Feb 5, 2020

LOÀI VẬT ĐI THEO ĐƯỜNG TRÒN, LOÀI NGƯỜI - ĐƯỜNG THẲNG




Khoa ơi,

Hôm nay tình cờ đọc lại thư của Khoa hồi trước Tết, mới nhớ ra rằng lu bu quá, chị quên trả lời.
Về những ý tưởng của nhà văn Tiệp Khắc:

"Với "Loài Vật" cuộc sống của chúng là một chuỗi đường tròn được lặp đi lặp lại trong khi cuộc đời của "Loài Người" lại là một đường thẳng. Thế nhưng "Con Người" luôn muốn "lặp lại" những khoảnh khắc hạnh phúc đã qua - chính vì thế họ có xu hướng tìm trở lại những nơi chốn cũ... Chính vì điều này làm "Loài Người" trở nên "Bất Hạnh"...


Chị có thắc mắc:
- Tại sao tác giả cho rằng cuộc sống của loài vật lại đi theo đường tròn?
- Tại sao, vẫn theo tác giả này, cuộc sống của loài người lại đi theo đường thẳng?
Khoa hiểu ý tác giả, có thể giải thích dùm chị được không?


Chị thì chịu ảnh hưởng của đạo Phật, tin vào thuyết luân hồi và tái sinh nên nghĩ là kiếp sống của cả loài người lẫn loài vật đều theo vòng tròn: Cả hai loài đều được sinh ra, sống một dời, rồi chết đi để được sinh ra tiếp ở một kiếp sau và như thế, như thế mãi.. Nếu thoát được vòng sinh tử ấy thì coi như dược giải thoát.

Theo cụ Nguyễn Công Trú thì vòng luân hồi này còn gồm cả loài cây cỏ, nên cụ mới có cầu:

"Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo."

Trong một tác phẩm của Nguyễn Tường Bách, có một truyện trong đó nhân vật chính là một cây thông. Cây thông kể rằng "Ngày xưa người dời gọi tôi là Nguyễn Công Trứ ...." Té ra ông Nguyễn Tường Bách đã giúp cụ Nguyễn Công Trứ  được toại nguyện

Nếu loài người muốn  "lập lại" những khoảnh khắc hạnh phúc đã qua, hoặc cứ hướng về nơi chốn cũ thì chị nghĩ đó là hoạt động của tâm thức con người, nhất là những nhà văn nhà thơ, chứ không phải là cuộc sống của họ. Bởi vậy mới có ông Marcel Proust ăn một miếng bánh madeleine mà sống lại cả một thời quá khứ, Mới có ông Phạm Duy "xin đi lại từ đầu, chưa  đi vội về sau."
Tâm thức hoài cổ này chỉ con người mới có, chứ loài vật thì không, loại cây cỏ càng không hơn.

Chị Khánh

***


Chị Khánh quý,

Em giải thích thêm về khái niệm "Đường tròn" và "đường thẳng" của "Loài vật" và "Loài Người" theo nhà văn Milan Kundera rằng:

Chó (hoặc mèo) mỗi buổi sáng chúng chờ ta thức dậy để vuốt ve và cho chúng ăn - mừng khi ta về nhà... và chuỗi hành động  đó được lặp đi lặp lại.

Trong khi "Loài Người" dù cho đã lên "Lịch Làm việc" rất cụ thể nhưng ngày hôm nay vẫn khác ngày hôm qua và nhiều khi thay đổi những 180 độ. Ta không dự đoán được những biến cố thình lình xảy ra.

Thế nhưng ta luôn "đóng dấu" những điều hạnh phúc "đã từng" trong đời.
Chính vì thế ta luôn có ý niệm "Hoài nhớ" (Nostalgie) dù bất kỳ ở đâu.

Nhân vật bà già trong kịch của em đã "tìm về quê hương chính mình" bằng nỗi nhớ  chứ không bằng hiện thực. Bà hân hoan khi tìm thấy một nơi chốn bí ẩn mà ở đó không ai có thể "làm phiền" bà và chẳng ai chạm được điều "thầm kín" mà bà ôm ấp.
Quê hương của bà không phải là một nơi chỗ cụ thể của hiện tại vì ở đó nay đã hoàn toàn lạ lẫm với bà ... chỉ có nơi chốn "riêng tư" mà bà tình cờ tìm được trong chuyến "mộng du" mới thực sự giải tỏa "khối trì" trong lòng bà mà thôi.
...
Từ chuyện trên, em chợt nghĩ biết đâu trong những con đường "đi lạc" của bố chị, ông đã "tìm thấy" những "điều gì đó" mà ông không thể kể lại cho mọi người nghe vì chẳng ai "cảm được" điều ông nói.
...
Chúng ta luôn tìm cách "trở lại" hoặc ít nhiều "MƠ VỀ THỜI XA XƯA ĐẸP ĐẺ" mà trên thực tế cái hồi "XA XƯA ĐẸP ĐẼ" ấy nó thực sự "đẹp" như bây giờ ta nhớ về nó đâu!!!

... Đó là cách em "diễn nôm" ý tưởng của tác giả trên (không biết có đúng hay không - nhưng ít nhiều dễ hiểu hơn cách ổng nói)

Khoa 

No comments: