“…Hồ Trường, Hồ Trường
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông Phương, nước biển Đông chảy Xiết sinh cuồng lọan
Rót về Tây Phương, mưa Tây phương từng trận chứa chan
Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc Phong vi vút đá chảy cát vương
Rót về Nam Phương, trời Nam mù mịt
Có người quá chén, như điên, như cuồng…”
(Hồ Trường – Nguyễn Bá Trác)
Tường truyền rằng bài thơ Hồ Trường ra đời trong chuyến Đông du của cụ Nguyễn Bá Trác trong khỏang thời gian 1909-1914. Trên đường viễn du, nhìn ra thế giới chuyển mình, nhìn về nước Việt Nam vẫn chưa có tương lai thời bấy giờ, ông đã phẫn chí mà ta thán như vậy. Đến nay đã là 100 năm…
Trong những tháng cuối năm 2009 trên đất Mỹ, tôi có dịp gặp lại nhiều bạn học cũ ở quê nhà. Chén thù, chén tạc, câu chuyện với những người trí thức trong nước bỗng làm tôi phải suy nghĩ, và chạnh lòng nhớ lại khúc Hồ Trường…
Một người bạn tôi từng là một trong những học sinh giỏi nhất của một cấp lớp, trong một trường trung học nổi tiếng của Sài Gòn. Hắn đang làm việc cho một công ty nước ngoài lớn tại Sài Gòn đã hơn 10 năm, sự nghiệp thật vững vàng: lương cao, chức trọng. Sau bao năm mới gặp lại, tôi hỏi thăm tình hình kinh tế của Việt Nam ra sao, mà công việc kinh doanh của công ty hắn vẫn tốt đẹp. Bạn tôi trả lời như thế này: “… Kinh tế của đất nước đi lên hay xuống tao thực sự không quan tâm lắm. Bây giờ tao quan niệm đơn giản lắm. Chuyển biến xấu của tình hình chung sẽ là cơ hội tốt của những người nhanh nhạy trong kinh doanh. Tao bây giờ chỉ quan tâm đến cơ hội kinh doanh cho công ty và cho bản thân thôi…”. Tôi ngạc nhiên, vì bạn tôi lúc còn đi học tuy rất thực dụng, nhưng cũng không phải là một người thiếu lý tưởng.
Người bạn thứ hai là người thông minh đứng đầu của lớp đại học, hiện là một doanh nhân rất thành công ở Sài Gòn. Khi hỏi về tình hình kinh tế chính trị trong nước, bạn tôi lắc đầu. Sau khi kể một loạt những điều đáng lo về vận mệnh chung của đất nước, hắn kết luận: “… Nhưng đó không phải là chuyện của tao. Tao có lo, hay có ý kiến, thì cũng chẳng làm được gì. Bây giờ tao chỉ lo cho tương lai của con cái. Đời tao bây giờ cũng ổn, chẳng thiếu thốn gì trong xã hội Việt Nam. Con tao sẽ cho đi du học Mỹ, nếu học giỏi và có việc làm tốt, nó sẽ được ở lại Mỹ. Tao không muốn và cũng không thể lo tới chuyện tương lai của đất nước…”. Người bạn này là một người tâm tính tốt, hay giúp đỡ người khác. Tôi thắc mắc là tại sao một người tốt và giỏi như hắn lại có thái độ bàng quang với đất nước đến như vậy?
Người bạn thứ ba đã từng là một nhà báo có tên tuổi, hiện nay đã thành lập một công ty kinh doanh tư nhân. Có một lần cách đây chừng 10 năm, hôì còn ở Việt Nam, tôi lôi hắn ra một quán cà phê, nói sự lo âu của tôi về một số vấn đề của đất nước. Tôi hỏi một những nhà báo như hắn có thấy giống tôi không, mà sao không thấy một tờ báo nào thông tin về những vấn đề này. Bạn tôi nhìn tôi một lúc, rồi hỏi: “ Đã hai mươi lăm năm rồi mà mày vẫn còn quan tâm đến những chuyện này sao?...”. Bạn tôi nói rằng nhà báo phải chịu sự kiểm sóat chặt chẽ của nhà nước. Những vấn đề tôi thấy, hắn và đồng nghiệp cũng thấy. Nhưng phải lựa đúng lúc, và tìm một kiểu diễn đạt thích hợp mới được đăng báo, chứ không thể nói thẳng như kiểu tôi được. Năm nay gặp lại, hắn không còn làm báo nữa. Hắn kể hằng tuần vẫn đi ăn nhậu với một số đồng nghiệp cũ. Đề tài hay được kháo nhau trong bàn nhậu là tuần rồi có người nào đó “ xé rào”, được đăng bài về một số vấn đề “nhạy cảm” của đất nước mà không bị phát hiện, kiểm duyệt. Người “may mắn” đó thường sẽ được trả tiền cho chầu nhậu. Bạn về rồi, tôi mới nhớ ra quên hỏi hắn là quyết định bỏ nghề viết báo có liên quan gì đến những chuyện tầm phào đó không?
Thằng bạn thứ tư là phó tổng giám đốc của một tổng công ty nhà nước. Thường chỉ gặp hắn trong bàn nhậu, vì công việc của hắn thường phải tiếp khách, ăn nhậu nhiều. Chừng năm năm trước, gặp hắn chỉ nói chuyện làm ăn, chuyện tiếu lâm trên bàn nhậu. Năm nay gặp lại, tự nhiên hắn đâm ra quan tâm đến chuyện thời sự hơn. Hắn than phiền cấp trên, cấp trên nữa của tổng công ty dốt nát, không có tầm nhìn. Hắn nhìn công việc kinh doanh của tổng công ty không thấy có tương lai xa. Hắn nói muốn thay đổi cũng không được, vì những thay đổi cần thiết đã đụng đến “vùng cấm không nên bàn”, đặc biệt là cách suy nghĩ của các xếp. Sau cùng hắn kết luận: “Chịu thôi. Tới đâu hay tới đó. Miễn tồn tại là được rồi. Bây giờ lo làm kinh tế, kiếm tiền. Mấy năm nữa gia đình bên vợ tao sẽ bảo lãnh tụi nhỏ sang Mỹ. Hy vọng đời nó sẽ làm được nhiều chuyện hơn mình”.
Những gặp gỡ này làm cho tôi- một người ở xa nhưng còn ưu tư đến tổ quốc Việt Nam- băn khoăn thật sự. Những người bạn tôi là tầng lớp trí thức, giàu có và thành đạt trong xã hội. Những người như họ thực sự là chất xám, là nhân tài của đất nước. Họ xứng đáng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nước Việt tốt đẹp hơn trong tương lai. Ấy vậy mà bây giờ thái độ của họ là của kẻ đứng ngoài cuộc. Họ không còn, hay không được phép quan tâm đến vận mệnh, tương lai của đất nước. Đối với họ, việc nước, việc nhà là hai khái niệm tách biệt, và họ chỉ chú trọng đến tương lai của gia đình mình. Rất nhiều người trong số họ đang xây dựng tương lai cho con cái ở ngoài nước Việt Nam. Họ không có gì đáng trách, bởi hòan cảnh đất nước buộc họ phải làm vậy để được yên thân.
Như vậy ở trong nước Việt ngày nay, khái niệm “yêu nước” được định nghĩa lại như thế nào? Biểu hiện hành động “yêu nước” là như thế nào? Đó là việc làm giàu bằng mọi cách, cho dù chuyện làm giàu của một cá nhân, một doanh nghiệp không làm đất nước giàu thêm? Hay đó là các cuộc đua xe bão táp trên đường phố sau mỗi lần đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng đội Thái Lan? Hay đó là việc ca ngợi những tiến bộ của nước nhà khi so sánh với chính mình vào 10, hay 20 năm trước? Tôi nhớ lại bài học công dân đầu tiên của mình từ thưở tiểu học: phải yêu nước, thương nhà. Khi một quốc gia mà người dân “không thể yêu nước” mà “chỉ thương nhà” như Việt Nam ngày nay, tương lai quốc gia đó sẽ đi về đâu?
Đó là một sự thực đau lòng…
Khi mà chất xám của đất nước là kẻ ngoài cuộc, không thể đóng góp tầm nhìn xa của mình vào trong việc phát triển của quốc gia, thì người thiệt thòi nhất chính là thế hệ con em của nước Việt. Chắc là những người bạn thành đạt của tôi khó có thể tiên đóan được một điều tốt đẹp gì cho quê hương mình trong 10 năm tới. Thế hệ trẻ hy vọng được gì ở tương lai? Tôi nhớ một hình ảnh ví von hết sức dễ hiểu khi nói về nền kinh tế Việt Nam hôm nay: “Kinh tế của một quốc gia giống như một cái bánh. Ở các nước tiến bộ như Mỹ, Nhật, khi những doanh nghiệp làm giàu, họ đóng góp làm đất nước mình giàu thêm, tức là làm cho cái bánh kinh tế chung của nước họ lớn ra, từ đó con cháu họ có nhiều cơ hội có phần bánh để ăn trong tương lai. Còn ở Việt Nam, sự làm giàu của khá nhiều doanh nghiệp không làm cho cái bánh kinh tế chung của Việt Nam lớn ra thêm, thậm chí còn làm nó nhỏ lại; do đó tương lai con cháu mình phải tranh dành nhau gay gắt mới có bánh để mà ăn…”.
Một trăm năm trước, cụ Nguyễn Bá Trác nhìn về tương lai mù mịt của nước Nam mà bất đắc chí ngâm khúc Hồ Trường.
Một trăm năm sau, một người Việt hải ngoại cũng chạnh lòng nhìn lại quê nhà, gắng tìm người tri kỷ trong nước để mà tâm sự việc nước non…
“ Hồ trường, hồ trường, biết rót về đâu…”