Dec 26, 2023
Dec 8, 2023
NHỚ CHÚ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VÀ NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN - Doãn Quốc Sỹ
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Lúc đó chú Toàn cũng không ngờ người bạn vong niên của mình sắp chia tay để đi xa, nhưng không phải là đi vượt biên. Vào đầu Tháng Năm 1984, Doãn Quốc Sỹ cùng một số văn nghệ sĩ Miền Nam khác bị bắt lần thứ hai, vì tội chuyển các tác phẩm của mình ra nước ngoài để phổ biến. Thời điểm đó cũng khép tạm khép lại những ngày tháng khốn khó nhưng cũng là đẹp nhất trong giai đoạn sau 1975 của gia đình tôi và một số gia đình thân hữu văn nghệ sĩ khác, trong đó có chú Nguyễn Đình Toàn.
“Những Ngày Xưa Truyện Đẹp”của chúng tôi, theo cách nói của nhà báo Trần Đại Lộc, kéo dài từ đầu năm 1980 cho đến Tháng Năm 1984. Nó bắt đầu từ lúc bố tôi được trả tự do từ trại tù Gia Trung Pleiku ngay trước tết nguyên đán, và kết thúc khi bố tôi đi tù lần thứ hai. Trong bốn năm ngắn ngủi này, căn nhà của bố tôi là nơi gặp gỡ của nhiều văn hữu Miền Nam: Nhã Ca, Hoàng Hải Thủy, Duy Trác, Dương Hùng Cường, Thái Thanh, Trần Quang Lộc… Chúng tôi gần gũi, thân thiết với gia đình chú Toàn cũng trong thời gian này. Trước 1975, bố tôi chắc chắn có biết nhưng không thân với chú Toàn. Sau biến cố Tháng Tư Đen, giới văn nghệ sĩ vì chung hoàn cảnh thất thế trước thời cuộc, cho nên gần gũi với nhau hơn. Bố tôi đi tù lần đầu tại trại Gia Trung, ăn cơm tù chung với Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng… Doãn Quốc Sỹ được thả lần đầu năm 1980, chú Duy Trác được tự do khoảng một năm sau đó. Những người mới trở về làm cái nhân để kết nối sự gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ khác, tạo nên một khoảng thời gian đặc biệt cho một số văn nghệ sĩ ở lại Việt Nam sau 1975, như lời bài hát Ở Lại Để Thấy mà chúng tôi vẫn thường ngân nga trong giai đoạn đó:
…Ở lại để thấy những nỗi vui không đến tình cờ
Ôi nỗi vui nào cũng âu lo…
Vui sướng - âu lo là hai phạm trù trái ngược. Nhưng có âu lo thì nỗi vui mới được hân hưởng thực sự. Trong những năm tháng đầu tiên sau 1975, nỗi lo lớn nhất là cơm áo gạo tiền. Khi những người văn nghệ sĩ bị tịch thu ngòi bút, việc bương chải kiếm sống khó khăn hơn nhiều so với tầng lớp khác trong xã hội. Khi các ông đi tù, thì thường các “bà Tú Xương” và các con phải tự tìm cách xoay xở, chỉ cho nhau kế sinh nhai trong thời buổi gạo châu củi quế. Trong khoảng thời gian đầu thập niên 1980s, cô Oanh vợ của chú Dương Hùng Cường đã khởi xướng cho một nghề thú vị, giúp cho nhiều gia đình văn nghệ sĩ có kế sinh nhai: nghề bán “căn tin” (canteen) trường học. Cô Oanh dạy ở trường Hồng Bàng, nhận ra rằng mỗi năm trường có đấu thầu để chọn người bán thức ăn uống cho học sinh ở căn tin trường. Thấy người bán thức ăn với giá khá mắc, cô nghĩ đến chuyện đấu thầu căn tin, bán với giá rẻ hơn nhưng vẫn đủ tiền nuôi con và nuôi chồng đi tù. Cô làm năm đầu tiên thấy thành công, từ đó kêu gọi các gia đình văn nghệ sĩ khác làm điều tương tự ở những trường khác. Gia đình chú Duy Trác bán căn tin trường Mạch Kiếm Hùng Quận Năm; gia đình tôi bán tại trường Petrus Ký- Lê Hồng Phong, có gọi con của chú Toàn đến bán phụ. Thời đó, các gia đình liên lạc với nhau đều đặn, chỉ nhau những mối lấy thức ăn ngon và rẻ, truyền nhau kinh nghiệm bán hàng sao cho có lãi. Thân với nhau thêm là vì vậy. Cực, nhưng vui vì đỡ lo gánh nặng kiếm việc làm.
Bán được một thời gian thì chú Dương Hùng Cường mất trong tù. Cô Oanh mất sau đó không lâu vì tai nạn xe cộ. Họa vô đơn chí! Chúng tôi tìm mọi cách để vực dậy tinh thần các em con của cô chú, đùm bọc lẫn nhau. Cũng may mắn, con cái cô chú Cường vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, về sau này vươn lên thành công trong xã hội Việt Nam. Chúng tôi nói rằng chắc nhờ cô chú phù hộ.
Trở lại với chú Toàn, chú đến nhà tôi chơi nhiều nhất cũng trong khoảng thời gian 1980-1984, sau khi bố tôi và chú Duy Trác đi tù đợt một trở về. Đó là giai đoạn mà chú thỉnh thoảng đạp xe về Sài Gòn để thăm bố tôi, chú Trác; và chúng tôi thường xuyên hơn đạp xe lên lên Làng Báo Chí để chơi với con chú Toàn, con bác Thanh Thương Hoàng. Trong những buổi họp mặt, chú Toàn luôn là một con người trầm mặc. Tôi còn nhớ điều gây ấn tượng mạnh nhất của chú Toàn đó là phong thái nhã nhặn, lịch sự. Điều mà người ta hay nhắc đến với những người Hà Nội thuộc năm tháng cũ. Hình ảnh chú cầm ống pip, châm lửa, thở khói thuốc đều rất khoan thoai, nghệ sĩ. Phong cách đó của chú vẫn giữ nguyên trên bàn mạc chược. Khoảng năm 1977, gia đình giáo sư Nguyễn Tư Mô mang một cái bàn mạc chược đến nhà tôi. Sau đó vài năm, cái bàn mạt chược này trở thành nơi gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ trí thức Miền Nam: chú Trác, chú Toàn, nhà báo Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc. Có lần có cả bác Vũ Đức Duy nữa. Chú Toàn đánh mạt chược thường thua nhiều hơn thắng. Chúng tôi còn nói đùa rằng người hào hoa lịch thiệp như chú thì nhất định phải “đen bạc”, bởi vì “đỏ tình” là điều khó tránh khỏi.
Sự lịch thiệp còn thể hiện qua các sinh hoạt văn nghệ ngay trong thời buổi kinh tế khó khăn, và công an thường xuyên theo dõi giới văn nghệ sĩ. Hồi đó, chúng tôi thường có những buổi văn nghệ bỏ túi ở nhà tôi, nhà chú Duy Trác. Hát ở nhà chưa đủ thấy lãng mạn, có người nghĩ đến việc ngồi trên đò ra giữa sông Gài Gòn để hát. Những buổi hát trên đò như vậy thường xuất phát từ nhà họa sĩ Nghiêu Đề ở cư xá Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn, bên kia bờ là Làng Báo Chí. Tay đàn chính là nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Gia đình chú Duy Trác, chú Toàn, vợ chồng bác sĩ Dũng-Lệ, hoạc sĩ Vũ Trong Khôi… là những người thường có mặt. Trong những đêm trăng, ngồi trên một con đò nhỏ, hát cho nhau nghe bằng cây đàn thùng. Sự thanh tao thể hiện rõ qua cách chơi, trong thời buổi mà cả xã hội chỉ lo đến cơm áo gạo tiền…
Đối với tôi, một trong những dịp thể hiện rõ nét về phong cách của chú Toàn đó là khi chú cầm đàn tự đàn và hát những ca khúc của mình. Là thế hệ sinh sau, đẻ muộn, tôi không có dịp biết nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trước 1975, cái thời mà chú làm mê mẩn cả nước với chương trình Nhạc Chủ Đề. Nhưng tôi thực sự cảm nhận tính chất thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ của chú trong những buổi chiều cuối tuần, chỉ có hai chú cháu, chú cầm đàn hát những ca khúc mới của mình sau 1975. Chú bình luận về nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến… rồi giải thích về những ca khúc mình mới sáng tác. Có nhiều người nói rằng bác Phạm Duy hát một số ca khúc của mình là hay nhất. Tôi nghĩ rằng điều này cũng đúng với chú Toàn. Bởi vì không có ai có thể hiểu hơn tác giả tại sao chọn ca từ này, giai điệu kia trong ca khúc. Trong một buổi chiều khi nói về những bạn bè đã và sắp vượt biên, chú cầm đàn và hát:
…Yêu em lửa đỏ thiêu ta
Yêu em địa ngục than tro
Yêu em khi đất nước không còn chi
Ai đi đi mất không người quay về
Không ai còn nhận ra ai
Sao em vào được tim tôi
Đêm qua ai trốn ra ngoài phương trời
Bao nhiêu thân xác chôn vui giữa khơi…
Rồi nhắc đến một Sài Gòn hoa lệ trước 1975, nhớ những người bạn văn nghệ sĩ nay ở khắp chốn phương trời, chú hát:
…Sài Gòn ơi, đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
Tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Đâu quầy hoa, quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly
Sài Gòn ơi, thôi hết rồi, những ngày hát bên nhau
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu…
Chú đàn chầm chậm, thường là nhịp điệu theo cảm hứng. Giọng chú hát thật nhỏ, ngân nga trầm bổng giai điệu, như kể lể về những niềm nhớ không tên của mình, bằng cái giọng mê hoặc của chương trình Nhạc Chủ Đề thuở nào. Thật là một cảm xúc khó tả…
Sau đó một thời gian, không nhớ rõ vì sao mà chúng tôi có được cuốn cassette từ hải ngoại gởi về, Tắm Mát Ngọn Sông Đào qua giọng hát của Khánh Ly. Vào thời điểm đó, nghe Khánh Ly hát những ca khúc từ trong nước gởi thì chỉ có “đứt ruột!”, như cách nói của người bạn Đ.K trong nhóm. Lúc đó, không mấy ai biết tác giả của nhiều ca khúc trong cassette là của Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn. Khánh Ly hát hay thì không phải bàn thêm, nhưng tôi vẫn nhớ nhất những bài hát đó qua chính giọng hát của chú Toàn, độc nhất vô nhị…
Về sau này, khi ở Mỹ, khi chú cho xuất bản tác phẩm Thơ & Ca Từ vào năm 2022. Nhờ vậy tôi mới biết lời của nhiều bài nhạc là thơ của chú sáng tác. Đọc thơ, nghe nhạc, hát lời ca của Nguyễn Đình Toàn, thật khó mà đoán cái nào được sáng tác trước. Hình như đối với ca khúc Nguyễn Đình Toàn, lời hát đã là một bài thơ, và trong giai điệu đã có sẵn ca từ. Một sự thể hiện trọn vẹn tính cách thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ chỉ trong một con người…
Bây giờ chú Toàn đã đi xa. Đã có rất nhiều bài viết nói về người văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa này. Nhưng đối với gia đình tôi, chú Toàn vẫn gắn liền với những ngày tháng khốn khó nhưng đầy kỷ niệm sau 1975 ở Sài Gòn. Những “Ngày Xưa Truyện Đẹp”, những năm tháng không bao giờ quên…
Doãn Quốc Hưng