Sep 29, 2024

SHAKESPEAR - Doãn Kim Khánh

Nhớ thuở còn dạy học ở Việt Nam, tôi được giao một lớp Văn Chương Anh và đã liều lĩnh nhận lời. Liều lĩnh vì trong chương trình văn chương Anh không thể không có “trái núi” Shakespeare, mà những bài thơ và đoản kịch của Shakespeare đều được viết bằng tiếng Anh cổ, trông “hãi” lắm! Đã thế sách vở tham khảo thuở ấy hầu như không có! Thầy cô nào chịu nhận dạy các áng văn ấy thì có bị gắn chữ “liều” cũng không oan.

Thực ra, tôi xa lạ với tiếng Anh cổ trong văn chương Shakespeare nhưng không hẳn xa lạ với bản thân nhà thơ. Tôi vẫn tự nhủ: “Shakespeare đối vối dân Anh cũng giống như Nguyễn Du đối với dân Việt.” Shakespeare cùng tầm cỡ với cụ Nguyễn Du nhà mình thì đáng nể chứ không đến nỗi đáng sợ.

Tôi bắt đầu lục lọi sách vở và ngạc nhiên vì chưa có nhà văn nào bị “chọc quê” dữ dội bằng

 đại văn hào này. Sau đây là vài hí họa tôi tìm được:

Hí họa 1:

Trong bức tranh này, Shakespeare chưa có râu vì còn là học sinh. Trò Shakespeare vừa nghe cô giáo báo hung tin: “Shakespeare, em rớt môn tiếng Anh rồi, nhưng em phải chịu thôi vì trong bài em dùng đến 400 chữ không có trong tự điển!”

Hí họa 2:



Trong hình vẽ này vấn đề sống chết trọng đại của Hamlet “to be or not to be” đã biến thành vấn đề lẩm cẩm của Shakespeare với hộp bút chì trước mặt: “2B or not 2B”. Chẳng hiểu cuối cùng Shakespeare có chọn bút 2 B loại chì mềm hay không!

Hí họa 3:

Hí họa đề cập đến câu Juliet nói với Romeo “What’s in a name?” Ý nàng là cái tên không quan trọng. Nàng yêu con người của Romeo, bất kể tên của hai gia đình đang thù ghét nhau.

Nhưng trong hí họa này, câu “What’s in a name?” không phải từ miệng người đẹp Juliet mà từ người đẹp tên Hồng. Khác với nàng Juliet, nàng Hồng quan tâm đến tên gọi. Nàng đến gặp quan tòa mang tên Shakespeare xin đổi tên. Quan tòa nói đúng quan điểm của nàng Juliet: “Ờ thì muốn đổi tên chính thức cũng được, nhưng, cô Hồng à, sẽ chỉ khác cái tên mà thôi!.” Ý ông là Hồng sẽ vẫn hoàn Hồng.

Câu trọn vẹn trong nguyên tác là

“What's in a name?
That which we call a rose
By any other name would smell as sweet”. 

Tạm dịch là:

Xá gì một cái tên?
Bông hoa ta gọi là Hồng
Dù thay tên họ vẫn nồng nàn hương. 

Hí họa 4: 


Trong hí họa này, câu trích “Neither a lender, nor a borrower” là từ vở Hamlet.  Đây là lời khuyên của Polonius cho con trai Laertes (anh của Ophelia, người yêu của Hamlet) khi anh chàng này chuẩn bị rời nhà đi học xa. Người cha dặn dò con không nên cho vay tiền, cũng không nên mượn tiền.

Câu khuyên nghiêm chỉnh là thế, nhưng trong hí họa trên, từ miệng người đàn ông ăn mặc lịch sự đến tai người ăn mày bệ rạc thì lập tức Shakespeare lại bị chọc quê bằng câu cải chính của người ăn mày; “Ấy, tôi chẳng mượn tiền, cũng chẳng cho vay tiền. Tôi chỉ xin tiền!”

Tội nghiệp ông Shakespeare!

Tuy nhiên, tôi vẫn một lòng tôn kính ông Shakespeare, người có địa vị trong văn học Anh ngang ngửa với cụ Nguyễn Du của chúng ta trong Văn Học Việt.

Từ lâu tôi đã biết ngôn từ của cụ Nguyễn Du thâm nhập dân gian Việt một cách ngọt ngào. Bố tôi. khi nhắc đến ba người con gái đầu tiên của ông, vẫn thường trích lời cụ, chỉ thay đổi chút ít: “Đầu lòng ba ả tố nga …”

Khi phẫn uất vì một giới chức tham nhũng, tôi vẫn thường nói “Hắn ta “vét sạch sành sanh” rồi mới bọc hết tiền, hạ cánh an toàn ở nước ngoài.”  Nói rồi mới nhớ mình vừa mượn lời cụ Nguyễn Du mô tả tham quan vét của cải nhà Vương Ông.

“Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.”

Tôi cũng từng nghe những bà mẹ quá bực mình với đứa con dại dột của mình thì la ầm ĩ: “Mày ăn gì mà ngu quá vậy!” Bà mẹ đâu ngờ mình vừa mượn lời cụ Nguyễn Du, đoạn mô tả Tú Bà: ”Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao!” 

Ngôn ngữ của cụ Nguyễn Du thấm nhuần vào trí não người dân Việt đến độ ngày xưa có những người không học thức vẫn thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều. 

Còn Shakespeare thì sao?

Có giai thoại kể rằng thuở xưa có một bà mẹ quê ở xứ Anh một bữa được con dắt lên tỉnh để coi kịch Shakespeare. Khi ở rạp hát về, các con hỏi bà coi kich có hay không thì bà đáp: “Hay, nhưng ông Shakespeare này mượn nhiều chữ của dân gian quá!”

Các con bà cười ngất: “Má ơi! Dân gian mượn chữ Shakespeare thì có.” 

Thế đấy! Dân gian mượn chữ, xài cho thỏa thích rồi quên béng mất nguồn gốc Shakespeare. 

Một lần tôi ghi tên dự một hội nghị ở tận Hà Nội dành cho các thầy cô giáo dạy tiếng Anh. Các bài thuyết trình về đủ mọi đề tài liên quan đến ngôn ngữ và giáo hoc pháp. Riêng tôi chọn nói về Shakespeare. Tôi hơi lo không biết có khán giả nào tò mò về ông Shakespeare tầm cỡ Nguyễn Du này không. Khi bước vào phòng, tôi thấy đã có một lượng khán giả vừa phải đang đợi sẵn. Tôi hiểu đó là những người thực sự quan tâm đến Shakespeare, chứ không vào nghe vì không còn chỗ nào khác. Trong số những người đó có cô giám đốc trung tâm nơi tôi đang dạy. Cô chứng kiến, ngoài việc dạy học, tôi cũng biết thuyết trình. Cô cũng thấy tôi đã “mua vui” được cho khán giả bằng những hí họa và những chuyện tào lao về đời tư của Shakespeare, chẳng hạn như chuyện ông lấy vợ lớn hơn ông đến tám tuổi và đứa con đầu lòng của hai người ra đời sáu tháng sau đám cưới! Sau buổi thuyết trình, cô giám đốc nói khán giả khá thích thú. Cô cũng hài lòng ra mặt vì tôi nêu tên Trung Tâm Ngoại Ngữ Nông Lâm, nơi cô làm giám đốc và tôi dạy học.  Tôi thì tin là hồn thiêng ông Shakespeare rõ ràng đã giúp đỡ tôi nhiều. Từ đó một bạn thân cũng là đồng nghiệp có dịp chọc ghẹo tôi: “Thi hào Shakespeare là ‘bồ’ của cô giáo Khánh đó!”

Vào năm 2023 (gần hơn hai thập niên sau), trong một một chuyến du lịch châu Âu, tôi có ghé Stratford upon Avon, quê hương của Shakespeare và phu nhân Anne Hathaway. Dinh cơ của họ được nước Anh giữ gìn rất kỹ. Những cơ ngơi này cho thấy họ là những người có tài sản đáng kể trong xã hội Anh thời đó và những gì họ để lại hiện đang là một nguồn dồi dào thu hút du khách cho chính phủ Anh. Lần đó tôi cùng nhiều du khách khác đứng quanh một bà hướng dẫn du lịch. Có người hỏi bâng quơ: 

“Tại sao Shakespeare tài hoa và giàu có lại chịu lấy người lớn hơn mình đến 8 tuổi?”

Bà hướng dẫn chỉ mỉm cười và đưa tay làm dấu hiệu căng phồng trên bụng. Mọi người đều hiểu và đều cười. 

Còn tôi thì được dịp thăm hỏi “bồ” cũ của mình. Tấm hình này là bằng chứng: 


Và còn chụp được tấm chân dung này để khoe với mọi người nhan sắc anh “bồ cũ”.


Và còn rủ được bạn Hà Bạch Trúc của mình tiếp tay dịch và bình phẩm bài độc thoại nổi tiếng của Hamlet.

SỒNG HAY KHÔNG SỐNG

Sống hay không sống? Vấn đề là ở đó.
Cao quý hơn chăng nếu cam chịu
Số phận ngặt nghèo, nghịch cảnh trớ trêu,
Hay hiên ngang chiến đấu cùng biển khổ
Và đương đầu chấm dứt nó thôi. Chết – là ngủ,
Thế thôi; ngủ là hết, là kết thúc
Nỗi khổ con tim và đớn đau thể xác:
Có kết thúc nào đáng mong ước hơn.
Chết chẳng qua là ngủ;
Ngủ thì có khi mơ - ấy nhưng chỉ ngặt một điều,
Mơ nào sẽ đến trong giấc ngủ chết đó,
Khi ta rũ bỏ xác thân ô trọc này,
Ðiều đó khiến ta do dự – để rồi
Kéo dài thảm trạng cuộc sống khổ đau.
Vì mấy ai chịu được ngọn roi oan nghiệt thời gian,
Bất công áp bức, người giàu kiêu căng,
Mối tình vô vọng đau thương,
Công lý đình trệ, tham quan cửa quyền,
Người hiền bị kẻ bất tài khinh khi,
Chỉ một nhát dao, ta sẽ được yên
Sao ta cứ gánh nhọc nhằn làm chi,
Cứ than van, cứ mệt mõi vì đời,
Phải chăng bởi nỗi hãi hùng,
Ngại điều sẽ đến khi mình ra đi,
Ra đi về chốn mịt mù, chưa ai từng đến, chưa ai quay về
Nên thà tiếp tục khổ đau,
Còn hơn giáp mặt những điều chẳng quen.
Mới hay lương tâm biến ta thành hèn,
Mới hay chí ta dù mạnh mẽ
Cũng hoại dần vì lo lắng xanh xao,
Và rồi những dự tính lớn lao
Cũng bất thành vì ta đi lệch hướng
Và thôi rồi mất dịp ra tay.

- Hà Bạch Trúc dịch

Nguyên tác: 

To be, or not to be, that is the question.
Whether 'tis nobler in the mind to suffer
The slings and arrows of outrageous fortune,
Or to take arms against a sea of troubles,
And by opposing end them. To die—to sleep,
No more; and by a sleep to say we end
The heart-ache and the thousand natural shocks
That flesh is heir to: 'tis a consummation
Devoutly to be wish'd. To die, to sleep;
To sleep, perchance to dream—ay, there's the rub;
For in that sleep of death what dreams may come,
When we have shuffled off this mortal coil,
Must give us pause—there's the respect
That makes calamity of so long life.
For who would bear the whips and scorns of time,
Th'oppressor's wrong, the proud man's contumely,
The pangs of dispriz'd love, the law's delay
The insolence of office, and the spurns
That patient merit of th'unworthy takes,
When he himself might his quietus make
With a bare bodkin? Who would fardels bear,
To grunt and sweat under a weary life,
But that the dread of something after death, 
The undiscovere'd country, from whose bourn
No traveller returns, puzzles the will,
And makes us rather bear those ills we have
Than fly to others that we know not of?
Thus conscience doth make cowards of us all,
And thus the native hue of resolution
Is sicklied o'er with the pale cast of thought,
And enterprises of great pith and moment
With this regard their currents turn awry
And lose the name of action.

- Shakespeare

 “To be, or not to be” là câu nói nổi tiếng nhất của Shakespeare và cả nền văn chương Anh. Kể từ khi câu nói ra đời, khoảng năm 1600 qua vở kịch Hamlet, không thể nào kể hết số lần mà câu nói này đã được trích dẫn. Trên khắp thế giới, trong mọi quốc gia, mọi lãnh vực, mọi hoàn cảnh, ai cũng có lần mượn câu “To be, or not to be” để diễn tả ngắn gọn tâm ý của mình, một cách nghiêm trang hay một cách diễu cợt. Câu này quả tiện lợi và dễ dùng vì nói ra, ai cũng hiểu.

Nhưng nói thì dễ, chứ dịch không dễ. “To be, or not to be” dịch sao đây: “Sống hay không sống”, “Nên hay không nên (trả thù)”, “Giết hay không giết (kẻ thù)”, hay “Muốn hay không muốn (sống)”? Câu nào nghe cũng có lý, giống như chàng Hamlet hay suy tư, triết lý nên loay hoay chẳng biết chọn đường nào. Có phải vì thế mà câu nói bất hủ của chàng đến nay vẫn còn thông dụng.

Vợ hỏi chồng: Tôi hay nó? Thôi hay ở? Anh chọn đi “To be or not to be?”

Tình nhân hỏi người yêu: Nếu anh không cưới thì mình chia tay; anh nói đi “To be or not to be”? 

Chàng khó xử quá; bạn bè kêu đi nhậu, vợ không cho đi, vậy đi hay ở, “To be, or not to be?”

Muốn mua cái hột soàn tổ bố nhưng phải vét hết tiền mới đủ, vậy “to be or not to be” đây?

Cái đầu gối đau quá mà hơn mười năm do dự “to be or not to be” mới đi đến quyết định mổ.

Ðó là ở cảnh đời thường, còn có những lúc khó khăn và quan trọng hơn nhiều. Như các ông bà chính trị cao cấp, họ thường xuyên phải quyết định những chuyện đại sự thì không biết họ đã bao phen trăn trở và đã phải bao nhiêu lần vấn kế “to be, or not to be” của Hamlet?

Cũng như Shakespeare thường bị các nhà hí họa “chọc quê”, câu nói bất hủ “To be, or not to be” của Hamlet cũng bị nhà văn Mỹ Mark Twain đem ra chế nhạo trong truyện “Adventures of Huckleberry Finn” (1884) của ông. Truyện kể Huckleberry Finn đang xuôi bè trên sông Mississippi thì gặp hai tên lừa đảo. Chúng tập dượt để sắp tới sẽ trình diễn kịch của Shakespeare, nhưng vì không có kịch bản trong tay nên chúng nhớ tới đâu nói tới đó. Vì thế đã biến câu nói bất hủ “To be, or not to be; that is the question”  thành “To be, or not to be; that is the bare bodkin”.  

Tài tử thượng thặng Arnold Schwarzenegger cũng từng chánh vai trong phim Last Action Hero (1993) trong đó Hamlet đã biến câu độc thoại trứ danh của mình thành: “To be or not to be? Not to be.”

Còn nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut thì dựa nguyên vào “To be or not to be” để dặt tựa đề cho truyện ngắn khoa học giả tưởng của mình “2 B R 0 2 B” (1962), đọc là “2 B R naught 2 B”.

Hơn 400 năm rồi mà Shakespeare và “To be, or not to be” vẫn còn sống nhăn.

- Doãn Kim Khánh 

No comments: