi mê đắm ở lứa tuổi 20.

Chuyện kịch mở đầu bằng một cuộc gây lộn hết sức khiếm nhã giữa hai ông bà già nhằm giành một chiếc ghế trong công viên, nhưng sau đó, họ huề nhau và qua những mẩu chuyện tình cờ, vụn vặt, họ khám phá ra người kia chính là người tình xa xưa của mình trong thời xuân sắc. Mắc cở vì sự trơ trẽn ban đầu, họ không dám nhận mình là “cố nhân”, nên ráng xịa ra rằng họ có quen biết với cặp tình nhân thuở trước.

Từ tình tiết này, họ đi xa hơn và cố gắng dựng nên hình tượng ngày xưa chính họ hết sức thanh cao, lãng mạn như trong những tiểu thuyết diễm tình. Kết vỡ kịch, họ hẹn nhau trở lại vào sáng hôm sau.

Ở tuổi 20, khi dàn dựng, qua cách diễn của cặp diễn viên, tôi đã không cho họ gặp lại nhau sau đó mặc dù lời thoại đầy những hứa hẹn nồng nàn. Tôi cho họ biến mất nhằm nuôi mãi hình ảnh đẹp của chính mình trong lòng người bạn tình xưa cũ. Như vậy, vở kịch sẽ đầy bí ẩn, đầy luyến tiếc và niềm hoài nhớ mênh mông.

Thế nhưng ở tuổi 40, tôi lại nghĩ khác. Vì cớ gì họ không gặp lại nhau?... Người già đâu phí thời gian như bọn trẻ...? Tại sao họ không tiếp tục trở lại công viên yên tĩnh này, cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và chia xẻ cả những chuyện tào lao trong cuộc sống thường nhật ?...

Như vậy kịch sẽ có một “hép-pi-en”**... và cuộc đời đỡ rắc rối hơn ?

...Và năm tôi 60 tuổi, nếu có cơ hội dựng lại vở này, tôi còn cho đôi bạn già ấy nồng nàn hơn, họ sẽ “tưng” hơn và nắng sẽ “ấm” hơn lên... Biết đâu chừng...

...
Tạm dừng chuyện đi kiếm từng sợi tóc bạc, tôi nhìn kỹ cái hình của mình trong gương. Là mình đó - nhưng không phải - nó chỉ là một bức ảnh đối ngược.

Dù muốn hay không, tôi cũng phải tập quen với “sự tồn tại” của mấy sợi tóc bạc trên đầu. Tôi tự an ủi rằng biết đâu khi nó nhiều hơn mình sẽ bớt “sợ” hơn ?
...
Má tôi vẫn đều đều ru cháu.
Tôi và mấy đứa em đã lớn lên trong cùng những câu ru này. Bây giờ tới phiên thằng cháu ngoại đang hạnh phúc được đắm chìm vào dòng suối ngọt ngào ấy.

Giọng ru và những câu ca dao quen thuộc trên làm tôi bị lẫn lộn thời gian. Tôi thấy mình trôi bồng bềnh trong một cảm giác không thực giữa quá khứ và hiện tại. Giống như xem một cuộn phim ráp nối vụng về, hình ảnh của tuổi lên 10 hiện lên, đi kèm với thời thanh niên sống động 20, 30... sau đó đột ngột chuyển nhanh qua năm 40, 41, 42... rồi chợt ngược quay về thuở 4, 5 tuổi... Tôi ngửi được cái nóng trong căn nhà lợp tôn dột nát có ván sàn ọp ẹp mọt đầy... và tiếng cọt kẹt của chiếc võng đong đưa.

Lời ru của má đều đều, văng vẳng:

Còn duyên bán nhãn bán hồng
Hết duyên bán mít cho chồng gặm sơ...”



Đoàn Khoa
tháng 04-2008
*Chic: lịch lãm
**Happy – end: kết thúc có hậu
Photos: Bồ Hùng Dũng

Feb 21, 2009

ADIEU JOLIE ... - Anh Quân






Hôm nay London đã được nắng ấm ... thời tiết như muốn vào xuân.
Xách máy hình ra phi trường để chụp máy bay lên xuống .... để nói chuyện tương lai là một ngày trong tháng 3 sắp tới là Lân ra sân bay tiễn Hương đi xa...

Còn hình máy bay hạ cánh cũng có luôn nhưng sẽ làm sau ...


QT



Feb 20, 2009

THẢ DIỀU - Doãn Quốc Vinh


THẢ DIỀU

Được ngày nắng tốt gió to,
Bố con quẳng hết nỗi lo ra đồng.
Bố làm trâu cỡi nâu xồng,
Con làm thằng bé mục đồng thong dong.
Ơi! trời lồng lộng...
Ơi! đất mênh mông...
Thả đôi diều trắng bềnh bồng lên mây.
Thơ ngây ánh mắt đong đầy,
Bay đi con nhé những ngày còn thơ.
Bay theo sợi chỉ vàng tơ,
Gởi lên xanh thắm ước mơ giữa trời.
Gởi lại con Bố cuộc đời,
Long lanh một thoáng rạng ngời bình an.
Ơi! nắng mênh mang,
Ơi! gió bạt ngàn.
Có đôi diều trắng lang thang cuối chiều.

DOÃN QUỐC VINH

Feb 16, 2009

Happy B-day Me Hang! - VIT DOAN

Roses are red

Violets are blue

Cupcakes are sweet

And so are you

Whatever you do

You make me pleased

It’s something that won’t be teased


You are the nectar

From this beautiful flower

You make the bugs healthier

With a touch of love

From above


You are the one who makes me happy

Each and every day

I just want to say

That you are the best

And you MIGHT love pests (me and Dan)

Happy Birthday mommy!!

Your pest,

Vit


Feb 15, 2009

LỜI ĐẦU - LỜI CUỐI , Đoàn Khoa



Một người bạn mê ca khúc "Paroles" , từng là hiện tượng của một thời, qua tiếng hát nồng nàn của Dalida và giọng nói thầm thì, tình tứ của kép đẹp Alain Delon, đã nhờ tôi dịch lời bài hát này ra tiếng Việt để anh ta cảm thêm những điều mà đôi tình nhân này thủ thỉ.
Ừ, dịch thì dịch, sẵn tiện nghe lại cũng tốt thôi, tôi nghĩ !
Trước đây tôi có nghe nhưng chỉ hiểu loáng thoáng, có lẽ vì lơ đễnh, cũng có lẽ vì lời ca đã đi từ tai này, qua tai kia rồi chạy mất tuốt, cho nên nay phải ráng chịu khó bịt một lỗ tai lại ... để giữ chữ !!!

..."tiếp tục là những ngôn từ, luôn luôn là những ngôn từ..."
Tôi bỗng mắc cười khi nghe ra câu:
"... Giá như anh biết được rằng, mỗi khi anh bắt đầu NỔ (huyên thuyên), thì em thèm một chút tĩnh lặng xiết bao..."
Đúng thiệt, càng vang lên những lời lẽ kiêu sa, rối rắm, càng khiến cho ta dễ lầm lẫn và ngộ nhận !

"Dễ dàng hay mong manh, cũng chỉ là ngôn từ "...
... Không biết đối với người Pháp, câu nói sau của nhà viết kịch Racine hay ho như thế nào, nhưng đối với tôi, khi được đọc bằng tiếng Việt, tôi thấy trong lòng rộn lên một cảm giác bâng khuâng:
"Ánh sáng ban ngày cũng không trong bằng đáy tim em ..."


... Khoảng cách 10 năm giữa hai lần dựng vở kịch "Những con thú thủy tinh" của Tennessee Williams đủ để tôi ngộ ra hơn câu thoại:
"... Tôi không đi lên mặt trăng, nhưng tôi còn đi xa hơn nữa, vì thời gian là khoảng cách xa nhất giữa hai nơi chốn..."

Tình cờ, tôi gặp một nhà thơ, đồng thời là một người viết thư pháp nổi tiếng. Ông ta cho tôi xem ba chữ viết bằng màu trắng dính liền với nhau, trên nền giấy màu đen: "Bến bờ kia"

Tôi không hiểu lắm thư pháp, đồng thời tôi lại là một kẻ định kiến và cố chấp, tôi luôn cho rằng kiểu thức này hợp với chữ Tàu hơn là chữ Latin, hơn nữa, tôi hơi khó chịu khi nó đã trở thành mốt mà các nhà làm lịch và những người bán đồ lưu niệm tận tâm khai thác. Thế nhưng, khi nhìn ba chữ được trích từ kinh Phật trên, và nhất là khi nghe người viết trút vào đó những tâm huyết, rằng khởi đầu của chuyến đi qua bến sông mê là động vọng và rối bời, thông qua chữ đầu tiên ngoằn ngoèo, bay bướm, thì kết thúc là sự bình yên, thanh thản ở chữ cuối cùng, khi người ta được thấu hiểu và thông truệ.( chữ này trong tự điển không vậy anh Khoa ?)

Tôi cảm thấy một ánh sáng rất nhỏ nhưng đẹp phía bên kia bờ .

(… 3 đoạn này từ “Dễ dàng hay mong manh…” đến “ ..nhưng đẹp phía bên bờ kia” từng đoạn rất hay nhưng chưa nối được với nhau, cần câu chuyển tiếp)

Cũng với nghệ thuật phóng chữ này, tôi đã bị "hố" một phen rõ đau.
Chúng tôi được đưa đến Miếu Nhạc Phi nằm bên bờ Tây Hồ của thành phố thơ mộng: Hàng Châu - Trung Quốc.

Nơi đây, ngoài bức tượng to thờ vị tướng tài ba Nhạc Phi, người ta còn trưng bốn chữ thật to và viết rất đẹp ở nơi trang trọng nhất:

"Tận trung báo quốc"

Người hướng dẫn du lịch vừa kể chuyện, vừa đánh đố chúng tôi:

"Đây là bốn chữ mà mẹ của Nhạc Phi đã xâm lên lưng con mình trước khi ông ra trận. Điều đáng nói là trong bốn chữ này có chữ QUỐC thiếu một dấu chấm, xin hỏi vì sao ?"
Tôi nhanh nhẩu đáp ngay :
"Có lẽ bả viết sai chính tả..."
"Không hề!!! ...Bà ta không chỉ là mẹ, mà còn là người thầy, đã dạy dỗ để ông trở thành một người văn võ toàn tài. Chuyện chữ QUỐC thiếu một nét, không chỉ với ngụ ý đất nước đang bị chia cắt không nguyên vẹn, mà còn là một mệnh lệnh với con mình rằng hãy làm gì cho chữ QUỐC được nguyên vẹn thì làm !"

Chao ôi, để có những người thầy Mạnh Tử vĩ đại, thì cũng cần phải có Mẹ của những thầy ấy còn vĩ đại hơn thế, tôi bẽn lẽn nghĩ !



"...Huyễn hoặc hay trầm trọng, cũng chỉ là ngôn từ..."
Vậy mà có những câu nói làm người ta phải gìn giữ suốt đời.
Tôi nhớ cái dạo dầm dề nhà cô chú Lê Giang - Lư Nhất Vũ, xin mấy câu ca dao làm lời cho một bài hát.

Cô Lê Giang hào phóng, cho câu hát, cho luôn những mẫu chuyện kèm theo...


Chuyện cụ bà Lê Thị Cơ, người sống lâu nhất Việt Nam, mà báo chí đã nhiều lần ca ngợi rằng cụ rất minh mẫn và thuộc rất nhiều dân ca, ca dao...

Cô Giang kể thêm những điều tôi chưa được đọc...
...Lúc cùng chồng đặt chân tới vùng đất Nam bộ hoang sơ, cụ bà chỉ mới 16 tuổi, vậy mà chỉ với một câu ca dao thốt lên, anh chồng ( lúc ấy chắc còn trẻ lắm ! ) đã giữ trọn lòng thủy chung với vợ mình cho đến hết đời .
"Tới đây lạ xứ lạ làng
Bốn bề lạ hết, mình chàng em quen"
... Lời nói, ngôn từ, từ ngữ ...
(Chắc phải có 1 câu gì đó nối “phần á” bên trên với “phần âu” bên dưới này)
Một cuộc trò chuyện ngắn với một người đạo diễn xa lạ đã lóe cho tôi thấy phong cách của phim Mỹ khác với phim châu Âu như thế nào.

Hình như những nghệ sỹ châu Âu, bằng ngôn ngữ kể chuyện riêng của mình, đã tạo những "lỗ trống lấp lửng" nhằm tạo cho khán giả một cảm giác bất an và ta có phần tham gia vào trong câu chuyện bằng cách điền những ý nghĩ riêng của mình vào những khoảng trống đó. Trong khi những nhà làm phim Mỹ đã quá tinh tường, họ nắm khán giả trong tay, họ có thể điều khiển khán giả theo những ý muốn của họ. Vậy cái nào đúng, cái nào nên theo ?


(Chắc lại phải có 1 câu gì đó nối “phần ngôn ngữ điện ảnh” bên trên với “phần ý nghĩa của chữ nhất” bên dưới này)

Thật hay khi tôi gặp một họa sỹ tài ba, anh ta duyên dáng và chừng mực.
Tôi nhớ anh ta nhiều khi anh phân tích chữ NHẤT viết bằng hán tự.
Một nét vạch ngang, không hơn không kém, vậy mà chứa đựng nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên là số một, sau là sự đơn giản nhất, nhưng nó cũng là toàn thể và là tất cả.
Tôi thích anh nói về hình ảnh tượng trưng của sự thăng bằng trong nét vạch của chữ NHẤT.
Có những người đột ngột thành một người khác, họ cứ nghĩ họ là NHẤT, nhưng lại không giữ được sự cân bằng, thật đáng tiếc !

Hôm nay, tôi được xem một phim của Đài Loan, có tựa đề NHẤT-NHẤT . Bộ phim được giải đạo diễn xuất sắc nhất trong một liên hoan phim nổi tiếng trên thế giới.

Câu chuyện xảy ra khi nhân vật bà nội trong gia đình đột ngột bị tai biến não trong ngày cưới của một người con cháu.

Mọi người trong gia đình được phân công phải trực bên gường bệnh và kể cho bà nghe những chuyện xảy ra trong ngày. Chính trong những mẩu chuyện này mà mọi người khám phá ra mình nhiều hơn và họ chợt nhận ra cuộc sống họ tẻ nhạt biết bao.


Trong phim không hề có một cận ảnh, thậm chí những tình yêu được diễn tả bằng những góc rộng, những đại cảnh. Đặc biệt có những trường đoạn khung hình chỉ là một góc phòng, một cái ti-vi tối đen, nhưng đằng sau đó, người ta phải đấu tranh giữa cái sống, cái chết.

Phim không có cãi vả và cũng không có những bữa ăn chung ... Người ta sống cùng nhau, nhưng đã không cùng chia xẻ với nhau từ lúc nào không hay.


Tôi chợt nhớ tới những ngày xa xưa nghèo khổ, gia đình tôi sống trong một mái nhà chật hẹp và dột nát. Đêm xuống, mọi người - cha, mẹ, con cái giăng những cái mùng trên cùng một căn gác gỗ.

Mặc dù những con mọi (mọt?) nhai ván sàn nghe rào rào, nhưng mọi người dường như không lưu tâm mấy.


Trong bóng tối đen ngòm, mọi người vẫn nói cho nhau nghe những chuyện trong ngày, có chuyện vui thì từ trong những cái mùng vang lên tiếng cười khúc khích, còn chuyện buồn thì cùng nhau thở dài thườn thược. Nếu đem cảnh ấy vẽ thành chuyện tranh, tôi nghĩ chắc vui lắm vì trong cái nền màu đen nhẻm, bỗng hiện lên những "bao đối thoại" liên tu bất tận ... cho tới khi ai đó ngáy khò khò lúc nào không hay.


... Và tôi lại hiểu chữ NHẤT này trong một trạng thái khác.

(Vấn đề “chữ nhất” quay lại hơi đột ngột quá. Có cách nào chuyển tiếp êm êm?)
Đối với người châu Á nói chung, gia đình là một nền tảng thống nhất, điều này nhưng (như?) một tiền lệ ngàn đời, thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, mọi người ai cũng tất bật, và mọi người có những đời sống riêng lẽ... điều ấy đã hình thành một chữ NHẤT thứ hai. Làm sao dung hòa được hai chữ NHẤT này ?

Tôi cũng chợt giật mình, hình như càng ngày mình càng ít gặp những người trong nhà hơn, và hình như những câu chuyện kể cho nhau nghe ngày một ít hơn.


Không thể trách từng người, ai cũng có công việc riêng của người đó, ngay cả tôi, khi thức dậy, mấy đứa em đi làm từ lâu, và lúc tối mịt tôi trở về, chúng đã đi ngủ tự kiếp nào ... Hóa ra mình còm may mắn sống chung một nhà !


Từ rày về sau, sẽ còn nhiều vấn đề về nét vạch NHẤT - NHẤT ấy.


Người ta thật thông minh khi nghĩ ra mã vạch. Nhờ nó, những siêu thị tính tiền và quản lý hàng hóa khoa học hơn. Đó lại là một ngôn ngữ mới - ngôn ngữ của thương mại và của quản lý.
Thời đại internet sản sinh ra những ngôn ngữ mới, ban đầu người ta "GÕ" những ký tự không dấu, sau đó là những câu cụt ngủn, không đầu không đuôi... rồi thì chèn vào những hình ảnh được vẽ từ những dấu hiệu.

Mọi người cùng hiểu, mọi người cùng vui, thật là tiện .



...Trên báo, người ta la làng vì nhiều ngôn ngữ đã biến mất, nhưng người ta cũng kêu trời vì những "ngôn ngữ mới" vừa được sinh ra.

Tôi bắt đầu thích gõ trên máy vi tính, nhưng cảm động đến phát khóc khi nhận được một cái thiệp hay một lá thư của ai đó viết tay cho mình mặc dù nét chữ rất xấu. Vậy mình có quá ích kỷ không ?

"...Anh cứ hãy tiếp tục tuôn trào những ngôn từ mà anh nghĩ rằng nó hay ho..." Tôi dịch tiếp lời bài hát...

Đoàn Khoa
tháng 12 - 2001

Feb 13, 2009

LIVING BY EMULATING THE SEA


[...] Be like the sea, advises Lao-tzu, and the world will ever tire of exalting you. The essential message presented in this verse and in many others of the Tao Te Ching is that the ocean is king of all because it knows to stay low. All streams must ultimately flow to the sea, and in the process, it becomes a servant to all. The teachings here are clear: be humble! Never put yourself above others or see yourself as superior to anyone. The highest power is a yielding valley. Become a servant, not a dominator.

[...] Even if you're older, wiser, and richer than others and have more influence and power than they do, never assume that you know what's best for anyone. Instead, imagine yourself as the great ocean that allows and encourages the smaller streams to come to you. Stay low, speak softly, and remain humble - and let others be in control of their lives as much as is humanly possible. By seeing yourself as the all-receiving sea, you remove your ego from the picture and thus become like one of the leaders referred to in this verse of the Tao Te Ching.

"Change your thougths - change your life"
- Dr. Wayne W. Dyer


Photos: tía Dũng

Feb 12, 2009

THEO LỐI EM VỀ - Nhạc Doãn Quốc Thái, phổ thơ Minh Nguyệt



Chợt thấy em,
thấp thoáng bóng từ xa

Tà áo trắng em bay,
thướt tha dưới nắng tà

Ôi tóc dài buông thả,
Ôi tóc đùa trong gió

Làm hồn anh
chợt ngất ngây từng đêm






Theo gót em về
Khi lớp học tan trường
Âm thầm lê bước
gót chân hoang

Ta nhắn lời mây gió
Sao thấy lòng bối rối
Chiều về bên thềm
Mộng nhạt miên man


Em sao em vẫn hồn nhiên thế
Để cho anh, ngây ngô cõi đê mê
Ôi ngập đường hoa phượng đỏ
Ôi cuộc tình sao chưa dám ngỏ
Để tàn phai mộng sầu lỡ cung đàn
Bởi vì anh chỉ là một gã si tình
Nhớ má em hồng pha sắc nắng
Ai oán tiếng ve hè đã sang
Lưu bút lạnh lùng tờ giấy trắng
Em có hay lòng anh cay đắng
Về gom kỷ niệm dấu trong thơ



Feb 7, 2009

PHOTOGRAPHY - Du Xuân SAPA

Hello mọi người,

Con gửi mọi người xem hình chuyến đi SAPA vừa rồi của con và anh San.
Sapa đúng là đẹp và thơ mộng. Tụi con ở 3 ngày ở đó. Ngày đầu tiên có nắng đẹp tuyệt vời, ngày thứ hai nắng tắt và có sương mù, đến ngày thứ ba thì sương mù dày đặc không thấy đường đi luôn.

Tụi con ở một khách sạn khá xa SAPA (cách 18km) và được xây dựng theo kiểu eco friendly. Rất xinh, xung quanh toàn là đồi núi và thung lũng.

Mọi người thưởng thức hình nhé.

TiSan






BÁC TRAI BÁC GÁI - Trích Chương II Tập tục cổ truyền




Nhắc đến hương ấm, bác gái chợt nhớ thuở nhỏ được mẹ dạy cho cách bày một mâm cỗ thơm ngon trang trọng để cúng ông bà, tổ tiên. Bác gái liền cất lời hỏi bác trai:
- Ông có nhớ mâm cỗ cúng cổ truyền của dân Bắc kỳ mình không?

Bác trai đáp ngay:
- Có chứ. Tôi vẫn nhớ trên mâm cỗ cúng, mẹ luôn luôn bầy hai bát bốn đĩa.

Bác gái hỏi:
- Hai bát, bốn đĩa gì vậy ông?
- Này nhé, bát thứ nhất là canh bóng. Bóng được thả vào nước dùng gà, kèm thêm xu hào, cà rốt và nấm đông cô.
- Còn bát thứ hai?
- Là bát miến, cũng nấu với gà nhưng miếng thịt gà phải được xé, không được chặt để có cùng dạng hình dài bên sợi miến.

Bác gái hỏi tiếp ngay:
- Còn bốn đĩa thì sao?
- Một đĩa thịt gà luộc có lá chanh thái mỏng; một đĩa giò chả; một đĩa xào– mẹ vẫn gọi là đĩa xào hạnh nhân, gồm xu xu, cà rốt thái hạt lựu và đậu phộng chiên để nguyên hạt. Đĩa cuối cùng là đĩa xôi vò đặt giữa hai bát chè đường. Món này là món ăn tráng miệng.

Bác gái còn nhớ cụ thân sinh ra mình xưa là con trai trưởng nên vào ngày giỗ tết, tất cả con cháu trong họ đều tụ về. Con cháu không bao giờ về cùng một lúc nên cứ đủ sáu người là bà cụ bầy hai bát, bốn đĩa lên một mâm gỗ và đặt ngay lên bàn. Con cháu chỉ việc xúm lại, vừa ăn uống, vừa nói cười ròn rã.

Bác trai góp ý với bác gái:
- Bây giờ thì đám con cháu mình đâu còn theo truyền thống xưa cũ. Chúng nó thích ăn món gì thì chuẩn bị xuống bếp làm món đó rồi mang lên trước cúng sau ăn.

Bác gái gật gù:
- Thì ông nhớ đấy, đã có lần trưởng nữ của mình làm món bún thang rồi mang lên cúng cụ. Cô em gái ông đã la lên : “A! Ai lại cúng cụ bún thang bao giờ!”.

Bác gái lắc đầu, nói tiếp:
- Đến thế hệ chắt của mình, thức ăn cúng truyền thống chúng cũng không biết, nói gì đến cách lễ bái truyền thống!

Bác trai cất tiếng cười khẽ:
- Bà làm tôi nhớ đến ngày lễ cưới của bà và tôi. Khi nhà trai chúng tôi đến làm lễ đón dâu, tôi đứng ngay trước bàn thờ. Ông ngoại ghé tai tôi, hỏi khẽ: “Con có biết lễ không?”. Ngày đó, tôi đã trả lời ngay: “Dạ thưa, có”. Sau đó tôi lễ lên gối, xuống gối rất nhịp nhàng. Ông ngoại kín đáo đứng xa thấy vậy, yên tâm là tôi không quên các tập tục nghi lễ cổ truyền.

Bác gái nối lời:
- Về lễ nghi, đám trẻ bây giờ quên gì thì quên, nhưng ông thấy không, tập tục Tết cổ truyền, chúng đâu có quên!

Bác trai gật đầu:
- Tết vừa rồi tôi với bà có phải nhúng tay vào việc gì đâu! Đám con cháu mình, chúng chuẩn bị đủ lệ bộ bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ.

Bác gái phụ họa:
- Tôi thích nhất đám con gái vẫn giữ được y phục truyền thống áo dài; mỗi đứa một màu, một vẻ để đón giao thừa.

Bác trai nhắc thêm:
- Bà nhớ không, tối hôm đó, tôi đã “lãnh đạo” lũ cháu nhỏ ra khỏi nhà trước giao thừa, đi quanh khu xóm rồi tới đúng giao thừa ông cháu cùng về tự xông đất nhà mình. Con nít hồn nhiên xông đất thì suốt năm gặp may, hết xẩy!

Bác trai mím môi suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:
- Ngày nay tục lệ đốt pháo ngày Tết đã bị cấm vì chính quyền cho rằng đốt pháo phí phạm như đốt tiền và hơn nữa, trữ pháo trong nhà để bán nguy hiểm y như chứa bom. Vì vậy con nít thời nay không được thưởng thức tiếng pháo lạch tạch đùng, lạch tạch đùng.

Bác gái góp ý ngay:
- Tôi thích bỏ tục lệ này. Nhớ năm xưa, khi còn được đốt pháo, thằng Út trai cứ nghe tiếng pháo nổ đì đùng ở đâu là chạy bay về phía ấy. Đợi tràng pháo vừa dứt là nó cùng với đám con nít trong xóm xúm quanh mớ xác pháo bên dưới để tìm những viên pháo lép. Hơn một lần có đứa cầm viên pháo tưởng là lép trong tay. Chỉ đến khi nghe thấy bùm một tiếng thì mới biết đó là viên pháo nổ chậm. Đợi đến lúc ấy thì đã muộn rồi! Nếu là pháo chuột thì bàn tay thằng bé bị phỏng; nếu là pháo trung hay đại thì da tay nó bị toét luôn.

Bác trai gật đầu đồng ý:
- Thì đúng là tục lệ đốt pháo hại nhiều hơn lợi. Nhớ lần bà và đám con diện đồ Tết thật đẹp, tôi chở bà và chúng nó trên xe Daihatzu cổ lỗ xĩ của tôi. Trên xe thì an toàn. Vừa bước xuống xe, đi vào cổng nhà chú Tư là bị tụi nhỏ xóm Cây Thị ấy ném pháo đốt lẻ vào gia đình nhà mình. Hậu quả là áo dài lụa hoa xanh của bà bị cháy ở góc trái tà trước. Aùo đầm con bé ba nhà mình cũng bị thủng một lỗ rõ to. Nó rơm rớm nước mắt không phải vì tiếc áo bị cháy mà vì cảm giác bất an, không biết khi nào lũ nhóc đi đường lại liệng pháo vào người nó.

Bác gái vừa rót đầy lại chén trà cạn của bác trai, vừa phát biểu thêm ý kiến:
- Đấy! Cấm pháo thế mà hay! Bây giờ thích có pháo trong nhà thì cứ mua mấy phong pháo giả. Giống như thằng Sáu nhà mình năm ngoái treo tràng pháo giả trên cây nêu trong phòng khách. Trên cây nêu nó còn treo thêm một cái phướn nhỏ và mấy phong bao lì xì cũng đỏ tươi chẳng kém. Nom rất được! Thằng cháu chùm bét Út chưa biết nói, không màng cầm tiền lì xì của ông bà cô chú bác cho, nó lên tiếng ơ ơ rồi chỉ tay lên cái phong bao lì xì treo trên cây nêu, đòi lấy xuống cho bằng được. Chướng thế đấy mà ông cũng lấy xuống cho nó chơi! Thật cháu hư tại ông cả! Cháu đòi lấy bát nhang xuống chắc ông cũng cho!

[...]

Feb 6, 2009

XUÂN ĐẾN


Xuân đến
ai đó ngỏ lời,
Hè sang
ráng đỏ mây trời chuyển mưa.
Thu tàn
hoa sữa rụng chưa?
Đông về ấm lửa lại vừa nhớ em.

Doãn Quốc Vinh
2009


Feb 5, 2009

NHỮNG MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT Ở MỸ



Chợ Tết Bolsa

Hơn 30 mùa xuân đã trôi qua với cộng đồng của người Việt ở Mỹ. Những mùa xuân đầu tiên trên đất khách quê người chắc sẽ khó phai mờ trong ký ức của chúng ta. Ban đầu là những nỗi nhớ quê nhà day dứt. Nhưng rồi, người Việt cũng dần dần tạo ra không khí ngày Tết cho cộng đồng mình trên xứ Cờ Hoa. Nỗi buồn của những mùa xuân tha hương đã dần dần được thay thế bằng niềm vui của những mùa xuân đòan tụ trên quê hương mới.

Mời bạn đọc hãy cùng những thế hệ người Việt ở Mỹ hồi tưởng lại những muà xuân tha hương đầu tiên…

Nữ ca sĩ Quỳnh Giao

Tôi đặt chân lên nước Mỹ vào tháng 6/1975. Người anh đi du học từ trước 75 đã bảo lãnh gia đình tôi sang định cư tại thành phố Bridge Water thuộc bang Virgina. Đây là một thành phố nhỏ chỉ có khỏang 2,000 dân. Chắc chỉ có mỗi gia đình tôi là người Việt. Tôi còn nhớ, Tết năm đó tôi không biết mồng Một Tết là ngày nào vì không có lịch Ta. Chỉ nhắm chừng từ lịch Tây sang để ước lượng ngày Tết của mình. Không khí mùa đông ở đây quá lạnh lẽo. Tâm trạng của tôi lúc đó chỉ nhớ về mẹ và các em vẫn còn kẹt lại Việt Nam. Mấy lần ngồi một mình hát lại những bài nhạc xuân cũ như Xuân Tha Hương, Ly Rượu Mừng mà rơi lệ. Tôi chỉ cảm thấy được một chút mùa xuân khi nhìn thấy cây cối đâm chồi nẩy lộc vào những ngày cuối đông.

Đến năm 76, gia đình tôi dọn về Washington DC. Ở đây cộng đồng người Việt đông hơn, đã có chợ Việt Nam. Tôi gặp lại bạn bè cũ. Mùa xuân năm ấy mới thấy có không khí Tết một chút. Tôi còn nhớ người Việt mình gom nhau lại tổ chức Tết tại một trường học. Có người đem cả bánh chưng, bánh tét đến. Nhờ vậy mà cũng đỡ nhớ quê nhà hơn…

Chị Hương:

Tôi đi vượt biên và sang đến Quận Cam Nam Cali vào năm 80. Nhớ lại cái Tết đầu tiên ở Mỹ vui có, buồn có. Buồn là vì niềm vui đòan tụ ở Mỹ chưa trọn vẹn. 10 anh chị em trong gia đình tôi đã có mặt ở Mỹ, ở Việt nam còn lại bố mẹ tôi và cô em út. Nhớ về Sài Gòn, nhớ về bố mẹ, em gái mà xót xa quá. Vui là vì Tết ở Little Sài Gòn… vui hơn tôi tưởng tượng. Hồi đó cũng đã có chợ Tết rồi, dù chưa lớn như bây giờ. Các món ăn cho ngày Tết- do chưa có nhiều người bán như hiện nay- nên hầu như nhà nào cũng phải tự làm. Ví dụ như bánh chưng phải tự gói, lúc đó còn xài giấy bạc chứ đâu đã có lá chuối. Ngon thì chắc chắn là không bằng ở Việt Nam, nhưng có không khí tết trong nhà. Nhớ lại cộng đồng mình hồi đó tuy nhỏ nhưng gắn bó, thân thích với nhau lắm. Ngày Tết đến nhà chúc tết lẫn nhau đàng hòang. Học sinh Việt Nam ở các trường trung học tổ chức văn nghệ xuân liên trường. Người đi nghe rất đông, hào hứng còn hơn các chương trình văn nghệ của ca sĩ chuyên nghiệp bây giờ. Tôi tham gia vào tất cả các chương trình này. Ngày mộng Một Tết đương nhiên là “cúp cua” để đi chơi Tết rồi, bất kể giữa tuần hay cuối tuần cũng vậy. Mùa xuân xa nhà đầu tiên nhờ vậy mà vẫn tràn đầy niềm hy vọng…

Chị Hằng:

Gia đình tôi đi sang Mỹ theo dạng HO vào tháng 9-91, về ở tại San Jose Bắc Cali, vì người em trai của tôi đi vượt biên đã ở đó từ năm đầu thập niên 80. Cái Tết đầu tiên ở Mỹ không có cảm giác nhớ nhà, vì cả gia đình tôi nay đã đòan tụ bên này. Chỉ có điều tôi và cả nhà đều tập trung vào việc đi học để nhanh chóng ra trường, để có việc làm ở Mỹ, nên không có cảm giác nhiều về Tết. Đêm giao thừa năm ấy, một người anh họ đến chở mẹ tôi và 4 chị em tôi đi lễ chùa. Người Việt ở San Jose đông, nên chùa cũng đầy Phật Tử, hương khói mù mịt, cũng vui lắm. Ít thấy người mặc áo dài đi lễ chùa như ở Việt Nam, vì trời quá lạnh. Mấy chị em cũng hái lộc đầu xuân ở chùa đem về cho đúng lễ bộ. Tết năm đó rơi vào giữa tuần. Sáng Mồng Một lại phải ra trạm xe buýt để đến trường như mọi ngày. Hôm đó lại có bài exam, nên đầu óc tôi cũng căng thẳng chuyện bài vở, quên mất tết nhất luôn…


Anh Minh:

Gia đình tôi được người em trai bảo lãnh sang ở khu Quận Cam Nam Cali vào tháng 6 năm 2008. Tến năm nay là Tết đầu tiên xa quê hương. Đêm 23 Tết vừa rồi, tôi đưa hai đứa con ra khu chợ Tết Phước Lộc Thọ. Thiệt sự là ngỡ ngàng vì không khí tết ở đây vui quá! Bà con đi dạo chợ tết đông nườm nượp. Chợ có đủ hoa đào, mai, lan, cúc, có gian hàng bánh mứt, phong bì lì xì, y như ở Việt Nam. Thích nhất là được xem đốt pháo. Hồi xưa tôi mê pháo lắm, tết nào ở Việt Nam cũng đốt tổng cộng cỡ 10 thước pháo. Bây giờ Việt Nam cấm đốt pháo hơn mười năm rồi. Nay qua đây mới thấy lại xác pháo hồng, nghe tiếng pháo nổ đì đùng, ngửi thấy mùi khói pháo trong không khí trong lành của ban đêm, làm tôi nhớ lại những đêm giao thừa ngày xưa quá. Có một ông chủ gian hàng tết, hình như nhìn biết là tụi tôi mới ở Việt Nam sang, liền hỏi: “ Giống Tết ở Việt Nam không?”. Tôi trả lời: “ Còn hơn nữa! Việt Nam đâu được đốt pháo!” Cũng khuya hôm đó, ghé nhà người em họ, cùng một nhóm bạn ngồi canh bánh chưng, nhậu nhẹt đến 4 giờ sáng, tắt nồi bánh chưng mới đi ngủ. Bạn bè dặn tôi phải đi coi hội chợ tết do Tổng Hội Sinh Viên tổ chức hằng năm. Nghe nói vui lắm, có vài trăm ngàn lượt người vào chơi. Hồi xưa ở Việt Nam, cũng đã nghe nói rằng tết ở khu người Việt Bolsa là vui nhất, vì người Việt ở khắp nước Mỹ đổ về ăn tết ở đây. Nay được chứng kiến tận mắt, thấy vui thiệt và cũng đỡ nhớ tết ở Việt Nam. Kể ra, nếu không bị chuyện kinh tế Mỹ đang suy thóai, người dân đang lo lắng mất nhà, mất việc, thì mùa xuân đầu tiên của tôi ở Mỹ chắc sẽ vui trọn vẹn ...

Đòan Hưng


Feb 2, 2009

LỤC BÁT TỨ TUYỆT NGẪU HỨNG - bố Sỹ

















Bố hỏi:

Út Hằng, Út Hiển, Út Hương
Trong ba Út ấy mẹ thương Út nào?


Mẹ trả lời:
Mẹ rằng: câu hỏi tào lao,
Cả ba Út ấy ...
Út nào (mà) chẳng thương :)

Bố
14:00 chủ nhật 1 tháng hai 2009



Feb 1, 2009

Mùng 7 Hạ Nêu -Phan Ni Tấn



Hạ Nêu

Mới đó mà nêu đã hạ rồi
Về lưng núi phượng Tết ta ngồi
Chuông ngân ba tiếng còn nghiêng giọt
Chúc tụng bốn hồi vẫn thắm môi
Tống cựu cắt đuôi anh Chuột mếu
Nghinh tân cởi ách chị Trâu cười
Thôi thì hẹn gặp mùa xuân tới
Chờ dựng nêu sầu tôi Tết... tôi


Phan Ni Tấn