10 bài Đạo Ca của cố nhạc sĩ Phạm Duy là một bộ ca khúc rất đặc biệt. Toàn bộ 10 ca khúc này được phổ từ thơ của thi sĩ – thiền sư Phạm Thiên Thư. Trong khoảng đầu thập niên 70, Phạm Duy đã cho ra đời hàng loạt tình khúc bất hủ phổ từ thơ Phạm Thiên Thư: Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Ngày Xưa Hoàng THị, Em Lễ Chùa Này… Những ca khúc này rất phổ biến trong mọi giới nghe nhạc. Ngược lại, cũng nhạc Phạm Duy- thơ Phạm Thiên Thư, nhưng 10 Bài Đạo Ca lại ít người biết đến hơn nhiều. Một số người lý giải là vì Đạo Ca khó hát, và mang nặng triết lý Phật Giáo. Điều này có thể đúng, nhưng nó không thể làm giảm đi giá trị đích thực của 10 ca khúc này.
Đối với nhiều người am tường nền âm nhạc Việt Nam cận đại cả trong lẫn ngoài nước, thì Đạo Ca là một trong những ca khúc có giá trị nghệ thuật cao nhất của Phạm Duy, người nhạc sĩ thiên tài với cả ngàn ca khúc để đời. Nhận xét này không phải là không có căn cứ, cho dù việc bình chọn “những ca khúc hay nhất của Phạm Duy” là một điều rất khó. Khi xét về giá trị của một ca khúc, người ta hay nói đến hai phần: nhạc và lời. Tinh tế hơn một chút, người nghe ca khúc để ý thêm một yếu tố nữa: sự phối hợp giữa nhạc và lời, hay nhạc có ăn khớp với ý của lời ca hay không. Nếu xét trên cả ba bình diện này, thì Đạo Ca là sự thể hiện hoàn mỹ của thể loại ca khúc, mà không có nhiều nhạc sĩ Việt Nam có thể làm được tương tự. Lời thơ Phạm Thiên Thư vừa đẹp, vừa thanh thoát như lời kinh, thể hiện được sự thâm thúy của Đạo Pháp. Phạm Duy chọn ra những giai điệu cũng đẹp không kém, đồng thời diễn tả một cách sống động cho từng ý thơ. Có một sự phối hợp tinh tế giữa lời, giai điệu và cả tiết điệu, một điều hiếm thấy trong ca khúc Việt Nam.
Một buổi tập dợt cho chương trình Đạo Ca tại tư gia của bác sĩ Bích Liên.
Hãy lắng nghe bài Đạo Ca 3- Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng- giai điệu và
tiết điệu thay đổi phức tạp như một ca khúc cổ điển, để diễn tả câu
chuyện của một chàng dũng sĩ ròng rã bao năm tháng cùng con ngựa quí đi
tìm người yêu. Đến một ngày nọ, chàng mới nhìn ra con ngựa quí ngay bên
cạnh chính là người yêu muôn thuở mà mình đã bao lâu bỏ công đi tìm
kiếm. Đạo Ca 3 như một vở nhạc kịch ngắn nhưng sống động và nhiều màu
sắc, nhắc lại một chân lý quan trọng trong triết lý Phật: Niết Bàn hay
Phật Tánh có sẵn trong tự tâm của mỗi người, mà người ta thường cứ mãi
đi tìm ở bên ngoài, chẳng sao tìm thấy được. Trong khi đó, bài Đạo Ca 8 –
Giọt Chuông Cam Lộ - với giai điệu ngũ cung rất giản dị, lúc trầm lúc
bổng vang lên như tiếng chuông chùa, làm tâm thức của người nghe tràn
đầy sự tĩnh lặng và từ bi. Mười bài là mười vẻ đẹp khác nhau, chỉ có thể
cảm nhận hết khi chính mình được nghe, được hát…
Đạo Ca trong thời điểm ra đời vào đầu thập niên 70 còn đạt thêm đến sự toàn bích nhờ vào giọng hát của Thái Thanh và phần hòa âm của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Không hiểu điều gì đã làm nên sự cộng hưởng tuyệt diệu đến như vậy giữa Phạm Thiên Thư- Phạm Duy- Hồ Đăng Tín- Thái Thanh, mà kết quả là phiên bản đầu tiên của Đạo Ca cũng là phiên bản hoàn chỉnh duy nhất cho đến lúc này. Sau này ở Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy có tái bản lại CD Đạo Ca, nhưng vẫn sử dụng lại giọng hát và hòa âm gốc, nhạc sĩ Duy Cường chỉ ghép âm thêm một số phần phối khí phụ.
Đạo Ca trong thời điểm ra đời vào đầu thập niên 70 còn đạt thêm đến sự toàn bích nhờ vào giọng hát của Thái Thanh và phần hòa âm của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Không hiểu điều gì đã làm nên sự cộng hưởng tuyệt diệu đến như vậy giữa Phạm Thiên Thư- Phạm Duy- Hồ Đăng Tín- Thái Thanh, mà kết quả là phiên bản đầu tiên của Đạo Ca cũng là phiên bản hoàn chỉnh duy nhất cho đến lúc này. Sau này ở Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy có tái bản lại CD Đạo Ca, nhưng vẫn sử dụng lại giọng hát và hòa âm gốc, nhạc sĩ Duy Cường chỉ ghép âm thêm một số phần phối khí phụ.
Bìa tập nhạc Đạo Ca-Phạm Duy & Phạm Thiên Thư.
Được biết bác sĩ Bích Liên, một gương mặt quen thuộc của giới yêu văn
nghệ Little Saigon, là người đã chủ xướng dàn dựng nên chương trình Đạo
Ca lần này. Theo chị Bích Liên, chị không hề có ý nghĩ là mình và những
bằng hữu như Phạm Hà, Mộng Thủy… sẽ thể hiện Đạo Ca hay hơn Thái Thanh –
Hồ Đăng Tín của 4 thập niên trước. Chị chỉ muốn những ca khúc tuyệt vời
này của Phạm Duy có dịp được trình diễn nhiều hơn, để nhiều người yêu
nhạc được thưởng thức nó hơn. Đừng nghĩ Đạo Ca là những ca khúc Phật
Giáo. Những triết lý mà nó truyền đạt có thể tìm được ở những truyền
thống tôn giáo khác nữa. Kế đến, chị cũng muốn những ca khúc này được
làm mới lại qua phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ trẻ Hoàng Công Luận.
Sau cùng, chương trình sẽ là món quà dành cho chính chị và những thân
hữu cũng yêu mến nhạc Phạm Duy như chị.
Ngoài 10 Bài Đạo Ca, chương trình còn có những bài hát thể hiện cái nhìn của Phạm Duy về con người trong vòng đời sinh tử: Một Bàn Tay, Tạ Ơn Đời, Chiều Về Trên Sông, Nước Mắt Rơi… Kết hợp với việc thưởng ngoạn tranh Cao Bá Minh, Chương trình nhạc Đạo Qua sẽ đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật một buổi chiều cuối tuần thư giãn có ý nghĩa…
Ngoài 10 Bài Đạo Ca, chương trình còn có những bài hát thể hiện cái nhìn của Phạm Duy về con người trong vòng đời sinh tử: Một Bàn Tay, Tạ Ơn Đời, Chiều Về Trên Sông, Nước Mắt Rơi… Kết hợp với việc thưởng ngoạn tranh Cao Bá Minh, Chương trình nhạc Đạo Qua sẽ đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật một buổi chiều cuối tuần thư giãn có ý nghĩa…
No comments:
Post a Comment