Chiều Thứ Bảy thứ hai của mỗi tháng là ngày mà các vị cao niên gốc Việt trong viện dưỡng lão Mission Palms ngóng chờ. Bởi vì đó là ngày các bác sẽ có được 2 giờ đồng hồ sinh hoạt vui tươi, trẻ trung, đầy ắp tiếng cười, thắp lại niềm yêu đời cùng các bạn trẻ của nhóm Giới Trẻ Mây Từ.
Ngày Thứ Bảy 10/10/2015 hôm nay là ngày vui đó tại Mission Palms. Một số người thân của các bác, đã từng nghe một số bác nói lại rằng cũng có nhiều nhóm thiện nguyện đến đây giúp vui, ca hát, nhưng các bác vẫn nhớ nhóm Giới Trẻ Mây Từ (GTMT) nhất. Sự khác biệt có lẽ là ở chỗ cách sinh hoạt đa dạng và sự gần gũi với các bác của nhóm GTMT.
Hãy lấy ngày sinh hoạt 10/10/2015 vừa qua là một ví dụ. Các em bắt đầu chuẩn bị những phần ăn nhanh cho các bác, do nhà hàng Brodard đài thọ. Khởi đầu là những bài hát chung quen thuộc, mà nhiều bác còn hát theo như Việt Nam Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ… Sau đó là phần giới thiệu về quê hương đất nước, giúp các bác nhớ lại những hình ảnh của Việt Nam. Kỳ này chủ đề là Hà Nội. Các bác được xem lại hình ảnh Hà Nội với Hồ Gươm, với 36 phố phường. Đi kèm với những hình ảnh phố xá Hà Nội, là những câu đố vui, giúp các bác có dịp động não: “phố Hàng Bông bán cái gì?”, hay “phố Hàng Hòm bán cái gì?”. Nhiều cánh tay đưa lên xin trả lời. Trả lời đúng hay sai đều có thưởng một đồng 25 cent. Bác này nói: “phố Hàng Bông bán hoa”, còn bác kia trả lời “phố Hàng Bông bán bông gòn làm gối”, đều được vỗ tay. Có bác người Bắc chính tông, bắt bẻ câu trả lời “phố Hàng Hòm bán hòm chôn người chết” của một người Nam là không đúng: “phố Hàng Hòm thì bán rương!”.
Tiếp theo là câu chuyện kể và đố vui chung quanh một nhân vật lịch sử nổi tiếng của Hà Nội: Bà Huyện Thanh Quang. Thật là ngạc nhiên, khi có đến ba bác thuộc lòng, đọc lại vanh vách những bài thơ để đời của Bà Huyện Thanh Quang như: Thăng Long Thành Hoài Cổ, Qua Đèo Ngang, Chiều Hôm Nhớ Nhà. Các bác đọc lại với một niềm hãnh diện, hứng khởi, như để khoe với các em rằng “tôi chưa quên hết đâu, tôi còn nhớ cả thơ nữa đấy!...”.
Kế tiếp là phần chơi đố chữ cũng về chủ đề Hà Nội. Các bác được phát những tờ giấy có dạng ma trận chữ, do một em trong GTMT biên soạn. Các bác sẽ dùng bút chì để tìm ra những chữ theo yêu cầu như: “Hàng Buồm”, “Hàng Ngang”, “Thăng Long”… Sau đó là phần làm toán. Lại một lần nữa, những bài toán cộng trừ đơn giản giúp các bác động não, và trở về thời tiểu học còn cắp sách đến trường. Nhìn hình ảnh mỗi bác có một bạn trẻ đứng kèm, giúp các bác tìm chữ, làm toán, người ngoài nhìn liên tưởng đến là một lớp học mẫu giáo vui tươi, ồn ào. Bởi vì ai cũng biết người già sẽ quay lại với tâm lý của trẻ thơ.
Một phần sinh hoạt không bao giờ thiếu là tập thể dục. Đó là những bài thể dục hết sức đơn giản, để tất cả những bác ngồi trên xe lăn đều có thể làm được. Một lần nữa, các bài thể dục có mục đích giúp cho các bác có dịp tập trung tâm ý. Các bác được yêu cầu thở vào và biết mình đang thở vào. Thở ra và ý thức rằng mình đang thở ra. Các bác đưa bàn tay lên, đưa cánh tay lên, đưa bàn chân, đưa cẳng chân… đều với ý thức trọn vẹn về động tác mà mình đang làm. Trở về với giây phút hiện tại. Đem tâm trở về với thân. Sống trọn vẹn với một giây, một phút trong những ngày tháng đã gần đất xa trời. Có lẽ không ai trân quí những giây phút sống trọn vẹn như vậy hơn chính là các bác.
Cứ thế mà sinh hoạt nối tiếp sinh hoạt, bài hát nối tiếp bài hát, niềm vui nối tiếp niềm vui trong hai tiếng đồng hồ. 4:00 chiều là giờ chia tay, các bạn GTMT cùng hát bài “Gặp nhau đây, rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây…” để thay lời tạm biệt. Không phải chỉ có tiếng cười. Cũng có những bác đã rơi lệ. Nhưng chắc đó không phải là những giọt buồn. Có lẽ, niềm vui đến rồi đi cũng làm cho các bác ngậm ngùi, chợt nhớ về những ngày xưa với nhiều hoài niệm.
Những sinh hoạt hằng tháng của nhóm Giới Trẻ Mây Từ tại viện dưỡng lão Mission Palms có một cái gì đó vượt trên ý nghĩa “một nhóm từ thiện đang đi làm công tác từ thiện”. Hình như có một không khí gia đình ấm cúng hơn, nhiều tình người hơn. Hình như nhiều bạn trẻ thấy hình ảnh của cha mẹ mình, của chính mình nơi các bác. Tình thương ở đây hình như vượt qua ranh giới của người cho, người nhận. Của người làm từ thiện và người được hưởng công việc từ thiện. Mây Từ Bi đích thực là như vậy đó…
Tập thể dục
No comments:
Post a Comment