Người bạn đầu tiên trong lớp A2 của trường Sư Phạm viết thư cho Quân khi mới rời được Việt Nam là Minh Duy. Thư viết vào năm 1981 từ Galang – Nam Dương. Sau đó là Thế Mỹ viết từ San Francisco, Hoa Kỳ. Mỹ kể là tiếp học phổ thông, nhưng vui lắm vì cuối tuần là đi nhảy đầm, quen được mấy cô người Bỉ, nên du dương mấy cô trên sàn nhảy thật là mê ly. Mỹ nói thích nhất là ban nhạc Air Supply từ bên Úc, với bài “All Out Of Love”. Tôi cũng biết bài đó vì từng chiếm hạng 2 trong chương trình văn nghệ của đài truyền hình BBC (Top of the Pops) vào năm 1980. Còn sau đó tôi không còn nghe tới cái ban nhạc này nữa. Cho mãi đến năm 1996, lần đầu tiên đi quán bar tại Mã Lai Á thì tôi mới biết Air Supply là thần tượng bên Đông Nam Á. Cũng như ban nhạc Michael Learns to Rocks, ban nhạc Đan Mạch , bên Châu Âu không ai nghe tới nhưng năm 1997 làm mưa làm gió tại Châu Á. Thế Mỹ viết cho tôi khoảng 2 lá thư và tôi viết được 3 lá thư thế là tình bạn qua thư từ chấm dứt luôn. Mỗi người một cuộc sống chuyện viết thư cho nhau cũng không phải dễ. Sau Mỹ là tôi nhận được thư Gia Hưng từ Canada. Cũng không hơn gì Thế Mỹ là chúng tôi viết cho nhau được 2 lá là tịt ngòi luôn. Mà còn bầy đặt hơn nữa là tôi viết cho Gia Hưng bằng tiếng Anh chứ không bằng tiếng Việt, để cho đến giờ chính tôi lại tự chê trách người khác chuyên xài tiếng Anh (xin đọc lại bài cũ trên Blog). Liên lạc với Gia Hưng là tình bạn đơn thuần nên không có một kỷ niệm nào về văn nghệ.
Có một người ít viết cho tôi nhưng lại khá điều đặn là ít nhất 1 năm một lá (mà tính lại cũng không quá hơn 1 lá). Thư Duy gởi cho tôi lúc nào cũng có bài thơ đính kèm. Nhưng thằng như tôi có hiểu gì thơ đâu. Duy gởi thì tôi giữ làm kỷ niệm.
Đến giữa thập niên 80, tôi liên lạc được với Thái nhờ thầy Quốc cho địa chỉ . Thầy dặn là cố liên lạc với Thái và Thầy nói tôi một câu Hán Việt là “Tha Hương Ngộ Cố Tri”. Cho đến ngày 10 tháng 8 năm 1986, tôi gặp Thái tại Paris sau 7 năm không gặp nhau. Ở cái tuổi 21 chúng tôi cũng có nhiều chuyện để nói. Nhắc hết bạn bè tại Việt Nam, tên lập đi lập lại nhiều nhất là Minh Trang, sau đó nói về Lân, Khanh, Hương và nói cậu Minh nhà ta có tin đến Canada rồi sao lien lạc đây???? Tất nhiên Thầy Quốc và Cô Tuyết không thể bỏ qua được.
Sau chuyện bạn bè là qua chuyện nhạc nhọt, nhất là Thái biết đánh guitar nên các câu chuyện ca hát chúng tôi nói hoài không hết. Thái nói với tôi là thích ban nhạc “Kool and the Gang”, “Scorpion” của Đức với bài Holiday, loại nhạc New Wave do cũng ban nhạc Đức hát là Modern Talking với các bài “You’re my heart, you’re my soul”, “Atlantic Calling SOS for love”… và cô ca sĩ khêu ngợi cũng là người Đức Sandra với bài “In the heat of the night”. Anh chàng Thái này có duyên với các sĩ Đức.
Còn tôi bị ảnh hưởng nhạc Anh, thật ra tôi nghe nhạc Anh cũng có một số nào thôi, nhưng tôi lại thích đọc thông tin các sinh hoạt văn nghệ xứ Anh nhiều hơn nên một số câu chuyện vẫn còn trong tâm tư tôi mà vẫn chưa quên được như là vào giữa thập niên 80 có các câu chuyện đáng nhớ.
Câu chuyện ấy về nạn đói tại Ethiopia bên Phi Châu làm thế giới không thể làm ngơ. Anh chàng Bob Geldof của ban nhạc Boomtown Rat và Midge Ure của ban nhạc Ultravox đã đứng ra kết hợp nhiều ca sĩ tại Anh quốc để hát cứu đói tại Ethiopia. Hai anh chọn cái tên là Band Aids, cho ra đời bài hát “Do They Know It’s Christmas?” với một lực lượng hùng hậu để ca bài này , trong đó có Elton John, Wham, Duran Duran, Cultural Club, Queen, Status Quo, Paul Marcarney, David Bowie, người giữ tay trống là Phil Collin... và bài hát đứng đầu vào Noel 1984, bán được hơn 3 triệu đĩa nhạc, cứ trung bình là 1 đô la 50 cent một đĩa. Nhưng vẫn chưa đủ cho đến tháng 7 năm 1985. Nhóm Band Aids này quyết định làm một vòng cứu đói trên toàn thế giới, tổ chức 2 ngày cuối tuần tại London hát trên sân vận động Wembley. Hát qua đêm không nghĩ, truyền hình trực tiếp toàn châu âu và qua đến bờ Đại Tây Dương và Radio phát trên toàn thế giới. Có thêm sự đóng góp một số băng nhạc Rock của Nhật tại Tokyo là họ cũng tổ chức văn nghệ bên đó. Phải nói đây là một đại nhạc hội được tổ chức vô cùng qui mô và quá thành công trong lịch sử âm nhạc. Nên ông Bob Geldof người ca sĩ gốc Ái Nhĩ Lan đã được Nữ Hoàng Anh Quốc phong chức “SIR” sau khi hoàn tất chương trình cứu đói của ông ta.
Phía bên bờ Đại Tây Dương, mấy anh chị ca sĩ Hoa Kỳ đâu chịu thua, cùng nhau lập ra USA for Africa’s với bài hát We are the world, do Michael Jackson và Lionel Ritchie viết lời hát. Đĩa hát được tung ra bán vào tháng 3 năm 1985, vào tuần đầu tiên là 800 ngàn bản là bán sạch ngay. Lực lượng tham dự cho đĩa hát này thì cũng chẳng thua bên Anh quốc, hết tất cả anh em nhà Michael Jackson đều tham dự, Billy Joel, Kenny Logins, Diana Ross, Paul Simon, Steven Wonder, Bob Dyland….
Thập niên 80 là sự thịnh hành của máy nhạc Walkman. Tuổi trẻ là có một cái máy và một số băng cassette. Thời đó cầm cái máy đó đi khắp phố phường là tiện lắm rồi. Gặp lại Thái ở Pháp rất vui, sau đó rủ thêm người bạn cùng trường là Bùi Sĩ Trí cùng nhau xuống tận Nice, miền nam nước Pháp để xem đầm Tây tắm biển không mặc quần áo. Trong hành lý đem theo không thể nào quên được máy Walkman và một số nhạc của Modern Talking, Madonna thì lúc đó cô ca sĩ đây sự quyến rủ đã thành công trên thị trường với Album True Blue.
Vào Noel 1986, Quân qua Pháp chơi nữa, thì Thái đưa lá thư Thanh Hương viết cho Thái. Nội dung cũng hỏi thăm sức khoẻ và thêm vài câu nói về nhạc Pop thì Quân còn nhớ một câu trong thư “Tớ thì rất thích tiếng hát của Peter Cetera…” thì năm 1986, anh ca sĩ này đã thành công cho bài hát “Glory of Love” cho phim “Karate Kid 2”. Đây là loại phim dành cho thiếu niên, kể một cậu bé Mỹ được một võ sư Đại Hàn truyền võ thuật để bảo vệ sự hà hiếp của những kẻ học võ mà không tình thần hiệp sĩ và chuyên dung võ bắt nạt kẻ yếu. Phim này rất ăn khách bên Mỹ. Anh chàng ca sĩ Peter Cetera là thành viên của nhóm Chicago, khi Thanh Hương nói thích giọng hát của ca sĩ này thì tôi không rõ là thích băng nhạc Chicago nổi tiếng với bài “If you leave me now” vào năm 1975 và bài “It’s hard for me to say sorry” vào năm 1983, hay là bài Glory of Love đang thành công trong năm. Nhưng Hương giờ không nhớ chuyện ngày xưa.
Mùa hè 1987, Quân đặt chân tới nam California. Gặp được Minh Duy. Hai thằng không bao giờ nói chuyện văn nghệ nhưng hai thằng lại đi xem văn nghệ nhiều hơn. Đi với Duy, tôi mới biết Duy có bài hát tủ là “Đường Xa Ướt Mưa” của nhạc sĩ Đức Huy. Nghe Duy hát bài đó hay lắm, đi đâu cũng thấy bạn bè Duy kêu hát bài này. Thời gian đó trong cộng đồng Việt Nam tại Cali rất chuộng nhạc New Wave nên có sự xuất hiện các ca sĩ mới ra lò là Lynda Trang Đài, Kiều Nga, Kim Ngân… tuy nhiên có một điều lạ là các loại nhạc New Wave là chuyên lấy từ Châu Âu như Ý, Đức… chứ không lấy từ Anh quốc.
Cũng trong năm đó tại Mỹ các băng nhạc như Starship thành công với bài “Nothing’s Gonna stop us now” cho cuốn phim cười Maniquen và cuốn phim “Dirty Dancing” do Patrick Swayze thủ vai chính. Thái bạn chúng ta rất thích bài “She’s like the wind” trong phim này:
She's like the wind through my tree She rides the night next to me She leads me through moonlight Only to burn me with the sun She's taken my heart But she doesn't know what she's doneThập niên 80, có những chuyện đáng nhớ trong môn thể thao là một số quốc gia của thế giới tự do tẩy chay không đi dự Thế Vận Hội 1980 tại Moscow – Liên Bang Xô Viết vì vấn đề Afghanistan. Nên đến Thế Vận Hội 1984 tại Los Angeles cũng bị một số quốc gia Đông Âu từ chối tham dự. Đến năm 1988 là một sự kiện lớn nhất tại Châu Á là Nam Hàn đứng ra đăng cai Thế Vận Hội vì kể từ Thế Vận Hội Tokyo 1964, bên Châu Á chưa có quốc gia đủ khả năng tham dự.
Giải đá banh thế giới 1978 tại Argentina chưa được trực tiếp trên TV tại Việt Nam. Người Việt Nam trong nước chỉ được theo dõi qua báo chí và radio. Đến năm 1982 tổ chức tại Tây Ban Nha, Quân có thư bạn bè từ Việt Nam kể là có được xem một số trận. Lần tổ chức 1986 tại Mexico thì bên Việt Nam theo dõi được khá nhiều.
Trong môn Tennis, tay vợt John Mac-enroe để một câu bất hữu là “You Cannot be serious” là vì quả bóng anh đánh là anh tin vào trong sân nhưng trọng tài tuyên bố ra ngoài nên anh tranh cãi và anh nói lên câu này. Vài năm sau công ty Cannon đã sử dụng câu này cho bảng quảng cáo máy chụp hình.
http://www.youtube.com/watch?v=ekQ_Ja02gTY&feature=PlayList&p=F3F870D6406F579F&playnext=1&playnext_from=PL&index=5
Năm 1985, Boris Becker người Đức trẻ nhất 17 tuổi thắng giải Wimbledon. Đến năm 1989 anh chàng Michael Chang người Mỹ gốc Đài Loan là người trẻ nhất 17 tuổi thắng giải French Open.
Tới đây chắc tôi cũng nên chấm dứt chủ đề này. Nên chọn đề tài khác cho các câu chuyện sau…. Giờ chưa nghĩ ra … nhưng rồi sẽ có…
Anh Quân