CHIẾC LÁ PHONG.
-------------------------
Ngày xưa, mỗi lần
lẩm nhẩm câu thơ: “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san” trong Truyện Kiều là lòng
tôi có chút gì se sắt, hiu quạnh. Tôi không hiểu tại sao, cũng không hình dung được
rừng phong nơi biên giới khi trời vào thu con nai vàng ngơ ngác dẫm trên thảm lá
vàng như thế nào. Đành thả hồn vẩn vơ tưởng tượng để cảm chút hương vị man mác
của thơ.
Thế rồi ba năm sống
trên đất Mỹ, tuy ở Cali nơi nắng ấm quanh năm và trời xanh mênh mông mỗi ngày, tôi
cũng được đôi lần sang Đông bắc Hoa kỳ giữa và cuối thu. Rừng phong ở đây trải
dài bát ngát đến cuối chân trời, và chắc chắn có nhuộm màu quan san giữa biên
giới Mỹ-Canada nhưng rực rỡ huy hoàng chứ không làm lay lắc lòng người viễn xứ
như tôi.
Giữa mùa thu năm
nay tôi lại có dịp cùng vài Thầy cô sang mở khóa tu ở Bắc Mỹ. Cũng dạo quanh hồ, cũng đi ngắm lá phong. Lần
nầy bài học về chiếc lá phong mở ra cho tôi vài điều suy nghĩ; về con đường tôi
đi, việc tôi làm và khả năng đóng góp cho lý tưởng tôi đã chọn. Dĩ nhiên,không
phải từ chiếc lá phong thôi, mà từ nhiều góc của thiên nhiên mở ra cho tôi cái
nhìn bé nhỏ.
Đời sống chiếc lá
phong thật đẹp. Lá đã nhú mầm vào mùa xuân khi cái lạnh của tiết đông vẫn còn vương
vãi đó đây. Trên hồ, trên đất. Ấy vậy mà lá đã hé mắt thiên thần nhìn đời bằng
cả tấm lòng tri ân của mình. Một giọt sương sớm, một chút nắng mai, một làn gió
nhẹ, một tiếng hót mềm của chim: tất cả như món quà mầu nhiệm đến với lá. Ngày đầu tiên có mặt trên
cành phong, lá hiện hữu như một tặng phẩm diệu kỳ. Tặng cho ai? Tặng sự sống mình
cho cành phong, cây phong và cả rễ phong dưới lòng đất. Sự có mặt của lá đã là
quà tặng cho gió mơn man, cho em bé đùa dưới tán, cho chú chim ẩn mình, kể cả
cho nắng sớm mưa chiều hoặc cơn bảo dữ dằn cuồng nộ. Lá lớn từng ngày và một ngày
qua là một ngày hiến tặng phong nhiêu. Luyện nhựa thô thành nhựa tinh để nuôi
chính mình và nuôi hình hài của mẹ, thu thán khí và nhả dưỡng khí tặng lại đất
trời để bảo vệ hành tinh xanh. Lá chưa bao giờ ganh tị với người anh em bên cạnh,
chưa bao giờ tranh chỗ đứng để đón nắng mai. Đứng ngay trên chỗ đứng của mình, làm
hết sức mình trong khả năng chuyên biệt. Làm mà như không làm. Làm là sự hiến tặng,
là niềm vui, là sự tuôn chảy nhiệm mầu của nguồn nhựa sống bên trong đang rạt rào
như vũ hội. Mùa hè đến, đời sống đã đầy, một sự chín chắn cảm thông và lòng bao
dung rộng mở. Nhìn trời xanh mây trắng vời vợi xa xăm mà nhận diện được trời
xanh mây trắng trong lòng ngây ngất. Lá tự biết ngày tháng đã dầy, những gì cần
làm đã làm qua hai mùa xuân và hạ. Giờ là lúc thanh thản nhất của đời mình. Hãy
thư giãn trọn vẹn, buông lỏng trọn vẹn, mời gọi mùa thu về vội để đón ta đi. Dĩ
nhiên thu ở Bắc Mỹ đến rất vội. Một chút se sắt lạnh chớm thu rồi cái lạnh cuối
thu ùa về vội vã, để thổi bay những bông hoa tuyết lả tả vào đông. Lá chuyển mình
nhanh nhanh cho kịp để giã biệt bằng hữu đã có mặt với mình suốt hạ suốt xuân. Và
rồi, thân lá chín vàng, từ vàng chanh đến đỏ và đỏ thẫm. Một chị gió đến mang lá
bay đi. Lá vẫy tay chào bạn và xin tặng đời một vũ điệu đẹp nhất trước khi đáp
xuống vệ đuờng ngủ yên trong lòng mẹ.
Tôi đã đôi lần
ngây ngất nhìn lá phong luân vũ giữa trời mà lòng se sắt nao nao. Tôi cũng có
những ngày bé thơ thiên thần như lá, những ngày hành điệu ngọt ngào bên thầy Bổn
sư quê mùa chất phát mà lòng rào rạt niềm vui. Tôi cũng có những ngày bon chen
nơi phố thị vào học đường để ngồi trước trang kinh cắn viết suy tư ghi ghi chép
chép. Rồi những ngày tất tả ngược xôi để làm .... Phật sự. Những ngày bên đệ tử
và học trò để chia xẻ những thao thức những băn khoăn và buồn vui bao nỗi. Ấy vậy mà hôm nay nhìn lại thấy mình vẫn chưa
làm đuợc việc chi. Đời sống mình, những
trải nghiệm mình chưa dầy như lá để sẵn sàng thảnh thơi. Sống lãng quên, học hấp
tấp, làm vội vàng, đi như ma rượt gần như một tính cách của tự thân. Tôi làm
sao an lạc thong dong, mỉm cười mời gọi mùa thu đến với mình để mình ngơi nghỉ
như chiếc lá. Lá muốn chỗ đứng nầy mùa xuân tới thế hệ trẻ mà mình chưa biết mặt
biết tên sẽ đứng đây, sẽ nâng niu sự sống trên tay và làm bao nhiêu việc đẹp đẽ
thay mình. Quả thật tôi vẫn chưa sẵn sàng làm thế. Khi mùa thu thấp thoáng về,
lá phong vẫy tay gọi như những đứa con vẫy tay gọi mẹ. Với tôi, thu mới chớm đã
nghe lòng xót xa khi nghĩ đến việc phải rời chỗ đứng của mình. Thương thật!
Có ai đến mà không
đi. Có gì biểu hiện mà không ẩn tàng tiềm phục. Sống tùy thuận theo qui luật tự
nhiên hẳn không có gì để khổ, mà khổ vì con người muốn chỉ có đến mà không đi. Giá
con người biết sống nhậm vận cuộc sống như chiếc lá thì tuyệt vời biết mấy! Cuộc
vận hành lớn của đời sống không ngừng tuôn chảy và đổi thay. Lịch sử địa dư quốc
gia chuyển dịch ranh giới từng trăm năm một, có khi ngắn hơn. Lịch sử một đất nước
chưa bao giờ ngừng chuyển động. Thế hệ đi sau đứng trên vai người đi trước, có
vậy mới tạo được bước nhảy lượng tử như hôm nay, đóng góp sự tiện ích cho con
người như nền văn minh hiện tại. Thế mà nhìn lại trong phạm vi hẹp nhất của một
Đạo Phật hiện tại trên quê hương bé nhỏ của tôi. Lòng tôi vẫn muốn Đạo Phật của
tôi phải được đứng ở một vị trí đặc biệt. Lịch sử chứng minh rằng Đạo Phật là đặc
biệt. Quá khứ đã vậy, hiện tại phải như vậy và tương lai càng phải được xây đắp
hơn như vậy. Ôi! Sao mà nghiêm trọng quá. Người xưa hành mà vô hành, đời sống các
ngài là một quà tặng nên tự nó tỏa hương thơm. Không cần làm ra hương, không cần
mời gọi ai đến chiêm ngưỡng cả, ta cứ nở ra như một bông hoa đi tự khắc ta có cái
để dâng hiến cho đời, tự khắc quà tặng có mặt. Nếu bông hoa tự tỏa hương mà không
có một ý đồ hay sự mong muốn nào bên trong nên tự nó sẽ có phẩm chất của cái đẹp,
cái lành và cái thật: thì Đạo Phật hãy cứ là bông hoa nở ra thơm tho thật, thì
phẩm chất Đạo Phật của tôi là một quà tặng tuyệt vời mà không một ai đến nỗi vô
minh từ chối cả.
Dĩ nhiên, Đạo Phật
là một tên gọi chứa bên sau một thực thể sống động có bề dầy hai mươi sáu thế kỷ
qua. Thực thể ấy là dòng sông tuệ giác yêu thương đã rọi sáng và tắm mát nhân
gian qua nhiều vùng văn hóa. Dòng sông ấy không phải duy nhất từ đấng Đạo sư khơi
mở rồi chảy mãi, mà là sự đóng góp lớn lao trường viễn của nhiều khe suối có mặt
qua chiều dài thời gian và chiều rộng không gian. Bản thân tôi, người cùng thế
hệ tôi, người trước tôi và người sau tôi đều dâng hiến đời sống đẹp, lành và chân
thật vào dòng sông tuệ giác yêu thương nầy. Nếu chiếc lá phong kia không sống đẹp
đời sống chính nó, thì nó sẽ làm thiệt thòi cho tự thân và không dâng hiến gì
cho cuộc đời, cho thân mẹ cả. Và vụng về hơn nữa, thì nó sẽ làm tổn thương cây
phong bằng chất nhựa rất tồi của nó truyền vào. Tôi không dâng hiến gì được cho
đời hay cho đạo, khi đời sống tâm linh tôi
khô héo cạn kiệt vì lợi danh cuộc sống xâm thực mỗi ngày. Tôi không hiến tặng được
điều đẹp đẽ gì cho thế hệ mai sau, khi đời sống tôi không phẩm chất. Đã vậy, tôi
lại rất ganh tị khi thấy ai có đời sống đẹp, lành và thật. Không muốn họ thay công
việc của mình, đứng chỗ đứng của mình. Không bao giờ muốn lịch sử sang trang. Nếu
phải chọn người cộng tác với mình hay thay thế mình, tôi sẽ chọn người nào cùng
một cung bậc tâm thức như tôi. Và nhìn lại dòng chảy thanh tương tuệ mạng của
tiền nhân đi ngang qua đây, tôi đã hiến tặng sự nhiễm bẩn của mình vào dòng nước
ấy. Tôi có phải là tội phạm từ bên trong cơ thể Đạo Phật không?
Bồ đề tâm, từ bi
tâm có năng lực lây lan thấm vào trái tim mgười, thì năng lượng xấu của những tâm
thức mua danh bán lợi trong đạo Phật, cũng có sức mạnh làm cạn đi dòng sinh mạng
Đạo Phật. Nhìn thế hệ mai sau tôi chợt thấy chạnh lòng. Họ học hành giỏi quá, họ
tài thật, nhưng phần lớn họ không thể chung lưng lại làm việc với nhau như những
tế bào của cùng một cơ thể. Nếu cơ thể có những tế bào chuyên biệt, nhưng sống
cộng thông với những tế bào khác; không tranh giành ganh tị, giành chỗ đứng của
nhau, không loại trừ, hủy diệt nhau vì nó cùng làm lành mạnh một cơ thể. Thế thì,
tại sao trong một cơ thể Đạo Phật những tế bào không thể sống với nhau? Người
ta có tài ba thiệt, tri thức học thuật có vươn đến tầm cao thiệt, nhưng tấm lòng
không mở nên đôi khi trong cách sống, họ để cho vô minh dẫn dắt đưa đến sự hủy
diệt chính mình, hủy diệt chính lý tưởng mình đang thờ phụng. Điều nầy dường như
phổ biến khá lớn hiện nay, ở bên nầy nơi tôi đang sống, và cũng có mặt ở bên
kia nơi tôi từng sống. Trách ai đây? Người lớn chăng? Không. Quá khứ đã qua. Những
phân hoá vô lý từ nhiều nguồn nước ngược chảy vào dòng sông Đạo Phật do nhiều bàn
tay bên ngoài và bên trong tạo thành hãy để cho lịch sử định tội họ. Trách tôi
chăng? Trách lắm. Tôi tuy là hiện tại, đời sống và sự thể hiện đời sống tôi tuy
được định hình từ sự kế thừa quá khứ, thế nhưng từng hơi thở tôi hiện tại là sự
nuôi dưỡng cho thế hệ tương lai. Ai cấm được đời sống hôm nay không trở thành
quá khứ đẹp vào ngày mai. Thế hệ tôi, ngay bây giờ có thể làm được trang lịch sử
màu hồng, có thể làm được nhánh sông thanh lương, vun bồi cho dòng trường giang
tuệ giác yêu thương tồn tại, hiến tặng sự có mặt như mật ngọt của mình lại cho
nhân gian. Dĩ nhiên, hiến tặng mà không có gì hiến tặng cả. Tôi chỉ sống sao
cho đẹp, cho lành, cho thật với cuộc sống chính mình thì quà tặng tự nhiên có mặt.
Tôi chỉ làm công việc mình như chiếc lá phong kia. Nhậm vận khứ lai. Đến vào mùa
xuân, sống hết mình vào mùa hạ, chín vàng thảnh thơi hiến tặng sức sống mình
cho dòng nhựa tiềm phục luân lưu, và nhẹ nhàng buông tay khi thời tiết đến. Là đủ.
Thế ấy! Là món quà, là dòng sông ngọt mát rồi.
Mùa thu đất trời
đã đến trên vùng Bắc Mỹ từ lâu. Ngồi ở Cali tôi nghĩ. Có lẽ hôm nay những bông
tuyết như tơ của mùa đông đang phủ đầy rừng núi, lấp hết những chiếc lá phong đỏ
rực một thời đẹp đẽ kiêu sa trên con đường thiền hành cũ. Hẳn sẽ có những chiếc
lá phong cố bám lại cành thật tội nghiệp. Thiên nhiên giống con người hay con
người nên học bài học của thiên nhiên? Vì lẽ, bất cứ con người nào, cho dù có cố
gắng bám víu vào chỗ ngồi của địa vị danh vọng mình bằng sức mạnh của quyền lực
thế nhân hay sức mạnh của quyền lực thần linh, rồi cũng phải buông tay rớt như
chiếc lá phong rớt xuống vào ngày trời trở tuyết. Càng cố bám lại bao nhiêu cuộc
ra đi càng bị vùi dập đánh phá và kém đẹp bấy nhiêu,như những chiếc lá phong cuối
cùng chịu đựng cơn bảo tuyết.
Tôi rất tin vào
thế hệ tương lai biết tạo dựng đời sống họ ngay bây giờ. Họ sẽ sống đẹp, sống lành,
sống thật. Họ không dành chỗ đứng, họ không cay độc loại trừ nhau. Họ biết sống
với nhau bằng tấm lòng. Họ biết chung vai trách nhiệm, chấp nhận những khác biệt,
và chắc hẳn họ sẽ không để cho ý thức anh hùng cá nhân có mặt trong đời sống họ.
Có thế, họ mới là những chiếc lá phong đẹp hiến tặng dòng nhựa tinh luyện của mình
cho thân cây Phật giáo tồn tại.
Tu viện Lộc uyển mùa đông 2005.
phước tịnh
(riêng tặng Tăng ni sinh Lâm đồng)
HT Thích Phước Tịnh
No comments:
Post a Comment