May 20, 2016
ĐẤT NƯỚC MÌNH ....
Trong những ngày qua, trên trang facebook Sài Gòn Báo đã lần lượt đăng tải rất nhiều tác phẩm dự thi. Thành phần tham dự là người Việt ở khắp nơi trên thế giới, từ Việt Nam cho đến Mỹ, Pháp, Úc…
Cảm giác chung khi nghe tất cả các tác phẩm này, đó là một niềm cảm thông sâu sắc đối với bài thơ thắm đẫm lòng yêu nước này. Và qua đó, cũng là nỗi niềm trăn trở với vận mệnh tổ quốc Việt Nam đang bị đầu độc về mọi phương diện.
Các ca khúc đã phổ bài thơ với nhiều giai điệu, tiết tấu khác nhau. Xin được giới thiệu đến quí độc giả một số tác phẩm dự thi tiêu biểu.
Đầu tiên, phải nhắc đến ca khúc dự thi của thí sinh trẻ Nguyễn Hoàn Vương, 24 tuổi, từ thành phố Ban Mê Thuột. Tác giả đã tâm sự: “…Với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác đang lan tràn trên quê hương, tôi xin gửi đến ca khúc dự thi mang tên "Đất nước mình" do tôi viết nhạc. Phần lời dựa trên bài thơ "Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh" và những quan điểm mang màu sắc cá nhân của mình…”
Đặc điểm của ca khúc Đất Nước Mình, là tác giả không cố gắng giữ nguyên văn lời thơ, như đa số các tác phẩm dự thi khác. Cũng nhờ vậy, mà lời ca có những trăn trở riêng của tác giả về tổ quốc. Phần giai điệu cũng vì thế mà có màu sắc riêng, khá độc đáo. Tiếng đàn guitar điêu luyện, hòa theo giọng hát cũng điêu luyện không kém, hát như một lời than trách cho vận nước điêu linh mà vẫn chưa thấy lối thoát.
Một tác phẩm dự thi khác lại đi theo khuynh hướng ngược lại: giữ nguyên vẹn toàn bộ bài thơ. Tác giả Phanxico Trần Minh đã viết như sau về tác phẩm dự thi "Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh" của mình: “…Là một ca trưởng ca đoàn, thỉnh thoảng phổ nhạc các Thánh vịnh hát trong Thánh lễ Công giáo. Trong một lần đọc được bài thơ và cảm xúc trước tâm tình của bài thơ nên đã phổ nhạc….Là người soạn Thánh vịnh nên tôn trọng nguyên tác các bản văn… Chỉ cần thay đổi một từ trong bài thơ thì đã mất đi nhiều ý nghĩa của bài thơ…Kính mong nhận được sự chia sẻ của quý độc giả…”. Đây là một trong những số ít ca khúc gởi về có kèm cả phần nốt nhạc với đầy đủ hợp âm để đệm đàn. Ca khúc cũng mang âm hưởng của một bản thánh ca buồn, khi người con Chúa trăn trở với quê hương, dân tộc.
https://www.facebook.com/saigonpaper/videos/1049809478429206/
Một tác phẩm nữa cũng đáng chú ý, với tựa đề “Đất Nước Sẽ Về Đâu?”. Tác giả là Đình Đại, hiện đang sống tại Pháp. Điểm độc đáo của ca khúc này là viết theo âm hưởng của dân ca vùng Hà Tĩnh. Không biết tác giả có phải cũng là người Hà Tĩnh như cô giáo Trần Thị Lam hay không, mà anh cũng hát giọng Hà Tĩnh. Ca khúc này viết ở tiết điệu Bolero, chứ không phải là điệu Slow như hầu hết các ca khúc dự thi khác. Điệu Bolero cũng buồn, nhưng nhịp nhàng hơn, nghe sao mà nhớ về… Hà Tĩnh… Đặc biệt phần video minh họa của tác giả cập nhật thật đầy đủ những thảm kịch mà đất nước đã và đang trải qua, giống như trong bài thơ đã nhắc đến. Những tượng đài Hồ Chí Minh ngàn tỉ. Những bãi biển cá chết phơi đầy, do biển mẹ bị ngoại bang đầu độc cùng với sự đồng lõa của chính quyền. Những người biểu tình ôn hòa vì môi trường bị côn an đàn áp thật man rợ, như họ là những tội phạm chứ không phải những kẻ đã gây ra thảm họa môi sinh… Nghe nhạc, xem hình mà cảm thấy nao lòng…
https://www.facebook.com/saigonpaper/videos/1048059345270886/
Và một tác phẩm dự thi đến từ San Jose của miền Bắc California. Tác giả Loan Hảo cũng là người viết nhạc cho ca đoàn nhà thờ, đã có nhiều ca khúc nhạc đạo thật sâu sắc. Thật là đặc biệt, khi anh chọn tiết tấu valse cho bài hát của mình, như để diễn tả suy nghĩ của anh về công cuộc đấu tranh của người dân trong nước. Không thể ủy mị, đau thương. Mà phải là hành khúc lên đường. Đã đến lúc, người dân trong nước thôi than thân trách phận, mà phải đứng lên để đòi lại quyền làm người cho chính mình.
Cho dù tác phẩm nào sẽ đoạt giải đi chăng nữa, tất cả các ca khúc tham dự cuộc thi này đều đáng trân trọng. Tất cả đều mang một thông điệp chung, đó là niềm thương cảm cho một quê hương Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam. Đó cũng là những lời cảnh tỉnh gới đến với mỗi người dân Việt Nam: hãy đứng lên đòi lại quyền được sống trong một môi trường trong sạch, trong một quốc gia mà chính phủ phải minh bạch. Nếu không, ngày thảm họa lan tỏa ra toàn đất nước Việt Nam sẽ không còn xa…
Cung Mi / SBTN
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment