https://www.youtube.com/watch?v=DRObW9noiVk
Vào ngày 2 tháng 4 2022, Tu Viện Làng Mai (Pháp) đã chính thức trình chiếu trên Youtube “A Cloud Never Dies”, bộ phim nói về cuộc đời tu hành và sự nghiệp hòa bình của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Bộ phim cũng là một thông điệp hòa bình của Làng Mai gởi đến chính quyền Nga, kêu gọi họ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Bộ phim được thực hiện bởi 2 nhà sản xuất Max Plug và Marc J. Francis. Chỉ với gần nửa giờ, bộ phim đã phác họa những đặc điểm nổi bật nhất của một đời hành đạo, những đóng góp, ảnh hưởng quan trọng của Thiền Sư Nhất Hạnh không chỉ với Phật Giáo, mà cả nhân sinh quan, phong cách sống của hàng triệu người Việt Nam và hành triệu triệu người ở nhiều các quốc gia trên khắp các châu lục. Sự ảnh hưởng này có sức lan tỏa qua nhiều thế hệ, và có lẽ sẽ còn được kế tục lâu dài cho dù Thiền Sư đã qua đời vào đầu năm 2022.
Nếu chỉ được dùng 2 cụm từ để nói về đóng góp của Thiền Sư Nhất Hạnh cho nhân loại, có thể đó là “Hòa Bình” và “Chánh Niệm”. Sinh ra, lớn lên, xuất gia trong một quê hương Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến khốc liệt, cả đời Thiền Sư đã đi tìm giải pháp rốt ráo cho hòa bình của quê hương và nhân loại. Vào năm 1965, ông mở Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, tập hợp hàng ngàn thanh niên tình nguyện đi vào những miền quê khói lửa, góp phần xoa dịu những tàn phá do chiến tranh gây ra. Đầu năm 1966, ông sáng lập Dòng Tu Tiếp Hiện, mô tả đó là một phòng trào phản kháng tinh thần đối với chiến tranh. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong giới thứ nhất, một trong năm giới tân tu của Làng Mai: “…Thấy được rằng tất cả những bạo động do sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị; con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị, không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trên thế giới…”. Khi con người không còn mù quáng bởi sự cuồng tín tôn giáo, không còn nuôi dưỡng hận thù do niềm tin u mê vào một ý thức hệ, thì động lực tham gia vào các cuộc chiến tranh tàn phá chết chóc sẽ biến mất.
“Kêu gọi hòa bình” cũng có thể được gọi tên bằng “phản chiến”. Thiền Sư Nhất Hạnh được sự ủng hộ của những tên tuổi lớn của thế giới đã từng nhận giải Nobel Hoà Bình, trong đó có Mục Sư Martin Luther King (Hoa Kỳ) và Đức Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng). Ông cũng bị rất nhiều người chỉ trích, chống đối vì hoạt động “phản chiến” của mình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã trục xuất Thiền Sư vào năm 1966 khi ông đang ra nước ngoài vận động hòa bình cho Việt Nam; còn chính quyền cộng sản miền Bắc thì đã chụp mũ ông là người của CIA.
Sau khi không thể trở về quê hương vào năm 1966, Thiền Sư Nhất Hạnh ở lại Pháp, thành lập tu viện Làng Mai, bắt đầu truyền bá tư tưởng và các phương pháp thực hành của “Đạo Phật hiện đại hóa” và “Đạo Phật đi vào cuộc đời” mà ông chủ trương. Cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền Sư Nhất Hạnh là nhân vật thứ hai đã giúp Đạo Phật phát triển và ứng dụng rộng rãi tại các nước Âu Mỹ. “Mindfulness”, “Chánh Niệm” là hai cụm từ gắn liền với tên tuổi của Thiền Sư. Là Phật tử, ai cũng biết “Chánh Niệm” là một tám con đường tu căn bản mà Đức Phật đã hướng dẫn để thực hành giải thoát (Bát Chánh Đạo), đã có từ hơn hai ngàn năm trước. Tuy nhiên, việc đem đến thế giới Âu Mỹ “Mindfulness”- phương pháp thực hành chánh niệm, tỉnh thức trong những sinh hoạt thường nhật, có thể thực tập mọi lúc mọi nơi để chuyển hóa thân tâm, nuôi dưỡng hạnh phúc- thì chắc chắn đó là dấu ấn riêng của Thiền Sư Nhất Hạnh. Pháp môn Làng Mai tiếp tục lan truyền đi khắp thế giới, với tu viện Lộc Uyển, Bích Nham, Mộc Lan ra đời ở Mỹ, và những trung tâm tu học chánh niệm tiếp tục mọc lên ở Đức, Hong Kong, Thái Lan, Úc… Còn ở Việt Nam, cho dù chính quyền cộng sản có phá hoại tu viện Bát Nhã vào năm 2009 do lo sợ trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Thiền Sư đối với người dân trong nước, họ cũng không thể ngăn cản được pháp môn chánh niệm bắt đầu phát triển trong tâm thức người dân Việt. Và quan trong hơn nữa, Chánh Niệm không chỉ dành riêng cho người Phật tử, mà hàng triệu triêu người trên thế giới với nhiều niềm tin tôn giáo khác nhau cũng tìm đến thực hành phương pháp này để có được sự thương yêu, hạnh phúc đích thực cho cuộc sống.
Nhóm làm phim cho biết họ dự định sẽ ra mắt bộ phim “A Cloud Never Dies” nhân kỷ niệm 100 ngày mất của Thiền Sư Nhất Hạnh vào tháng 5 tới đây. Tuy nhiên, tình hình chiến tranh khốc liệt tại Ukraine đã khiến cho Làng Mai đổi ý. Cũng vào ngày 2 tháng 4, một phái đoàn của Làng Mai đã trao tay bộ phim cho tòa Đại sứ Nga ở Berlin, cùng một lá thư kêu gọi chính quyền Putin chấm dứt chiến tranh. Làng Mai hy vọng rằng di sản của Thiền Sư Nhất Hạnh như một sứ giả hoà bình có thể ảnh hưởng tích cực đến những lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh.
Những người làm phim hy vọng người xem nhận ra rằng cho dù Thiền Sư Nhất Hạnh đã không thể chấm dứt được chiến tranh Việt Nam, nhưng những trải nghiệm đau thương về chiến tranh đã được ông chuyển hóa thành chất liệu để chữa lành cho bản thân, và rồi tiếp tục chữa lành tâm hồn cho hàng triệu người khắp nơi trên thế giới.
Những đám mây trời không chết đi, mà chuyển hóa thành những cơn mưa, để tưới tẩm cho những hạt mầm từ bi, an lạc đâm chồi nẩy lộc trên khắp hành tinh này.
https://www.youtube.com/watch?v=DRObW9noiVk
Doãn Hưng
No comments:
Post a Comment