Jul 4, 2016

5. TÁM VỊ BỒ TÁT - THÁI - Ngô Thuỳ




À, bây giờ đến chân dung ông bạn Đoàn Quốc Hiền của nhà tôi đây.  Cái tên ấy bất chợt đến trong đầu Thái trong lần đi vượt biên bị bắt ở thời kỳ còn đứng phơi nắng chợ trời với chúng tôi.  Cái tên tức cười thật, vừa giống tên Hiển vừa sặc mùi Kim Dung, Đoàn Dự.  Bây giời thì Thái đã có thể ung dung ký tên mình thật to, thật rõ, sử dụng nó một cách hãnh diện, “giữ bản quyền” nó đến suốt ca đời rồi.  Doãn Quốc Thái – cái tên nghe hiền và đẹp như một khúc âu ca của một nước thanh bình.   Nhưng nói ra câu ấy giữa tình thế này thì chi tổ thêm ngao ngán mà thôi.  Chính vì không hy vọng gì được là một khúc âu ca giữa cái xứ sở đảo điên này mà hiện giờ Thái mới phải chịu cực khổ ở xứ người: bị người ta kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, bị người ta trả lương nhiều quá phải gởi bớt về cho mẹ, bị bắt ăn nhiều thịt, uống nhiều bia quá đễn nông nỗi bị cả nhà gửi thư mắng sao giống xì thẩu quá vậy.  Số phận của Thái không phải là đứa con cưng của đất nước.   Cách đây vài mươi năm, bà mẹ xứ sở đã tin vào lời đường mật mà đem về cho chúng tôi một người cha ghẻ hiểm độc.  Chính ông ta đã từng ngày từng ngày gieo mầm mống ung thư trên người bà mẹ cua chúng tôi, cho đến khi bà đau khổ mỏi mòn, nhưng lạ kỳ thay bà vẫn chưa chịu chết, một sức miễn dịch tiềm tàng nào đó đã chống lại căn ung thư hiểm ác, tôi tạm gọi đó là lòng thương xót bầy con thơ đang bị đe doạ sa vào tay tên quỷ.  Ông cha ghẻ bực tức đem bà mẹ chúng tôi nhốt vào hang sâu và rước về mụ dì ghẻ nanh nọc theo luật Ngưu tầm Ngưu, Mã tầm Mã ... để mong bóp chết chúng tôi từ trong trứng nước.  Đứa nào còn thơ dại thì được dạy dỗ cho giống mụ, đứa nào đã đủ mức cứng đầu thì mụ ra mặt hất hủi, xô đẩy, chờ dịp để “làm gọn” bằng nhiều cách khác nhau.  Ông bạn Thái của chúng tôi nằm trong bọn bị hắt hủi ấy.  Khi ra chợ trời với chúng tôi, Thái luôn luôn là mục tiêu đuổi bắt của các anh bạn dân.  Hình như đôi mục kỉnh lấp lánh trên khuôn mặt trắng trẻo của Thái có sức hút gì đâu ấy.  Thái bị bắt luôn và chúng tôi đi cứu bồ luôn. Khi thì đi nộp tiền cứu mạng, lúc lại đánh tháo chạy y như phim trinh thám.  Lúc đi vượt biên cũng lại bị bắt.  Vừa được thả ra, mò ra chợ trời ngày đầu tiên là bị bắt ngay.  Chao ôi cái anh chàng sao mà vận đỏ.  Thế là đành ở nhà.  Ở nhà Thái cố xoay sở cách nào cũng vẫn mang cái kiếp nam nhi sống nhờ vào bố mẹ.  Buồn ơi là buồn.  Cũng cái cảnh ngửa tay xin mẹ từng đồng để mua thuốc hút.  Và thuốc Hoa Mai Đà Lạt chứ làm gì dám xin mẹ mười lăm đồng hút điếu thuốc thơm. 

Những ngày chót ở Việt Nam, Thái cũng mang thân phận của một fugitive.  Kỷ niệm cuối cùng ở ngôi nhà mà Thái đã sống hai mươi sáu năm là một kỷ niệm kinh hoàng.  Đó là cái đêm bố bị bắt, cả nhà bị lục soát tan hoang, còn chính Thái thì tê điếng mọi cảm giác trong một xó ở sát trần nhà.  Vừa hoang mang cho số phận bố, vừa sợ chính mình bị bắt, về sau Thái kể lại lúc “tụi nó” đi qua chỗ nấp của Thái, đầu gối Thái run lên làm tấm croquis phủ ngoài cũng run bần bật lên, thế mà chả hiểu sao “tụi nó” như bị ai che mắt, không nhận ra. 

Lúc ở nhà, Thái mang một vẻ trầm lặng và kín đáo đến hiền lành.  Ai nói gì cũng cười xoà.  Đôi khi nổi giận, Thái cố cãi lớn tiếng vài câu, nhưng nửa chừng lại buông thõng bỏ đi chứ không không hùng hổ như Vinh và nóng nẩy như Hưng.  Thái độ lặng lẽ này thực ra không phải là cá tính cua Thái.  Nó khai sinh từ những mặc cảm thầm lặng của người anh trưởng không giúp gì được cho gia đình (Tuy là người con thứ tư nhưng Thái lại là trưởng nam, vì trước Thái toàn là “phụ nữ”, và trưởng nam trên tinh thần đông phương có nghĩa là phải gánh vác tất cả.) Thái nhỏ nhẹ và từ tốn đến nỗi cứ bị bắt đóng vai con gái trong những vở hài kịch.  Nhưng cái bề ngoài hiền lành cộng với khuôn mặt trắng trẻo đẹp trai thường làm cho Thái chết đứng vì bị các cô tấn công ba bề bốn bên ồ ạt.  Và thật ra thì Thái cũng chẳng hiền lành gì.  Giá Thái là Tề Thiên Đại Thánh thì chắc chắn anh chàng cũng không ngần ngại gì mà đi chơi một lượt với vài trăm cô cho vui nhà vui cửa. Thái chẳng muốn làm ai buồn hết (thương người mà) nên phải đáp ứng tất cả tình yêu từ mọi phía (tội quá).  Lúc ở nhà, Mai Khanh, cô “vợ cả”của Thái và cũng là bạn tôi, vẫn thường nghiến răng xỉ vả Thái về cái tội bắt cá ... sáu bảy tay.  Ngay bây giờ đây , tâm can Thái cũng bị xẻ đôi (theo tinh giờ chót, chứ còn có nhân vật thứ tư nào xuất hiện không thì tôi chưa biết), nửa gửi sang Canada, nửa gói giấy chung tình qua Mỹ.  Thú vị thay cho cái bồng gan năm bảy lá của quý ông! Lá ở cùng vợ, lá trao cùng người. 

Đi sâu vào quá khứ hơn nữa thì thoại tiên Thái là bạn của nhà tôi.  Việc đánh bạn này không đem lại kết quả thiết thực nào hơn những cuộc vui hơi quá lố đã từng khiến chị Thanh phải ra tay trừ gian diệt bạo. Nhưng bù lại, cũng chính Thái đã đưa vợ chồng tôi bước vào cuộc sống thâm tình này.  Lâu dần, chúng tôi trở thành bạn của cả nhà (phạm thượng) và có khi quên mất mình đầu tiên là bạn của ai ở nhà này.  Riêng Thái vẫn lặng lẽ, hơi buồn, vẫn tham dự sinh hoạt gia đình nhưng đồng thời có những sinh hoạt riêng mà ít ai được biết.  Có khi Thái đi mỗi ngày đều đặn tám tiếng đồng hồ khiến cả nhà phải trêu: thằng Thái nó đi làm.  Còn Thái thì vừa bẽn lẽn cười, vừa tiếp tục “đi làm”. 

Nhưng trầm lặng, kín đáo không có nghĩa là không biết đùa.  Thái khôi hài dí dom và rất có duyên, nhất là trên sân khấu, trước các khán giả đẹp như mơ đang chăm chú theo dõi và thưởng cho Thái những trang cười ầm ĩ.  Theo Vinh kể, trong một kỷ niệm sinh nhật của Long, em “vợ” Thái, khổ chủ có dọn lên món beafsteak hay gà rôti gì đó.  Mọi người đã thanh toán xong từ lâu, riêng Thái vần còn ngồi say mê cứ cứ ghim ghim cái gì trong dĩa mãi.  Ông bố vợ nghe chừng sốt ruột, đi phắt lại coi con rể nó ăn cái gì mãi mà không hết.  Thì ra Thái đang hý hoáy cắt cái khăn ăn! Đùa dai đến thế mà không mất vợ là may. 

Có một lần Thái làm vợ chồng tôi xúc động mãi.  Một hôm đến nhà chơi, Thái để ý thấy các em chúng tôi không có đủ quần áo mặc, thường thường chúng mặc áo nọ với quần kia.  Chẳng nói gì, nhưng vài hôm sau Thái xách lên cho chúng tôi hai giỏ áo quần đây, cười ngượng nghịu bảo: “Không phải của tao, nhưng đây là tao đi dụ khị mày ạ.  Bà già một mới, cô Quý một mớ, cô Cường một mớ.  Má mày đỡ phải lo sắm đồ cho tụi nó một thời gian”.  Hành động này của Thái làm chúng tôi chưng hửng.  Giá không phải là Thái thì chắc chắn chúng tôi không nhận.  Nhưng vì là Thái lại với một lòng tốt chân thành như vậy nên chúng tôi đã nhận thật tự nhiên và cảm động cho tới bây giờ.

Nhà tôi vẫn thường nói:

-         Xem ra ở nhà anh lại thấy có thằng Thái là có đức nhường nhịn giống bác trai.  Ai nói gì nó cũng chỉ cười.  Có khi nói oan nó cũng lẳng lặng chịu đựng.  Chính cái thái độ đó mới dễ nên việc lớn sau này. 

Và bây giờ thì Thái đang bước những bước đầu tiên vào cuộc hành trình đến với văn chương.  Thoát khỏi cảnh tù hãm, Thái bổng trở nên hoạt bát, ăn nói lưu loát, rõ ràng, hoạch định tương lai một cách đứng đắn, và ... viết văn.  Chị Khánh là người đầu tiên trố mắt lên khi đọc thư Thái cho biết mình đang viết văn và được nhiều người hâm mộ, khen là giống ... Nhất Linh.  Nhưng bố bé Tiny thì cả quyết: làm sao biết được, anh vẫn tin nó sẽ thành công.  Và tôi cũng nghĩ như vậy, bởi vì, cái khó bó cái khôn.  Trong những ngày tối tăm ở quê nhà, Thái như con nước vỡ bờ, vẫy vùng, cựa quậy cho thoả chí bình sinh.  Thái gửi ngay về nhà số tiền đầu tiên có được (tiền welfare) rồi gửi tiếp số lương đầu tiên lãnh được (297$ mỗi tuần).  Biết gia đình rất trông ngóng tin tức bên kia, Thái giục Hiển chụp hình và viết thư gửi về thường xuyên cho mẹ.  Quả vậy, từ hôm Thái sang, gia đình bác tôi nhận thư thường xuyên, những lá thư lạc quan, yêu đời, báo những tin vui khả dĩ thay đổi cả cuộc sống hiện tại. 

Cuộc đời của Thái đang mở rộng trước mắt.  Với bản tính thận trọng, với dòng máu nghệ sĩ thừa hưởng của cha, với truyền thống văn hoá của cả dòng họ, chắc chắn Thái sẽ đi thật vững vào tương lai.  Chừng ấy chúng tôi cũng được hãnh diện lây vì đã có một người bạn nổi tiếng, hãnh diện hơn nữa là người bạn ấy đã sống một cuộc đời đáng sống. 


Ngô Thuỳ

No comments: