Mấy hôm nay xem được những tấm ảnh về Vicom centre A, được bỏ lên Facebook của bậc đàn chị trong nhóm Sư Phạm Thực Hành, mà tui thấy buồn sao đó. Vì cái quá khứ,hình ảnh tại khu vực này làm tui không quên được . Năm năm về trước, cái trung tâm Vicom này chưa có, mà là một khu vực lịch sử đang ở tình trạng hư hỏng một cách trầm trọng, lý do là hơn 30 năm qua , chinh quyền địa phương quận 1, Sài Gòn đã bỏ bê, không để ý tới một giá trị lịch sử , một nơi nổi tiếng nhất Sài Gòn trong nhiều thập niên qua có tên là “Passage Eden” .
Đã là dân Sài Gòn thì ai cũng biết vị trí của khu Eden, ở tại một mảnh đất, đẹp nhất thành phố. Được thành lập từ năm nào tui không rõ, nhưng tui đoán là vào cuối thập niên 40, vì có một số chung cư tại Eden có ghi là xây cất xong vào năm 1947. Đây là một trong những “Sản Phẩm” xây cất của người Pháp tại Sài Gòn, may là những xây cất khác của họ còn quá kiên cố , nên chưa bị phá hủy như “Bưu Điện Sài Gòn”, “Nhà Thờ Đức Bà”, “Dinh Gia Long - giờ gọi là Bảo tang thành phố Hồ chí Minh, cũng là nơi chụp hình đám cưới cho nhiều cặp” và vv. .....
Khu Eden được nổi tiếng là nhờ trong cuộc chiến Việt Nam từ năm 1960 cho đến 1975, nhiều nhà báo và truyền thong thế giới đến đây cư ngụ. Căn phòng 422 đã từng là văn phòng của Associated Press (AP). Ngoài ra còn có truyền thong NBC , Hoa Kỳ. Cũng nằm trong tòa nhà Eden, có một tiệm cà phê nổi tiếng là Givral , quán này tọa lạc ở một chổ đặc địa , giao điểm của đường Tự Do (đồng Khởi) và Lê Lợi, đối diện khách sạn nổi tiếng là Continental , một nơi đã tập trung không biết bao nhiêu nhân vật nổi tiếng và quen thuộc của nhóm truyền thong, báo chí, chính trị gia, nhà văn vả cả luôn gián điệp
Quán Givral xây vào khoảng năm 1950, trước đó là một tiệm thuốc tây, sau đó ông Alain Poitier, một người Pháp sống lâu năm tại Sài Gòn đã biến thành tiệm bánh mang hương vị Pháp – Việt. Tuy là một tiệm bánh bé tí mà lúc nào cũng đông nghẹt người. Hai nhân vật nổi tiếng thế giới đã từng ngồi đây là nhà văn và phê bình văn học người Anh là ông Graham Greene, nhiều người biết tác phẩm của ông đã được quay thành phim là “Người Mỹ Trầm Lặng”. Người thứ nhì là gián điệp nổi tiếng cộng sản Việt Nam là nhà báo Phạm Xuân Ẩn. Ngoài ra những nhật vật quen thuộc là Tim Page, nhiếp ảnh gia người Đức vừa mới qua đời trong năm là Horst Faas và một người nổi tiếng của nước Việt nam không thể nhắc là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Như tui có một lần đã viết , vào khoảng 60 năm về trước tờ Viễn đông Kinh Tế (Far East Economic), có tiên đoán hai thành phố tại Đông Nam Á sẽ thành hai con rồng Châu á, các nước lân cận như Hàn quốc, Hong Kong, Singapore... thua xa , sẽ xách dẹp lẹt bẹt theo gương hai thành phố tiêu biểu là Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn đông và Rangoon của Miến Điện vì đây là hai thành phố của người tây phương xây dựng , một cái là người Pháp còn một cái là người Anh. Kết quả chẳng được như vậy, cả hai cứ vẫn là cá chép nhưng không chừng tương lai Rangoon lại thành cá chép vượt vũ môn thành rồng cho mà xem.
Thiệt ra mà nói, cái thời đó Sài Gòn quả thật hoa lệ, một cái nét họa điển hình sang trọng là ba quán hay nhà hang là Brodard – Givral – La Pagode . Sài Gòn mất ba thứ này thì vô duyên lắm, mở sách du lịch Lonely Planet không tìm ra một chỗ để tới mà còn để nhớ , cảm thấy thành phố không có gì lưu luyến cả, cũng như tới Paris còn nghe tên Lido và Moulin Rouge, hay London còn có Riz, còn xứ Mỹ là cái Hard Rock cafe đi toàn thế giới....
Sau ngày 30 tháng 4 thì quán La Pagode bị khai tử đầu tiên, để trở thành công ty du lịch lữ hành Saigontourist. Chán thật! Kế tiếp là tập đoàn đầy thế lực là Vincom đã mua toàn bộ khu tứ giác Eden, nghe người Sài Gòn kể chủ tịch tập đoàn Vincom là một du học sinh thời bao cấp tại Ukraine, sau ở lại làm ăn, phất lên như diều gặp gió và đủ tiền tài và quyền lực để mua hết khu vực lịch sử này. Họ nói thêm vì đây là một tay đại thương gia miền Bắc, hắn không có một ấn tượng gì mảnh đất Sài Gòn thì hơi đâu để tâm chi văn hóa và lịch sử. Đến ngày hôm nay, một kiến trúc đồ sộ “hoành tráng” đã hoàn tất và khai trương một shopping to lớn, đầy công ty hang hiệu, còn phía dưới là một cái hầm đậu xe hơi.
Từ xưa đến giờ tại các quốc gia ở Châu âu và Mỹ châu chưa có một nhà kiến trúc nào dám đi phá kiến trúc lịch sử cả. Khi đi vào chơi một thành phố thấy một tảng đá xấu xí nằm ngay giửa trung tâm, mà được bảo vệ kỷ lưỡng vì đó là một di tích đặc điểm của thành phố. Cũng như bên Ai cập có quán cà phê Riche, đây một cái quán thăng trầm theo lịch sử. Sau đệ nhị thế chiến là nơi tập trung các nhà trí thức, chính trị gia, gián điệp , nhà báo ... để lật đổ vua Farouk. Sau đó ông Nasser lên nắm quyền thì nghệ sĩ và nhà văn lui tới . Nhất là có sự hiện diện của nhà văn đoat giải Nobel Naguib Mahfouz. Sau đó quá dần dà xuống cấp , rồi bị thiên tai động đất vào năm 1992, quán lại phải đón. Cho đến giờ quán đã mở lại, ông chủ tiệm là người Ai Cập đã cố gắng nâng lại quán theo tinh thần văn chương Mahfouz và giờ rất đông sinh viên tập trung và tuổi trẻ và nay quán đã hồi sinh . Người Thái Lan cũng ham đi kiếm tiền, họ cũng xây cất đủ thứ cho thành phố Bangkok nhưng họ chưa điên rồ đi phá khách sạn Oriental vì nơi đó đã có Graham Greene, Joseph Conrad, John Le Carré đã từng nhâm nhi ly rượu cùng với những tên tuổi nổi tiếng khác kể cả các Tổng Thống Richard Nixon và George H.W. Bush và cố Tổng Thống Vaclav Havel.
Khi phải đi phá một xây cất nào đó là vì cái đó không hài hòa được những xây cất bên cạnh. Chứ không ai đi xây lên cái không hài hòa. Khi nhìn vào trung tâm thương mại Vincom, quả thật là quá đồ sộ cho thành phố Sài Gòn, nhưng gì qua Tòa Đô Chánh hay Hạ Viện thành phố thì tui thấy hai xây cất này là sản phẩm của người Pháp hơn 50 năm về trước. Giờ đứng kế bên khu Vincom hỏi có mỹ thuật không , thì tui nghĩ một thằng không biết kiến trúc và hội họa như tui cũng biết nói chữ “Không”.
Khi một du khách tới thành phố Sài Gòn thấy sự không hài hòa , họ cho đây là một sự hỗn độn, họ thắc mắc là người dân tại thành phố này có quan tâm đến mỹ thuật không? Họ có quí trọng những gì của người đi trước không?. Một công trình lịch sử để lại mà không còn nữa thì thế hệ mai sau sẽ nghĩ sao? Và phản ứng họ thế nào. Sau cuộc chiến thế giới thứ hai, thành phố Warshaw tại Ba Lan bị tàn phá một cách thảm thương , kiến trúc bị đổ vỡ. Nhưng người dân Ba Lan đã tìm đủ cách xây lại khu cổ tại Warshaw, họ đi tìm những tảng đá, bức tường đổ nát, gỡ ra để cố xây lại các kiến trúc cùa quá khứ.
Vào năm 2009, tui mua được bộ tem “Những rạp hát của quá khứ” tại Singapore. Ben đó họ có 5 rạp hát trở thành di tích lịch sử , rạp cũ nhất là rạp Queens xây vào thập niên 20 , còn rạp Rex của hang phim Shaw Brothers xây vào năm 1946. Hãng phim này không xa lạ với bọn mình với những cuốn phim như “Độc Thủ Quyền Vương” , “Song Long Hổ Đấu”, “Thủy Hử” ... vào thập niên 70. Các rạp hát này không còn hoạt động nhưng bên đó họ đã cố giữ các rạp hát cổ xưa, nhưng tại Sài Gòn , rạp hát trong khu EDEN, là một kiến trúc như rạp hát của người Pháp, từ ghế ngồi phía dưới, cũng như ghế hạng nhất xây hai bên phía trên cao là chỗ dành riêng cho những người sang trọng. Bây giờ rạp Eden không còn nữa, mà hầu như toàn thành phố Sài Gòn không còn một rạp hát nào đặc trưng cả, vì tất cả dần dà trở thành Complex Cinema. Tui cảm thấy nền điện ảnh Việt Nam khó mà đi lên, chẳng hạn bên Việt Nam vừa sản xuất ra một cuốn phim, ngày đầu tiền để trình làng là tập trung các tài tử và các khách mời uy tín, đến rạp hát trải thảm đỏ thưởng thức thì không biết tổ chức tại rạp hát nào đây ? Tại các quốc gia biết quí trọng lịch sử thì họ có một rạp hát dành riêng cho những buổi quan trọng .
Nhiều người tại Việt Nam cho là xây cất một cái mới có nhiều cơ hội đem lại lợi nhuận. Đó cũng là điều phỏng đoán, chưa chắc có lời mà còn nhiều rủi ro. Vì thường xây cất người mà hưởng lợi nhiều nhất là công ty địa ốc, còn sự phát triển một đô thị là một kế hoạch của chính quyền thành phố, vì họ cần phải quy hoạch hết tất cả mọi thứ Thêm nữa vấn đề thẩm mỹ rất là quan trọng vì khi phá hết cái lịch sử thì chúng ta mất hết các thời đại kiến trúc. Ngoài ra ai cũng hiểu xây càng nhiều trung tâm shopping trong đô thị thì nạn giao thong càng tắc. Người Sài Gòn ai cũng biết rõ vào những đêm gần Noel hay giao thừa Tết Tây và gần những ngày tết Nguyên Đán, từ Chợ Bến Thành đi tới khu Vincom bây giờ thì không còn chổ nào mà thở cả. Nhìn vào khu Vincom bây giờ là những căn tiệm mà người dân bình thường tại Việt Nam chỉ vào đó để ngó mà thôi. Xem ra chỉ có một tiện lợi duy nhất là Sài Gòn vào tháng 4, tháng 5... là nóng khủng khiếp thì cái trung tâm Vincom này giúp cho người nghèo vào trốn nóng.
Tui được biết vào ngày song thập vừa qua (10/10), ông chủ Vincom cho khánh thành một cái tiệm Cà Phê Givral, hy vọng là nối tiếp truyền thống xưa là nhiều người nổi tiếng sẽ tới ăn uống, tui không biết làm ăn nhưng nếu có làm thì tui chẳng mở cái tiệm Givral làm gì, vì cá nhân tiệm Givral không nổi tiếng, nó được nhiều người biết là nhờ khu Eden Passage, nếu không có văn phòng báo chí quốc tế tại đó thì ai tới Givral ngồi uống Cà Phê đợi nhau, làm gì có những nhiếp ảnh gia nổi tiếng tới để trao đổi hình ảnh, sự nổi tiếng cũng cần sự kiện. Cũng vì đó mà năm 2001 toàn khu vực Eden , khách sạn Continetal và hết cả khu phố được dung làm nơi quay phim “Người Mỹ Trầm Lặng”. Đạo diễn Philip Noyce đã làm toàn khu vực trở thành Sài Gòn vàp thập niên 50.
Không xa đó là quán Brodard, một quán đặc biệt có sản phẩm bánh theo kiểu Pháp. Tiệm bánh Brodard có mặt tại Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, năm 1948; sản xuất các loại bánh ngọt, bánh kem, bánh croissant, bánh paté chaud... theo kỹ thuật, công nghệ sản xuất bánh của Pháp. Giờ tiệm Brodard của giới trẻ Sài Gòn trước 1975 không còn nữa , bị mất tích tại chỗ vào tháng 4 năm 2012. Mặc dù thương hiệu bánh Brodard vẫn còn, họ có rất nhiều chi nhánh nhưng vấn đề di tích lịch sử mới là quan trọng. Chẳng hạn Nữ Thần Tự Do là công trình của nhà kiến trúc Pháp, đem qua tận New York thì nơi đó trở thành di tích lịch sử, chứ tại Paris cũng có một cái nhưng bé tí và đâu ai để ý vì thiếu sự kiện lịch sử. Theo tui được biết quán Brodard giờ thành tiệm Sony, bán gì ở trong thì chưa biết vì chưa vào xem.
Sẽ có người cho tui “Dở Hơi” , mấy cái quán thì có gì quan trọng, mà trong đó có quán cà phê, bỏ đi làm cái gì mới. Riêng tui thì nếu lịch sử không trân trọng gìn giữ thì người ngoại quốc sẽ cho mình không biết kính trọng lịch sử văn hóa thì đừng mong trở thành một quốc gia cường quốc.
Kỷ niệm nhiều nhất đối với tui về khu Eden là những buổi trưa nóng nực Sài Gòn, ghé tới Eden thăm người bạn Thanh Hương, đi lên cái thang máy thời Pháp thuộc tới văn phòng của Thanh Hương và sau đó kêu qua tiệm cơm bên đường, trông rất sang trọng nhưng giá chỉ 20 ngàn mà cơm đĩa tàu hủ thịt bầm với bát canh. Giờ thì Eden không còn và bạn mình cũng đi mất tiêu. Đã một lần tui quay lại chỗ cũ thì khu Eden bị phá đang xây cất, còn đối diện là một trung tâm thương mại, tui đúng nhìn tòa cao ốc mới xây lên, mà chẳng buồn đi vô, tiếp tục đi bộ với chiếc máy hình đi xuống Bưu Điện Sài Gòn để tìm một cái gì thời xa xưa. Tui chỉ tiếc là trước kia tui không vào chụp khu Passage Eden, một cơ hội đã mất !Còn muốn xem lại khu Eden thì chỉ còn cách mở phim “Người Mỹ Trầm Lặng” ngồi xem mà tiếc dĩ vãng mà thôi.
No comments:
Post a Comment