Jul 22, 2007

The piano : tales told by three generation - by Ngoc Tran Angie


Ảnh – Đoàn Khoa


Tản Mạn Đôi Bờ:

“Leeky Boat” và “Bộ nhớ Tập Thể”!


“What is this dish called, Kevin?” Tôi hỏi một cậu sinh viên trong lớp lịch sử chính trị kinh tế của Việt Nam và Hoa Kỳ tôi dạy cùng một đồng nghiệp khóa mùa Xuân 2003 (giáo trình bao gồm thời thuộc địa Pháp thế kỷ 19 cho đến hiện tại) trong buổi potluck cuối học kỳ. Kevin là một trong mấy sinh viên xuất sắc nhất trong lớp này, cậu ta ăn rau đậu chứ không ăn thịt (vegetarian). Kevin cười hóm hỉnh trả lời: “It’s called ‘leeky boat’. You see, this ‘boat’ is made of leak and carries wonderful fresh orgnic veggies.” Tôi nhìn kỹ lại mới thấy đúng: củ kiệu tây còn gần nguyên thân (dài khoảng 4 inches) được Kevin chẻ đôi, khoét chẻ rỗng lòng để nhồi tỏi tươi, cà rốt, cà chua, củ cải đỏ, hành, ngò, v..v… Tất cả được thái nhuyễn và xào qua trong dầu olive extra virgin. Hương vị thật ngọt, dòn và tươi rói vì hoa quả “sạch” không hề có hóa chất, được gặt hái và tiêu thụ cùng ngày.

“Wow, what a good play on word, Kevin. But I can definitely relate to the real “leaky boat” you know?”. Kevin cười và nháy mắt thông cảm vì đã từng được nghe tôi kể chuyện vượt biên trong một cái thuyền đúng nghĩa là “leaky”, chuyện cận kề với cái chết mấy lần, để rồi lần thứ ba mới thoát khỏi Việt Nam trong giai đoạn tăm tối nhất của lịch sử Việt Nam cận đại năm 1980.


Dạy lớp này luôn là một thử thách đối với tôi. Một mặt tôi rất say mê vì những đề tài giảng dạy liên tục trực tiếp đến nơi tôi sinh ra và lớn lên; nơi tôi vẫn hàng năm quay về vì bao người thân yêu và bạn bè còn ở đó, và nơi đầy dẫy những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị và giới tính mà tôi luôn quan tâm nghiên cứu. Mặt khác, dạy một lớp quá gần gũi với kinh nghiệm cá nhân và gia đình khiến tôi luôn trăn trở để cố gắng đưa ra càng nhiều quan điểm và lập trường đối lập trong thời gian ngắn ngủi của một học kỳ. Chả thế, dạy lớp này đến lần thứ ba rồi mà tôi với đồng nghiệp Gerald Shenk (một sử gia xã hội rất uyên Bác ) luôn năng nổ tìm những tài liệu mới để bổ sung cho mấy thùng tài liệu chúng tôi tích lũy từ hơn 6 năm qua! Phải nói năm nay chúng tôi thành công nhất trong việc giới thiệu nhiều quan điểm và kinh nghiệm sống của nhiều nhóm đối lập (gồm cựu chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam; mỗi nhóm đều có đại diện từ hai phía đối lập), và cả những thành phần không hữu chẳng tả. Ý tôi nói đến những hoạt động xã hội (từ thập niên 1960 cho đến hiện tại) của thầy Thích Nhất Hạnh, của Sư cô Chân Không, cùng nhóm sinh viên thiện nguyện làm công tác xã hội, xây dựng nhà cửa, giúp đỡ dân nghèo ở đô thị và các thôn xóm miền Nam… Đa số sinh viên phát biểu là họ yêu thích nhất quyển sách của Sư cô Chân Không “Learning True Love : How I Learned And Practiced Social Change In Viet Nam” vì qua đó họ hiểu rõ hơn lịch sử phức tạp của Việt Nam qua kinh nghiệm sống của một sư cô luôn xả thân cho hòa bình và cho những người thấp cổ bé họng nhất của xã hội. Nhưng điều hãnh diện nhất trong lần dạy thứ ba này là tôi đã đem được phần nào kinh nghiệm sống của gia đình vào trong giáo trình. Cụ thể là kinh nghiệm học tập cải tạo 3 năm của Ba tôi và hơn 12 năm của Bác Sỹ tôi. Sinh viên nghe, đọc, cảm động, thấm thía; họ tổng hợp và đi đến kết luận là để tìm hiểu lịch sử Việt Nam phải nhìn từ rất nhiều phía và không nên vội vàng đứng hẳn về một phía nào!

Tôi thấy dạy học là một cách học hỏi tốt nhất và hữu hiệu nhất! Nhờ dạy lớp này mà tôi đã tìm về lịch sử gia đình qua những buổi trò chuyện với Ba Mẹ tôi (và ghi chép theo phương pháp oral history) để hiểu rõ hơn thời di cư từ bắc vào nam năm 1954, đời sống gia đình trong thập niên 1960, 1970, 1980 và tất nhiên giai đoạn học tập của Ba tôi và Bác Sỹ trai sau 1975. Tôi cũng đã hãnh diện giới thiệu với sinh viên quyển sách “Đi” của Bác Sỹ trong đó Bác Sỹ đã gián tiếp áp dụng phương pháp oral history bằng cách dùng thư từ của các con và các cháu (viết trên tàu ngoại quốc cứu sống mình, trong trại tỵ nạn, trên đảo, v..v..) và ghi nhận lại cuộc sống gia đình trong thập niên 1970 và 1980.


Đọc lại quyển sách này và nói chuyện với Ba Mẹ và hai Bác Sỹ tôi mới thấy là bộ nhớ của mình cũng bị “leaky” không kém gì cái ghe nhỏ bé chở 47 người chúng tôi lênh đênh biển Đông! Tuy nhiên có nhiều chi tiết cảm đông của đại gia đình mà phải nhờ “bộ nhớ tập thể” (collective memory) của nhiều thế hệ mới gợi lại được. Có kỷ niệm quý báu sau đây được Mẹ tôi và hai Bác Sỹ nhắc lại. Ai hết trong đại gia đình đều biết là Bà Ngoại tôi (cùng cô con gái trưởng đảm đang, Bác Chừng tôi) rong ruổi ngược xuôi buôn bán hàng xén và làm nghề nhuộm giấy để nuôi gia đình. Vất vả là thế mà Bà tôi đã để dành đủ tiền để mua cái đàn piano cho các con kể cả con dâu, Bác Sỹ gái, tập. Đấy là cái piano đầu tiên trong quê Cót ở ngoại ô Hà Nội vào năm 1945, khi đa số dân làng còn vất vả cầy cấy và buôn bán để kiếm sống qua ngày! Rồi đến năm 1975, Mẹ tôi đã bán cái kiềng cô dâu ngày cưới để mua cái đàn piano Đức cũ (mà chúng tôi cứ gọi đùa là “cái tủ thờ” vì nó là một upright piano cũ kỹ) cho con cháu trong hai gia đình Thành Thái và Lý Thái Tổ thực tập.




Cũng như Bà ngoại tôi, Mẹ tôi đâu có thời gian để tập đàn: lúc bấy giờ còn phải đi dạy học phụ nuôi gia đình, làm dâu, và đối đầu với muôn vàn khó khăn sau 1975. Mãi cho đến năm 2002 khi về hưu sau 12 năm đi dạy nhà trẻ bên Mỹ, Mẹ tôi mới có cơ hội để học đàn piano, đúng là quay trở lại với cái đam mê đã bắt đầu từ cái piano nhà quê Cót ngót 60 năm về trước! Cứ tưởng tượng cảnh Bác Sỹ hướng dẫn Mẹ tôi đàn piano bài “Người Mẹ Hiền” do chính Bác sáng tác để kính tặng “Đẻ” mà tôi cứ rơm rớm nước mắt. Mẹ tôi còn nhắc lại một kỷ niệm xa xưa: sau khi sáng tác bài “Người Mẹ Hiền” , Bác Sỹ trai đệm piano và hướng dẫn Bác Sỹ gái cùng với các em đồng ca để chuẩn bị hát tặng Bà Ngoại tôi. Mẹ tôi kể là Bà Ngoại hay kéo lê guốc nên cả nhà đều biết khi Bà đi chợ về từ đằng xa! Mẹ tôi và Bác Sỹ gái còn nhớ như in cảnh hôm ấy các anh chị em đứng thập thò ngay cổng nhà quê Cót khi nghe tiếng guốc của Bà kéo lê trên con đường nhỏ lát gạch, tất cả đã ùa ra xúm quanh mời Bà vào phòng nơi kê đàn piano, rồi Bác Sỹ trai ngồi xuống đệm đàn cho Bác Sỹ gái cùng các em đồng ca bài này để kính tặng Bà. Tất nhiên Bà tôi cười cảm động; hơn nửa thế kỷ sau nghe Mẹ kể lại, tôi cũng không cầm được nước mắt….


Giờ đây khi nhìn bàn tay chai sạn của Mẹ tôi, gõ trên phím đàn piano mà tôi chạnh nghĩ đến bàn tay của Bà Ngoại tôi, cũng chai sạn, to và thô vì cả đời làm lụng vất vả để nuôi gia đình. Tôi còn nhớ như in lúc nằm kềnh trên sàn gỗ nhà Thành Thái trước khi vượt biên năm 1980, vừa nghe nhạc cổ điển trên radio, vừa được Bà Ngoại xoa đầu (mà thỉnh thoảng cứ phải nhắc Bà gãi nhè nhẹ vì bàn tay lao động của Bà gãi mạnh dễ bị đau!). Bây giờ biết đàn piano để giải trí tinh thần suy ra cho cùng cũng chính là nhờ công của Bà Ngoại tôi, của Mẹ tôi và của Bác Sỹ (người đã hướng dẫn tôi chập chững đàn lúc ban đầu), của nhiều thế hệ chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhau… Đây chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm của đại gia đình mà tôi có “tham vọng” sẽ được ngồi trò chuyện, lắng nghe các thành viên trong đại gia đình (trong và ngoài Việt Nam) để ghi chép lại phần nào lịch sử gia đình quý báu cho nhiều thế hệ sau…


Cái “leaky boat” đã đóng vai trò rất quan trọng để đem chúng tôi đến bờ California, nhưng cái “bộ nhớ tập thể” của nhiều thế hệ (collective memory) từ mấy bờ đại dương đã đem tôi về Việt Nam, đã chắp nối những kỷ niểm đại gia đình với sinh hoạt giảng dạy, với cuộc sống ở hải ngoại. Khi nghe Bác Sỹ đệm piano bài “Người Mẹ Hiền” cho Bác Sỹ gái và Mẹ tôi hát song ca trong một ngày nắng ấm ở miền nam California, tôi hình dung thấy Bà Ngoại tôi cười rạng rỡ, hiền từ, khoe hàm răng đen nhánh, trước cổng nhà Cót trong một khoảnh khắc ngót 60 năm về trước ….

Thương tặng Đại Gia Đình trong và ngoài Việt Nam!

Trần thị Bích Ngọc.

Viết một tuần sau ngày Mother’s day

ngày 18 tháng 5 năm 2003


1 comment:

Hot... said...

Chi Huong says: chuyen cay dan piano em da ke chi lau lam roi ?
bay gio doc lai cam thay xuc dong ghe do
Em Huong says: da.
Em Huong says: chi Khanh viet noi 3 truyen lai
Em Huong says: em thich ghe
Chi Huong says: dung roi
Chi Huong says: vi truoc day em ke tung thoi ky 1
Chi Huong says: nhung chi van an tuong doan mua sau 75
Chi Huong says: vi chi co nhung nguoi het suc yeu dan moi dam bo tien ra mua dan piano vao thoi diem do
Chi Huong says: khong ke la gia re hay dat, ma noi den thoi ky cuc ky kho khan ma van nghi den nghe thuat, tuyet voi qua, chi van nho em ke cho chi ma
Em Huong says: vay sao
Em Huong says: em khong nho em da ke hehehe
Em Huong says: em gia :)
Chi Huong says: vi luc chi moi doc tieu de cau chuyen cay dan 3 the he
Chi Huong says: la chi nho ngay ma
Chi Huong says: ma cang doc lai cang thay hay