Jul 22, 2014

CUỐN THEO CHIỀU GIÓ





CUỐN THEO CHIỀU GIÓ

Gió đây là gió nghiệp.  Thân tứ đại nầy do gió nghiệp đun đẩy, cho đất nước gió lửa họp lại và tâm thức gá vào, để hình thành một thai nhi.  Rồi chín, mười tháng sau rời bụng mẹ để có mặt giữa trần đời.  Tùy theo tập nghiệp trong quá khứ, mà người ấy thông minh hay trì độn và có đời sống giàu sang hay nghèo hèn.  Người ấy rơi vào hoàn cảnh đọa đày, khốn quẩn do chiến tranh, hoạn họa, đói kém hay đươc hưởng đời sống giàu sang của ông hoàng bà chúa, cũng đều từ gió nghiệp đẩy đưa.  Đến khi tứ đại phân ly, gió nghiệp thổi hình hài bất động của một người, mà mới đây còn sang qúi, xinh đẹp vào Peak family (lò thiêu), để theo gió cuốn bay lên trời cao, thành những làn khói trắng.  Hình hài mà họ chăm chút, thương yêu và vô cùng tự hào, chẳng mấy chốc tan thành tro bụi.  Khi được đẩy vào lò thiêu, chỉ sau vài mươi phút thôi, ông hoàng, bà chúa, hoa hậu, hay tài tử điện ảnh, đều chẳng còn chi cả, ngoài một nhúm bụi trắng xám.  Dù ta chăm sóc hình hài ta khéo đến thế nào đi chăng nữa; dù ta tốn bao nhiêu của tiền làm cho nó đẹp, nó sang, nhưng sau khi vào lò thiêu thì tất cả đều đồng đẳng, đều là bụi đất như nhau.  Tóm lại, tất cả mọi sinh linh trong trần thế đều bị cuốn theo chiều gió nghiệp.

Với một nghĩa thâm sâu hơn, gió nghiệp thổi tùy theo nghiệp lành hay dữ của từng người, mà không ai làm chủ được.  Nếu làm chủ được, đâu ai chọn sinh vào gia đình bần dân làm chi cho cực!  Họ chọn làm hoàng tử hay nữ hoàng nước Anh, có hay hơn không?  Vì không làm chủ được, nên đời sống ta phải theo nghiệp mà đến, đến đâu thì chịu vậy thôi.  Nghiệp thức huân tập một đời, sẽ dắt ta đi về cõi lành hay dử khi rời bỏ hình hài.  Tuy nhiên, cận tử nghiệp cũng vô cùng quan trọng.  Có những người cả đời không có duyên may, thế nhưng, khi họ gần trả thân tứ đại về cho cát bụi, duyên lành lại đến.  Tự nhiên, họ cảm thấy ý niệm xả ly về chấp trước bản ngã tràn đầy tâm thức, và họ thanh thản ra đi.  Nghiệp một đời gây tạo tự nhiên vơi nhẹ đi, do cận tử nghiệp vô cùng lành thiện.

                  Tóm lại, gió nghiệp gồm nhiều tầng.  Thứ nhất, gió nghiệp đẩy hình hài theo chu kỳ thành trụ hoại không.  Hình hài đến lúc phải tan, là tan thôi.  Kế đến, gió nghiệp đẩy thần thức vào những nơi chốn đã định sẵn.  Kinh văn Thế Tôn có dạy là, vừa tắt hơi nơi ngũ uẩn nầy, người ta có mặt liền ở ngũ uẩn khác.   Trong một sát na thôi, nghiệp đã định hình.  Thậm chí, nghiệp đã định hình ngay lúc sống, chứ không phải đợi đến lúc chết mới hình thành một thọ mạng khác.  Ngay trong đời sống hiện tại, từng ý ta nghĩ, từng lời ta nói, từng việc ta làm là đã tạo nghiệp cho tương lai của ta rồi.  Cho nên, khi rời hình hài tứ đại, nếu nghiệp của ta ở thiên giới, ta liền đi về cõi trời; nếu nghiệp của ta ở cảnh giới Atula, ta liền về nơi đó.   Ngay trong kiếp sống nầy, nếu ta chứng nghìệm được trạng thái tâm thường tịnh, khi bỏ hình hài ta sẽ về cảnh giới chư Như Lai.  Theo đúng tinh thần Kinh Văn của Đức Phật, nghiệp định hình trong từng sát na của đời sống hiện tiền.  Hãn hữu lắm, thần thức mới trải qua 49 ngày trong cảnh giới Thân Trung Ấm.  Như vậy, cuốn theo chiều gió là cuốn theo nghiệp thức ta đã gây tạo, từ lời nói, việc làm hay cách hành xử, để đầu thai vào chỗ tương ưng.  Ngay trong hiện tại, tâm thức ta hướng về cảnh giới nào, liền tức khắc ta gá sinh về cảnh giới ấy.

Theo như Tiểu Bộ Kinh, một hôm Mục Kiền Liên đến thăm cung trời Đâu Xuất. Ngài thấy có một dinh thự vô cùng sang trọng, nhưng không có thiên đế nào ngự trị hết.  Theo như lời các vị thiên, chỗ đó dành cho một vị đệ tử của Thế Tôn, người chuyên chăm sóc sức khỏe cho Thế Tôn các chư tăng, tên “Kỳ Bà”.  Khi trở về tinh xá Trúc Lâm, Mục Kiền Liên đem điều nầy bạch lại với Thế Tôn.  Thế Tôn xác nhận rằng, do phước lành chăm sóc sức khỏe cho Thế Tôn và hết lòng cung kính các bậc thánh, nên ngay lúc còn ở nhân gian, Kỳ Bà đã có cung điện ở cõi trời.

Thật ra, chỉ cần nhìn dòng tâm thức của mình trong lúc nầy, mình biết ngay mình sẽ sinh về cảnh giới nào, chứ không cần phải đợi đến lúc trả hình hài về cho cát bụi.  Đó là tầng thâm sâu nhất của con đường cuốn theo chiều gió.



HT Thích Phước Tịnh
Trích bài giảng “Chiếc lá vàng bay”
Lệ Hoa phiên tả

No comments: