Sau cuộc di cư năm 1954 vào đến miền Nam Việt Nam, người Hà Nội đã đóng góp cho nền văn chương – nghệ thuật – văn học Việt Nam ngày càng rực rỡ. Những phong thái cởi mở, tự do và phóng khoáng của văn sĩ và thơ sĩ có được hẳn là do từ miền Nam đất mới, màu mỡ và đầy tình người. Mảnh đất giàu chất liệu đã nuôi dưỡng và kích thích các văn nghệ sĩ tuôn trào nguồn thơ văn. Trong các nhà văn nhà thơ mang nhiều tính sáng tạo mà khiến độc giả miền Nam rùng mình mà khoái chí thưởng thức đó là nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Với Mai Thảo, ông dùng ngòi bút mà “rải hạt vàng”, vàng tung tóe trong các truyện Đêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ Non… tâm tình người tha hương nhớ quê nhà.
Đọc Mai Thảo để thấy danh từ, tĩnh từ, động từ ông sử dụng ngoạn mục như thế nào. Và những dấu phẩy, dấu chấm, xuống hàng là một kỹ xảo để hạt vàng thêm lóng lánh. Nghệ thuật rải những hạt vàng được Trần Hoài Thư nhắc đến trong Thư Quán Bản Thảo số tháng 9 – năm 2022 “Góp Nhặt Hạt Vàng – Mai Thảo”
Mai Thảo còn có biệt tài viết văn xuôi để rồi từ đó độc giả có thể biến nó thành thơ. Chỉ cần sử dụng kỹ thuật xuống hàng, ngắt câu một đoạn văn mà Mai Thảo đã viết là ta có một đoạn thơ “tự do” đẹp.
Vậy nhé, chúng ta thử làm thơ bằng một đoạn văn trong Đêm Giã Từ Hà Nội, được xuất bản năm 1955. Chỉ cần sử dụng kỹ thuật xuống hàng, ngắt câu là có một bài thơ rồi đấy.
Thư Gửi Người Bên Kia Vĩ Tuyến
“… Nhưng mà tôi vẫn tin. Tin tưởng hết lòng. Tin tưởng vĩnh viễn. Tin anh còn là anh, nghĩa là còn là con người. Như tôi đã tin ở sự sống, tin ở tự do, tin ở hôm nay. Tin ở trái đất, ở thế hệ này sẽ nhìn thấy những vĩ tuyến những biên thùy gục đổ, và con người chống giữ nổi cơn Hồng Thủy, sẽ hái được những nhánh lúa vàng của thế hệ ngày mai.”
Nhưng mà tôi vẫn tin
Tin tưởng hết lòng
Tin tưởng vĩnh viễn
Tin anh còn là anh
Nghĩa là còn là con người
Như tôi đã tin ở sự sống
Tin ở tự do
Tin ở hôm nay
Tin ở trái đất
Ở thế hệ này sẽ nhìn thấy những vĩ tuyến những biên thùy gục đổ
Và con người chống giữ nổi cơn Hồng Thủy
Sẽ hái được những nhánh lúa vàng của thế hệ ngày mai.
Nắm vàng từ bàn tay Mai Thảo đưa vào tay chúng ta. Và mở lòng bàn tay ra, có phải ta thấy ánh vàng sáng lóe? Vẫn trong truyện ngắn Thư Gửi Người Bên Kia Vĩ Tuyến:
“Tôi tin ở sức mạnh của bàn tay. Tôi còn tin ở sức mạnh của tư tưởng. Anh cố gắng nhé! Đứng thật thẳng. Sống thật mãnh liệt. Sống còn với Tự Do. Đi ngược lại triều Hồng Thủy…”
Tôi tin ở sức mạnh của bàn tay
Tôi còn tin ở sức mạnh của tư tưởng
Anh cố gắng nhé!
Đứng thật thẳng.
Sống thật mãnh liệt.
Sống còn với Tự Do.
Đi ngược lại triều Hồng Thủy
Đêm Giã Từ Hà Nội
“Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.”
Giờ này anh còn là người của Hà Nội
Thở nhịp thở của Hà Nội
Đau niềm đau của Hà Nội
Mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.
Mai Thảo đã viết văn xuôi êm ái như thơ, mượt mà như hát. Chả trách người đọc muốn bật lên tiếng ngâm nga như ngâm một lời thơ.
Và rồi chúng ta thử làm một hành động ngược lại với thơ Thanh Tâm Tuyền. Thử nối những câu thơ làm thành một đoản văn xuôi. Và đọc lại nhé, xem thành quả chúng ta có được như thế nào?
Nhịp Ba
Thanh Tâm Tuyền tặng Doãn Quốc Sỹ
“Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
Anh về ngồi dưới vườn nhà
Cây liền kết trái
Hoa rụng tơi tơi ủ xác
Anh chạy nhịp hai qua cách trở
Mắt bừng
Thống nhất tự do
Ngoài xa thành phố
Bánh xe lăn nhịp ba
Áo màu xanh hớn hở
Nhát búa gõ
Long máy quay
Cửa nhà thi nhau lớn
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Sóng bồi phù sa
Ruông lúa trổ hoa
Núi cao uốn cây rừng
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Đất nước ào ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội Huế Sài Gòn
Ôm nhau nức nở
Có người cầm súng bắn vào đầu
Đạn nổ nhịp ba không chết
Anh ngồi nhỏm dậy
khỏe mạnh lạ thường
Bước ai thánh thót
Nhịp ba
Tình yêu
Tự do
mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do
mãi mãi anh ơi
(Tôi không còn cô độc, 1956)”
Ngực anh thủng lỗ đạn tròn, lưỡi lê thấu phải, tim còn nhảy đập nhịp ba nhịp ba nhịp ba. Tình yêu, tự do mãi mãi. Anh về ngồi dưới vườn nhà, cây liền kết trái hoa rụng tơi tơi ủ xác. Anh chạy nhịp hai qua cách trở. Mắt bừng thống nhất tự do. Ngoài xa thành phố, bánh xe lăn nhịp ba. Áo màu xanh hớn hở. Nhát búa gõ, long máy quay, cửa nhà thi nhau lớn. Nhịp ba nhịp ba nhịp ba.
Tình yêu tự do mãi mãi.
Sóng bồi phù sa, ruộng lúa trổ hoa, núi cao uốn cây rừng. Nhịp ba nhịp ba nhịp ba.
Tình yêu tự do mãi mãi.
Đất nước ào ào vỗ nhịp, triều biển chập chùng. Hà Nội Huế Sài Gòn ôm nhau nức nở. Có người cầm súng bắn vào đầu. Đạn nổ nhịp ba không chết. Anh ngồi nhỏm dậy, khỏe mạnh lạ thường. Bước ai thánh thót Nhịp Ba.
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi anh ơi
(Tôi không còn cô độc, 1956)
Hãy đọc lại toàn bài, có phải chúng mình có một đoản văn hay không ạ? Có phải chúng ta đang thấy một bức tranh sống động, một Sài Gòn Huế Hà Nội ồn ào náo nhiệt với những vui mừng thống nhất. Người người, nhà nhà tưng bừng niềm vui lớn, xã hội phồn thịnh, đất nước lớn mạnh? Thanh Tâm Tuyền đã bơm vào lòng độc giả một niềm hạnh phúc dâng trào.
Xin một lần nữa, biến đổi thơ thành văn:
Lệ Đá Xanh
“Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế
Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi.”
Tôi biết những người khóc lẻ loi, không nguôi một phút. Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình. Em biết không? Lệ là những viên đá xanh. Tim rũ rượi!
Đôi khi anh muốn tin, ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể. Mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em đến ngày cuối. Đôi khi anh muốn tin, ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế. Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em, nguồn sữa mật khởi đầu. Đôi khi anh muốn tin, ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết. Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em. Vòng ân ái.
Đôi khi anh muốn tin. Ôi những người khóc lẻ loi một mình. Đau đớn lệ là những viên đá xanh.
Tim rũ rượi!
Tuyệt!
Một trời mới rạng ngời tình yêu, bầu trời và trăng sao. Mắt em là ngàn sao lấp lánh. Môi em sánh như nguồn sữa mật. Ơi hỡi người yêu văn thơ, lấy gì để mà so sánh bằng được, hơn thua để mà thương nhớ… Năm 1956, Thanh Tâm Tuyền mang vào thế giới văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam một luồng gió mới. Gió mới thổi bay luật lệ, khuôn sáo của thơ Đường, thơ lục bát, thất ngôn bát cú, vần điệu… để cho ra một thể loại thơ “tự do”. Tự do trong chữ dùng, để chuyên chở ý thơ bay bổng lên. Không gì ngăn cản được tự do để thơ vút bay cao.
Đọc đoản văn Mai Thảo, đọc bài thơ Thanh Tâm Tuyền mà ta sao cứ lẫn lộn như đọc từ một nguồn sáng tác? Cứ như là một bút pháp làm ra? Lộn ngược văn thành thơ và lộn thơ để thành văn. Ta cảm giác như thế nào khi đọc Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền? Hình như là Thơ – Văn Văn – Thơ cả hai nó quện vào nhau. Muốn nói là Thơ – Văn cũng được, mà kêu bằng Văn – Thơ cũng không sai!
California, ngày 9 tháng 1 – 2023
Doãn Cẩm Liên
Ghi chú: Viết theo gợi ý của anh Trần Hoài Thư.
No comments:
Post a Comment