Lão già bảy mươi tuổi (70) thuở đó nhìn cứ tưởng như chàng sáu mươi (60) tuổi. Đúng vậy, vì lão toàn chơi với học trò, nên cứ thế mà trẻ hoài. Rằng vì học trò lớp này ra trường thì đến học trò lớp sau vào. Tuổi học trò mỗi năm trẻ hơn một mà ông thì mỗi năm già thêm một, thế nên ông cứ lột “da” mà trẻ hoài để chơi với chúng.
Người đứng ngoài nhìn vào ông thì bảo là tư tưởng ông phóng khoáng và chịu chơi nên nhờ thế mà trẻ hoài. “Lão Ngoan Đồng” thời thế kỷ thứ 20.
Năm đó, ông rủ lũ học trò môn nặn tượng trường Kiến Trúc về nhà. Lúc gặp gỡ và nói chuyện cùng ông trong bầu không khí tươi vui của tình thầy trò bù khú với nhau là điều ngạc nhiên đối với tôi. Vì tính chân tình của ông. Vì mấy ông thầy, nhất là thầy dạy những môn mỹ thuật thường hay làm dáng lắm. Hoặc là những thầy cô khác lại khá nghiêm túc trong vai người đứng trên bục giảng, đến khi bước khỏi bục giảng vẫn giữ i xì, thì học trò làm gì có cơ hội nói chuyện thân mật được. Thầy Trương Đình Quế là một nhân vật đặc biệt khác ở nhiều khía cạnh.
Nhà ông ở làng Báo Chí, phải băng qua con sông Sài Gòn bằng cái cầu tên gọi là cầu Sài Gòn. Cái cầu dài một cây số và dốc cao vút ở điểm giữa, được lấy làm ranh giới giữa Quận Nhất Sài Gòn với quận Thủ Đức. Đứng ở đỉnh dốc, bên này cầu nhìn thấy quận Thủ Thiêm, bên kia cầu là mênh mông Thủ Đức với ruộng lúa xanh rì. Đầu cầu bên này là chốn đô hội nhiều ánh đèn màu, qua đến đầu cầu bên kia là vào vùng quê, có ruộng lúa bát ngàn, thiếu cả ánh sáng đèn đường dẫn từ đường lớn vào khu gia cư. Vậy mà trong nhà ông thầy lại đầy ánh sáng. Ban ngày mặt trời rọi qua khung cửa rộng, cả cửa sổ đến cửa ra vào đều rộng. Về đêm thì có ánh sáng đèn rọi vào tranh vào tượng. Vào những buổi “tối hoa xưa” lại thêm ánh đèn cầy lung linh lập lòe cùng tiếng đàn hát nói cười.
Muốn vào được căn nhà đầy ấn tượng này, trước tiên lũ học trò phải băng qua cây cầu ranh giới đô hội và làng quê. Từ Quốc Lộ Số 1 quẹo vào con đường đất, vượt ruộng lúa chạy dọc theo quốc lộ, mới vào đến cổng Làng Báo Chí. Bỏ ba ngõ ngang, đến ngõ thứ tư quẹo phải đi qua dăm căn nhà mới đến nhà thầy. Vì thầy là thầy dạy môn điêu khắc nặn tượng nên mắt mỹ thuật của thầy thuộc vào “bậc thầy tao nhã”. Căn nhà nên thơ vì tranh, tượng và phù điêu. Ngoài vườn có cây cỏ hoa lá um tùm xanh mướt.
Học trò dắt bạn của mình đến chơi nhà là mê tơi ngay căn nhà của thầy. Mỹ thuật và nghệ thuật chữ nào là đúng? Rồi lại còn mê cái tính chìu lòng các học trò của thầy nữa chứ. Chẳng nhớ thầy chìu cái gì nhưng chỉ biết là câu chuyện với thầy không thấy có khoảng cách tuổi tác gì cả. Thầy nói chuyện tình yêu, chuyện kết bạn, chuyện đi chơi, nghe nhạc, đọc thơ… Thầy, giống như người anh lớn nói chuyện với các em.
- Em mời bạn em đến chơi hôm 24 nha thầy? – Tên học trò trưởng lớp xin phép.
- Cứ việc mời, càng đông bạn càng vui có sao đâu! – Thầy chả bao giờ từ chối học trò điều gì.
Ngày hôm đó là đêm Giáng Sinh. Thầy trò cùng nhau đàn hát, đọc thơ, và chuyện trò từ chiều cho đến giữa đêm. Càng về khuya khí trời càng mát lạnh. Lạnh bên ngoài nhưng bên trong nhà thì quá ấm với tình thầy trò.
- Nè các bạn trẻ, tôi biết trong các bạn còn nhiều người làm thơ hay lắm đó nha. Những người đã hát và đàn rồi thì sẽ hát tua thứ nhì. Những người chưa có tiết mục gì cũng nên có để góp chung. Tụi mình toàn là bạn bè hết cả mà.
Cái ngại ngùng lúc ban đầu biến mất, càng về khuya càng thêm nồng ấm. Người học trò cầm đàn gẩy vài khúc nhạc dạo, mắt hắn lơ mơ nhìn xa xa…
“Ra sân hái mớ mồng tơi. Về nấu canh mời anh xơi. Tình em như khói giăng đầu núi. Có đủ hiểu lòng tôi không?... Khi nao nên duyên chồng vợ, lúc ấy mới hiểu lòng tôi!”
Đêm hôm đó khuya lắm mới tan hàng. Ra khỏi nhà thầy, gió lạnh ùa đập vào da. Hai bạn chào thầy cùng các bạn khác ra về. Trong bụng bắt đầu đánh lô tô. Thứ nhất là gió lạnh, thứ hai là khuya quá, thứ ba hai đứa một trai một gái trên đường vắng! Lúc đi mẹ dặn về sớm nha. Mà bây giờ phải đã là quá nửa khuya. Mà còn đây là lần đầu tiên đi chơi khuya quá sức như vậy. Cũng may là về đến nhà an toàn, chẳng sứt mẻ gì cả. Gõ cửa và chia tay, bố xuất hiện, chỉ một cái nhìn không thôi của bố mà điếng cả hồn. Bố dạy bảo con gái là thế, mà thật là sợ!
Trên đường về, hai đứa phóng xe đạp “đứa cong lưng đạp đứa ngồi sau lưng”. Dốc cầu Sài Gòn cao chót vót, muốn phóng cũng không được đành cả hai dắt xe đi bộ lên cầu. Phải như thế mới thấy đêm thơm, đêm đẹp làm sao. Không trăng nhưng đầy sao, dừng ở đỉnh dốc cầu nhìn xuống dòng sông tối đen mênh mông. Chẳng nghe một tiếng sóng nước gì, nhưng sao trong lòng có chút bồi hồi. Ông thầy dễ thương quá. Cái người đi bên cạnh hát bài Mồng Tơi sao tình tứ thế. Hỏi lòng mình, rồi đoán lòng người kia. Chẳng hiểu được. Mà cũng chẳng có cần phải hiểu, vì có gì đâu mà phải hiểu. Mọi việc cứ để đó!
Thầy, “bậc thầy tao nhã” Trương Đình Quế xứng danh là vậy. Yêu, thầy yêu tất cả người con gái nào. Có khi không cần đẹp thầy cũng yêu, miễn là người con gái ấy có một cái gì đặc biệt để thầy yêu và nắm bắt cho chân dung trong tranh, cho đường nét gồ ghề trên tượng. Thầy sáng tác mạnh mẽ do thầy yêu nhiều lắm.
- Trời ơi, con Loan nó dắt đâu ông thầy về nhà để rồi ngày nào ổng cũng theo chị đến sở làm. Thiệt là rầu!
- Có lần ổng đứng trước sở làm, chờ chị ra là rút hộp nhẫn, rồi dâng lên xin cưới chị. Trời ạ, ai mà chẳng biết ổng có vợ và con đầy nhà.
Không đâu, đây chỉ là màn một. Còn nhiều màn khác ngoạn mục lắm. Thầy, “bậc thầy tao nhã” ôm một bó hoa đủ sắc màu. Người vừa đáp chuyến xe đò từ Đà Lạt về, mang thẳng đến nhà một bà chị khác của một học trò khác. Đứng trước cửa mở toang, ôi thôi một bó hoa to đùng, miệng cười thảnh thơi:
- Chị Thi có nhà không em? Tôi muốn tặng chị ấy bó hoa.
- Dạ, để em gọi chị ra gặp thầy nha. Mời thầy vào nhà.
- Thôi, để tôi đứng ngoài đợi cũng được.
Vù vào trong nhà bếp, ngồi dưới bếp nhìn ra ngoài cửa là bà cô. Cô lắc đầu quầy quậy:
- Tao không thể chấp nhận như vậy được.
- Cái gì không chấp nhận được vậy cô?
- Thì cái ông lão kia kìa. Đã có vợ có con rồi mà còn đi tán cháu tao! Cháu tao đâu có ế mà phải chịu cái ông này.
- Ơ hơ, cháu thấy ông thầy này đến tặng hoa chị Thi chứ có làm gì đâu cô!
- Ờ thì tặng hoa là tán nó. Nếu vợ ổng biết thì sao? Và còn thằng Hào thì bỏ đâu?
- Dạ, thì anh Hào sẽ xử đẹp ông ta.
- Mà cô thấy ông thầy đẹp một cách nghệ sĩ không cô?
- Thôi thôi đi, tao không bằng lòng ông này. Con Thi mày không được nhận hoa đấy nhé!
- Dạ, để cháu ra từ chối nha cô. – Thi vội vã bước đi.
Bà chị chạy ra nói năng gì đó.
Làm sao mà từ chối cho được. Hoa đẹp quá, tươi quá, mĩ mìu quá mà. Lầm bầm trong đầu rằng “Nhận hay không nhận đây?”
- Chào thầy.
- Tặng Thi bó hoa từ Đà Lạt nè. Tôi nghĩ Thi thích.
- Dạ, thích đó nhưng em không nhận được đâu thầy. Cô em ngồi trong bếp đang không bằng lòng kìa.
- Đâu có gì mà không, Thi. Hoa đâu có tội tình gì đâu hè!
- Dạ, vậy thì em nhận, rồi thầy đi về ngay nha.
Chỉ có thế thôi là ông vui vẻ đi về. Nghệ sĩ là vậy, cái đẹp trao cho người biết thưởng thức nó. Thế là đủ.
Trên đường về ông thầy nghĩ gì? Ai biết được. Có thể ông thấy Thi đẹp và nhiều nét đặc biệt. Này nhé mắt to và sáng, cặp chân mày vòng cung, bên dưới là mũi dọc dừa thẳng tắp, miệng cười tươi. Những nét này ông có thể khắc thành khuôn mặt “thần vệ nữ” của lòng mình.
Cũng có lần, hôm đó là ngày 30 Tết, ông đã cử một đệ tử đến báo cho Thi hay rằng “Mời nàng đi ra công viên ở góc đường Nguyễn Hoàng và Cộng Hòa có ông đứng chờ.” Ông đã diện bộ veston lịch sự nhất, ôm bó hồng đẹp nhất và chờ. Chỉ cần nàng ra đến nơi là:
Ta sụp lạy cúi đầu!
Nhưng không. Nào có thấy bóng dáng nàng đâu! Ông thầy đứng chờ không biết bao lâu mới quay lui đi về. Sao thầy không đến thẳng nhà? Chắc thầy ngại vì là ngày cuối năm? Thầy còn phải ngại nữa là nàng còn có bố mẹ và cả bà cô khó tính nữa chứ.
Một người có tính nghệ sĩ thì nhìn đâu cũng thấy đẹp và rung động bằng cả tấm lòng. Hình như với ông thầy trên thế gian này không có người xấu. Xấu đến mấy ông cũng bắt ra được nét ngộ nghĩnh để mà yêu. Người dễ dàng ban tặng tình yêu thì ngược lại cũng thu hút được nhiều thiện cảm người xung quanh.
Lũ học trò trường Kiến Trúc thích thầy lắm. Vì tính chịu chơi, phóng khoáng không so đo. Học trò thích cái gì của ông mà nói ra là được tặng liền. Nghĩ xấu và nói xấu ai đó là điều không có trong tự điển của thầy. Trò càng quý ông.
Tóc thầy dài, bay phơi phới ra phía sau khi thầy phóng mô tô. Tướng thầy đậm, đủ bự con để khi ngồi trên mô tô là được gọi là cưỡi xe, chứ không phải là đu trên chiếc xe.
- Tôi thích chạy mô tô vì mình có thể lạng lách trên đường phố đông xe được. Còn ra đến xa lộ thì ôi thôi phóng như tên bay, đã lắm. Và thấy mình như đang được bay phơi phới, nếu lỡ có đụng xe té xuống đất là chết nhanh chết liền. Hì hì hì… chết như vậy khỏe lắm.
Một lão “Chu Bá Thông” thời nay, thầy sống thật hồn nhiên. Cứ chốn nào vui vẻ, hát hỏng, thơ văn mà mời thầy thì chẳng bỏ sót. Cũng là một nàng thơ khác của thầy, chị Hoa. Chị đã gợi hứng cho bao nhiêu bài thơ thầy làm và dâng tặng chị. Mối tình thơ có bao giờ đậu lại đâu. Cuộc đời trôi thì thầy cũng chẳng giữ nó lại làm chi. Thầy thuận theo nó mà sống.
Thời gian trôi, thầy lại có thêm một căn nhà khác ở Long Khánh. Nó nằm sâu trong rừng cao su, bao bọc xung quanh nhà là con suối uốn quanh. Vẫn là căn nhà của nghệ sĩ, đậm nét mỹ thuật, với cây bao bọc xung quanh, tiếng suối reo xen cùng tiếng chim ríu rít. Không gian dư rộng để thầy thực hiện những tác phẩm to lớn. Tượng Trịnh Công Sơn ngồi mơ màng đang được thực hiện trong xưởng, cùng những tác phẩm đã hoàn tất được rải khắp vườn chờ người thưởng ngoạn đến chiêm ngưỡng.
Thầy luôn là bậc thầy tao nhã từ tư tưởng đến vật chất. Vật chất nói đây là những tác phẩm từ trong trí đã được thể hiện ra cũng mang tính mỹ thuật đến tao nhã là thế.
Nhiều năm sau nữa trôi qua, học trò thầy và bạn học trò đã về chung một nhà. Cả ba gặp lại nhau. Hai người trẻ thì già đi vì con cái. Còn người già thì chỉ già nơi tóc bạc, tóc thưa đi, răng cỏ cũng có phần lỏng lẻo hơn thế nhưng tính tình vẫn là “Chu Bá Thông” như ngày nào. Thầy không còn chiếc mô tô để phóng bạt mạng, nay chỉ còn chiếc xe honda phân khối lớn. Thế cũng vừa với sức lực của thầy ngày đó.
- Chúng mình đi ăn với nhau trưa nay nha. Cơm hội ngộ. - Thầy rủ rê hai trò.
- Dạ, OK thầy.
- Lâu nay hai bạn ra sao?
- Dạ, tụi em đang trông nom cửa hàng trang trí nội thất HomeFlowers. Cửa hàng này của thằng em, nó đi Mỹ nên nhờ trông nom hàng họ và xưởng mộc. Mặt hàng kinh doanh là bình phong, khung gương, khung tranh, đèn trang trí, và nhiều mặt hàng khác nữa.
- Được quá há. Hôm nào tôi ghé thăm nha.
- Dạ, em mời thầy. Mà có một ý nghĩ này vừa nảy ra thầy nghe xem có thực hiện được không nha.
- Cái gì vậy?
- Thầy cộng tác với Homeflowers làm một “project” nắn tượng chân dung được không thầy?
Mắt thầy sáng rỡ vì đúng nghề của chàng.
- Thầy chuyên lo về kỹ thuật. Tụi em lo việc kinh doanh và quảng cáo.
- OK. Về phần tôi thì chỉ cần ba lần làm việc trên phần lấy mẫu đất sét. Sau đó làm khuôn thạch cao và đổ composite. Hoàn tất việc phủ màu giả đồng hay giả thạch cao, và giao hàng.
- Hay quá thầy. Vậy là “deal” nha thầy.
- Nè nè… trước tiên tôi sẽ nặn hai bạn để làm quảng cáo nha.
- Quá đúng luôn thầy. Em sẽ làm một poster treo ngoài cửa hàng hình thầy đang nặn tượng nha. Hẹn ngày mai mình khởi sự chương trình nắn tượng chân dung cho em được không ạ?
- Được rồi. Ngày mai nha.
Thế là mọi chuyện được thực hiện nhanh và thông suốt 2 tháng đầu.
Homeflowers luôn đi tiên phong trong những sản phẩm mới độc đáo cho việc trang trí nhà cửa. Họa sĩ vẽ tranh chân dung thì nay đã ê hề trên thị trường, nhưng nắn tượng chân dung thì chưa. Homeflowers cộng tác được với một điêu khắc gia nổi tiếng, đầy kinh nghiệm như thầy Trương Đình Quế thì sẽ nhiều độc đáo lắm.
Thoạt khi bắt đầu dự án, thầy rất nề nếp. Làm được sáu đầu tượng mẫu bầy trên cửa hàng. Khách đến mua hàng thấy trầm trồ khen ngợi, nhưng chưa thấy ai đặt hàng nắn tượng cho mình. Có lẽ vì người Việt mình sợ xui? Hoặc đầu tượng chỉ để dành cho những người nổi tiếng và đã chết? Chắc có lẽ phải để thời gian mới chuyển đổi quan niệm về việc nắn tượng chân dung này.
Cũng may là chưa có khách lạ đặt nắn tượng chứ nếu không thì nguy to. Có lúc cửa hàng gọi thầy thì biết thầy đang rong chơi ngoài Hà Nội, khi thì thầy đang ở miền Trung. Homeflowers thấy vậy liền rút bảng quảng cáo lẫn poster ngoài cửa. Cũng mừng là thầy vui chơi khỏe mạnh, chứ không phải đau bịnh nằm một đống gì cả. Có lẽ thầy rủng rỉnh tí tiền và cần đi chu du lấy hứng.
Hai trò của thầy hiểu nhiều về thầy lắm. Giận thì không thể giận được vì mỗi lần gặp lại thầy là thấy một sự phơi phới hồn nhiên và vui vẻ. Làm sao có thể trách được chuyện xưa cũ. Mà từ đó kết luận rằng: Nghệ sĩ là vậy. Không gì có thể trói chân hay trói tay một người có tâm hồn nghệ sĩ ở một nơi hoài. Ai nào có thể nắm giữ được mây trong lòng bàn tay?
Ngày chúng tôi định cư tại Hoa Kỳ, không kịp chào từ biệt thầy vì thầy rong chơi đâu đó. Nhưng chỉ vài năm sau, từ nơi xa xôi được tin thầy mất vì bịnh gan. Biết rằng người uống nhiều rượu bia thì hai lá gan là nơi bị hành hạ nhiều nhất. Lá gan sẽ làm mình làm mẩy ngược lại chủ nhân của nó, sau đó. Hẳn nhiên là vậy, hỏi rằng sao trước đó không biết thương nó. Đến nay thầy đã biết, thế nhưng đã quá trễ. Thầy ra đi năm thầy được bảy mươi bảy tuổi (77) tại Sài Gòn.
Học trò nhớ lại ông thầy, nhớ cách sống vui vẻ hồn nhiên, sống hết mình, chơi hết mình của thầy. Để rồi khi chết chẳng còn gì hối tiếc hoặc thèm muốn nữa. Nên sống thế hay sống một cách chừng mực? Sống một cách nhẹ nhàng? Có nghĩa là không quá vui ồn ào, mà không quá trầm buồn đến chán. Một sự chừng mực, trung dung, như một đường vạch ngang chạy dài vô cực!
California, ngày 5 tháng 6 – 2022
Doãn Cẩm Liên
No comments:
Post a Comment