Dù không thích đọc thơ, tôi lại cứ thuộc hai câu thơ của nhà văn Mai Thảo:
“ Thế gian có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời”
Tôi tự nhủ “Nhà văn mà lại làm thơ, hèn chi ‘không hiểu’ một cách cương quyết.”
Thế rồi trong một chuyến đi chơi châu Âu, tôi phải đương đầu với một “điều không hiểu”.
Lần đó tôi đi chơi với một nhóm trẻ, bạn của đứa em út. Một ngày nọ, chúng tôi đi từ Scotland đến Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland bằng xe hơi. Trời hè hôm ấy ngày dài lê thê. Xe chạy băng băng đến 10:00 đêm trời mới chạng vạng tối. Trời sáng lâu khiến lòng người hớn hở bao nhiêu thì khi màn đêm ập xuống sự hụt hẫng càng rõ rệt. Trong màn đêm, đoàn người du lịch trở nên im lặng. Anh lái chăm chú lái, chị “phụ xế” chăm chú đọc GPS, “đồng bọn” còn lại theo dõi cả hai. Tất cả đều căng thẳng vì chung quanh tối quá mà đường đi ngoằn ngoèo, không biết ở khúc quanh sắp tới sẽ có gì bất thường xảy ra chăng?
Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đi hết được con đường hoang vắng, đến khu thị trấn nơi một ngưởi trong nhóm đã thuê sẵn ba phòng. Nhìn đồng hồ, tôi thấy đã gần nửa đêm, nhưng khách sạn vẫn sáng đèn. Anh lái xe nói: “Mình đã đặt chỗ, lại dặn sẽ đến giấc khuya thì họ sẽ phải chờ.”
Tuy nhiên, chúng tôi đậu xe xong, vẫn phải nhấn chuông, đợi một chốc thì có người ra mở cổng, mặt ngái ngủ. Thủ tục nhận phòng diễn ra lặng lẽ và nhanh chóng. Không có những câu chào hỏi xã giao nhưng nhân viên khách sạn vẫn hỏi “Quý vị còn cần gì khác không?” Lẽ ra chúng tôi cần một đứa một chén súp nóng, nhưng trong hoàn cảnh này, bất cứ lời đề nghị tương tự nào cũng đều trở nên khiếm nhã. Một đứa thầm thì với đồng bọn “Tụi mình còn mì ly.” Thế là mì được chia ra, ai nấy đem về phòng mình, tự nấu nước sôi, tự thưởng thức. Hai chị em tôi cười khúc khích, bảo nhau: “Mình du lịch hạng còn xoàng hơn Tây ba lô ở Việt Nam.” Nhưng đói quá thì mì ly cũng được bao tử tiếp đón niềm nở. Sau đó, hai chị em tôi nhanh chóng đánh răng, rửa mặt, thay được bộ đồ bụi bậm trong ngày, rồi phân chia nhau, chị ngủ gần cửa sổ, em gần cửa ra vào. Phen này ắt phải ngủ như chết! Dè đâu!
Dè đâu một tiếng rầm làm cả hai chị em thức giấc. Chị hỏi “Chuyện gì vậy?”, em nhổm dậy nói “Để em ra xem!” Nó chạy ra, rồi chạy vào ngay, thông báo: “Nhỏ Khanh xớn xác! Đi sao mà té cái rầm. U một cục ở trán nhưng chắc không nặng. Khanh về phòng rồi, mình ngủ tiếp thôi.”
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy thì thấy trời đã sáng, nhưng khách sạn còn im lìm. Hai chị em ra hỏi thăm chỗ ăn sáng của khách sạn rồi lần đường ra khu vực tiếp tân đợi “đồng bọn”. Trong khi xuống cầu thang, tôi để ý từng bậc thang được lót bằng thảm màu cờ Scotland và nhiều hoa văn ngoằn ngoèo. Tôi nói:
- Thảm kiểu này, hèn chi nhỏ Khanh không nhìn ra các bậc thang!
Ra đến phòng tiếp tân, đợi một chút thì “đồng bọn” xuất hiện. Như thường lệ, chưa thấy người, tôi đã nghe loáng thoáng:
- Ai biểu mày khuya khoắt rồi còn léng phéng ra ngoài?
- Ai biểu con Linh đòi mã Wifi?
- Kệ nó!
- Kệ sao được với nó!
- Thì đi, sao không đi cẩn thận?
- Cẩn thận sao được. Hình như có ai đó đẩy tao đi.
- Mày nói làm như có ma đẩy mày!
- Ma còn đỡ! Quỷ thì có! Mày có thấy ma nào đẩy được người không?
Quả vậy! Tôi nhớ trong phim “The Ghost” con ma muốn vận được sức thân người như người sống phải tập luyện rất lâu.
Cuối cùng, cả bọn cũng tụ được đầy đủ ở phòng tiếp tân, tính để hỏi thêm về các dịch vụ của khách sạn. Khanh lững thững theo sau, vừa đi vừa check tin nhắn trong I-phone. Chúng tôi chứng kiến Khanh càng đọc mặt càng tái xanh. Cô nàng đưa I-phone cho bạn Quân (người lái xe) coi. Quân đưa cho Linh. Linh chuyền tiếp. Cuối cùng tin nhắn đến tay chị em chúng tôi. Có tổng cộng ba lời nhắn.
Tôi lẩm bẩm đọc:
“I will arrive at Giant’s Causeway at 18:03. I’ll let you know if I’m running late." (Tôi sẽ đến Giant’s Causeway vào khoảng 18:03. Nếu trễ hơn, sẽ cho bạn biết.”)
[Giant’s Causeway là khu du lịch nổi tiếng trong vùng.]
“My updated arrival time to Giant’s Causeway is now around 18:09.” (Giờ đến của tôi bây giờ đổi thành 18:09.)
“I’m arriving at Giant’s Causeway soon.” (Tôi sẽ có mặt liền ở Giant’s Causeway.)
Khanh lắp bắp với đồng bọn:
“Làm sao tao có thể gửi message cho cô bạn bán áo dài mà không biết!”
Khanh lắp bắp tiếp:
“Mắc gì tao phải viết cho cô đó bằng tiếng Anh! Mà giọng văn này cũng không phải của tao! Nói thiệt với tụi bay, từ tối qua đến giờ, tao không ngừng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát mới sống sót đến bây giờ!”
Tôi nhìn kỹ thì thấy vết bầm gần mắt của Khanh đã tan dần.
Lúc đó Quân mới định thần tiết lộ thêm chi tiết phần mình:
“Cái tật mê chụp hình! Tối qua lúc mấy bà đã về phòng ngủ, tui xách máy đi chụp hình khuya. Khi về lại khách sạn, tui đã cẩn thận load hình từ thẻ nhớ vào laptop. Sẵn tay tui load luôn hình từ mấy cái thẻ nhớ tui dùng hôm qua và hôm kia. Load xong rồi, tui cất các thẻ nhớ đó vào bịch nylon. Trong đó có hơn mười cái thẻ nhớ khác. Vậy mà sáng này tìm hoài không thấy túi đựng thẻ nhớ đâu hết. Rõ ràng tối hôm qua tui cẩn thận cất cái bịch thẻ vào trong ba lô trước đi ngủ.”
Cả bọn chết lặng người, không đứa nào nói thêm được tiếng nào, chỉ còn biết vào phòng ăn sáng rồi sau đó tiếp tục đi chơi theo chương trình đã định. Trên đường từ khách sạn ra xe (mà Quân thuê từ đầu chuyến đi) thằng con trai của Quân đưa cho tôi tờ báo địa phương khách sạn để sẵn cho khách. Nó nói: “Nè, bác Khánh thích coi tin tức thì có đây.” Tôi hoan hỉ cầm nhưng còn xao lãng vì một chuyện dở dang. Linh tiện tay lấy tờ báo từ tay tôi, và thấy ngay hàng tít quảng cáo “ghost tour” ở một ngôi làng tên Carrickfergus thuộc Dublin, tại một khách sạn tên Dobbins Inn. Linh ngơ ngác một chút rồi hỏi mọi người:
“Đây có phải là làng Carrickfergus không?”
“Phải!”
“Khách sạn này có phải tên Dobbin Inn không?
“Phải!”
Linh bần thần nói tiếp:
“Tao nhớ ra rồi. Khi đặt phòng online, tao có thấy một comment nói là khách sạn này có ma."
Cả bọn lao nhao hỏi Linh:
“Tại sao mày biết khách sạn có ma mà vẫn đặt phòng?”
Linh trả lời:
“Nó có ma nhưng nó được chấm tới 8 điểm trên 10!”
Khanh, nạn nhân chính của con ma, thì lại có cách nhìn vấn đề mới mẻ:
“Người ta phải tốn bao nhiêu tiền mới mua được cái ghost tour này. Mình đi tour hoàn toàn miễn phí, còn muốn gì nữa!”
Quả thật! Đám người trẻ đã vui vẻ với tầm nhìn kinh doanh này. Riêng tôi còn băn khoăn chuyện con ma. Rõ ràng là phải có một cõi âm. Những người trong cõi âm này nếu chưa được đi đầu thai (theo thuyết Phật giáo) thì sẽ quanh quẩn hoài ở cõi dương. Thỉnh thoảng họ phải nhắc nhở cho những người cõi dương nhớ sự hiện diện của họ.
Giải thích như vậy không biết có được chấp nhận không. Riêng tôi thì đành công nhận đây là một trong những “triệu điều không hiểu của thế gian.”
Đã lỡ đọc hai câu đầu của bài thơ:
“Thế gian có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời”
Tôi xin đọc tiếp hai câu sau:
“Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Nhìn ở sao trời sẽ hiểu thôi.”
Bây giờ bốn câu thơ này được khắc trên mộ của nhà văn Mai Thảo tại nghĩa trang Peek Family. Thỉnh thoảng chúng tôi đưa Bố già đến thăm mộ bạn văn ngày xưa, Bố đọc lại 4 câu thơ rồi cười hỉ hả:
“Bây giờ ông ấy đã nhìn ở sao trời và đã hiểu!”
Chúng ta, những hậu duệ, cũng cần kiên nhẫn đợi đến ngày “đọc ở sao trời”.
Aug 4, 2024
Doãn Khánh