Út ơi,
Mừng sinh nhật Út nè.
Anh
Tùng
PS: Nô-en, có đứa sinh viên nó than buồn. Anh post lên dó bài Hoàng Tử Hạnh Phúc, anh dị ch, lấy từ blog Út.
Từ trên đỉnh một trụ đá cao, cậu Hoàng tư Hạnh Phúc trông xuống thành phố. Toàn thân cậu phủ một lớp vàng lá mỏng, mắt cậu là đôi ngọc bích sáng ngời, ngay cả chuỗi kiếm cũng mang hạt hồng ngọc to.
Dân trong thành thường trầm trồ khen ngợi pho tượng Cậu Hoàng Tử. Một ông nghị, ra điều mình cũng am tường nghệ thuật lắm, ca ngợi: "Trông ngài đẹp như một con công". Và để cho người đời khỏi chê ông mơ mộng viễn vông, ông lại thêm: "Chỉ tiếc ngài chả được hữu dụng mấy!"
Một đêm kia, có cánh Yến bay vào thành phố. Các bạn yến đã họp đàn kéo nhau về xứ Ai Cập từ sáu tuần trước, chỉ còn Yến ở lại. Yến vốn trót đa mang với một nàng hoa Lau, Yến gặp nàng một buổi sớm mai mùa xuân, khi bay dọc bờ sông, đuổi theo một chú ngài vàng. Quyến rũ bởi vòng eo thon ẻo lả, Yến đánh bạo dừng lại khơi chuyện với nàng: "Ta có thể yêu nàng được chăng?" Yến hỏi, không rào trước đón sau. Ngàn hoa Lau khẽ gật đầu. Và Yến lượn quanh nàng, se sẽ chạm cánh vào mặt nước khiến mặt nước gợn thành những vòng bàng bạc. Ấy là lời tán tỉnh của chim Yến, cứ thế qua đi cả mùa hè.
"Thật là một cuộc tình quái gở," các bạn Yến bàn với nhau. "Con bé đã không tiền lại lắm mối nữa." Quả thật, bờ sông đầy rẫy những chú sậy thường ngắm nghé bông Lau. Thế rồi thu sang, chúng bạn của Yến bay đi cả.
Khi chúng đã rời, Yến mới cảm thấy đơn độc và bắt đầu
co nàng hoa Lau: "Con bé cứ câm như hến," Yến tự nhủ, "và lại lẳng lơ nữa. Nó cứ chỉ mải đùa bỡ với gió thôi." Thật vậy, mỗi lần gió lên, hoa lau lại đón chào rất ân cần. "Vả lại cô ả là loài sống nơi cố định mà ta lại thích đi đây đi đó, ai là vợ ta cũng phải thích du lịch như ta mới được."
Yến bèn tới hỏi hoa Lau: "Nàng có ra đi với ta không?" Hoa Lau lắc đầu quầy quậy: nàng rất gắn bó với quê quán mình.
"Thế ra xưa nay nàng chỉ đùa bỡn với ta thôi," Yến kêu ca.
"Thôi nhé, ta từ giã nàng để trở về xứ Kim Tự Tháp đây," và Yến bay đi.
Cả ngày Yến không nghỉ, đến đêm thì vào tới thành phố. "Ta sẽ nghỉ chân nơi đâu bây giờ?" Yến tự hỏi. Rồi chợt thấy pho tượng trên trụ cao: "Hay ta đáp xuống nơi kia, hẳn là mát mẻ, thoáng khí lắm." Và Yến đậu giữa đôi chân cậu Hoàng Tử. Ngó quanh mình, Yến tự nhủ: "Đêm nay ta được vinh dự ngủ trong tháp vàng." Đang sử soạn đi ngủ, Yến cảm thấy một giọt nước rơi xuống người mình.
“Lạ lùng thay, trời không một gợn mây, sao sáng tỏ thế kia mà mưa vẫn có thể rơi được!
Khí hậu xứ Bắc này thật ghê rợn.”
Yến nghĩ thầm.
Lại một giọt nữa.
“Pho tượng này thật vô tích sự, ta chả trú mưa được đâu, ta phải tìm chỗ khác vậy.” và Yến chực vỗ cánh bay đi.
Chưa kịp tung cánh bay thì một giọt nước nữa nhỏ xuống người Yến làm Yến vội ngửng mặt ngó lên.
Ô kìa!
Mắt cậu Hoàng Tử sao đẫm lệ; hai hàng lệ chứa chan chảy xuống đôi má cậu.
Dưới ánh trăng soi, gương mặt cậu trông thanh tú nhưng sầu thảm quá khiến Yến cũng phải động lòng, “Ông là ai?” Yến vội hỏi.
“Ta là vị Hoàng Tử Hạnh Phúc.”
“Thật vậy! Thế sao ông lại khóc?”
“Xưa kia, khi còn ở cõi thế, ta không hề biết lệ lụy là gì.
Ngày ấy ta sống trong điện vô tư, nơi khổ ai không được phép vào.
Ban ngày, ta chơi đùa cùng các bạn trong ngự uyển, tối đến lại chủ tọa dạ vũ trong cung.
Cung điện được bao bọc bởi một lớp tường thành kiên cố, và ta chẳng hề quan tâm đến những gì xảy ra bên ngoài, bởi mọi sự đều tuyệt đẹp quanh ta.
Các cung nhân tôn ta là vị Hoàng Tử Hạnh Phúc.
Quả thuở ấy ta có hạnh phúc thật, nếu hạnh phúc đồng nghĩa với lạc thú.
Ta sống thế mãi cho đến ngày lìa đời.
Nay ta đã chết, người đời dựng lên tận đỉnh cao này, ta mới có dịp thấy tận mắt bao điều xấu xa, bao sự khốn cùng trong thành.
Dẫu cho tim ta có bằng chì đi nữa, ta vẫn không cầm được nước mắt những cảnh tượng ấy.”
“Ủa, thì ra ông ta không bằng vàn khối như ta tưởng.” Yến nghĩ thầm.
Rồi pho tượng nói tiếp: “Xa xa, trong ngõ hẻm kia, là một căn nhà xiêu vẹo.
Qua cánh cửa sổ bỏ ngỏ ta thấy một người đàn bà còn cặm cụi bên bàn.
Mặt bà gầy guộc và tiêu điều quá.
Tay bà cằn cỗi, đỏ bầm những vết kim đâm.
Bà làm nghề may thuê, bà đang thêu áo hoa cho nàng cung nữ đẹp nhất torng cung, để nàng mặc dự buổi dạ vũ tối.
Phía góc nhà, một đứa bé nằm liệt giường.
Người em nóng bừng và em đang khóc đòi cam.
Nhưng cam đâu ra, mẹ em chỉ có nước lã cho em mà thôi.
Yến, Yến, chim Yến bé nhỏ ơi, mi có thể đem hạt hồng ngọc từ chuôi kiếm ta cho bà mẹ kia chăng?
Chân ta không rời cột trụ này được.”
Tôi có hẹn nơi xứ Ai Cập ông ạ.
Vào giờ này các bạn tôi có lẽ đang trò chuyện cùng những bông sen đại đóa.
Chẳng bao lâu, họ sẽ tụ tập qua đêm nơi lăng tẩm vị Thái Thượng Hoàng.
Ngài an nghi trong cỗ quan tài sơn son, liệm trong tấm lụa vàng ngào ngạt hương trầm, xâu chuỗi đeo nơi cổ bằng ngọc thạch biết, còn tay ngài tựa hồ hai bó lá khô.”
“Yến, Yến, hỡi chim Yến bé nhỏ,” cậu Hoàng tử tha thiết nói: “Nhà ngươi hãy ở lại với ta đêm nay thôi, để làm sứ giả cho ta.
Trong kia, đứa bé đang khát lắm và mẹ em sầu não quá!”
“Thật với ông, tôi không ưa các chú bé.
Hè vừa rồi, dạo tôi còn mon men bờ sông, có hai chú ranh thường dùng đá ném tôi.
Dĩ nhiên, chúng chả ném trúng bao giờ vì loài yến như tôi bay quá nhanh.
Nhưng dù sao cử chỉ đó cũng gọi là vô lễ lắm rồi.”
Nhưng cậu Hoàng Tử trông ủ dột quá làm Yến phải động lòng: “Trời lạnh quá ông ạ!
Nhưng thôi tôi sẽ ở lại với ông đêm nay để làm sứ giả cho ông.”
“Ta cảm thấy tấm lòng mi nhiều đó Yến.”
Yến bèn bứt hạt hòng ngọc to ra khỏi chuôi kiếm pho tượng, rồi tung cánh bay đi.
Miệng ngậm hạt ngọc, Yến bay lượn trên các mái nhà thành phố, qua điện đài nội cung, nghe văng vẳng tiếng nhảy múa rộn rịp.
Từ lan can nọ, Yến nghe thoảng câu chuyện giữa một cặp tình nhân:
“Em xem sao sáng chả đẹp ư? Đẹp như tình yêu chúng ta vậy!”
“Không biết em có kịp áo mặc buổi dạ vũ tới không?
Em có đặt người ta thêu hoa trên áo mà mụ thợ thêu lười biếng quá, mãi chưa xong.”
Yến bay ngang dòng sông, lấp lánh ánh đèn treo lủng lẳng trên các cột buồm, bay ngang phố Do Thái ồn ào tiếng mặc cả và tiếng tiền reo lách cách trên cân đồng.
Cuối cùng, Yến mới tìm ra căn nhà nghèo nàn: đứa bé đang nằmg ho rũ rượi trên giường và người mẹ đã vục đầu xuống bàn vì quá mỏi mệt.
Yến vội xà vào đặt viên ngọc lên bàn cạnh bà mẹ, rồi lượn quanh giường, sẽ đập cánh, quạt gió mát lên trán đứa bé.
“Sao ta thấy mát hẳn! Hay ta đỡ rồi đây,” đứ bé nói rồi thiếp ngủ luôn.
Xong việc, Yến quay về với pho tượng và kể lại hành động của mình.
“Điều lạ lùng là tôi thấy ấm hẳn mặc dù trời rét buốt, ông ạ.”
Yến nhận xét.
“Ấy là vì mi vừa làm điều thiện đó, mi biết không!”
Cậu Hoàng Tử trả lời, khiến Yến bắt đầu suy nghĩ, nhưng chẳng suy nghĩ được bao lâu Yến đã đi vào giấc điệp.
Sáng dậy, Yến bay xuống dòng sông tắm rửa.
“Đêm nay ta sẽ cất cánh bay đi Ai Cập.” Yến tự nhủ, và cảm thấy lòng vui sướng.
Thong thả Yến thăm viếng đền đài, rồi nghỉ chân hồi lâu trước thềm nhà thờ.
Thấy người khách lạ, các chú sẻ bảo nhau: “Trông hắn đài các làm sao!” làm Yến thấy vui vui, lòng hãnh diện.
Lúc trăng lên, Yến bay về từ giã cậu Hoàng Tử: “Chẳng hay ông cần nhắn tin ai ở Ai Cập không? Tôi sắp đi đây.”
“Yến, Yến, hỡi chim Yến bé nhỏ ơi! Mi hãy ở lại với ta đêm nay nữa nhé.”
“Ông đã biết tôi có hẹn nơi xứ Ai Cập.
Mai này lũ bạn tôi sẽ cùng nhau quay về con thác khổng lồ ở phía Nam.
Họ sẽ gặp lại đàn trâu nước ẩn núp giữa các bụi lau rậm rạp.
Gần đó có vị thần Memnon trị vì trên nền đá hoa cương rộng lớn.
Cả đêm Ngài ngắm sao vận chuyển, để rồi đến sáng, lúc sao mai vừa mọc, ngài thốt lên một tiếng reo mừng rồi lại im bặt.
Giữa trưa, các con sư tử kéo nhau xuống bờ thác uống nước.
tiếng sư tử gầm thét vang dôi, nghe dữ tợn hơn cả tiếng thác đổ.”
“Yến, Yến, chim Yến bé nhỏ ơi, xa xa, trong một căn nhà xập xệ cuối thành phố, ta thấy một thanh niên tuấn tú đang cặm cụi bèn bàn giấy bề bộn,
Bên chàng có một bó hoa tím đã phai nhạt.
Chàng đang gắng viết xong vở kịch, nhưng cái lạnh đã làm tê buốt cả đôi tay, lò sưởi trong phòng không còn một thanh củi, một đóm lửa nào, và chàng cũng đã lả người vì cơn đói.”
Vốn tốt bụng, Yến trả lời: “Tôi sẽ nấn ná lại đây với ông thêm đêm nay.
Ông muốn tôi trao chàng thanh niên kia một hạt hồng ngọc chăng?”
“Than ôi, hồng ngọc ta còn đâu!
Ta chỉ còn đôi mắt bằng ngọc bíc quý này thôi.
Mi hãy bứt một mắt ta mà đem đến cho chàng thanh niên, chàng sẽ có tiền mua củi về đốt!”
Chim Yến kinh hoàng: “Không! Tôi chả dám làm điều đó đâu.”
Và Yến không cầm được nước mắt nữa.
“Yến, Yến, chim Yến bé nhỏ của ta ơi, mi hãy làm theo ý ta đi.”
Đành lòng Yến phải bứt một mắt cậu Hoàng Tử, đem đến căn gác nọ.
Yến lọt vào trong thật dễ dàng qua lỗ hổng trên mái nàh.
Chàng chẳng hay biết gì, chàng thanh niên vẫn ôm lấy khuôn mặt tuấn tú mà hốc hác, cho đến khi ngửng mặt lên, chàng sững sờ ngó viện ngọc quý đặt trên bó hoa tím tàn phai:
“À, chắc người đời bắt đầu cảm tài ta rồi, viên ngọc ngày hẳn từ một mạnh thường quan gửi tặng.
Nay ta mới có thể viết xong vở kịch được.”
Ngày hôm sau, lúc trăng lên, Yến lại bay về với cậu Hoàng Tử.
“Tôi đến từ giã Ngài đây.”
“Yến, Yến, chim Yến bé nhỏ của ta ơi!” cậu Hoàng Tử lại thiết tha cầu khẩn: “Nhà ngươi hãy ở lại với ta đêm nay nhé!”
“Trời đã sang đông rồi ông ạ.
Chẳng bao lâu nữa tuyết lạnh sẽ trở về bao phủ vạn vật.
Nơi xứ Ai Cập, mặt trời vẫn sưởi ấm các ngọn dừa xanh.
Tôi còn hình dung được đàn cá sấu đang nhởn nhơ lười biếng trong đám sinh lầy.
Lũ bạn tôi hẳn đang xây tổ nơi đền thần Baalbek, cạnh lũ chim câu tò mò, thường ôm ấp nhau mà ngó chúng tôi.
Ông ơi, tôi tuy sắp lìa xa ông, nhưng chắc chắn sẽ không quên ông bao giờ, xuân tới, khi trở về, tôi sẽ tha hai viên đá quý để ông thay thế hai viên ngọc đã mất.
Hồng ngọc tôi mang về biếu ông sẽ đỏ gấp bội đóa hồng tươi, còn viên ngọc bích tôi sẽ tìm cho ông thứ xanh nhất, xanh hơn cả màu đại dương.”
Cậu Hoàng Tử vội nói: “Trong công viên kia, ta thấy có một em gái bán diêm.
Em vô ý đánh rớt xuống cống hết cả diêm quẹt.
Em sẽ bị cha em đánh nếu không kiếm được ít tiền hôm nay.
Yến có thấy em đang khóc sướt mướt không? Giày em không có, không có đến cả đôi vớ nữa, và giữa trời ấm lạnh, em không có lấy cả chiếc nón che đầu Yến ơi, mi hãy bứt nốt mắt bên kia của ta đem xuống cho em bé, kẻo em sẽ phải đòn, tội lắm.”
“Tôi sẽ ở lại đây đêm nữa, nhưng tôi không nỡ nào bứt nốt mắt của ngài được.
Ngài sẽ mù mất thôi.”
“Yến, Yến, chim Yến bé nhỏ ơi.”cậu Hoàng Tử thiết tha cầu khẩn: “Nhà ngươi hãy nghe lời ta đi.”
Yến đành bứt chiếc mắt còn lại của cậu Hoàng Tử, và phóng xuống công viên.
Yến lướt qua em bé bán diêm rồi khéo đặt viên ngọc bích vào lòng tay bé nhỏ.
Em bé nửa ngạc nhiên, nửa mừng rỡ: “Ô kìa, hòn đá đẹp quá!”, rồi em hí hửng chạy về nhà.
Xong việc, Yến trở về với cậu Hoàng Tử: “Bây giờ Ngài đã mù hẳn, tôi đành ở lại luôn với Ngài thôi"
“Đừng, chim Yến bé nhỏ ơi!
Nhà ngươi hãy bay về Ai Cập đi.”
“Không, tôi sẽ luôn luôn ở cạnh Ngài.”
Yến quả quyết rồi ngủ thiếp đi nơi chân của pho tượng.
Cả ngày hôm sau, Yến đậu trên vai cậu Hoàng Tử và kể cho cậu nghe muôn truyện, về những kỳ quan nơi xứ lạ.
“Chim Yến bé nhỏ của ta ơi, nhà ngươi kể ta nghe bao chuyện tuyệt vời.
Nhưng mi có biết không, tuyệt vời hơn cả là sự nhẫn nại chịu khổ của loài người.
Không có gì huyền bí cho bằng bể khổ trần gian Yến ạ.
Vậy nay nhà ngươi hãy bay khắp thành phố và kể ta nghe nghững gì mi thấy dưới kia.”
Thế rồi Yến lượn quanh thành phố lớn để thấy người có của đùa chơi vô tư lự trong các dinh thự đồ sộ, trong khi kẻ khốn cùng thì ăn xin ngoài cổng.
Yến bay qua các hẻm tối, để thấy muôn vàn khuôn mặt trẻ thơ xanh xao ốm yếu vì thiếu ăn.
Dưới gầm cầu nọ, có hai đứa bé nằm ôm nay co quắp: “Đói quá đi thôi,” chúng tự nhủ.
Thấy chúng, người gác cầu hét lớn: “Chúng bay không được nằm đó! Đi chỗ khác đi!”
Hai em bé lại lui cui đứng dậy, dìu nhau đi trong mưa phùn lạnh lẽo.
Yến trở về thuật lại cho cậu Hoàng Tử nghe những cảnh bi thương đó.
“Toàn thân ta đều phủ một lớp vàng.
Nhà ngươi hãy bốc ra từng mảnh đem phân phát cho những kẻ khốn cùng.
Ta biết ngườ sống thường cho rằng hạnh phúc có thể mua được bằng vàng bạc châu báu.”
Từng lá một, Yến rỉa lớp áo vàng của pho tượng cho đến khi ông Hoàng Tử chỉ còn là một nhân vật xấu xí.
Từng lá một, Yến đem vàng lại cho người nghèo, khiến cho rạng rỡ hồng hào hẳn những khuôn mặt trẻ thơ xanh xao dạo nào.
Nay chúng cười cợt đùa chơi ngoài đường, vững tin vào miếng ăn hàng ngày đã có.
Rồi một hôm tuyết rơi, ít lâu sau lại kéo thêm băng giá buốt.
Đường xá bạc lớp đá trơn tru.
Đá đóng băng rũ rượi từ các mái nhà trông tựa hàng loạt chiếc gươm bằng pha lê.
Người người ra ngoài đều phải khoác lớp áo ấm nhồi bông.
Yến mỗi ngày mỗi thấy rét, nhưng quyết chẳng lìa cậu Hoàng Tử, bởi Yến rất thương yêu Ngài.
Yến lượm lặt từng miếng bánh mì nuôi thân và chỉ biết đập cánh để giữ thêm chút nhiệt trong người.
Rồi một ngày kia, cảm thấy sắp lìa đời, Yến chỉ còn đủ sức bay lên đậu trên vai cậu Hoàng Tử lần cuối:
“Tôi đến giã từ ông đây, ông Hoàng Tử yêu dấu của tôi.”
Yến thì thào, “Ông có bằng lòng cho tôi một nụ hôn chăng?”
“Ta mừng mi đã quyết định ra đi về xứ Ai Cập, Yến ạ.
Mi ỏ đây như thế đã quá lâu rồi.
Và mi có thể hôn đôi môi ta vì ta thương mi lắm.”
“Tôi chả đi Ai Cập đâu.
Tôi sắp về cõi chết.
Cõi chết cả cùng họ với cõi mơ ư?”
Nói xong, Yến hôn cậu Hoàng Tử rồi rớt xuống đất mà chết.
Bỗng từ torng pho tượng có một tiếng vỡ: con tim cậu Hoàng Tử đã rạn nứt làm đôi.
Sáng hôm sau, ông Thị trưởng cùng các ông Nghị dạo quanh công viên.
Bên cột trụ cao, nơi có pho tượng, ông Thị trưởng ngó lên phán:
“Chao ôi, vị Hoàng Tử Hạnh Phúc trông tàn tệ quá!” Các ông Nghị đều gật gù: “Vâng, quả tàn tệ thật!”
Rồi họ quyết định hạ pho tượng xuống, đồng thời quét dọn công viên cho sạch sẽ.
Pho tượng được đem đi nung, lấy đồng dựng tượng khác.
“Lạ lùng thay, trái tim chì này nhất đinh không chịu tan,” lũ thợ trong xưởng nhận xét,
“Ta chả dùng làm được việc gì đâu.”
Họ bèn liệng trái tim cậu Hoàng Tử vào một đống rác, nơi xác con chim Yến đã được vun vào hôm trước.
Nơi thiên đàng có lệnh vời gọi hai giống vật đáng quý nhất trần gian.
Một thiên thần đem dâng trái tim chì rạn nứt cùng xác chim Yến.
Thượng Đế khen ngợi: “Ngươi khéo chọn lắm.
Từ đây trên Thiên Đàng sẽ vang tiếng hoan ca của Yến bé nhỏ cùng lời tôn vinh Chúa của cậu Hoàng Tử Hạnh Phúc đời đời.”
Truyện ngắn của Oscar Wild
Anh Tùng phỏng dịch