Đôi bạn này biết nhau từ thuở nào?
Cụ Sỹ khi ngồi trên xe, được con chở đến điểm hẹn, thắc mắc hỏi con gái:
- Bác Lê Xuân Khoa dạy với bố ở trường nào hở con?
- Câu hỏi này chút nữa mình sẽ hỏi bác ấy nha bố.
Cụ Sỹ phải hỏi thêm vài lần nữa những câu tương tự và nhận được câu trả lời tương tự như trên, cho đến khi tay bắt mặt mừng với cụ Khoa. Khi hai cụ đã ngồi yên ấm bên nhau, trên một ghế rộng ngoài hiên một tòa nhà lớn tại Quai Hill Community Center – Irvine. Cụ Khoa giải tỏa liền thắc mắc cho bạn và con cùng cháu nghe:
- Bác và bố cháu học với nhau cùng một lớp tại trường Văn Khoa Hà Nội. Lớp đó có bạn Lê Hữu Mục, Lê Thành Trị, Phạm Việt Tuyền, Lý Quốc Sỉnh… Thế nhưng khi ra trường chọn nhiệm sở đi dạy học thì bác chọn trường Pétrus Ký tại Sài Gòn. Năm ấy là 1953. Với ý muốn là vào Nam, dạy tại trường này bác có thể dễ dàng xin đi du học tại Pháp. Vì lúc ấy miền Nam còn là thuộc địa của Tây mà.
- Còn bố Sỹ cháu thì chọn dạy tại trường Chu Văn An. – Bác Khoa nói tiếp.
Con gái cụ Sỹ thay mặt bố hỏi tiếp:
- Thế nhưng bác và bố cháu sát cánh làm việc với nhau ở đâu ạ?
- Sau khi bác đi du học ở Pháp về thì cùng dạy với bố cháu ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Và cả hai cùng là hội viên của Hội Văn Hóa Á Châu và Hội Văn Hóa Dân Tộc mà cụ Nguyễn Đăng Thục làm chủ tịch.
Cụ Sỹ nghe bạn nói, thế nhưng nhớ được bao nhiêu chuyện xưa thì nào ai biết được! Dường như Cụ không còn màng đến chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ngày mai nữa thì phải!
Chuẩn bị cho buổi gặp gỡ này, cụ Sỹ rất hồn nhiên vì cụ nào nhớ gì để kể. Riêng cụ Khoa thì chuẩn bị kỹ càng lắm: một phong bì bên ngoài ghi chữ “DQS”. Cụ lôi ra một xấp hình:
- Này ông xem xem ai đây? – Cụ Khoa đưa cho cụ Sỹ xem ngay một hình.
- Ôi iii… mắt tôi kèm nhèm lắm, ông à. – Ông Sỹ liếc nhìn mà dường như không thấy!
- Này nhé: đây là ông và bà xã, tôi đây, còn đây là bà Ưởn và phu quân, đây là Như Phong - Lê Văn Tiến, còn những người kia tôi chẳng nhớ tên. Ở nhà ông đấy.
Câu chuyện kể từ đây là do bác Lê Xuân Khoa kể, ông Sỹ chỉ ậm ừ vì nào có nghe được mấy và thấy gì đâu.
- Lần ấy, tôi từ Mỹ về Hà Nội làm việc. Hình như năm 1982 thì phải, tôi hỏi tên công an xếp sòng ở Hà Nội làm sao thăm được các bạn tại Sài Gòn, có bạn đã ra tù và có bạn vẫn còn ở trong tù. Tên công an ngần ngừ bảo “Người đã ra khỏi tù thì ông thoải mái thăm, nhưng người còn trong tù thì không nên. Vì chúng tôi còn phải làm nhiều thủ tục lâu lắm, có khi đến cả tháng mới được.” Thế là lúc ấy tôi thăm được Như Phong - Lê Văn Tiến và ông vì cả hai đã ra khỏi tù rồi. Vậy mới có tấm hình này đây.
- Hôm ấy tôi đến nhà ông và ngỡ ngàng vì một bàn tiệc do bà Sỹ chuẩn bị với một số đông các bạn của cả tôi lẫn của ông. Tôi bảo với bà Sỹ:
- Trời ơi, sao chị làm tiệc linh đình thế này?
- Tiền anh đưa dư lắm, tôi làm cho hết số tiền ấy. – bà Sỹ trả lời tôi thế.
Cụ Khoa quay sang hỏi bạn Sỹ:
- Đông thế này thì ông có sao không? Tôi đến rồi về lại Mỹ, còn ông ở lại thì làm sao đây? Và ông trả lời tôi như thế này mới hay: “Nếu có chuyện gì thì lại vô!”
- Còn đây tấm hình này đặc biệt lắm, ông nhìn ra ai không?
Cụ Khoa lại đánh đố cụ Sỹ nữa rồi! Cụ Sỹ lại đổ tại rằng “Tai tôi bây giờ nghễnh ngãng lắm, nghe cứ ù ù ông ạ!” Cụ Khoa lại thuyết minh tiếp về tấm hình:
- Đây là ông, đây là bà Sỹ bế thằng cháu nào đấy, và tôi. Cũng tại nhà của ông. Đằng sau có bức tranh của họa sĩ nào ấy tôi không nhớ.
- Và đây nữa, hôm ấy ông chở tôi bằng xe mobilette đến tòa soạn báo Bách Khoa, Lê Ngộ Châu chủ nhiệm báo Bách Khoa, Nguyễn Văn Trung, ông và tôi.
- Hình này thì thật quí hiếm, cũng vẫn là ông và tôi đi thăm cụ Nguyễn Đăng Thục. Cụ Thục còng lưng quá rồi nên tiếp khách phải nằm ngửa trên ghế, cạnh là cụ bà Thục.
- Đấy là những hình ảnh thật là quí giá tôi còn giữ được đến giờ đấy ông ạ.
Sự trân quí kỷ niệm xưa của bác Khoa lây lan đến thế hệ con cháu chúng tôi, hẳn nhiên là cellphone dơ lên chụp lưu lại ngay những tấm hình cách nay gần nửa thế kỷ. Con cháu chúng tôi thu giữ lại được phần nào kỷ niệm của hai bố Khoa và bố Sỹ.
Bác Khoa thỏa thuê vì những gì muốn nói với bạn đã nói. Bây giờ hai con bầy thức ăn ra để hai bố ăn. Cụ Sỹ có hộp thức ăn riêng do con gái mang theo. Cụ Khoa vẫn ăn uống bình thường và ăn rất ngon miệng. Hai con nhìn hai bố ăn mà mát lòng mát ruột. Bố Sỹ nay 100 tuổi sẽ thêm vài năm nữa vui cùng bạn và con cháu. Bác Khoa cũng vậy, với tinh thần phấn chấn vẫn còn muốn giúp đời và giúp người thì bác cùng theo chân bạn Sỹ nhé. Kết thúc buổi picnic ngoài trời là trò chơi “bạn đẩy xe cho bạn” đi chơi vòng quanh hành lang nhà cộng đồng. Cụ Sỹ ngồi cụ Khoa đẩy, dẫu rằng cụ Sỹ vẫn đi ngon lành chẳng cần walker gì cả. Trò chơi thật vui, cụ Khoa tán thưởng: “Đẩy ông Sỹ thế này bác thấy mình khỏe và càng chắc rằng sức khỏe mình tốt thật!”
Riêng tôi nhớ thuở xưa trước 1975, khi miền Nam Việt Nam còn trong thời an bình, nhà giáo và nhà văn là hai “nhà” thường khắn khít với nhau. Có khi lại còn “hóa thân” vào với nhau, làm nghề giáo mà lại còn đeo mang nghiệp văn, hay ngược lại!
Lê Xuân Khoa và Doãn Quốc Sỹ quen biết nhau trong nghề giáo, đến nay một cụ đạt được con số 100 tuổi và cụ kia cũng được 94 tuổi. Năm di cư vào Nam, cụ Khoa lấy vợ, bác gái là người Bạc Liêu, nên được cụ Sỹ gọi đùa là “Công Nương Bạ Liêu”. Bác Gái thuộc dòng dõi gia thế của tỉnh Bạc Liêu. Thời ấy bác được đi học rất cao so với nhiều phụ nữ khác. Thế thì “Rể Bạc Liêu” phải có gì đặc biệt mới vào được mắt xanh công nương Bạc Liêu chứ? Dạ thưa đó là nét thư sinh đẹp trai và tài giảng bài trên bục. Học sinh và sinh viên cứ thế mà say mê thầy. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng đã từng say nghe thầy Lê Xuân Khoa giảng về vua Quang Trung đại phá quân Thanh, tại trường Nguyễn Huệ của cụ Bùi Hữu Đột. Để rồi mãi đến sau này hai người gặp nhau tại Hoa Kỳ mới bộc bạch lòng thán phục lẫn nhau.
Phần cụ Sỹ lại có bà Sỹ là một trong ba “tiểu thơ” của nhà thơ Tú Mỡ. Bà không làm thơ như Bố mà bà có biệt tài viết thư và điều hành quân lính trong bếp. Khi viết thư bà có một lối viết chân, chữ dùng đơn giản, mạch văn trơn tru khiến người đọc thư mềm lòng với tâm tình của bà. Đám con cái phê bình “Mẹ viết thư hay hơn Bố đó nha”. Còn trong chốn nhà bếp thì bà nổi danh làm những thức ăn lạ và ngon để thiết đãi bạn chồng. Cụ Sỹ hãnh diện lắm về tài năng này của “Madame Sỹ”!
Trở lại chuyện cụ Khoa và cụ Sỹ mỗi người đều một vận mệnh và sự cống hiến khác nhau cho đất nước dân tộc Việt. Mà lịch sử Việt Nam có nhiều điểm mốc lắm, hình như nhiều đau thương hơn là huy hoàng hạnh phúc. Cụ Sỹ bên cạnh việc dạy học ở ba trường đại học tại Sài Gòn, Cụ còn viết sách. Do vì viết sách nên Cụ bị đi tù. Sách của Cụ viết cả một chiều dài lịch sử, người dân Việt kháng chiến chống Pháp, bị Việt Minh lừa dối, cuộc di cư năm 1954, miền Nam Việt Nam chống cộng sản, và đến khi bị cộng sản thôn tính, đi tù, toàn dân cùng bị tù, tù nhỏ trong nhà tù chung lớn hơn. Ông Sỹ đã thưởng thức 12 năm rưỡi lao tù cộng sản do vì ông dám kể thật những gì cộng sản làm và phá hoại đất nước. Người dân Việt phải chịu đựng bao nhiêu nhọc nhằn, không riêng gì người miền Nam thua trận mà cả ngay miền Bắc kẻ thắng trận đều khổ, Bắc Trung Nam cùng khổ!
Cuộc đời cụ Khoa có phần êm ả và tươi vui hơn cụ Sỹ. Năm 1960, ông được học bổng chính phủ Pháp tại đại học Sorbonne, lấy bằng tiến sĩ Triết Học với đề tài “Le Boudhisme Dhyana au Vietnam”. Sau đó về lại Sài Gòn ông đảm trách môn Triết học Upanishad tại ĐH Văn Khoa Sài Gòn, môn Văn Minh Việt Nam tại ĐH Đà Lạt, Minh Đức và Vạn Hạnh. Thời gian cuối cùng ở Việt Nam ông giữ chức vụ Phó Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn. Và sau đó ông kịp thời di tản sang Mỹ, 1975, để tiếp tục hoạt động về vấn đề tị nạn trong Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á (SEARAC), ông đã vận động cho người tị nạn Đông Dương với chính phủ và quốc hội Mỹ, chính phủ Hong Kong và Đông Nam Á, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
Có lẽ ít nhiều, cụ Khoa có vận động cho sự tự do của cụ Sỹ trong thời kỳ đen tối nhất. Mối tình thâm này được thể hiện trong bữa tiệc năm 1982 được kể phần trên.
Nếu không kể thêm chuyện “Con Kỳ Lân Cuối Cùng” là thiếu sót một mắt xích trong chuỗi tình thân giữa hai cụ. Hai năm trước biến cố 1975, cụ Khoa trao cho cụ Sỹ quyển “The Last Unicorn”, bản nguyên tác tiếng Anh và Cụ Sỹ đã dùng văn tài của mình để chuyển ngữ sang tiếng Việt. Có lẽ đây là lần cộng tác sau cùng giữa hai cụ với nhau trước khi lịch sử Việt Nam sang một trang mới. Quả là đúng, cụ Khoa đã chọn đúng người trao một tác phẩm hay để có phiên bản Việt ngữ tuyệt vời. “Đây là một tinh thần thông cảm giữa một Mỹ và một Việt, mà cả hai đều có cùng một lối suy nghĩ thật siêu thoát.” Cụ Khoa đã viết phần giới thiệu như vậy đó cho quyển Con Kỳ Lân Cuối Cùng.
Đôi bạn Lê Xuân Khoa và Doãn Quốc Sỹ có mối tình thâm suốt hơn nửa thế kỷ, từ khi hai cụ còn là thanh niên tràn đầy lý tưởng, đến nay đã lên chức Cụ. Cụ Sỹ có 6 chắt, cụ Khoa cũng có 5 chắt đề huề và tràn đầy phước đức. Người đời còn gọi là “Tứ Đại đồng đường”. Do vì hai cụ được con cái chăm sóc đầy đủ để có vui tinh thần và khỏe thể chất. Điều thật hiếm có với hình ảnh hai Cụ ngồi sát cánh, tay nắm tay và cười vui cùng nhau.
Con và cháu của hai Cụ vui lây niềm vui lớn này và để rồi câu chuyện ngày hôm nay được ghi lại như vầy và vui vầy với Đôi Bạn Già Khoa – Sỹ!
California, ngày 21 tháng 11 – 2023
Doãn Cẩm Liên
No comments:
Post a Comment