Sep 10, 2014

BẢN CHẤT ĐẠO PHẬT - HT Thích Phước Tịnh




BẢN CHẤT ĐẠO PHẬT
Bản chất đầu tiên của đạo Phật là tính phi tôn giáo.  Đặc tính này được thể hiện rõ qua lời dạy của đức Thế Tôn:  Anh chính là chủ nhân của anh.   Anh là người nắm trong tay vận mệnh của anh.  Không có đấng thần linh nào có quyền vo tròn, bóp méo đời sống anh”.   Đức Phật chưa hề tuyên bố rằng ngài là một thần sáng tạo, một thần linh, hay một vị giáo chủ có đặc quyền sinh sát tín đồ.  Ngài chỉ bảo rằng:  Ta là vị thầy không hơn không kém”.  Thật vậy, ngài chỉ là người mở đường, còn chúng ta tự mình phải đi trên con đường đó, nếu muốn đạt đến chân lý, an lạc, giải thoát, hay Niết Bàn.  Ta phải tự quay về, hướng tâm đến chân lý.  Ta phải nâng tâm thức, cũng như đời sống của ta, để vươn tới chiều cao nhất định nào đó.  Chân lý, không hạ thấp xuống để ngang tầm với ta.  Cũng không phải vì ta thân cận, lễ bái, thờ phụng, van xin, mà ta được hiến tặng điều đó.  Do vậy, bản chất của đạo Phật rất gần gủi với văn hoá, không hề là một tôn giáo.
Đức Thế Tôn còn dạy rằng:  Người biết tôn trọng chân lý, không coi mình là chân lý”.  Lời dạy ấy hàm nghĩa rằng, chân lý thì phổ biến; nó không phải là đặc trưng, đặc quyền của một tôn giáo, hay một nhóm tăng sĩ nào.  Nó có mặt trong tất cả tôn giáo, và cũng có mặt trong đời sống bình thường.  Khi trình độ tâm thức người ta đạt đến một chiều kích nào đó, người ta tự nhiên đón nhận chân lý mà thôi.  Đời sống chúng ta, cho đến hôm nay, bị thiên tai, dịch họa tàn phá, có khi còn ít hơn là nhân họa.  Một trong những nỗi niềm khổ đau lớn nhất của con người trên hành tinh, là chúng ta cứ nghĩ rằng ý kiến của mình là tuyệt đối, tôn giáo mình là duy nhất.  Thế nên Đức Thế Tôn cũng dạy rằng:  Người biết tôn trọng chân lý, đừng cho rằng chân lý mình tôn thờ là một chân lý đặc quyền.  Đây là lời tuyên bố sấm sét, hủy đi tính tôn trọng thần linh. Thế thì, bản chất của đạo Phật rất gần gủi với văn hoá, không hề là một tôn giáo.
Bản chất thứ hai của đạo Phật là con đường hướng nội đặc thù, không hề là con đường hướng ngoại .  Về pháp môn hành trì, chưa có một vị giáo chủ nào tuyên bố rằng, điều anh cần tìm kiếm không phải ở bên ngoài, mà ở bên trong tự thân của anh.  Ở bề cạn, niềm vui, hạnh phúc có mặt trong anh.   Ở chiều sâu, năng lực vô sinh, bất diệt cũng có mặt nơi tự thân anh.   Anh không cần phải đạt được cảnh giới nào xa xôi, hay sinh vào cảnh giới nào để được vô sinh bất diệt, mà điều căn bản là anh phải hiểu được anh là ai, anh đang làm gì?
  Bản chất thứ ba, cũng là nét đẹp trong nội dung của đạo Phật; đó là tinh thần bất hại.  Đó cũng là tinh thần tương kính, từ bi và đặc biệt là trí tuệ.  Kỳ thật, tinh thần bất hại nầy có thể có mặt trong nhiều tôn giáo; nhưng có thể vì bản chất không vô ngã, con đường truyền đạo không phải vì người, mà vì muốn bảo vệ và bành trướng thế lực của tôn giáo mình, nên chất vị tha, bất hại bị yếu kém đi.  Trong khi ấy, nhờ tinh thần vô ngã, vị tha, phi thần linh, phi tôn giáo, mà trong dòng chảy, đạo Phật không hề có một cuộc thánh chiến nào, không hề làm đổ một giọt máu của sinh linh nào trên con đường đạo Phật đi qua các quốc gia.   Cũng vậy, không có một tăng sĩ hay cư sĩ nào hủy hoại nền văn hoá của bất cứ quốc gia nào.
Từ quá khứ cho đến hôm nay, đạo Phật có mặt vì con người, chứ không phải vì muốn mở rộng cho một thế lực chi cho mình.  Điều này đã được thể hiện qua dòng chảy của đạo Phật.  Thật vậy, đã có nhiều nhà nghiên cứu về Phật học bảo rằng chưa có một tôn giáo nào đẹp như đạo Phật, có sức truyền bá như đạo Phật.  Đạo Phật lan truyền sang các quốc gia như nước thấm vào lòng đất một cách tự nhiên. Ta có thể nói nhờ đăc tính phi tôn giáo này mà đạo Phật có thể đến được với nhiều nền văn hóa khác biệt. Và điều này cũng nói lên đươc nét đẹp vô song của đạo Phật. Khi đạo Phật đến một vùng văn hoá nào thì nâng đỡ, làm cho vùng văn hoá ấy giàu hơn, nhiều sắc thái hơn, đẹp đẻ hơn, lành thiện hơn.  Bước chân đạo Phật đi đến nơi nào cũng không hề hủy diệt, hay làm tổn thương vùng văn hóa ở nơi ấy.
 Đó là những nét đẹp vô cùng ý nghĩa của Phật giáo.

HT Thích Phước Tịnh
Trích bài giảng “Đạo Phật và Khả Năng Hội Nhập vào các Nền Văn Hoá”
Lệ Hoa phiên tả 

No comments: