VIỆT KIỀU ĐỨC
Doãn Kim Khánh
Mùa hè năm 2017, tôi cùng “bồ tèo”, anh Hưng, quyết định làm một chuyến Âu du để gặp lại một số người thân hiện đang lưu lạc ở đó, những người mà, khi về Việt Nam, sẽ được gọi là Việt Kiều. Nhờ xác định mục đích thăm người thân ở châu Âu nên chúng tôi cũng xác định được luôn ba nước sẽ viếng thăm:
- Đức (Stuttgart và Frankfurt) nơi ba người em của anh Hưng ở,
- Hòa Lan (Hoorn) nơi cư ngụ của Cúc, bạn “già” thời tiểu học - trung học cùng Thư, bạn đại học của tôi.
- Pháp (Paris) nơi cư ngụ của cô em họ mà tôi thân thiết như chị em ruột và của Thanh, bạn đại học của tôi
Phần 1: Việt Kiều Đức
Từ lâu, nước Đức có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim tôi vì nó có những tương phản đặc biệt. Nước Đức có Hitler, nhưng đồng thời cũng có ông Beethoven tôi nghe không bao giờ chán. Tiếng Đức bị gọi là “tiếng nói dành cho kẻ thù” nhưng tôi lại thích học vì nó ngăn nắp, đâu ra đó. Trong những trận đá banh quốc tế, tôi luôn ủng hộ đội Đức vì tôi thích tinh thần kỷ luật của đội banh này, và cũng vì ông huấn luyện viên thuở tôi hay theo dõi World Cup, Beckenbauer, rất đẹp trai (!!) Trước khi đến Đức tôi tự biết mình sẽ không đi coi những lò thiêu người thời Thế Chiến Thứ Hai.
Hôm toàn bộ anh chị em nhà anh Hưng tụ tập tại California để mừng thượng thọ một trăm tuổi của bà má, tôi được mời đến dự. Thoạt tiên tôi hơi ngại ngần trước toàn bộ lực lượng đại gia đình nhà anh Hưng, nhưng tôi vừa bước xuống xe đã được hai em của anh ra chào và tự giới thiệu. Sau đó, tôi nói chuyện được thoải mái với hai em dâu của anh. Tôi tiếp tục được hòa nhập như vậy khi qua Đức chơi một tuần với ba người em “Việt Kiều” của anh.
Tại Đức, chúng tôi lần lượt sang thăm nhà của Vi, Phụng và Tài, ba người em của anh Hưng, Anh Hưng kể cô Vi sang Đức du học từ trước năm 1975. Bên cạnh việc học, cô rất năng nổ với những hoạt động sinh viên khác suốt thời gian ở Đức và được sự yểm trợ của ông chồng cùng chính kiến, cũng là sinh viên du học như cô.
Khi tôi gặp cô Vi ở Việt Nam, rồi ở Mỹ và ở Đức, tôi mến ngay thái độ cởi mở và lời nói hợp tình hợp lý của cô. Anh Hưng thì công nhận cô lo cho ba má và bà chị độc thân vô cùng chu đáo.
Được làm khách nhà cô Vi, tôi thấy được sự năng nổ ấy trong tinh thần hiếu khách của toàn bộ gia đình cô: anh Cẩn, chồng của cô đích thân nấu món pasta để chúng tôi thưởng thức cùng với các loại xúc xích khác nhau do các con của cô mua đãi “cậu Năm” (tức anh Hưng) và cô Khánh. Tôi cũng hiểu rằng những thức ăn truyền thống của Đức mà họ ăn thường ngày bỗng trở nên đặc biệt vì có khách thân thương và đặc biệt từ Mỹ. Cậu Năm là khách thân thương, còn tôi “ăn theo” cậu Năm, được làm khách đặc biệt.
Stuttgart, thành phố nơi cô Vi cư ngụ nổi tiếng vì tại đây có trụ sở của hai hãng xe hơi Đức: Mercedes và Porsche. Stuttgart cũng “nổi tiếng’ luôn vì không khí đặc biệt ô nhiễm ở đây. Gia đình cô là chứng nhân và đứa con trai thứ hai của cô là nạn nhân. Anh Hưng kể thằng bé bị bệnh phổi trầm trọng, phải dùng ống thở suốt từ lúc chưa thôi nôi cho đến năm mười tám tuổi. Hai vợ chồng cô đã trăm bề vất vả vì đứa con này. Có lẽ vì vậy cô chọn cư ngụ tại một nơi mà cô gọi là “làng tôi” bằng một giọng sảng khoái. Thì đúng rồi, ở xứ Đức công nghiệp hùng hậu mà được ở “làng” thì quá sang trọng đi chứ!
“Làng” của gia đình cô Vi không có “cây đa cao ngất từng xanh” mà có ruộng dâu thấp lè tè nhưng vẫn xanh rờn và điểm đỏ những trái dâu vào mùa. Thế là tôi được sắm vai “thôn nữ”, ôm rổ lum khum đi hái dâu cùng với các cư dân Đức hiếu khách nhà anh Hưng. Tôi vừa “lao động” vừa ngân nga thầm bài hát “Cô hái mơ”! Tiếc sao ông Nguyễn Bính không làm bài “Cô hái dâu” để tôi ngân nga cho chính xác. Cũng may khung cảnh đồng quê nước Đức vẫn có xa xa “rặng núi xanh mờ” cùng “khí trời trong sáng và êm ái”. Chiều về tôi được “đét xe” món dâu tươi do chính mình thâu hoạch. Chưa bao giờ tôi ăn dâu ngon như vậy.
Cô Vi năng nổ cũng là người có sáng kiến cho chúng tôi đáp một chuyến xe buýt đêm, vượt biên giới Đức để qua Ý một ngày, nếm mùi chèo thuyền trên sông Venice. Chưa thấy sông nước, tai tôi đã nghe thầm điệu nhạc “Barcarole” (chèo thuyền trên sông) quen thuộc, nhưng tôi không ngờ sẽ chứng kiến một cảnh u ám hơn: cảnh xe đò bị chặn ngay gần biên giới để các ông cảnh sát mặt hình sự lên xe, mắt lườm lườm nhìn khắp các hành khách, tìm dấu vết của di dân bất hợp pháp. Cuối cùng họ lôi ra được một người, mặt mũi thiểu não. Cũng may sau đó sông nước Ý giúp tôi quên đi cảnh đời oái oăm này và thưởng thức tiếp cuộc hành trình.
Ngoài cô Vi, tôi còn được gặp thêm hai người em trai của anh Hưng, Phụng và Tài. Khi hai người em trai vượt biên đến Thái Lan, cô Vi đã bảo lãnh hai đứa em qua Đức. Hiện nay hai người em trai này đều ổn định việc học, việc làm: sau khi tốt nghiệp đại học thì Phụng có việc làm bền bỉ ở hãng IBM và Tài thì có chức sắc ở ngân hàng lớn nhất ở Đức, Deutsche Bank.
Cả Phụng lẫn Tài đều có mặt ngay từ đầu trong các cuộc vui của gia đình anh Hưng. Nhưng trước khi được vui, Tài đã phải một phen hoảng hồn khi đi đón suýt hụt “anh Năm” và tôi mà tìm mãi không gặp. Ai dè đâu tìm một người anh phương phi như thế mà cứ như thể “tìm chim” tại phi trường Frankfurt. Nhưng rồi cũng “túm” được chúng tôi, chàng thanh niên Tài điềm tĩnh và vui vẻ đưa hai vị khách lớ ngớ về nhà, cho ăn, cho nghỉ để lắng đọng cảm giác bấp bênh trên máy bay và lao xao tại phi trường. Sau đó hai anh em Tài và Phụng cùng hai phu nhân phối hợp ăn ý với nhau mà thết đãi “anh Năm” những món ngon trong nghệ thuật ẩm thực Đức. Ngay tối đầu tiên ở nhà Tài chúng tôi dã được dẫn đến một quán bia đặc trưng của Đức và tôi được dịp chụp hình đang nâng cao mug bia đen nửa lít, mặt hơi “câng câng”. Lập tức tôi được “đồng bọn” ở Việt Nam, Mỹ và Úc khen là “ngầu” quá! Phụng là người hợp tác với cô Vi, đưa chúng tôi đi đến biên giới Áo và thăm những lâu đài cổ. Biết ông anh có “tâm hồn ăn uống” thì các em bèn dẫn đi ăn những món lạ trong đó có món xúc xích thịt bê trắng nõn nà và món giò heo Đức (gọi là Schweinhaxe) mà anh Hưng ái mộ chẳng kém món chân giò hầm măng của Việt Nam.
Trong những ngày đi chơi ở Đức, tôi nghĩ mình đang có một chặng đường du lịch không những “ngon” (ăn uống nhiều quá) mà còn “thơm”. Lý do là Phụng vừa tặng tôi một lọ nước hoa rất quý phái, sản phẩm nơi anh chàng đang làm. Đó là một hãng nước hoa của Pháp, đặt chi nhánh tại Đức. Anh Hưng giới thiệu Phụng nói tiếng Pháp giỏi lắm nhưng tôi chưa có dịp được nghe. Công việc hẳn nhiên là một phần quan trọng trong đời Phụng nên dẫn chúng tôi đi đâu anh chàng cũng lấy trụ sở làm việc của mình làm mốc: “Sở làm của em gần đây lắm.” “Chỗ này thường là trụ sở hội họp của em và các đồng nghiệp.” “Từ đây anh chị có thể thấy tòa nhà nơi em làm việc.”
Ngày từ giã nước Đức, tôi tràn ngập một nỗi xúc động, không những vì được tiếp đãi chu đáo và nồng hậu, mà còn vì thấy anh Hưng được các em chăm sóc ân cần.
Trong một gia đình đông con với nhiều tâm tính và cách suy nghĩ khác nhau mà mọi người vẫn cùng ngồi lại, cùng nói chuyện sôi nổi, cùng thưởng thức những món ngon thì đó là một diễm phúc mà cha mẹ nào cũng muốn được thấy. Những bậc cha mẹ ngày nay thường chỉ có hai hoặc ba con, sẽ không có nỗi canh cánh phải hòa giải đứa này đứa nọ, nhưng cũng sẽ không có niềm vui của những buổi gia đình xum họp ồn ào nào nhiệt. Cũng không thể hể hân hoan nói với bạn bè: “Nhà đông con mới được cái vui này!”
No comments:
Post a Comment