Tại sao lại gọi là “thần tiên” khi ta đứng trên đất nước Hòa Lan? Cũng chỉ tại vì ở nơi này người viết có được những gì mà nơi khác khó kiếm ra. Từ thưởng thức tình yêu thương bạn bè, anh chị em con cháu, từ những gam màu sắc rực rỡ ở cả không gian và lẫn thời gian. Nó ùa vào thị giác, thính giác, khứu giác của người viết. Nó cho một cảm giác mênh mang, bạc ngàn, êm đềm mà trong tâm thì lại có nhiều vết nổi cộm khó quên. Rõ ràng là không thể quên được!
Ba người chúng tôi gồm một già, một sồn sồn và một trẻ đặt chân xuống phi trường Schiphol là được phủ bọc tình yêu thương của các anh chị. Tình thương này không tự dưng mà có. Chúng tôi quen biết nhau phải dài hơn hai phần ba cuộc đời của chính mình. Khoảng thời gian xa cách do vì chính sự 1975 cũng không làm suy suyển mối tình thâm này. Dường như nó còn làm nên keo dính chắc hơn thì phải.
Keo dính được thể hiện rõ ràng khi chúng tôi thông báo ngày đến Amsterdam. Hai gia đình anh Chương chị Trúc và anh Thắng chị Chiến đã chuẩn bị lịch đi chơi cho chúng tôi. Các anh chị phân chia nhận lãnh chúng tôi ngày nào, danh lam thắng cảnh nào thuận lợi nhất và hấp dẫn nhất. Tính “nhất nhất” này còn nói lên sự ngăn nắp và tính thông thái của các anh chị trong việc du ngoạn. Chúng tôi cứ việc ngoan ngoãn nghe lệnh lên xe hơi, có khi lệnh cho lên xe lửa, xe buýt, và cả đi bộ nữa. Đủ món ăn chơi như thế mới làm nên tính thần tiên.
Tình thương yêu của anh chị còn thể hiện nơi sự chuẩn bị phòng ốc, nấu nướng các món ăn, quà cáp mang về cho ba đứa chúng tôi. Các cháu con cái của các anh chị, tất cả đều có gia đình riêng, ở các tỉnh quanh thành phố Hoorn, cũng lần lượt đến chào ba chúng tôi. Chúng không chỉ đến chào mà còn ngồi nói chuyện thời xưa thời nay, bằng tiếng Việt với chúng tôi mới lạ chứ. Cứ ngạc nhiên này kéo đến ngạc nhiên kia khi các cháu giữ gìn thật giỏi lễ nghĩa theo kiểu Việt Nam xa xưa của thế hệ chúng tôi. Chúng nói tiếng Việt đủ giỏi để không phải sổ tiếng Anh hay tiếng Hòa Lan ra. Tại sao nói lễ nghĩa kiểu xưa? Do vì tôi đã từng chứng kiến những gia đình Việt Nam di tản ra nước ngoài sau 1975, cũng đành phải chịu để con cái chào hỏi theo kiểu Tây phương, gật chào và say “hi”, hoặc rằng im im cúi đầu mà chẳng mở lời “con chào bác, cô, chú, dì” gì cả. Ôi thôi là nặng tình nặng nghĩa không nơi đâu bằng!
Nếu tra tự điển Wikipedia thì Hòa Lan là một đất nước thấp hơn mặt biển, do vậy đê điều và kỹ thuật xây đập đắp đê, hệ thống bơm nước tháo nước của Hòa Lan được kể là siêu nhất thế giới. Nhìn từ trên cao, từ các tàu vũ trụ thì người ta dễ dàng nhận ra những con đê chắn nước biển có chiều dài tổng cộng là 3000Km và 10.000Km đê nội bộ. Đó là công trình chống lũ lụt và cũng là chương trình lấn biển làm nhà. Tại thành phố Hoorn, chúng tôi được ngồi trên xe hơi chạy dài 32Km đê sát biển. Bên này là nước biển, bên kia là nước lợ. Và vùng mênh mông nước lợ này lại rì rầm những cần cẩu, xe chở đất cát, đá đến để lấn nước xây nhà. Chả trách người Hòa Lan kiêu hãnh nói “Đất nước Hòa Lan là do người Hòa Lan làm ra!”
Hòa Lan còn là một nước nông nghiệp, nhưng họ giàu có, và được xếp hạng trong mười nước giàu trong khối thịnh vượng Liên Minh châu Âu. Muốn được thế thì ngành nông nghiệp trồng trọt phải có khoa học kỹ thuật trợ giúp. Ở khắp nơi quanh các thành phố lớn nhỏ là những cánh đồng bát ngát, bên cạnh những nhà kính trồng hoa màu quanh năm ngày tháng. Người ta trồng trọt rau củ, hoa và quả theo từng mùa. Và thay đổi hoa màu từng mỗi năm để đất được nghỉ ngơi và tăng năng suất cho vụ mùa sau.
Hoa tulip không đâu trên thế giới bằng ở Hòa Lan. Hình ảnh ruộng hoa tulip được ghi nhận ở các tỉnh, thành phố phía Bắc vì vùng khí hậu này đủ ẩm và dư lạnh cho loại hoa này. Nghe đâu đó nói rằng tulip vốn xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại rất hợp với khí hậu xứ Hòa Lan này. Hòa Lan xuất cảng hoa và củ tulip cho toàn thế giới. Khách du lịch đến Hòa Lan vào cuối Đông, đầu Xuân, khoảng tháng 4 – tháng 5 là bị hớp hồn bởi những cánh đồng bạt ngàn màu sắc của hoa tulip. Các luống hoa song song chạy dài xa tít xa tắp. Luống màu đỏ rực rỡ, bên cạnh luống màu vàng chói chang, màu hồng, màu trắng màu cam, màu đen, màu tím… Không thể tả ra cho hết các sắc màu của hoa tulip nơi những ruộng hoa này. Được biết người ta trồng hoa để lấy củ thì khi hoa nở đúng cỡ là bị vặt bỏ, chỉ giữ lá một thời gian sau, và thu hoạch củ. Hai năm dịch bệnh covid-19 cũng làm các ruộng hoa bị hụt hẫng không ít.
Vườn hoa tulip Keukenhof cũng phải đóng cửa hai năm vì mắc dịch! Đến năm nay đã tưng bừng mở cửa đón chào du khách. Làm sao quên được Keukenhof khi vào đó là để chết vì hoa đẹp. Hoa luống, hoa chậu, hoa bình, màu sắc, và cách sắp xếp cánh hoa. Xem hoa tulip thì đố ai không nghĩ đến nhà danh họa Van Gogh đã dùng những gam màu tươi nóng này trong những họa phẩm của ông. Tôi không nằm ngoài những vị này.
Đến Hòa Lan mà không đến thăm thành phố Amsterdam, có thể gọi là bị thiếu một nửa linh hồn của chuyến đi. Amsterdam thành phố cổ và tân đan lẫn vào nhau. Những tòa nhà rất cổ xây dựng dọc kênh đào. Lối kiến trúc mà người thường sẽ kêu là “tòa nhà nghiêng vì bị lún”. Không phải vậy đâu, nhìn kỹ nhà bên này nghiêng về phía trước thì nhà bên cạnh nghiêng về phía sau. Đó là một kỹ thuật để cân đối, chống trả lại sự sụp đổ. Đến hay là thế cho ngành kiến trúc của xứ Hòa Lan.
Cái “cổ” ở Amsterdam nó nằm ở những nhà thờ, những museum, và quảng trường cho du khách ngồi nghỉ chân nơi quán cà phê, quán bia rượu ngắm người qua lại. Nhưng cái “tân” ở Amsterdam chỉ hiện lên khi tắt ánh mặt trời, khi màn đêm buông xuống, du khách nườm nượp nối đuôi nhau vào chốn được gọi “Red light district”. Tại đây mọi người được quyền hút cần sa thoải mái, được quyền uống bia rượu, và ngắm các em gái rất mát mẻ trong bộ y phục có thể gọi là “không y phục”. Cửa sổ nào có đèn đỏ bật sáng là nơi đó có xuất hiện bóng hồng. Rèm cửa được kéo kín hay mở toang ra là dấu hiệu các cô sẵn sàng tiếp khách hay không. Anh em chúng tôi cũng dạo một vòng để hòng có thể viết những dòng này. Thế nhưng có ai hỏi “Có trở lại nơi đây hay không?” thì câu trả lời là “Không ạ!”
Chợ hoa, củ, và cây của thành phố Amsterdam đã giải cứu thị giác du khách sau một đêm đèn đỏ. Nó chứa những màu sắc tươi tắn của hoa, tưng bừng đủ loại hoa mà chắc rằng không đâu có nhiều chủng loại hoa bằng ở đây. Có hoa tất nhiên phải có củ. Củ mua về trồng để lại có hoa. Một vòng tròn biến hóa của thiên nhiên, có gì còn hoài và có gì mất tiêu đi đâu. Nó chỉ biểu hiện rồi thay đổi hình dạng đấy thôi.
Hòa Lan, đặc biệt miền Bắc là vùng thấp hơn mặt biển, nên nhà cửa, kênh đào, sông lạch đi liền kề với khu dân cư. Giethoorn một điển hình và cũng được gọi là Venice của Hòa Lan. Đến nơi đây, không có đường xe chạy mà chỉ có thể đi bộ hoặc đi thuyền. Gợi cho du khách người Việt chúng tôi một cảm giác nhớ quê nhà, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người ta cũng chèo thuyền đi lại, mua bán, chuyên chở. Nhưng cái khác là dân chúng và nhà cửa ở Giethoorn rất đẹp và hiện đại.
Gần sát với Amsterdam là khu bảo tồn Zaanse Schans. Nơi đây người Hòa Lan lưu giữ lại mô hình cối xay gió, đã một thời hoạt động để nghiền đá, nghiền lúa mì lúa mạch làm bột bánh mì. Du khách được đi xem cách làm phô mai (cheese), xưởng làm guốc gỗ. Không giống guốc gỗ Việt Nam mình đâu, mà nó giống như chiếc hài. Gỗ được đẽo gọt cho vừa chân người đi, phủ lớp sơn tươi bóng và có vẽ họa tiết cho thêm phần tươi mát.
Rồi đến Zaandam, một thị trấn nhỏ thôi, nhưng nó cũng là điểm đến để được ăn thử món cá sống haring. Hừm… thật là hay với cách ăn con cá này. Người muốn ăn cá phải nắm đuôi con cá, giơ cao nó lên khỏi mặt, và ngửa cổ ra sau, há mồm to ra, rồi từ từ hạ con cá vào mồm mà cắn một phát. Làm sao ăn trọn được con cá trong một lần, lại phải cắn nó ra và ăn thêm miếng hành tây và đồ chua để đánh tan mùi cá. Mà phải nói là không tanh mùi cá chút nào.
Maastricht, thành phố cực Nam của Hòa Lan có những vẻ đẹp thuần hậu khác mà du khách cũng có thể mê mệt vì nó. Những con đường quanh co, lên dốc xuống đèo, với đầy hoa của vườn trước những căn nhà, và dường như không có chuyện đi bốn lần quẹo phải là ta trở về lại điểm khởi đầu. Khu vực trường đại học Maastricht có những ba bức tường thành bảo vệ thành phố. Bức tường ngoài cùng nằm sát khu công viên xanh rì, cây cao bóng cả, dòng suối uốn quanh đổ vào con sông Maas. Sinh viên sau giờ học căng thẳng, có thể ngồi vắt vẻo trên bờ tường thành nhìn xuống dòng nước và xa xa là công viên. Hai bức tường bên trong không còn nguyên vẹn vì đô thị phát triển. Nhưng người Hòa Lan rất sáng suốt khi xây dựng, họ luôn giữ lại một mảng tường với nét cổ của nó bên cạnh những nhà mới xây dựng sau này. Ý rằng đây là sự thay đổi biến hóa của xã hội của người Hòa Lan?
Một góc Maastricht sát với biên giới Bỉ có tỉnh Riemst và thành phố tên Kaane. Một kênh đào thẳng tắp nối liền nước Bỉ và Hòa Lan để tàu bè thông thương qua lại. Đi bộ khoảng chừng một tiếng đồng hồ từ trung tâm Maastricht đến biên giới Bỉ là đồng ruộng, cánh đồng nho. Đồng ruộng xem lẫn vào khu dân cư, đồi núi, đường rừng và nhà cửa dinh thự là một đặc điểm của Maastricht. Không thể tưởng tượng được là đô thị và thôn quê lại có thể hòa lẫn và hài hòa với đến như thế. Xin nói rằng nhà cửa ở Maastricht nói riêng, ở Hòa Lan nói chung rất hiện đại và đẹp đẽ. Do vì sự kiện là vậy nên có thể nói rằng nông dân ở Hòa Lan không quê chút nào. Họ xong việc ngoài đồng ruộng, mặc áo quần đẹp vào là có thể đi nghe nhạc cổ điển, opera, hoặc đi nhảy đầm uống bia là chuyện thường ngày.
Ở Maastricht đi nghe nhạc cổ điển là phải nói đến Andre Rieu. Ông ta chơi vionlon. Mỗi năm một lần ông tổ chức chương trình nhạc tại nơi quê nhà của mình. Khán thính giả phải “book” vé, thuê khách sạn trước rất xa để được thưởng thức một đêm nhạc tuyệt vời của Andre Rieu. Người viết cũng là khán giả của ông, nhưng buồn thay chỉ ở trên “youtube” mà thôi. Đặc điểm “show” diễn của ông là tươi vui từ màu sắc đến bài nhạc. Các nhạc công trên sân khấu không được quyền xấu vì họ phải mặc áo quần rất đẹp và màu rất tươi. Họ không được quyền đeo bộ mặt buồn hay căng thẳng, phải cười tươi sáng rực rỡ cho dù bàn đàn có khó đến đâu đi nữa. Đó là tính cách của toàn ban nhạc của ông Andre Rieu hay còn là tính cách của cả toàn thể người Hòa Lan. Tôi đang tự hỏi như vậy?
Ngồi một góc trên đồi trong khu rừng cây cao bóng mát, chim hót, gió thổi vi vu, nhìn dốc xuống chân đồi là đường xe chạy xuyên quốc gia tôi cứ tự hỏi đây có phải là thiên đường hay không? Thầm trả lời là “Dạ phải rồi!” Vì ở đâu mang lại cho ta sự thanh thản, êm ái trong tâm hồn thì chỗ đó gọi là thiên đường. Chứ còn gì nữa!
Viết lại chuyện “dế mèn phiêu lưu ký” xứ sở thần tiên Hòa Lan là để ghi nhớ một chặn đường đã qua, mà còn thêm ý đồ nữa là chiêu dụ những ai yêu hoa, yêu thiên nhiên, yêu tính hiền hòa của con người thì hãy mau lên chương trình cho chuyến du lịch đất nước Hòa Lan này. Bảo đảm nó rất xứng đáng cho những đồng tiền đã chi ra và thời gian đã bỏ lại.
Xin hứa nói thật, không ngoa!
California, ngày 25 tháng 4 – 2022
Doãn Cẩm Liên