Oct 23, 2008

NHÀ BÁO DU MIÊN & TÁC PHẨM “VIỆT NAM: SUỐI NGUỒN VĂN MINH PHƯƠNG ĐÔNG”- BIÊN KHẢO XÓA ĐI NHỮNG TỰ TI VỀ NỀN VĂN MINH CỔ VIỆT NAM

Ở Việt Nam, nhiều người đi du lịch Trung Quốc, thăm Tử Cấm Thành về thường so sánh rằng: “…Thiệt là hoành tráng! Điện Thái Hòa ở Huế của mình thua xa. Tàu họ văn minh thiệt!...”. Còn những người hay đọc lịch sử thì cho rằng: “… người Tàu họ có Khổng Tử, Lão Tử, những vĩ nhân văn hóa tầm cỡ thế giới. Họ phát minh ra giấy, thuốc súng. Họ văn minh hơn mình, nên đã đô hộ và tìm cách đồng hóa mình. Văn hóa Việt ảnh hưởng văn hóa Tàu rất rõ…”
Từ những lý luận này, nhiều người rút ra kết luận là mình không văn minh bằng Tàu, nên lép vế hơn Tàu là đúng rồi!

Chuyện nước lớn tìm cách dùng vũ lực để thôn tính nước nhỏ hơn là chuyện thường tình của lịch sử nhân lọai (trong đó có cả Việt Nam lấy đất Chiêm Thành). Nhưng nếu từ đó rút ra kết luận là nước lớn luôn văn minh hơn nước nhỏ thì chưa chắc! Có thực sự là nền văn minh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng của nền văn minh Trung Hoa không?

Tôi bắt đầu nghi ngờ sự thật này khi nghiệm ra trường hợp của Tây Tạng: nếu những nỗ lực dành độc lập ngày hôm nay của người Tây Tạng thất bại, thì chừng vài trăm năm nữa nước Tàu sẽ là cái nôi cuả một nền văn hóa Phật Giáo uyên thâm của nhân lọai! Cách đây chừng một tháng, tôi được dự buổi ra mặt sách “Việt Nam: Văn Minh Suối Nguồn Phương Đông” của nhà báo Du Miên. Biên khảo này giúp cho tôi có một cái nhìn mới về hai nền văn minh Việt Nam, Trung Hoa…

Một chút về tác giả: nhà báo Du Miên sang Mỹ vào năm 1975. Hiện là chủ bút của tờ Thời Báo. Là một thành viên đắc lực của phòng trào Hướng Đạo Việt Nam từ trước 1975 cho đến khi ra hải ngọai. Đã viết một số biên khảo trước đây dưới bút hiệu Lê Thanh Hoa. “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” là cuốn sách biên khảo đầu tiên của anh được xuất bản.

Một cách tổng quát, cuốn sách đã đưa ra nhiều dẫn chứng để đi đến hai kết luận quan trọng:
- Nền văn minh của dân tộc Bách Việt tồn tại song hành, độc lập với nền văn minh Trung Hoa. Thậm chí, người Tàu đã từng học hỏi từ nền văn minh Việt, do dân tộc này đã hình thành một xã hội định cư, nông nghiệp trước cả tộc Hán.
- Một vài sự kiện làm vẻ vang lịch sử Trung Hoa như việc xây dựng thành Bắc Kinh, phát minh ra giấy lại là do người Việt thực hiện, nhưng người Tàu không công bố chi tiết này.

Điểm cần nhấn mạnh ở đây là tác giả đã sử dụng tài liệu của chính sử sách Trung Hoa, cùng một số nguồn thông tin từ các tạp chí Mỹ có uy tín, trung lập để làm bằng chứng. Chứ nếu lấy sử Việt Nam ra làm cơ sở thì sẽ kém thuyết phục. Hãy điểm qua một số dẫn chứng quan trọng từ trong sách:

- Theo bản đồ History Of China 5,000 B.C. của tạp chí National Geographic uy tín của Hoa Kỳ. Theo tài liệu này, Việt Tộc (Yue) đã định cư ở vùng châu thổ sông Trường Giang/Dương Tử trong khỏang thời gian đó, là dân tộc trồng lúa đầu tiên của thế giới. Trong khi người Tàu vẫn còn đời sống du mục mãi cho đến 1,000 B.C. Dân Bách Việt bị người Tàu đánh đuổi, xâm chiếm, đồng hóa, phải lùi dần về phương Nam. Chỉ còn Lạc Việt, tức Việt Nam, chi trưởng của Việt Tộc là còn tồn tại độc lập đến ngày hôm nay.
- Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, thì Tổ Nhà Chu Cổ Công Đản Phụ đã cho hai thái tử của mình xuống đất Việt, cắt tóc xâm mình để học hỏi nền văn minh của dân tộc này
- Theo Thượng Thư, pho sử cổ nhất của Tàu, thì vua Nghiêu đã cho người sang đất Việt, học người Việt cách xem thiên văn, cách làm lịch và văn tự.
- Một trong những niềm hãnh diện lớn nhất của người Tàu là Khổng Tử. Trong Kinh Thi, Khổng Tử đã đưa Phong Dao Việt vào để dạy luân lý đạo đức cho xã hội Trung Hoa thời đó. Phong Dao Việt được xếp vào hàng chính phong để khuyên dạy dân Tàu, thế mới thấy nền văn hóa Việt cao quí biết bao.
- Theo The Cambridge History Of China, kiến trúc sư trưởng xây dựng thành Bắc Kinh là Nguyễn An, một người gốc Việt, bị sứ Tàu bắt (người tài) đem về làm họan quan vào thế kỷ 15
- Trên trang internet chính của Đài Phát Thanh Bắc Kinh có đăng truyện về Thái Luân, nhà phát minh ra giấy, một trong 4 đóng góp quan trọng của nền văn minh trung Hoa cho nhân lọai (cùng với thuốc súng, la bàn, kỹ thuật ấn lóat). Theo Bách Việt Tiên Hiền Chí, cuốn sử Tàu mà người Tàu dấu nhẹm suốt 500 năm qua, Thái Luân là người Việt, sinh ra trên đất Việt và làm quan dưới triều Hán.

Anh Du Miên trong buổi ra mắt sách
“Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông”

Trong tòan bộ cuốn sách, tác giả ít đặt nặng phần lý luận, mà đưa ra rất nhiều tài liệu để đối chiếu, chứng minh. Mọi thứ đều minh bạch theo kiểu “nói có sách, mách có chứng”, để ai cũng có thể nghiên cưú thêm.

Biên khảo này của anh Du Miên đặt ra nhiều công việc phải tiếp nối. Nên đem công trình này về Việt Nam để các nhà sử học trong nước tham khảo. Người trong nước cần nghiền ngẫm cuốn sách này nhiều hơn người Việt ở hải ngọai. Biên khảo cũng nên dịch ra tiếng Anh để có thể phổ biến rộng rãi hơn trên phạm vi quốc tế.

Cuốn sách không chỉ muốn lôi kéo người đọc đi tìm lại một quá khứ huy hòang đã mất của dân tộc Việt. Bởi vì hiện tại và tương lai mới là cái mà chúng ta cần quan tâm hơn. Người Mỹ chỉ có hơn 200 năm lịch sử, thế mà bây giờ nước Mỹ vẫn là cường quốc số 1 của thế giới, cho dù các nước ở Cựu Lục Địa chế diễu họ là “kém văn hóa”. Nước Trung Hoa ngày hôm nay đã là cường quốc kinh tế, quân sự, là một thế lực chính trị tòan cầu làm Mỹ, Nhật, Liên Âu phải kiêng dè. Còn nước Việt Nam chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Câu hỏi này luôn làm cho chúng ta đau lòng. Đọc “Việt Nam: Văn Minh Suối Nguồn Phương Đông”, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về vị thế của dân tộc Việt trong quá khứ, để từ đó xóa đi những mặc cảm không đáng có của chúng ta so với lịch sử Trung Hoa. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tại của một nước Việt đáng buồn ngày hôm nay, để biết rằng những Người Việt yêu nước còn rất nhiều thứ phải làm cho tương lai của dân tộc…


Đòan Hưng

1 comment:

Hot... said...

Ừ, bài đó của Hưng Gàn hay lắm. Những chi tiết lịch sử đó tao đã đọc loáng thoáng ở đâu đó lâu rồi. Nhưng mà ngay cả trước đó tao vẫn thấy rằng - trừ nhà Nguyễn là rập khuôn Trung Hoa - chứ tất cả các triều đại khác Việt vẫn là Việt, từ cái ăn cái mặc, nhà ở, kiến trúc cho tới lối sống hàng ngày.