Sep 29, 2024

SHAKESPEAR - Doãn Kim Khánh

Nhớ thuở còn dạy học ở Việt Nam, tôi được giao một lớp Văn Chương Anh và đã liều lĩnh nhận lời. Liều lĩnh vì trong chương trình văn chương Anh không thể không có “trái núi” Shakespeare, mà những bài thơ và đoản kịch của Shakespeare đều được viết bằng tiếng Anh cổ, trông “hãi” lắm! Đã thế sách vở tham khảo thuở ấy hầu như không có! Thầy cô nào chịu nhận dạy các áng văn ấy thì có bị gắn chữ “liều” cũng không oan.

Thực ra, tôi xa lạ với tiếng Anh cổ trong văn chương Shakespeare nhưng không hẳn xa lạ với bản thân nhà thơ. Tôi vẫn tự nhủ: “Shakespeare đối vối dân Anh cũng giống như Nguyễn Du đối với dân Việt.” Shakespeare cùng tầm cỡ với cụ Nguyễn Du nhà mình thì đáng nể chứ không đến nỗi đáng sợ.

Tôi bắt đầu lục lọi sách vở và ngạc nhiên vì chưa có nhà văn nào bị “chọc quê” dữ dội bằng

 đại văn hào này. Sau đây là vài hí họa tôi tìm được:

Hí họa 1:

Trong bức tranh này, Shakespeare chưa có râu vì còn là học sinh. Trò Shakespeare vừa nghe cô giáo báo hung tin: “Shakespeare, em rớt môn tiếng Anh rồi, nhưng em phải chịu thôi vì trong bài em dùng đến 400 chữ không có trong tự điển!”

Hí họa 2:



Trong hình vẽ này vấn đề sống chết trọng đại của Hamlet “to be or not to be” đã biến thành vấn đề lẩm cẩm của Shakespeare với hộp bút chì trước mặt: “2B or not 2B”. Chẳng hiểu cuối cùng Shakespeare có chọn bút 2 B loại chì mềm hay không!

Hí họa 3:

Hí họa đề cập đến câu Juliet nói với Romeo “What’s in a name?” Ý nàng là cái tên không quan trọng. Nàng yêu con người của Romeo, bất kể tên của hai gia đình đang thù ghét nhau.

Nhưng trong hí họa này, câu “What’s in a name?” không phải từ miệng người đẹp Juliet mà từ người đẹp tên Hồng. Khác với nàng Juliet, nàng Hồng quan tâm đến tên gọi. Nàng đến gặp quan tòa mang tên Shakespeare xin đổi tên. Quan tòa nói đúng quan điểm của nàng Juliet: “Ờ thì muốn đổi tên chính thức cũng được, nhưng, cô Hồng à, sẽ chỉ khác cái tên mà thôi!.” Ý ông là Hồng sẽ vẫn hoàn Hồng.

Câu trọn vẹn trong nguyên tác là

“What's in a name?
That which we call a rose
By any other name would smell as sweet”. 

Tạm dịch là:

Xá gì một cái tên?
Bông hoa ta gọi là Hồng
Dù thay tên họ vẫn nồng nàn hương. 

Hí họa 4: 


Trong hí họa này, câu trích “Neither a lender, nor a borrower” là từ vở Hamlet.  Đây là lời khuyên của Polonius cho con trai Laertes (anh của Ophelia, người yêu của Hamlet) khi anh chàng này chuẩn bị rời nhà đi học xa. Người cha dặn dò con không nên cho vay tiền, cũng không nên mượn tiền.

Câu khuyên nghiêm chỉnh là thế, nhưng trong hí họa trên, từ miệng người đàn ông ăn mặc lịch sự đến tai người ăn mày bệ rạc thì lập tức Shakespeare lại bị chọc quê bằng câu cải chính của người ăn mày; “Ấy, tôi chẳng mượn tiền, cũng chẳng cho vay tiền. Tôi chỉ xin tiền!”

Tội nghiệp ông Shakespeare!

Tuy nhiên, tôi vẫn một lòng tôn kính ông Shakespeare, người có địa vị trong văn học Anh ngang ngửa với cụ Nguyễn Du của chúng ta trong Văn Học Việt.

Từ lâu tôi đã biết ngôn từ của cụ Nguyễn Du thâm nhập dân gian Việt một cách ngọt ngào. Bố tôi. khi nhắc đến ba người con gái đầu tiên của ông, vẫn thường trích lời cụ, chỉ thay đổi chút ít: “Đầu lòng ba ả tố nga …”

Khi phẫn uất vì một giới chức tham nhũng, tôi vẫn thường nói “Hắn ta “vét sạch sành sanh” rồi mới bọc hết tiền, hạ cánh an toàn ở nước ngoài.”  Nói rồi mới nhớ mình vừa mượn lời cụ Nguyễn Du mô tả tham quan vét của cải nhà Vương Ông.

“Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.”

Tôi cũng từng nghe những bà mẹ quá bực mình với đứa con dại dột của mình thì la ầm ĩ: “Mày ăn gì mà ngu quá vậy!” Bà mẹ đâu ngờ mình vừa mượn lời cụ Nguyễn Du, đoạn mô tả Tú Bà: ”Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao!” 

Ngôn ngữ của cụ Nguyễn Du thấm nhuần vào trí não người dân Việt đến độ ngày xưa có những người không học thức vẫn thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều. 

Còn Shakespeare thì sao?

Có giai thoại kể rằng thuở xưa có một bà mẹ quê ở xứ Anh một bữa được con dắt lên tỉnh để coi kịch Shakespeare. Khi ở rạp hát về, các con hỏi bà coi kich có hay không thì bà đáp: “Hay, nhưng ông Shakespeare này mượn nhiều chữ của dân gian quá!”

Các con bà cười ngất: “Má ơi! Dân gian mượn chữ Shakespeare thì có.” 

Thế đấy! Dân gian mượn chữ, xài cho thỏa thích rồi quên béng mất nguồn gốc Shakespeare. 

Một lần tôi ghi tên dự một hội nghị ở tận Hà Nội dành cho các thầy cô giáo dạy tiếng Anh. Các bài thuyết trình về đủ mọi đề tài liên quan đến ngôn ngữ và giáo hoc pháp. Riêng tôi chọn nói về Shakespeare. Tôi hơi lo không biết có khán giả nào tò mò về ông Shakespeare tầm cỡ Nguyễn Du này không. Khi bước vào phòng, tôi thấy đã có một lượng khán giả vừa phải đang đợi sẵn. Tôi hiểu đó là những người thực sự quan tâm đến Shakespeare, chứ không vào nghe vì không còn chỗ nào khác. Trong số những người đó có cô giám đốc trung tâm nơi tôi đang dạy. Cô chứng kiến, ngoài việc dạy học, tôi cũng biết thuyết trình. Cô cũng thấy tôi đã “mua vui” được cho khán giả bằng những hí họa và những chuyện tào lao về đời tư của Shakespeare, chẳng hạn như chuyện ông lấy vợ lớn hơn ông đến tám tuổi và đứa con đầu lòng của hai người ra đời sáu tháng sau đám cưới! Sau buổi thuyết trình, cô giám đốc nói khán giả khá thích thú. Cô cũng hài lòng ra mặt vì tôi nêu tên Trung Tâm Ngoại Ngữ Nông Lâm, nơi cô làm giám đốc và tôi dạy học.  Tôi thì tin là hồn thiêng ông Shakespeare rõ ràng đã giúp đỡ tôi nhiều. Từ đó một bạn thân cũng là đồng nghiệp có dịp chọc ghẹo tôi: “Thi hào Shakespeare là ‘bồ’ của cô giáo Khánh đó!”

Vào năm 2023 (gần hơn hai thập niên sau), trong một một chuyến du lịch châu Âu, tôi có ghé Stratford upon Avon, quê hương của Shakespeare và phu nhân Anne Hathaway. Dinh cơ của họ được nước Anh giữ gìn rất kỹ. Những cơ ngơi này cho thấy họ là những người có tài sản đáng kể trong xã hội Anh thời đó và những gì họ để lại hiện đang là một nguồn dồi dào thu hút du khách cho chính phủ Anh. Lần đó tôi cùng nhiều du khách khác đứng quanh một bà hướng dẫn du lịch. Có người hỏi bâng quơ: 

“Tại sao Shakespeare tài hoa và giàu có lại chịu lấy người lớn hơn mình đến 8 tuổi?”

Bà hướng dẫn chỉ mỉm cười và đưa tay làm dấu hiệu căng phồng trên bụng. Mọi người đều hiểu và đều cười. 

Còn tôi thì được dịp thăm hỏi “bồ” cũ của mình. Tấm hình này là bằng chứng: 


Và còn chụp được tấm chân dung này để khoe với mọi người nhan sắc anh “bồ cũ”.


Và còn rủ được bạn Hà Bạch Trúc của mình tiếp tay dịch và bình phẩm bài độc thoại nổi tiếng của Hamlet.

SỒNG HAY KHÔNG SỐNG

Sống hay không sống? Vấn đề là ở đó.
Cao quý hơn chăng nếu cam chịu
Số phận ngặt nghèo, nghịch cảnh trớ trêu,
Hay hiên ngang chiến đấu cùng biển khổ
Và đương đầu chấm dứt nó thôi. Chết – là ngủ,
Thế thôi; ngủ là hết, là kết thúc
Nỗi khổ con tim và đớn đau thể xác:
Có kết thúc nào đáng mong ước hơn.
Chết chẳng qua là ngủ;
Ngủ thì có khi mơ - ấy nhưng chỉ ngặt một điều,
Mơ nào sẽ đến trong giấc ngủ chết đó,
Khi ta rũ bỏ xác thân ô trọc này,
Ðiều đó khiến ta do dự – để rồi
Kéo dài thảm trạng cuộc sống khổ đau.
Vì mấy ai chịu được ngọn roi oan nghiệt thời gian,
Bất công áp bức, người giàu kiêu căng,
Mối tình vô vọng đau thương,
Công lý đình trệ, tham quan cửa quyền,
Người hiền bị kẻ bất tài khinh khi,
Chỉ một nhát dao, ta sẽ được yên
Sao ta cứ gánh nhọc nhằn làm chi,
Cứ than van, cứ mệt mõi vì đời,
Phải chăng bởi nỗi hãi hùng,
Ngại điều sẽ đến khi mình ra đi,
Ra đi về chốn mịt mù, chưa ai từng đến, chưa ai quay về
Nên thà tiếp tục khổ đau,
Còn hơn giáp mặt những điều chẳng quen.
Mới hay lương tâm biến ta thành hèn,
Mới hay chí ta dù mạnh mẽ
Cũng hoại dần vì lo lắng xanh xao,
Và rồi những dự tính lớn lao
Cũng bất thành vì ta đi lệch hướng
Và thôi rồi mất dịp ra tay.

- Hà Bạch Trúc dịch

Nguyên tác: 

To be, or not to be, that is the question.
Whether 'tis nobler in the mind to suffer
The slings and arrows of outrageous fortune,
Or to take arms against a sea of troubles,
And by opposing end them. To die—to sleep,
No more; and by a sleep to say we end
The heart-ache and the thousand natural shocks
That flesh is heir to: 'tis a consummation
Devoutly to be wish'd. To die, to sleep;
To sleep, perchance to dream—ay, there's the rub;
For in that sleep of death what dreams may come,
When we have shuffled off this mortal coil,
Must give us pause—there's the respect
That makes calamity of so long life.
For who would bear the whips and scorns of time,
Th'oppressor's wrong, the proud man's contumely,
The pangs of dispriz'd love, the law's delay
The insolence of office, and the spurns
That patient merit of th'unworthy takes,
When he himself might his quietus make
With a bare bodkin? Who would fardels bear,
To grunt and sweat under a weary life,
But that the dread of something after death, 
The undiscovere'd country, from whose bourn
No traveller returns, puzzles the will,
And makes us rather bear those ills we have
Than fly to others that we know not of?
Thus conscience doth make cowards of us all,
And thus the native hue of resolution
Is sicklied o'er with the pale cast of thought,
And enterprises of great pith and moment
With this regard their currents turn awry
And lose the name of action.

- Shakespeare

 “To be, or not to be” là câu nói nổi tiếng nhất của Shakespeare và cả nền văn chương Anh. Kể từ khi câu nói ra đời, khoảng năm 1600 qua vở kịch Hamlet, không thể nào kể hết số lần mà câu nói này đã được trích dẫn. Trên khắp thế giới, trong mọi quốc gia, mọi lãnh vực, mọi hoàn cảnh, ai cũng có lần mượn câu “To be, or not to be” để diễn tả ngắn gọn tâm ý của mình, một cách nghiêm trang hay một cách diễu cợt. Câu này quả tiện lợi và dễ dùng vì nói ra, ai cũng hiểu.

Nhưng nói thì dễ, chứ dịch không dễ. “To be, or not to be” dịch sao đây: “Sống hay không sống”, “Nên hay không nên (trả thù)”, “Giết hay không giết (kẻ thù)”, hay “Muốn hay không muốn (sống)”? Câu nào nghe cũng có lý, giống như chàng Hamlet hay suy tư, triết lý nên loay hoay chẳng biết chọn đường nào. Có phải vì thế mà câu nói bất hủ của chàng đến nay vẫn còn thông dụng.

Vợ hỏi chồng: Tôi hay nó? Thôi hay ở? Anh chọn đi “To be or not to be?”

Tình nhân hỏi người yêu: Nếu anh không cưới thì mình chia tay; anh nói đi “To be or not to be”? 

Chàng khó xử quá; bạn bè kêu đi nhậu, vợ không cho đi, vậy đi hay ở, “To be, or not to be?”

Muốn mua cái hột soàn tổ bố nhưng phải vét hết tiền mới đủ, vậy “to be or not to be” đây?

Cái đầu gối đau quá mà hơn mười năm do dự “to be or not to be” mới đi đến quyết định mổ.

Ðó là ở cảnh đời thường, còn có những lúc khó khăn và quan trọng hơn nhiều. Như các ông bà chính trị cao cấp, họ thường xuyên phải quyết định những chuyện đại sự thì không biết họ đã bao phen trăn trở và đã phải bao nhiêu lần vấn kế “to be, or not to be” của Hamlet?

Cũng như Shakespeare thường bị các nhà hí họa “chọc quê”, câu nói bất hủ “To be, or not to be” của Hamlet cũng bị nhà văn Mỹ Mark Twain đem ra chế nhạo trong truyện “Adventures of Huckleberry Finn” (1884) của ông. Truyện kể Huckleberry Finn đang xuôi bè trên sông Mississippi thì gặp hai tên lừa đảo. Chúng tập dượt để sắp tới sẽ trình diễn kịch của Shakespeare, nhưng vì không có kịch bản trong tay nên chúng nhớ tới đâu nói tới đó. Vì thế đã biến câu nói bất hủ “To be, or not to be; that is the question”  thành “To be, or not to be; that is the bare bodkin”.  

Tài tử thượng thặng Arnold Schwarzenegger cũng từng chánh vai trong phim Last Action Hero (1993) trong đó Hamlet đã biến câu độc thoại trứ danh của mình thành: “To be or not to be? Not to be.”

Còn nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut thì dựa nguyên vào “To be or not to be” để dặt tựa đề cho truyện ngắn khoa học giả tưởng của mình “2 B R 0 2 B” (1962), đọc là “2 B R naught 2 B”.

Hơn 400 năm rồi mà Shakespeare và “To be, or not to be” vẫn còn sống nhăn.

- Doãn Kim Khánh 

Aug 18, 2024

ĐÊM - Doãn Quốc Hưng phổ thơ Hòa Bình

 


https://youtu.be/SJAGsGFqaM0?si=0sLkueeN8flpvao2

Tiếng thơ: Nguyên Yên
Tiếng nhạc: Doãn Quốc Hưng 
Tiếng hát: Doãn Hương 




CHỜ ĐỢI - Doãn Quốc Hưng phổ thơ Hòa Bình

 


https://youtu.be/1QNXJOe_s7o?si=JpjaSC9iiu5kNkQK

Tiếng thơ: Nguyên Yên
Tiếng nhạc: Doãn Quốc Hưng 
Tiếng hát: Doãn Hương 


HÒA LAN VÀ NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ KHÔNG CÒN THỜ PHỤNG TÔN GIÁO - Doãn Quốc Hưng


Mùa hè đến rồi! Mùa của những chuyến du lịch. Người Việt ở Mỹ mùa hè thường đi thăm danh lam thắng cảnh ở Mỹ, hoặc về Việt Nam, hoặc thực hiện những chuyến đi Châu Âu, đi thăm vùng đất của lịch sử, văn hóa Tây Phương.

Đến Châu Âu, những quốc gia thường được khách du lịch nhắc đến nhiều nhất vẫn là Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha. Ngoài ra, Hòa Lan là một quốc gia nhỏ bé, hiền hòa, những cũng có nhiều thứ thu hút khách du lịch. Nói đến Hòa Lan là nói đến những cánh đồng hoa tulip đầy màu sắc; những chiếc cối xay gió soi bóng trên những dòng kênh xanh; hay thành phố Amsterdam tự do cấp tiến, có khu phố “Đèn Đỏ” với dịch vụ mãi dâm được chính thức và công khai hóa. 

Nếu có dịp thăm Hòa Lan với một người dân địa phương, du khách còn có thể biết thêm một đặc điểm văn hóa nữa của xứ sở hoa tulip mà ít thấy ở những quốc gia Châu Âu khác: những ngôi nhà thờ không còn là nơi thờ phụng tôn giáo, mà được chuyển sang sử dụng với những mục đích kinh tế-thương mại khác nhau. Hiện tượng khá đặc biệt này cũng thể hiện phần nào một số đặc trưng của dân tộc tính người Hòa Lan.

Từ Amsterdam ở miền Bắc cho đến thành phố Maastricht ở cực Nam Hòa Lan, đi dạo trên một vài con phố cổ, du khách sẽ nhận ra có nhiều ngôi nhà thờ cổ kính, nhưng không còn là nơi để các con chiên đến đi lễ vào những ngày Chúa Nhật. Ở ngay trung tâm của Amsterdam, nơi đầu khu phố “Đèn Đỏ” là ngôi nhà thờ Oude Kerk Amsterdam cổ kính vào bậc nhất thành phố, nay trở thành trung tâm văn hóa,  nơi tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc. Ngôi nhà thờ này vẫn là một trong những tòa nhà cổ mang tính biểu tượng của thành phố. Điều mỉa mai là một số hướng dẫn viên du lịch khi đứng ở khu vực nhà ga trung tâm Amsterdam, giới thiệu về các khu vực nổi tiếng của thành phố, họ vẫn dùng ngôi nhà thờ này để làm cột mốc cho những du khách muốn đi thăm khu phố “Đèn Đỏ” ăn chơi! 

Còn ở thành phố lịch sử Maastricht nhỏ nhắn, xinh xắn, mật độ nhà thờ còn nhiều hơn, nhưng số lượng nhà thờ bị bỏ rơi cũng nhiều hơn. Một ngôi nhà thờ đã trở thành một tiệm bán sách nổi tiếng ở gần trung tâm thành phố. Cảm giác vào “nhà sách nhà thờ” này thật đặc biệt, không dễ tìm được ở những thành phố khác trên thế giới. Vẫn là không gian cao rộng, mái vòm với những khung cửa kiếng tò vò của nhà thờ. Nhưng tại đây, du khách có thể tìm thấy đủ loại sách, trong đó có cuốn sách bàn về cách sống bình an, hạnh phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đúng là một trải nghiệm độc nhất vô nhị!

Cũng ở Maastricht, một chủng viện trở thành một ký túc xá dành cho sinh viên. Nhưng lối đi trải sỏi trong khuôn viên cổ kính nay không thấy bóng dáng những vị tu sĩ khoan thai, thay vào đó là những sinh viên hối hả, bận rộn. Rồi một nhà thờ dùng làm khách sạn, với cổng chào có đèn màu rực rỡ dẫn vào không gian cổ kính bên trong, một hình ảnh đầy tương phản. Rồi nhà thờ làm văn phòng hành chánh, phòng tập thể dục… Những ngôi nhà thờ này vẫn giữ nguyên nét cổ kính, uy nghi. Ở những thành phố của Pháp, Ý, Tây Ban Nha, có thể những ngôi nhà thờ này vẫn là những khu di tích lịch sử tôn giáo, là địa điểm để du khách thăm viếng, để nhớ đến một thời mà Giáo Hội Thiên Chúa Giáo là một thế lực chính trị hùng mạnh, chi phối các vương triều của Châu Âu. 

Hỏi thăm nhiều người dân địa phương, họ cho biết thế hệ ông bà, cha mẹ của mình đa phần là tín đồ Ki Tô Giáo, chủ yếu là Catholic và Tin Lành. Nhưng thế hệ trẻ Hòa Lan có nhiều người không còn tin vào những giáo điều xưa cũ vẫn được rao giảng trong thế kỷ 20. Họ bắt đầu bỏ đạo, không đi nhà thờ. Một cuộc khảo sát cho thấy 63% người Hà Lan tin rằng tôn giáo gây hại nhiều hơn lợi cho con người. Không có con chiên, nhà thờ không còn đủ nguồn tài chính để duy trì sinh hoạt. Các nhà được bán lại cho chính phủ, tư nhân để dùng trong các mục đích khác nhau như đã nêu trên.

Theo một con số thống kê, từ năm 2003 đến năm 2021, số lượng nhà thờ Catholic ở Hoà Lan đã giảm từ 1,782 xuống còn 1,303. Vào tháng Chín năm 2022, Giám Mục Jan Hendricks của Giáo Phận Haarlem-Amsterdam thông báo rằng 60% nhà thờ của giáo phận sẽ phải đóng cửa trong vòng năm năm tới, do số lượng tín đồ, tình nguyện viên và thu nhập đều giảm sút mạnh.  

Một con số thông kê khác vào năm 2015 cho biết chỉ còn gần một nửa dân số Hà Lan còn theo một tôn giáo nào đó. Hai tôn giáo lớn nhất ở Hòa Lan vẫn là Catholic và Tin Lành, cho dù số tín đồ đang giảm mạnh. Hoà Lan trở thành một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất ở châu Âu, sau Cộng Hòa Séc và Estonia. Trong những năm từ 1960s đến 1980s, tôn giáo đã mất dần ảnh hưởng đối với chính trị Hà Lan. Kết quả là quốc gia này có chính sách về phá thai, đồng tính luyến ái, mại dâm, cần sa giải trí thuộc hàng phóng khoáng, tự do nhất Châu Âu.

Không theo tôn giáo, như vậy hơn phân nửa người dân Hòa Lan tin vào điều gì? Một nghiên cứu năm 2003 cho thấy khoảng 1.27 triệu người ở Hà Lan có mối quan hệ thân thiết với chủ nghĩa nhân văn thế tục. Người Hòa Lan không tôn giáo tin vào lương tri tự nhiên của con người. Nhân chi sơ vốn bản thiện. 

Không theo tôn giáo, liệu người dân Hòa Lan có sống vô đạo đức, xã hội có loạn lạc, suy đồi? Không có vẻ gì là như vậy, ít nhất trong con mắt của du khách đến thăm Châu Âu so sánh Hòa Lan với những quốc gia khác. Người Hòa Lan khá thân thiện đối với du khách, cho dù không quá cởi mở như kiểu dân Ý. Du khách Việt đến thăm Hòa Lan không lo sợ cảm giác bị kỳ thị như khi sang Đức. Đi trên xe lửa, đến các nhà ga xe điện ở Hòa Lan, cho dù Đông Đức nhưng vẫn cảm giác an toàn, trật tự, không thấy bị kêu gọi nên cảnh giác tình trạng cướp giật, móc túi như ở Pháp. Trên những chuyến xe điện đi làm hằng ngày có những toa yêu cầu hành khách giữ im lặng, không nói chuyện ồn ào để người khách có thể đọc sách, làm việc. Đường phố Hòa Lan sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp cho dù ở những nơi đông đúc. Đi trên những chuyến xe lửa từ Hòa Lan sang nước láng giềng Bỉ, du khách có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng này khi đi từ một nhà ga  biên giới thuộc Hòa Lan sang đến nhà ga thuộc Bỉ.

Những chính sách cấp tiến về xã hội như vấn đề công khai mãi dâm, tự do cần sa giải trí ở Amsterdam dường như không làm xã hội Hòa Lan xuống cấp, kém an toàn. Ngược lại, người dân Hòa Lan tin rằng  những chính sách này giúp chính phủ kiểm soát được vệ sinh y tế trong dịch vụ mãi dâm, giảm bớt tình trạng buôn lậu cần sa không kiểm soát, giúp tăng nguồn thu ngân sách…Không nghe thấy Hòa Lan báo động về tình trạng nghiện ngập dẫn đến trộm cướp trong xã hội.

Có cảm giác như ở Hòa Lan, người dân có trình độ tri thức, sống trong một xã hội văn minh tiến bộ có kỷ cương pháp luật, cho nên họ có thể tự thiết lập cho mình một chuẩn mực đạo đức nhân bản trong đời sống hằng ngày mà không cần phải dựa vào đạo đức tôn giáo. 

Trong vài năm qua ở Mỹ, một số chính trị gia muốn áp đặt niềm tin tôn giáo của một sắc tộc làm chuẩn mực cho toàn bộ đạo đức xã hội. Họ tin rằng nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại bằng cách dùng luật pháp tước đi quyền lợi của những người đồng tính. Họ muốn ngăn cản quyền phá thai của người phụ nữ, vì không tin rằng phụ nữ có đủ lương tri đạo đức để tự quyết định về thân thể của mình. Điều mỉa mai là ở chỗ nước Mỹ được hình thành từ những người đi tìm tự do, trong đó đặc biệt là quyền tự do tôn giáo. 

Những điều quan sát được từ một nước Hòa Lan nhỏ bé có thể là một minh chứng cho thấy rằng một quốc gia phát triển, một xã hội văn minh vẫn có thể tồn tại mà không dựa trên niềm tin một tôn giáo cụ thể nào.

Doãn Hưng


Aug 15, 2024

GẶP LẠI OSCAR WILDE Ở DUBLIN - Doãn Kim Khánh

Tía Má ơi,

B K viết về Oscar Wilde sau khi gặp lại tượng "Ngườ"i ở Dublin. Út có công hối thúc, người bác Khánh gửi mọi người xem. Còn chi tiết nào hay thì nhắc bác Khánh nhé.

Bác Khánh

---

GẶP LẠI OSCAR WILDE Ở DUBLIN

Từ ngày “quen biết” Oscar Wilde qua các tác phẩm của ông, tôi bắt chước ông phân loại những người mình thường tiếp xúc thành hai nhóm: nhóm những kẻ có giáo dục (the well-bred) và nhóm những kẻ khôn ngoan (the wise). Nguyên văn của ông là: “Kẻ có giáo dục toàn nói ngược đời. Kẻ khôn ngoan toàn nói ngược chính mình.”

 Là người hành nghề “gõ đầu” thiên hạ, tôi có khuynh hướng đứng về phe “có giáo dục” và dè chừng phe “khôn ngoan” mà tôi cho là có thể đồng nghĩa với gian ngoan. 

Tôi bắt đầu đọc những vở kịch của Oscar Wilde vào những năm chiến tranh trước 1975 tại quê hương Việt Nam.  Nhà văn này quả thực không giống ai, tôi vừa đọc ông, vừa thăm dò xem ông thuộc phe nào, phe có giáo dục hay phe khôn ngoan?  Hình như ông vừa có giáo dục vừa khôn ngoan. Có giáo dục vì ông tốt nghiệp đại học Oxford. Khôn ngoan vì khi đọc ông, tôi “đụng” phải những câu văn ngang ngược nhưng lại hấp dẫn tôi một cách lạ thường. Tôi tin rằng chỉ có những người “khôn” mới nói được như vậy. Chẳng hạn những câu như sau:

" Hễ thiên hạ đồng ý với tôi là tôi hiểu mình nói sai rồi!" (Whenever people agree with me, I always feel I must be wrong!" )

“Ngây thơ chẳng khác gì khiếm nhã.” (Nothing looks so like innocence as an indiscretion.)

"Chỉ có kẻ đần mới tỏa sáng được trong bữa điểm tâm.”(Only dull people are brilliant at breakfast.)

Sáng nay, trong bữa điểm tâm, tôi làm trứng ốp la cho anh Bồ Tèo của tôi. Tôi đập trứng vào chảo rồi mới thấy mình mua nhằm trứng ung. Nhớ đến câu nói của Oscar Wilde về kẻ đần tỏa sáng trong bữa điểm tâm, tôi vui vẻ nói:

“Trong bữa điểm tâm này, em không phải kẻ đần, cũng không tỏa sáng!”

Thấy anh ngớ người, tôi giải thích thêm:

“Oscar Wilde nói rằng chỉ có kẻ đần mới tỏa sáng trong bữa điểm tâm.”

Nhưng dường như tôi không rót thêm tí ánh sáng nào vào câu nói ngang như cua bò ấy!

Trong chuyến đi châu Âu của tôi hồi tháng 7 năm 2024, tôi gặp lại Oscar Wilde (đúng ra là gặp pho tượng của Oscar Wilde) tại Dublin, quê hương của ông, và ngắm nghía pho tượng sau đây:

Chung quanh pho tượng này là những bảng đầy những câu trích dẫn kỳ quặc của Oscar Wilde, thể hiện một con người vừa trí tuệ vừa ngông nghênh, vừa ngây thơ vừa khiếm nhã! Tôi gửi tấm hình này về cho hai đứa em nuôi, vốn từng đồng lõa với tôi trong một hoạt động “cuồng” Oscar Wilde.

Thuở ấy, những năm sau 1975, chúng tôi, một nhóm người trẻ ruột thịt hoặc bạn bè của nhau, cuồng loạn vì đói ăn, đói tự do và đói văn hóa nên cuối tuần nào cũng họp nhau lại như một cách phản kháng điên dại. Chúng tôi hết tán dóc thì hát, hát chán thì diễn kịch, vui nhất là diễn kịch. Ban đầu vừa diễn vừa phăng kịch bản, chế riễu nhau và chửi xéo chế độ. Sau đó, có lần một người chú của tôi, một đảng viên Cộng Sản từ ngoài Bắc vào, tình cờ dự một buổi văn nghệ của chúng tôi và sau đó mắng cho một trận tơi tả vì những vở kịch quá bình dân! 

Oscar Wilde xuất hiện từ tai nạn ấy. Các em ruột và em nuôi của tôi ngừng diễn kịch nhảm nhí. Tôi bắt đầu tìm lối thoát từ những vở kịch thuần văn học mà đầy tính cà rỡn của Oscar Wilde. Vở kịch tôi chọn tên “The Importance of being Earnest”, tôi dịch thoát là “Ernest, anh là ai?” Từ ấy, nhóm chúng tôi chăm chỉ tập kịch. Kịch bản do tôi dịch được viết tay rồi giao cho một  đứa trong nhóm vốn là con trai của đạo diễn danh tiếng Lưu Bạch Đàn. Anh chàng là “con nhà tông” nên phân vai, dựng sân khấu và hành nghề đạo diễn khá chuyên nghiệp. Các “diễn viên”  là thành phần ban ngày học lêu lổng trong khuôn viên trường (trung học và đại học) hay lén lút bán thuốc Tây ở chợ trời, tối đến tụ lại tập “tuồng” một cách hào hứng. 

Ngày ra mắt vở kịch “Earnest, anh là ai?” là một kỷ niệm đẹp cho toàn ban. Chúng tôi mượn nhà của người cô ruột có ông chồng là đảng viên để tụ tập cho an toàn. Cô chiều cháu, cho phép một bầy lau nhau kéo tới, xê dịch bàn ghế, sắp xếp sân khấu và khu vực cho khán giả, lại còn chuẩn bị một bữa ăn nhẹ trước khi diễn! Khi thấy sự kiện có vẻ rầm rộ, cô hỏi:

“Chúng mày làm gì vậy?”
“Dạ, diễn kịch.”
“Kịch gì?”
“Dạ, kịch Oscar Wilde.”

Cô không hỏi thêm vì có lẽ tên Oscar Wilde nghe xa lạ quá. Vào giờ  “hoàng đạo”, cô rút vào phòng, không “làm phiền” các cháu. 

Vở diễn bắt đầu không theo bài bản của Oscar Wilde mà theo sáng kiến của đạo diễn nhà: không có màn để mở, chỉ có đèn tắt hết rồi bật lên với  tất cả các diễn viên đứng bất động trước mặt mọi ngưới.  Tôi, dịch giả, có nhiệm vụ giới thiệu các nhân vật bằng cách hỏi thăm từng người. Hỏi tới ai thì người ấy bắt đầu cử động và nói một câu điển hình của vai mình diễn. Hai nhân vật có ở màn 1 được hỏi cuối cùng, và thế là vở kịch bắt đầu trơn tru trước sự thích thú của khán giả. Sau đó nhờ cốt truyện tài tình và lời văn bỡn cợt của Oscar Wilde màn diễn kết thúc mỹ mãn. Đèn đã bật sáng, khán giả không chịu về, còn nán lại để bình phẩm. Chúng tôi tiếc ông chú đảng viên không được dự!

Việc này xảy ra cũng đã ba mươi năm về trước. Bây giờ hỏi thêm chi tiết thì tôi đành chịu, không nhớ. Nhưng gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, vẫn gọi nhau bằng tên các vai trong “tuồng” cũ. Đứa này là bà Bracknell, đứa kia là con gái Cecily của bà, hai đứa nọ là hai chàng trai si tình Jack và Algernon. Rồi đứa này cười đứa kia là con hoang bị bỏ trong một hành lý tại nhà ga. Đứa kia chọc quê đứa nọ là ông mục sư hoàn hảo nhưng có khuyết điểm là không chịu được gió lùa! Thế là cười mãi, 30 năm sau cũng vẫn còn cười. 

Nhưng nhóm chúng tôi đã mất anh đạo diễn tài ba trong một cuộc vượt biên và anh chàng Jack si tình đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cô gái nhỏ làm điêu đứng các chàng trai nay đã thành góa phụ. Bà Bracknell vừa về hưu và đang chuẩn bị hồi hương về Việt Nam. Còn tác giả Oscar Wilde thì còn cái tượng sinh động ở Dublin. Tôi gặp lại ông (đúng ra là tượng của ông) tại một công viên Dublin. Tượng bằng đá mà sao mắt nhìn linh hoạt và miệng cười nhếch mép sao mà lém lỉnh! “Bác” Google còn kể rằng kẻ văn chương ấy là người đồng tình luyến ái đã bị kết án hai năm tù vì “tội” ấy và qua đời ba năm sau đó trong hoàn cảnh đói nghèo. Còn lại nụ cười lém lỉnh trên pho tượng ở Dublin.

Thương cho nhà văn sống lầm thế kỷ, thế kỷ 19. Nếu ông đầu thai lại bây giờ (cuối thế kỷ 21) thì ông đã không bị ở tù mà còn có thể công khai gia nhập LGBT, đòi quyền bình đẳng.

Ông có thể được nghe lại chuyện nhóm chúng tôi diễn “Ernest, Anh Là Ai?” và hỏi “Ai viết kịch bản mà hay quá vậy?”

Aug 14, 2024

Doãn Kim Khánh

---

Hi bác Khánh,

Giọng điệu này chỉ có thể là của kẻ cầm đầu băng đảng Văn học Nghệ thuật tiếng Anh của HCC! Và hình dung lại ở đằng sau mỗi phong trào là con nhỏ ngây thơ Út ít của cả nhà, luôn xung phong làm đủ chuyện để cả nhà được tận hưởng niềm vui cùng nhau!

Đọc xong bài viết em phải nhắm mắt lại để sống lại những giờ phút ngớ ngẩn mà đã điếu, bất cần dư luận của tụi mình. Văn hào, thi hào, nhà giáo [dục] gì đó cũng đều xếp hàng phía sau những khoảnh khắc cảm hứng của những kẻ sống earnestly, ngay cả having fun cũng rất chi là seriously.

Em tin rằng những ngày tá túc ở Thành Thái đã giúp tụi em có những kiến thức và kỹ năng không thể thiết thực hơn nhưng cũng không thể lãng mạn hơn về cuộc sống. Cách sống và cách thưởng thức cuộc sống cho dù nó có ra sao đi nữa của gia đình nhỏ của tụi em đã bị/được/chịu ảnh hưởng từ hơn 44 năm trở thành con guộc của Doãn Gia. Một cách khá sỗ sàng và trơ trẽn, he he! vì đi đâu cũng nghênh ngang khoe mình được cưng hơn "con ghẻ". 

Thật may mắn vì hai đứa Ni Gun cũng lớn lên trong không khí an lành, đầy yêu thương, đôi lúc hơi náo loạn đó, và giờ tới phiên tụi nó nuôi dạy con cái cũng theo kiểu earnestly như vậy.

Thương và nhớ nhiều lắm,

Má Thùi

---

Hê hê! Má Thùi mô tả tụi minh "sống earnestly và have fun seriously" là ăn phải đũa Oscar Wilde rồi đó.

Bác Khánh

Aug 9, 2024

Truyện Dịch Sang Tiếng Anh Preserving Values (Doãn Quốc Sỹ): Gìn Vàng Giữ Ngọc Cho Thế Hệ Con Cháu

Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”

Vào mùa hè năm nay, gia đình Doãn Quốc Sỹ vừa hoàn thành việc dịch sang tiếng Anh tập truyện ngắn Gìn Vàng Giữ Ngọc, lấy tên sách là Preserving Values. Cuốn sách này đã được in những bản đầu tiên để phát cho con cháu trong gia đình. Nhân dịp này, Việt Báo đã có dịp phỏng vấn chị Doãn Kim Khánh (DKK), thứ nữ của nhà văn, về công việc dịch thuật tác phẩm này.

VB: Vì sao gia đình quyết định dịch sách của Doãn Quốc Sỹ sang tiếng Anh?

DKK: Mục tiêu đầu tiên là nhắm đến thế hệ cháu nội ngoại của ông. Đứa nào cũng biết ông viết văn, nhưng không đứa nào biết rõ ràng ông viết gì. Vì tụi trẻ ở Mỹ, Úc bây giờ thích coi xi nê hơn đọc sách; và nếu đọc thì thích đọc tiếng Anh hơn tiếng Việt. Trách nhiệm của thế hệ các con là bắt đầu mở cánh cửa vào kho tác phẩm rất đáng kể của ông. Dịch sách trước tiên là để giới thiệu cho 16 cháu nội ngoại và 7 chắt trong đại gia đình; sau đó là cho độc giả trong giới bạn bè thân hữu của giới trẻ. Và sau nữa là cho giới độc giả bên ngoài, những người vẫn còn quan tâm đến văn học Việt Nam trước 1975.

VB: Vì sao chị lại chọn dịch đầu tiên tác phẩm Gìn Vàng Giữ Ngọc?

DKK: Lý do đầu tiên là vì dó là một tập truyện ngắn dễ đọc, dễ "dụ" đám con cháu đọc. Ba chủ đề Tình Yêu, Chết và Hương Nhân Loại được đề cập trong bảy truyện ngắn sẽ dễ được đám trẻ quan tâm.

Tựa đề "Gìn Vàng Giữ Ngọc” mang tính dân tộc, vì nó được trích từ câu "Gìn vàng giữ ngọc cho hay" của cụ Nguyễn Du như một lời nhắn nhủ của cụ cho thế hệ sau. Đối với các con của ông, những chữ này gợi hình ảnh Bố mình, một người hiền lành nhưng cương trực, một người yêu quê hương nồng nàn nhưng vẫn bị 12 năm tù cộng sản với tội danh "phản quốc". Sau 12 năm tù, các con không hề nghe ông than van, trách móc một câu nào. Chỉ thỉnh thoảng mới nghe Bố cười xòa nói "Bố 2 lần tù, một lần 4 năm, một lần 8 năm. Trả nghiệp thế là đủ rồi, nay vui với con cháu!" Khi qua được bến bờ tự do, Bố tuyên bố gác bút vì "những gì cần viết đã viết !" Bố quả hiểu tường tận được chữ “tri túc”, biết đủ là đủ. Với các con, Bố chính là viên ngọc. Khi chọn dịch "Gìn Vàng Giữ Ngọc", tôi hy vọng “dịch” được viên ngọc ấy.

VB: Chỉ có thể kể lại tiến trình dịch cuốn sách này?

DKK: Dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc là một "team work" của các con cháu của Bố Sỹ và Bác Sỹ. Tôi là người phác bản dịch đầu tiên. Sau đó tôi chuyển sang chị Hai (trưởng nữ) để chị so hai bản Việt và Anh rồi chỉnh sửa những chi tiết cần thiết. Chị là cư dân Sydney, Úc, thỉnh thoảng qua Calfornia thăm Bố và các em. Trong thời gian tôi khởi dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc, chị có mặt ở Mỹ. Hai chị em làm việc trực tiếp với nhau, rất hữu hiệu. Chị để ý chi tiết giỏi, và khen chê kỹ năng dịch của tôi theo tinh thần rộng lượng của chị Hai. Khi khen thì chị nói: "Mày dịch khúc này tao thấy trôi chảy, không có vấn đề!" Có khi chị la làng: "Trời, bà dì ơi, thiếu nguyên một câu nè!" Hoặc: "Trời đất! người yêu cũ" mà gọi là "old girlfriend" nghe có vẻ qua đường quá. Tao dịch là ‘former sweetheart’". Tôi một lòng tin tưởng vào hai ngôn ngữ Anh và Việt của chị, và cách chị am hiểu hoàn cảnh sáng tác của Bố. Tôi chấp nhận hầu hết các gợi ý của chị. Khi chị về lại Úc, hai chị em làm việc qua điện thoại.

Đứa em họ, con của cô tôi, cũng là một người góp công dịch đáng kể. Trong giai đoạn cuối cùng, một người Mỹ chính cống, partner của cô em họ nhận trọng trách gọt dũa tiếng Anh cho được tự nhiên. Với tâm tính đơn giản, tôi cảm thấy hài lòng với team work của chúng tôi.

VB: Kỷ niệm nào vui, đáng nhớ nhất trong tiến trình dịch?

DKK: Không có sự kiện vui đặc biệt nào. Chỉ có một niềm vui triền miên bàng bạc trong suốt thời gian làm việc với nhau. Làm để truyền bá tác phẩm của một ông già hiền lành, thanh thản và đức độ thì ai mà không vui? Chúng tôi đều đồng ý mình làm việc không công, nhưng tất cả đều "with love" thì vất vả biết mấy cũng xứng đáng.

Cuối cùng, khi cuốn sách ra lò, ông già Bụt của chúng tôi kịp ký tặng các con cháu. Chữ ký nguệch ngoặc thấy mà thương, nhưng các con cháu chỉ cần có thế. 

VB: Chị có lời nhắn nhủ nào cho thế hệ con cháu, những người sắp đọc cuốn sách Preserving Values?

DKK: Xưa nay người ta vẫn biết con đường trung dung là con đường khó nhất nhưng đáng nể nhất. Ông già Bụt của chúng tôi vẫn bình tĩnh khi công an xông vào giữa đêm, lục tung các góc nhà rồi bắt ông đi. Khi được thả về lần thứ nhất vào năm 1980, ông không nhảy tưng với tự do vừa tạm được trả lại, mà bình tĩnh xếp hàng mua vé xe đò Pleiku-Sài Gòn khi đa số các vé đã bị dân chợ đen mua. Về đến hẻm nhà giữa đêm mà không tìm ra nhà mình, ông điềm tĩnh hỏi thăm một người trong một căn nhà còn đèn sáng. Các con hỏi chọc: "Có phải Bố hỏi 'Ông ơi, có biết nhà tôi đâu không?'” Ông già cười xoà đúng kiểu của riêng ông. Ông đúng là người đi con đường chính giữa. Các con cháu ông nếu thấm thía sự dung hòa ấy thì sẽ hưởng chút ánh sáng từ viên ngọc trong ông. 

Gìn vàng giữ ngọc cho hay!  Nguyễn Du dạy thế. Bố Sỹ cũng dạy thế. 



https://youtu.be/Tq3dkk_q1X8

PS: 
Độc giả muốn mua sách Preserving Values trên online, xin vào đường link: https://www.lulu.com/shop/doan-quoc-sy-and-ngoc-tran-and-khanh-doan/preserving-values/paperback/product-rmeqy5k.html?q=preserving+values&page=1&pageSize=4

VÌ SAO DỊCH SÁCH BỐ - Doãn Kim Khánh

1. Vì sao dịch sách Bố?

Mục tiêu đầu tiên là nhắm đến thế hệ cháu nội ngoại của Ông. Đứa nào cũng biết Ông viết văn, nhưng không đứa nào biết rõ ràng ông viết gì.

vì tụi trẻ ở Mỹ bây giờ thích coi xi nê hơn đọc sách và nếu đọc thì thích đọc tiếng Anh hơn tiếng Việt. Trách nhiệm của thế hệ các con của Ông là bắt đầu mở cánh cửa vào kho tác phẩm rất đáng kể của Ông.giới thiệu nó trước tiên là cho 14 cháu nội ngoại trong nhà, sau đó là cho dộc giả trong giới bạn bè thân hữu của giới trẻ và sau nữa là cho giới độc giả bên ngoài, những người vẫn còn quan tâm đến văn học.


2. Vì sao dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc?

- Lý do đầu tiên là vì dó là một tập truyện ngắn dễ đọc, dễ "dụ" tụi nhỏ đọc. Ba chủ đề Tình yêu, Chết và Hương nhân loại được đề cập trong bảy truyện ngắn sẽ dễ được tụi trẻ quan tâm.

- Tựa đề "Gìn Vàng Giữ Ngọc: mang tính dân tộc vì nó được trích từ câu "Gìn vàng giữ ngọc cho hay" của cụ Nguyễn Du như một lời nhắn nhủ của cụ cho thế hệ sau. Đối với các con của ông, những chữ này gợi hình ảnh Bố mình, một người hiền lành nhưng cương trực, một người yêu quê hương nồng nàn nhưng vẫn bị 11 năm tù Cộng Sản với tội danh "phản quốc". Sau 11 năm tù, các con không hề nghe ông than van, trách móc một câu nào, chỉ thỉnh thoảng cười xòa nói "Bố 2 lần tù, một lân 4 năm, một lần 7 năm. Trả nghiệp thế là đủ rồi!" Khi qua được bến bờ tự do, Bố tuyên bố gác bút vì "những gì cần viết đã viết !" Bố quả quán triệt được chữ "đủ". Với các con, Bố chính là viên ngoc. Khi chọn dịch "Gìn Vàng Giữ Ngọc" tôi hy vọng dịch được viên ngọc ấy.


3. Dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc là một "team work" của các con cháu của Bố Sỹ và Bác Sỹ.

Tôi (thứ nữ của Bố) là người phác bản dịch đầu tiên, đứa em họ, con của cô tôi, cũng là một người góp công dịch đáng kể. Sau đó tôi chuyển sang chị Hai (trưởng nữ) để chị so hai bản Việt và Anh rồi chỉnh sửa những chi tiết cẩn thiết. Chị là cư dân Sydney, Úc, thỉnh thoảng qua Calfornia thăm Bố và các em. Trong thời gian tôi khởi dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc, chị có mặt ở Mỹ. Hai chị em làm việc trực tiêp với nhau, rất hữu hiệu vì chị để ý chi tiết giỏi  và khen chê kỹ năng dịch của tôi theo tinh thần rộng lượng của chị Hai. Khi khen thì chị nói "Mày dịch khúc này tao thấy trôi chảy, không có vấn đề!" Có khi chị la làng "Trời, bà Dì ơi, thiếu nguyên một câu nè!" Hoặc "Trời đất! người yêu cũ" mà gọi là "old girlfriend" nghe có vẻ qua đường quá. Tao dịch là "former sweetheart". Tôi một lòng tin tưởng vào hai ngôn ngữ Anh và Việt của chị và cách chị am hiểu hoàn cảnh sáng tác của Bố. Tôi chấp nhận hầu hết các gợi ỳ của chị. Khi chị về lại Úc thì hai chị em làm việc qua điện thoại. Trong giai đoạn cuối cùng, một người Mỹ chình cống, partner của đứa em họ. nhận trọng trách gọt dũa tiếng Anh cho được tự nhiên. 

Lúc ấy, với tâm tính đơn giản, tôi cảm thấy hài lòng với team work của chùng tôi.


4. Kỷ niệm vui?

Không có sự kiện vui đặc biệt nào. Chỉ có một niềm vui triền miên bàng bạc trong suốt thời gian làm việc với nhau. Làm để truyền bá tác phẩm của một ông già hiền lành,  thanh thản và đức độ thì ai mà không vui? Chúng tôi đều đồng ý mình làm việc không công, nhưng tất cả đều "with love" thì vất vả biết mấy cũng xứng đáng.

Cuối cùng, khi cuốn sách ra lò, ông già Bụt của chúng tôi kịp ký tặng các con cháu. Chữ ký nguệch ngoặc thấy mà thương, nhưng các con cháu chỉ cần có thế. 


5. Kỷ niệm buồn?

Có một kỷ niệm buồn bất chợt đến khi sản phẩm vừa được ra đời. Tối hôm quyển sách ra lò, nói chuyện với một partner, tôi tỏ ý hài lòng, nói "Chị thấy nó hoàn hảo!" thì bị phản bác. "Đâu có hoàn hảo!" Và sau đó tôi bị kết tội là không ưu tiên hoàn toàn cho dự án này. Việc này chưa xong đã nhận một việc dịch khác, hậu quả là làm chậm lại việc dịch quan trọng này và làm mất thì giờ hai partners khác. 

Ngoải ra, tôi cũng làm buồn lòng các partners về  các đề nghị chỉnh sửa. Có khi tôi phản bác, có khi tôi im lặng. Tôi giải thích im lặng là đồng ý, nhưng lẽ ra tôi phải nói rõ như vậy! 

Tôi nghe các "tội danh" của mình một cách ngỡ ngàng. Một partner còn nói "lần sau em sẽ chọn truyện dịch và dịch một mình."

Rắc rối là một bên hào hứng cao độ, muốn xong việc ngay khi đang ở cao trào. Còn bên kia thì tôi vốn tính từ từ. dù làm việc với lòng thương Bố tràn bờ cũng không ào ạt và đòi mọi người phải ào ạt giống mình.

Vốn tính hay quên tôi phân vân, không biết làm sao lúc ấy tôi có thể làm hai công việc dịch một lúc! Đứa em Út tôi nhắc "Em nhớ lúc ấy chị nói trong khi chờ đợi các partners khác làm việc edit thì chị làm công việc này, dễ lắm. 

Xưa nay người ta vẫn biết con đường trung dung là con đường khó nhất nhưng đáng nể nhất. 

Ông già Bụt của chúng tôi vẫn bình tĩnh khi công an xông vào giữa đêm, lục tung các góc nhà rồi bắt ông đi. Khi được thả về ông không nhảy tưng với tự do vừa tạm được trả lại mà bình tĩnh xếp hàng mua vé xe đò khi đa số các vé đã bị dân chợ đen mua. Về đến hẻm nhà giữa đêm mà không tìm ra nhà mính,  ông vẫn điềm tĩnh hỏi thăm một người trong một căn nhà còn đèn sáng. Các con hỏi chọc "Có phải Bố hỏi 'Ông ơi, có biết nhà tôi đâu không?' Ông già cười xoà đúng kiểu của riêng ông. Ông đúng là người đi con đường chính giữa. Các con cháu ông nếu thấm thía sự dung hòa ấy thì sẽ hưởng chút ánh sáng từ viền ngọc trong ông. 

Gìn vàng giữ ngọc cho hay!  Nguyễn Du dạy thế. Bố Sỹ cũng dạy thế.

Doãn Kim Khánh

07.31.2024