Aug 12, 2014
HOÀNG TỬ HẠNH PHÚC - Oscar Wilde
HOÀNG TỬ HẠNH PHÚC
THE HAPPY PRINCE
Tác giả: Oscar Wilde
Dịch giả: Út Hương
Nguồn hình: https://www.google.com/search?q=pictures+of+selfish+giant+oscar+wilde&client
Tại vùng đất cao của thành phố, bức tượng Hoàng Tử Hạnh Phúc đứng sừng sững trên một trụ cột cao. Người ta mạ vàng toàn thân tượng, gắn hai viên đá saphire xanh biếc vào trong đôi mắt của bức tượng, và đính một viên đá ruby lớn màu đỏ vào chuôi kiếm của tượng.
Rất nhiều người thích bức tượng này. “Mẫu mã của tượng đẹp như mẫu mã chiếc chong chóng chỉ chiều gió,” một hội viên Hội Đồng Thành Phố nhận xét như vậy, và mọi hội viên đều mong được khen rằng họ có óc thẩm mỹ nên mới cho phép dựng bức tượng này. Người hội viên nói thêm: “Tuy nhiên bức tượng không hữu dụng gì mấy,” ông ta nói vậy vì sợ người khác nghĩ ông là người kém thực tế, nhưng thật sự ông không phải vậy.
“Tại sao con không làm giống Hoàng Tử Hạnh Phúc?” một bà mẹ rầy đứa con trai nhỏ của mình đang đứng khóc dưới ánh trăng. “Hoàng Tử Hạnh Phúc chả bao giờ phải khóc lóc để đòi bất cứ điều gì.”
Một người đàn ông đang trong tình trạng tuyệt vọng, ngước nhìn bức tượng tuyệt đẹp và thốt lời: “Cũng mừng trên đời này cũng có một kẻ hạnh phúc,”
“Hoàng tử nhìn như một thiên thần,” mấy đứa trẻ của trường đạo cất lời khen ngợi khi chúng bước ra khỏi nhà thờ. Chúng mặc áo đỏ và bên ngoài khoác áo trắng sạch tươm.
“Các con chưa gặp thiên thần bao giờ, làm sao so sánh như vậy được?” ông thầy dạy toán của chúng hỏi.
“Ồ, chúng con đã gặp thiên thần trong mơ,” mấy đứa trẻ đáp lời thầy, và ông thầy giáo nghe vậy liền nhăn mặt với vẻ mặt nghiêm nghị vì ông không tán thành những giấc mơ như thế.
Rồi một đêm nọ có một chú chim nhạn bay ngang qua thành phố. Tất cả bạn của chú đã bay đi Ai Cập từ sáu tuần trước, chỉ chú còn ở lại đây vì chú phải lòng với một nàng chim sẻ. Một ngày đầu xuân chú gặp nàng khi đang bay xuống bờ sông đuổi theo con bướm đêm màu vàng to mập. Cái eo thon thả của nàng đã hớp hồn chú, buộc chú phải dừng lại nói chuyện với nàng.
“Cho phép tôi yêu nàng nhé?” chú Nhạn đặt thẳng vấn đề với nàng, và nàng đã cúi đầu chấp thuận. Thế là chú bay lượn chung quanh nàng, dùng cánh quạt nước làm thành những đợt sóng bạc lăn tăn. Cứ thế chú tán tỉnh nàng trong suốt mùa hè.
“Gắn bó kiểu gì kỳ lạ,” mấy con nhạn khác líu ríu nói với nhau; “cô ả chẳng có tiền, họ hàng lại quá đông”; mà thật vậy, cả dòng sông đầy nhóc chim se sẻ. Đến mùa thu, bọn chúng lại bay đi hết cả.
Khi đàn se sẻ không còn đó, chú nhạn cảm thấy cô đơn và bắt đầu mệt mỏi với mối tình của mình. “Nàng chẳng chịu nói chuyện,” chú càm ràm, “và mình có cảm giác nàng có tính lẳng lơ vì nàng luôn đùa cợt với gió.” Chú nhận xét vậy vì cứ mỗi lần gió nổi lên, nàng lại nghiêng đầu chào duyên dáng. “Mình biết nàng thích ở nhà,” chú suy luận tiếp, “nhưng mình lại thích du lịch, và ai là vợ của mình đương nhiên phải đi theo mình.”
“Em có đi với ta không?” cuối cùng chú cất lời hỏi nàng; nhưng nàng Se sẻ lắc đầu từ chối vì nàng gắn bó với gia đình của nàng.
“Đối với ta, em xưa nay chẳng quan trọng,” chú Nhạn nói lớn. “Ta bay đến Kim Tự Tháp đây. Chào em!” và chú cất cánh bay đi.
Chú bay miệt mài suốt cả ngày, và khi chiều về, chú bay ngang qua thành phố. “Mình sẽ nghỉ chân ở đâu đây?” chú tự hỏi; “Hy vọng thành phố này đã sắp xếp chỗ nghỉ cho mình.”
Và chú nhìn thấy bức tượng đứng sừng sững trên cột trụ cao.
“Mình sẽ ngả lưng ở đây,” chú quyết định; “ Chỗ này có nhiều không khí trong lành.” Chú đáp xuống khu vực giữa hai bàn chân của bức tượng Hoàng Tử Hạnh Phúc.
“Ái chà, mình có cả một phòng ngủ giác vàng,” chú nói thầm với chính mình khi liếc nhìn chung quanh. Nhưng khi vừa chui đầu vào đôi cánh chuẩn bị ngủ, một giọt nước lớn rớt xuống người chú.
“Lạ chưa!”, chú cất lời; “Trên trời chẳng một gợn mây, các vì sao sáng thế kia, không hiểu sao lại có mưa. Khí hậu vùng Bắc Âu chán thật. Nàng se sẻ thích mưa, nhưng mưa hoài cho thỏa ý thích của nàng thì ích kỷ quá!”
Lại một hạt mưa rơi xuống.
“Tượng gì mà không che mưa được?” chú bực mình nói; “Mình phải đi kiếm ống khói nào kha khá để ngủ thôi,” và chú quyết định bay đi.
Nhưng ngay khi chú vừa xòe cánh, giọt nước thứ ba rơi xuống, và chú ngước nhìn lên. Ồ! Chú thấy gì vậy?
Đôi mắt của Hoàng Tử Hạnh Phúc nhạt nhòa nước mắt, và những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má mạ vàng của ngài. Khuôn mặt của ngài dưới ánh trăng tuyệt đẹp, đã làm động lòng thương cảm của chú Nhạn.
“Ngài là ai?” chú Nhạn hỏi.
“Ta là Hoàng Tử Hạnh Phúc.”
“Tại sao Ngài lại khóc?” chú Nhạn hỏi; “Ngài làm toàn thân tôi ướt sũng rồi đây.”
“Khi ta còn sống và mang trái tim con người,” bức tượng trả lời, “Ta chẳng hề biết khóc là gì bởi vì ta sống trong lâu đài mang tên “Không Phiền Muộn”, chẳng một muộn phiền nào được phép bước vào. Ban ngày ta chơi với các bạn trong vườn, ban đêm ta khiêu vũ trong đại sảnh. Tường thành bao bọc chung quanh lâu đài rất cao, vậy mà ta chẳng buồn thắc mắc bên kia bức tường thành có gì, bởi vì những gì ta có đã quá toàn mỹ. Những cận thần của ta gọi ta là Hoàng Tử Hạnh Phúc vì ta rất hạnh phúc, nếu định nghĩa hạnh phúc là có nhiều hoan lạc. Và cứ thế ta sống cho đến ngày qua đời. Bây giờ ta chết rồi, họ dựng ta trên cột cao này để ta có thể thấy tất cả những hình ảnh không đẹp và thê thảm của thành phố, và trái tim của ta dù làm bằng chì vẫn không thể không thổn thức.”
“Sao thế này! Chẳng phải đây là một bức tượng mạ vàng?”, chú Nhạn vốn lịch lãm nên chỉ tự hỏi mình, chẳng dám lớn tiếng phê phán ai.
“Ở đằng xa kia,” bức tượng tiếp tục cất giọng trầm trầm đầy nhạc điệu, “ở đằng xa kia tại góc phố nhỏ có một căn nhà nghèo nàn. Một trong mấy chiếc cửa sổ vẫn để mở, và nhìn qua khung cửa sổ, ta thấy một người đàn bà ngồi cạnh bàn. Khuôn mặt bà gầy guộc và mệt nhoài; đôi tay bà nhám xạm, đỏ au, và đầy vết kim đâm do vì bà làm nghề thợ may. Bà đang thêu hoa Lạc Tiên lên chiếc áo choàng may bằng vải sa-tin cho cô phù dâu xinh đẹp nhất của Hoàng Hậu. Con trai bà đang bịnh nằm trong giường đặt ở góc phòng. Thằng bé bị sốt, xin được uống nước cam. Bà chẳng có gì cho nó ngoài ly nước lã, vì thế nó khóc hoài. Chú Nhạn bé nhỏ, có thể nào chú mang hạt đá ruby đỏ đính trên chuôi kiếm của ta đến tặng bà ấy được không? Đôi chân ta bị chôn cứng vào bệ, không cách gì ta di chuyển được.”
“Bạn bè đang chờ tôi ở Ai Cập,” chú Nhạn đáp. “Bạn tôi đang dạo chơi trong khu vực sông Nile, nô đùa với mấy hoa sen lớn ở đó. Bọn họ sắp chui vào hầm của Đại Đế để ngủ. Đại Đế cũng ngủ ở đó, nằm trong hòm được sơn son. Người ta dùng những tấm vải vàng được ướp thơm quấn quanh thân ông. Ông đeo chuỗi ngọc xanh, và đôi tay ông bị teo như những chiếc lá héo.
“Này chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử van nài, “Có thể nào ở lại với ta một đêm, làm sứ giả cho ta được không? Thằng bé đang bị khát, và mẹ nó đang sầu khổ.”
“Tôi nghĩ tôi không thích mấy thằng con trai nhỏ,” chú Nhạn đáp. “Mùa hè năm ngoái, khi tôi ngụ tại một dòng sông, có hai thằng nhỏ con chủ cối xay phá phách vô cùng. Chúng cứ nhắm vào tôi mà liệng đá tới. Dĩ nhiên chẳng viên đá nào trúng tôi vì loài chim nhạn của chúng tôi bay rất giỏi, chưa kể tôi xuất thân từ gia đình nổi tiếng nhanh nhẹn. Nói gì thì nói, hành vi ném đá vẫn là hành vi vô lễ.”
Nhưng nhìn thấy nét mặt sầu não của Hoàng Tử, chú Nhạn lại cảm thấy thương hại. “Thôi được, ở đây lạnh cóng, nhưng tôi sẽ ở lại đây làm sứ giả cho Hoàng Tử.”
“Cám ơn chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử cất lời.
Thế là chú Nhạn dùng mỏ lấy viên ngọc Ruby ra khỏi chuôi kiếm, rồi ngậm viên ngọc bay qua mấy nóc nhà trong thành phố.
Chú bay ngang qua tháp nhà thờ, lướt qua mấy bức tượng thiên thần làm bằng đá hoa màu trắng. Chú bay ngang cung điện và nghe có tiếng nhạc khiêu vũ. Một cô gái xinh đẹp đang đứng ngoài ban công với người yêu của nàng. “Những vì sao sáng thật tuyệt vời,” chàng nói với nàng, “và thật tuyệt vời sức mạnh của tình yêu!”
“Em hy vọng chiếc áo em đặt may kịp hoàn tất cho buổi dạ vũ của triều đình,” nàng tiếp lời. “Em đã thuê người thêu hoa Lạc Tiên lên áo; nhưng bà thợ thiêu lười biếng không biết có làm xong hay không.”
Chú Nhạn bay ngang qua dòng sông, nhìn thấy những chiếc đèn lồng treo trên cột buồm của thuyền. Chú tiếp tục băng ngang qua khu người Do Thái, nhìn thấy họ trả giá với nhau, và đong tiền trên những chiếc cân bằng đồng. Cuối cùng, chú bay đáp xuống trước ngôi nhà tồi tàn và nhìn vào bên trong. Thằng bé con đang sốt nằm trên giường bệnh, trở mình liên tục, và mẹ nó ngồi bên cạnh đã thiếp ngủ vì quá mệt. Chú Nhạn nhẹ nhàng nhảy vào trong nhà, đặt viên ngọc ruby đỏ lên bàn bên cạnh chiếc khung thêu. Sau đó chú nhẹ nhàng vỗ cánh bay quanh giường của thằng bé, dùng đôi cánh quạt mát cho nó. “Ôi sao mình thấy mát thế này,” thằng bé nói, “Chắc là mình sắp khỏe lại rồi đây”, và nó chìm vào giấc ngủ.
Chú Nhạn bay về lại với Hoàng Tử Hạnh Phúc, và kể cho Hoàng Tử nghe những gì chú đã làm. “Lạ thật,” chú nhận xét, “không hiểu sao tôi thấy ấm người trong khi trời vẫn lạnh.”
“Chú thấy ấm người do vì chú vừa làm một điều thiện đó,” Hoàng Tử giải thích. Và chú Nhạn bé nhỏ bắt đầu suy nghĩ cho đến lúc thiếp ngủ. Suy nghĩ vẩn vơ bao giờ cũng làm chú dễ ngủ.
Khi ban mai bừng sáng, chú bay xuống sông để tắm. “Hiện tượng lạ chưa kìa,” vị giáo sư chuyên khoa về chim nói khi ông đi trên cầu băng qua sông. “Nhạn xuất hiện ở đây vào mùa đông!” Ông liền viết một bài viết dài gửi đến tòa báo địa phương. Mọi người đọc và đánh giá bài viết có quá nhiều từ khó hiểu.
“Tối nay tôi sẽ bay đi Ai Cập,” chú Nhạn nói, và rất hưng phấn khi nghĩ đến giờ phút ấy. Chú viếng thăm tất cả các tòa nhà công cộng, và đậu rất lâu trên đỉnh tháp chuông của nhà thờ. Chú bay đến đâu, lũ se sẻ ríu rít nói với nhau: “ Nhìn xem kẻ lạ mặt thật đặc biệt kìa!” Nghe vậy, chú Nhạn thích chí vô cùng về bản thân mình.
Khi mặt trăng lên cao, chú bay về chỗ của Hoàng Tử Hạnh Phúc. “Ngài có nhắn nhủ gì với Ai Cập không?”, chú nói : “Tôi chuẩn bị bay đến đó đây.”
“Này chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử nói, “ Có thể nào ở lại với ta thêm một đêm nữa không?”
“Bạn bè tôi đang chờ tôi ở Ai Cập,” chú Nhạn trả lời. “Ngày mai bạn tôi sẽ bay lên tầng thác thứ nhì của sông Nil. Ở đó bạn Hà Mã nằm lẫn trong mấy bụi cây hương bồ, và tượng Vua Ai Cập ngự trên tảng đá granite lớn. Vua chiêm ngưỡng sao trời suốt đêm, và khi ngôi sao mai ló dạng, ngài thốt lên tiếng vui mừng, rồi im lặng trở lại. Đến trưa, mấy con sư tử lông vàng xuống bờ sông uống nước. Chúng có cặp mắt màu xanh của khoáng chất beryls, và tiếng gầm của nó lớn hơn cả tiếng thác.
“Này chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử nói, “ở xa kia ra khỏi thành phố, ta thấy một chàng trai trẻ sống trên gác xép sát mái nhà. Anh ta đang gục mặt trên mặt bàn đầy giấy. Những đóa hoa violet cắm trong ly nước đã khô héo, nằm lăn lóc bên cạnh anh. Mái tóc anh màu nâu xoăn tít, đôi môi anh đỏ màu lựu, và đôi mắt mơ mòng của anh thật to. Anh ta đang cố gắng viết cho xong vở kịch để nộp cho ông giám đốc Nhà Hát, nhưng tay anh lạnh quá, không thể cầm viết được nữa. Lửa trong lò sưởi đã tắt, và cơn đói làm anh mệt lả.
“Thôi được, tôi ở lại với Ngài một đêm nữa,” chú Nhạn có trái tim vị tha đáp. “Tôi sẽ chuyển cho anh ấy một hột đá ruby khác?”
“Tiếc thay ta không còn hạt ruby nào nữa,” Hoàng Tử trả lời; “ Ta chỉ còn đôi mắt thôi. Đôi mắt này được làm bằng đá saphire quý hiếm, được mang đến đây từ Ấn Độ cả ngàn năm trước. Chú làm ơn lấy một hạt, mang đến cho chàng trai trẻ kia. Anh ta sẽ mang hạt đá này đến tiệm kim hoàn mà bán, rồi dùng tiền mua thức ăn và củi, có vậy mới có thể viết xong vở kịch.”
“Thưa Ngài,” chú Nhạn nói, “Tôi không thể làm vậy được”; và chú ứa nước mắt.
“Này chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử nói, “Hãy làm như ta vừa nói.”
Thế là chú Nhạn lấy một viên đá từ hốc mắt của Hoàng Tử ra, bay đi đến căn gác sát mái nhà của anh sinh viên trẻ. Chú chui vào bên trong không khó vì trên mái nhà có sẵn lỗ hổng. Qua lỗ hổng, chú phóng vào trong phòng. Chàng trai trẻ vùi đầu trong vòng tay của mình nên không nghe tiếng vỗ cánh của chú. Khi thức dậy, anh thấy viên đá saphire tuyệt đẹp nằm trên bó hoa violet đã héo.
“Mọi người đã hiểu được giá trị của mình,” anh thốt lên, “viên đá này hẳn là quà tặng của người ái mộ mình. Hôm nay mình sẽ viết cho xong vở kịch.” Và anh vui ra mặt.
Ngày hôm sau, chú Nhạn bay xuống phía cảng. Chú đậu trên cột buồm lớn nhìn mấy người thủy thủ gồng mình giữ chặt những sợi dây thừng. “Dô ta”!” thủy thủ hô to mỗi lần ưỡn ngực kéo dây. Chú Nhạn lớn tiếng nói với mấy chú thủy thủ: “Tôi sắp đi Ai Cập đây!”, nhưng chẳng ai buồn để ý đến chú, và khi mặt trăng lên, chú bay về chỗ Hoàng Tử Hạnh Phúc.
“Tôi đến để chào tạm biệt Ngài,” chú nói.
“Này chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử nói, “ chú có thể ở lại với ta thêm một đêm nữa được không?”
“Mùa đông đến rồi,” chú Nhạn trả lời, “và tuyết giá nay mai sẽ xuất hiện. Ở Ai Cập có nắng ấm chiếu sáng trên các ngọn dừa xanh, có cá sấu lười biếng trầm mình trong bùn. Bạn của tôi đang làm tổ ở Đền Baalbec dưới sự chiêm ngưỡng của đôi chim bồ câu – một trắng và một hồng, họ luôn hót lời khen ngợi. Thưa Ngài, tôi phải rời đây và sẽ không bao giờ quên Ngài. Mùa xuân tới tôi sẽ mang về cho Ngài hai viên ngọc đẹp mà Ngài đã đem tặng cho người. Viên đá ruby đỏ sẽ đỏ hơn hoa hồng, và viên ngọc saphire sẽ xanh hơn màu nước biển.”
“Trong quảng trường dưới kia,” Hoàng Tử Hạnh Phúc nói, “có đứa bé gái bán diêm. Nó lỡ tay làm rớt tất cả diêm vào máng nước, ẩm hết cả rồi. Cha nó sẽ đánh nó nếu không mang được tiền bán diêm về, và nó đang khóc kia kìa. Chân nó không có cả giầy lẫn vớ, đầu nó để trần. Hãy lấy viên ngọc còn lại trong mắt ta đưa cho nó, để nó không bị đòn.”
“Tôi sẽ ở lại với Ngài thêm một đêm nữa,” chú Nhạn trả lời, “nhưng tôi không thể thấy lấy con mắt còn lại của Ngài. Làm vậy Ngài sẽ bị mù.”
“Này chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử nói, “Hãy làm như ta vừa nói.”
Và chú Nhạn đành phải lấy con mắt còn lại của Hoàng Tử, bay nhào xuống dưới. Chú xà xuống chỗ bé gái bán diêm, và thả hạt ngọc vào lòng tay của bé. “Viên đá đẹp làm sao,” nó reo vui; và tươi cười chạy về nhà.
Và chú Nhạn bay trở về chỗ của Hoàng Tử. “Ngài mù rồi,” chú Nhạn nói, “Tôi sẽ ở lại đây mãi mãi với Ngài.”
“Không không, chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử nói, “chú cần bay đi Ai Cập.”
“Tôi sẽ ở đây với Ngài mãi mãi,” chú Nhạn đáp, và nằm ngủ dưới chân của Hoàng Tử.
Cả ngày hôm sau, chú đậu trên vai Hoàng Tử, kể cho Hoàng Tử nghe những gì chú thấy nơi vùng đất lạ. Chú kể về loài cò màu đỏ đứng dọc dài bên bờ sông Nile, mỏ ngậm cá vàng. Chú kể con quái vật Sphinx, già như trái đất, sống ở sa mạc, biết hết mọi điều. Chú kể về những người lái buôn lững thững đi bộ bên cạnh mấy con lạc đà của họ, tay cầm chuỗi hạt hổ phách. Chú kể về Vua của các đỉnh núi trên mặt trăng, da đen như gỗ mun, thờ phụng tảng đá crystal lớn. Chú kể về con rắn lục nằm ngủ trên cây dừa, và mười hai nhà tu sĩ nuôi nó bằng bánh mật ong. Chú kể về những người lùn dùng những chiếc lá lớn làm thuyền băng qua một hồ lớn, luôn luôn phải chiến đấu với lũ bươm bướm.
“Này chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử nói, “chú đã kể cho ta nghe về bao nhiêu là điều kỳ diệu, và ta nghĩ ta cần nghe thêm về nỗi khổ mà người dân đang phải cam chịu. Chẳng điều nào bí ẩn hơn là nỗi khổ của họ. Chú hãy bay đi khắp thành phố của ta, hỡi chú Nhạn bé nhỏ, và bay về đây kể ta nghe những gì chú thấy.”
Thế là chú Nhạn bay khắp thành phố, nhìn thấy người giàu sống vui bên trong những căn nhà đẹp, trước cửa là chỗ ngồi của những kẻ ăn mày. Chú bay vào trong hẻm tối tăm, nhìn thấy mấy khuôn mặt trắng bệch của những trẻ em đang bị đói, ánh mắt lờ đờ trông ra phía đường phố đen ngòm. Dưới gầm cầu, hai thằng bé nằm ôm nhau để sưởi ấm cho nhau. “Đói quá!” hai thằng bé than thở. “Chúng bay không được nằm ở đây!”, gã cảnh sát đi tuần quát tháo, và hai thằng bé đành lang thang trong mưa.
Và chú bay về kể lại những gì chú thấy cho Hoàng Tử nghe.
“Thân ta được giáp vàng,” Hoàng Tử nói. “chú hãy lấy từng miếng vàng, từng miếng một, đến đưa cho những dân nghèo của ta; những người còn sống luôn vui khi thấy vàng.”
Chú Nhạn cứ thế túc tắc gỡ từng miếng vàng, cho đến khi toàn thân Hoàng Tử Hạnh Phúc chỉ còn màu xám xịt. Từng miếng vàng được chú chuyển đến người nghèo, và gương mặt của lũ trẻ trông hồng hào hơn; chúng cười giỡn, vui đùa ngoài phố. “Có bánh mì ăn rồi!” chúng reo mừng.
Và tuyết đổ xuống, hết tuyết đến băng. Cả đường phố nhìn như được phủ bạc, sáng loáng và lấp lánh. Những cột nước đổ từ mái nhà xuống bị đóng băng, nhìn như những chiếc dao găm. Mọi người ra đường mặc áo lông, mấy đứa bé trai đội mũ đỏ trượt băng trên khu vực bị đóng đá.
Chú Nhạn bé nhỏ ngày càng bị cóng, nhưng chú cương quyết không rời Hoàng Tử vì chú quá yêu quý Ngài. Chú mổ vội mấy mẩu bánh mì vụn để ngoài cửa của chủ tiệm bánh khi ông ta không để ý và cố gắng giữ ấm bằng cách đập cánh liên tục.
Nhưng cuối cùng, chú biết mình sắp chết. Chú dùng hết sức tàn, bay lên vai của Hoàng Tử một lần nữa. “Xin tạm biệt Hoàng Tử,” chú thều thào nói, “Xin cho phép tôi được hôn tay Ngài.”
“Ta mừng là cuối cùng chú cũng chịu bay đi Ai Cập, chú Nhạn bé nhỏ,” Hoàng Tử đáp, “Chú ở đây lâu quá rồi, và hãy hôn lên môi ta, vì ta yêu chú lắm.”
“Tôi không bay đi Ai Cập,” chú Nhạn đáp. “Tôi bay đến nhà của Thần Chết. Thần chết là anh của Thần Ngủ, đúng không nào?”
Và chú hôn lên đôi môi của Hoàng Tử, rồi gục chết dưới chân của Ngài.
Lúc ấy một tiếng kêu răng rắc phát ra từ bên trong bức tượng, như thể có cái gì vừa vỡ. Sự thật là trái tim chì bị nứt làm đôi do vì thời tiết băng giá quá khắt nghiệt.
Sáng sớm hôm sau, ông Thị Trưởng cùng các hội viên Hội Đồng Tỉnh đi bộ, băng ngang qua quảng trường. Khi đi ngang bức tượng, ông Thị Trưởng nhìn lên: “Tội nghiệp tôi chưa, sao Hoàng Tử Hạnh Phúc trông tiều tụy thế này!”
Tất cả các hội viên đưa mắt nhìn lên, đồng cất tiếng, “Trông tiều tụy thế này!” Họ vẫn thế, luôn luôn nói vuốt đuôi theo ông Thị Trưởng.
“Viên đá ruby đỏ rớt ra khỏi kiếm, đôi mắt chẳng còn, thân người giác vàng cũng không,” ông Thị Trưởng tả chân bức tượng, “bức tượng Hoàng Tử trông chỉ khá hơn kẻ ăn mày một chút!”
“Trông chỉ khá hơn kẻ ăn mày một chút!”, mấy người hội viên nói hùa theo.
“Và xem này, có con chim chết dưới chân bức tượng!” ông Thị Trưởng nói tiếp. “Chúng ta cần phải lập bảng tuyên cáo, không cho phép chim được nằm chết ở đây.” Người thư ký của Hội Đồng Tỉnh liền ghi xuống giấy lời đề nghị này.
Và rồi họ dựt sập bức tượng Hoàng Tử Hạnh Phúc xuống. “Bức tượng không còn hữu dụng nữa khi đã hết đẹp,” vị giáo sư khoa Mỹ Thuật của trường đại học nói.
Họ đem bức tượng vào lò nung, và ông Thị Trưởng triệu tập một buổi họp với Hội Đồng Thành Phố để quyết định sẽ làm gì với mớ kim loại vừa được nấy chảy. “Chúng ta phải dựng một bức tượng khác, chắc chắn là thế,” ông nói, “và bức tượng kế sẽ bức tượng của tôi.”
“Tượng của tôi,” mỗi thành viên trong Hội Đồng Tỉnh đều nói theo, và họ cãi nhau. Cho đến khi không còn trông thấy họ nữa vẫn nghe tiếng họ cãi nhau.
“Lạ chưa kìa!” người đốc công của xưởng đúc lên tiếng. “Trái tim chì bị nứt này nấu mãi không chảy, vẫn còn nguyên. Chúng ta đem liệng nó đi thôi.” Và họ quăng trái tim vào đống rác chỗ chú Nhạn chết đang nằm.
“Hãy mang đến cho ta hai vật báu của thành phố,” Thượng Đế nói với thiên thần của ông, và thiên thần mang đến Ngài trái tim chì cùng xác chết của con chim.
“Sự chọn lựa của con hay lắm,” Thượng Đế nói, “bởi vì trong vườn của ta trên Thiên Đàng, chú chim nhỏ này sẽ mãi mãi hót và trong địa hạt bằng vàng của ta, Hoàng Tử Hạnh Phúc sẽ ca ngợi ta mãi mãi.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment