Có lẽ vì vậy mà khi tình cờ “gặp gỡ” Edward Hopper qua bộ sưu tập tranh gây nhiều tranh luận của ông, tôi càng cảm thấy thương quê nhà của mình. Phụ nữ trong những bức tranh của Hopper thật là buồn, vì họ không bao giờ được ở trong bối cảnh một gia đình. Nếu không phải là trên một chuyến tàu vắng vẻ với những người xa lạ, thì người đàn bà ấy cũng ngồi cô độc trên một chiếc giường trong một căn phòng khách sạn, hay bên một bar rượu trong một cái sảnh tối tăm… Nhân vật của Hopper như những hình nộm bị đặt lên những khung cảnh vô hồn, không bản sắc… Khung cảnh xa lạ ban đêm đã ảm đạm, một căn phòng đầy nắng cũng tràn ngập nỗi cô đơn. Người đàn bà hiện đại. Có biết bao điều mà người xem có thể hình dung đằng sau những bức tranh: những buổi họp liên lục địa, những cuộc tiếp xúc, giao dịch chuyên môn… Người đàn bà trở về căn phòng một mình, trút bỏ đôi giày cao gót bắt đầu làm ê ẩm gót chân, bộ y phục “dành cho công chúng”, những bắp thịt trên mặt bắt đầu tê dại vì những nụ cười và lời nói cũng “dành cho công chúng”… Không biết Hopper đã làm gì với những bức tranh này, nhưng tôi có cảm giác là nhân vật của ông không có một nơi chốn để trở về.
- Tôi có một nơi để trở về sau mỗi ngày làm việc hay sau những chuyến đi xa
- để được ăn những bữa cơm nóng sốt do tay mẹ nấu (khô sặc trộn dưa leo khi trời mưa lâm râm, thịt kho tàu mềm rục ăn với dưa cải chua lúc trời hè…)
- để được nghe em Gân kể chuyện một ngày đi học
- để ngồi đọc mail của em Ni trên màn hình laptop trong cái ổ nhỏ xíu xinh xinh
- để buổi tối được nghe “Chat với Mozart” với tía Dũng và Gân, và thỉnh thoảng được quát ầm lên nhắc hai cho con đi ngủ sớm
- để lâu lâu gọi điện thoại hẹn hò Út với cô Huyên đi ăn tối và nói xấu thiên hạ
- để kiếm cớ tụ tập hát hò ở nhà bác Khánh hoặc chú Tâm cô Bé và giành dựt quyền lợi được hát “Đường chiều lá rụng” với Đoàn Khoa.
Quê nhà đối với tôi là như vậy, là nơi không có rất nhiều thứ mỹ miều đẹp đẽ, nhưng là nơi tôi cảm thấy dễ chịu vì:
- Muốn mua bất kỳ thức gì chỉ cần bước chân ra ngõ
- Có bánh đúc nóng và bánh cam dòn ngọt ở bên kia đường
- Có gánh bún đậu ở bên đường, để ngồi xà xuống xuýt xoa chờ miếng đậu vàng cong lên trong chảo
- Có bà hàng xóm để chạy sang xin trái ớt xanh
- Có ông bác sĩ quen khám bịnh cho bà không cần lấy số
- Có những nhà thờ đông đúc mà ai cũng biết nhau
- Có những nhà sư chân đất gánh nước tưới rau, nói chuyện nhân văn
- Có những cô gái chở trên xe đạp những vườn hoa rực rỡ bán rẻ như cho
Nếu phải sống xa nhà, thì mỗi khi gặp cảnh ngộ “Đời cô Lựu”, biết lấy đâu ra Út để thở than (và mượn tiền), và cô Huyên để gạ gẫm mua dùm căn nhà ế. Không có nhà nội để chạy qua uống ly cà phê nghe bà trấn an, và các cô chú mỗi người một tay phụ giúp với căn nhà mới. Không có những đứa cháu dễ thương sẵn sàng bỏ công việc để theo dõi việc nhà bề bộn của cô mình. Biết lấy đâu những messages tràn ngập thẻ nhớ điện thoại do bạn bè, người thân gửi đến để lên tinh thần trong những ngày bệnh nặng. Trong mấy chục năm của một đời người vừa qua, cuộc sống của tôi thực sự nằm trong một quỹ đạo nhỏ bé, một căn nhà không đầy một trăm mét vuông, con đường hai cây số đi từ đó đến văn phòng, năm cây số nữa đến những nơi người thân mình đang sống. Những chuyến đi dài hơn, xa hơn quả thật cũng đem lại cho cuộc sống nhiều thú vị, nhưng cuộc sống thật sự là ở đây, nằm trong bán kính nhỏ bé này với những người thân thiết, thương yêu nhất đã bằng cách này cách khác có mặt bên tôi và không ngừng chia xẻ buồn vui. Đặc biệt hơn nữa là thỉnh thoảng được bố Vinh, Út, chú Đoàn Khoa cho phép được viết những chuyện dài dòng tra tấn mọi người, để má Thùy được tri ân cuộc đời vì những điều tốt đẹp mãi mãi tồn tại nơi đây.
Bồ Thùy Ni Gân, những ngày áp chót của năm 2005
PS: Vì Editor in Chief (thứ thiệt( là Bác Khánh không có nhà, nên má Thùy hoàn toàn không chịu trách nhiệm về bất cứ sai sót, dài dòng, lạc đề, lỗi văn phạm … nào trong bài viết này. Riêng bài viết tiếng Anh thì đã có bố Vinh sửa chữa nên bác Khánh có thể hoàn toàn yên tâm.
No comments:
Post a Comment