Không biết hai hoạt động “học” và “dạy” này cái nào đến trước cái nào đến sau? Câu trả lời: cả hai xảy ra cùng một lúc. Khi dạy là có học. Có người dạy học thì phải có người học thì cái sinh hoạt dạy – học mới xảy ra được! Một câu hỏi lẩm cẩm được đưa ra chỉ là cái cớ cho việc kể chuyện “tôi học đàn với ‘anh thầy’ dạy tôi đàn” mà thôi.
Dạy – học đàn violin.
Tôi khởi sự học đàn từ năm bảy tuổi, theo đuổi môn đàn violin cho đến năm mười sáu tuổi. Như vậy cái vốn có được cho việc đàn, cầm đàn, kẹp đàn trên vai, sử dụng cái “archet” kéo lên xuống để phát ra tiếng đàn, tạo tiếng đàn và nhịp theo nốt nhạc là tôi đã có đủ các kỹ thuật cần thiết. Thế rồi sau đó tôi hoàn toàn không đụng đến đàn địch gì cả. Lâu lâu lắm, phải đến bốn mươi lăm năm sau (45) tôi mới lại được cầm đàn và học lại. Không thể ngờ là ở tuổi U70 mà mình còn đứng tập đàn được!
Thật là kỳ diệu!
Anh Thầy gạt phăng đi:
- Đừng nói vậy nhen, bố anh đến năm 90 tuổi mà ông vẫn còn tập đàn ngày vài tiếng. Chỉ hai năm trước khi mất ông mới thôi tập. Ông mất lúc ông 93 tuổi.
Lại thêm chuyện nữa, một duyên lớn, là tôi gặp lại anh Thầy ở Hoa Kỳ, miền Nam California.
Hôm nay gặp lại anh, làm nhớ lại thuở xưa “ngày xưa chuyện đẹp” cả nhà tôi thường khi tập họp đông đủ. Một thời ca hát và đàn địch. Ai có ngón đàn gì thì đem ra hòa với nhau. Anh Thầy đã được nhắc nhiều về tiếng đàn lả lướt những bài bolero, nhạc lính Trần Thiện Thanh với thằng em Út đệm piano.
- Trời ơi, nhớ ngày xưa ghê luôn. Mấy đứa tụi bay có biết anh Thầy Đờn ở đâu trên xứ Mỹ này không? – Chị Hai hỏi. Anh chị Hai từ xứ Úc xa xôi vượt đại dương qua thăm gia đình.
- Em nghe nói ảnh ở San Diego, để xin số điện thoại liên lạc được với ảnh thì mình đi xuống thăm nha chị Hai.
Kể từ đó chúng tôi đã nối lại được mối dây thân tình từ xa xưa với gia đình anh.
Cây đàn thứ nhất tôi có được ở Hoa Kỳ chỉ là loại đàn cho học trò con nít học. Nó nhỏ so với tôi. Tôi chẳng màng to nhỏ lớn bé, vì đâu có thầy và đâu tập tành gì và đâu có bài vở gì cả.
Một hôm anh Thầy đến chơi nhà, thấy tôi khoe có cây đàn nhặt được lề đường.
- Em học đàn lại đi, anh dạy cho. - anh gợi ý tôi học đàn lại.
- Anh sẽ mang xuống cho em cây đàn ngày xưa anh đi học ở trường. Nó trung bình tốt, nhưng đối với cây đàn này thì chắc chắn là hơn rồi!
Thế là tôi có một cây đàn tốt hơn mình mơ tưởng, kích thước “full size” 4/4.
Có những khi giữa lúc nghỉ khi tập đàn, tôi nghĩ mình phải có món quà tặng anh Thầy với lòng tri ân và ghi ơn. Liền bèn tâm sự với anh:
- Anh Thầy ơi, làm sao em trả ơn và trả công anh tặng cây đàn và dạy đàn cho em đây?
- Không cần! Vì ngày xưa khi qua đến Hoa Kỳ, anh cũng nhận được sự trợ giúp của các vị thầy trong trường. Họ kiếm học bổng cho anh đi học. Họ giúp anh tối đa để anh hoàn tất chương trình học Cao Học.
- Do vậy, em cứ yên tâm không lo chuyện ơn nghĩa vì anh đang trả ơn các ông thầy khi xưa.
- Em cứ tập đàn cho giỏi là trả công cho anh rồi!
Anh Thầy bảo tiếp:
- Anh bảo đảm là anh dạy em bây giờ giỏi hơn hồi xưa nhiều!
- Lỗ tai anh bây giờ nhạy bén lắm nha. Và kỹ thuật truyền đạt của anh cho học trò cũng khác xưa.
- Em cứ học thử đi sẽ thấy.
- Dạ, vậy anh sắp xếp xem ngày nào mình gặp nhau trên viber? - Tôi nhận lời liền, đâu phải đợi anh mời lần thứ hai đâu. Dịp may này không thể để nó vụt qua được.
Anh em tôi bắt đầu Dạy và Học. Anh Thầy nhà ở tuốt San Diego, còn tôi thì ở Garden Grove, khoảng cách gần hai giờ lái xe, cầu viber là thượng sách. Nhưng thuận lợi đó, lại có một chút trở ngại là không thể truyền đạt trọn vẹn 100% những gì thầy muốn nói và trò thì không thể nhặt đủ 100% lời thầy truyền dạy. Dạy và học “virtual way” coi vậy là khó khăn!
Tuy nhiên, nhờ đã có sẵn căn bản 10 năm trời học violon nên mọi chuyện cũng êm suôi. Thầy và trò dùng đủ mọi giác quan, thính thị, thị giác và ngôn ngữ để dạy và học.
Trong phương pháp dạy đàn, đôi lúc thầy phải đánh mẫu cho trò nghe. Tiếng đàn truyền qua cellphone hay tablet chỉ còn lại được 90% chất lượng, nhưng vẫn còn để cho trò nắm bắt được. Những cú đánh “archet” mẫu, thầy đàn cho trò xem, thì xem ra rất khó nhìn được qua màn hình. Khung thu hình “Camera” không đủ rộng để thấy toàn bộ cánh tay và cái “archet”. Tôi đành phải căng mắt ra nhìn và lắng nghe. Rồi phải kéo thử để xem đã giống thầy đàn chưa.
- Câu này, dùng đoạn giữa “archet” để đàn ba nốt “la” staccato. - Anh Thầy đàn mẫu.
- Cái “archet” không được tưng cao quá và nhớ thả lỏng tay phải.
- Sao cái tay nó không nghe lời em. Anh cho em tập ở nhà lấy, tuần sau trả bài nha. – Tôi giải bày và xin xỏ.
Đó là chuyện dạy – học thời nay. Học trò già học chậm và hay bị quýnh khi đàn trước mặt ông thầy. Hai tay trở nên bất trị!
Giữ nhịp cho đều. Làm sao giữ nhịp không bị vội lên hoặc bị chậm xuống. Tôi chọn dùng máy gõ nhịp qua “app” gõ nhịp trong cellphone. Tập một bài mới là lúc cần nó nhất để giữ nhịp.
- Độ dài của nốt nhạc phải kéo cho đủ. Ngay cả nốt lặng nghỉ cũng phải đúng nhịp để khi ngồi với dàn nhạc không bị bỏ rơi. - Anh Thầy bảo thế!
Cái bịnh muôn thuở của học trò là trơn tru thì đánh nhanh, bằng ngược lại thì bị chậm. Tôi là vậy, hay lơi lỏng nhịp, nên bị anh Thầy dùng đến ba phương pháp để giữ nhịp. Phương pháp thứ nhất là máy gõ nhịp. Phương pháp thứ hai là “vibration = rung”.
- Quy định là hai cái rung cho một nốt móc. Nốt đen thì đếm được bốn cái rung. Nốt trắng tám lần rung. Và nốt nào cũng rung hết nha. Chỉ trừ một chuỗi nốt nhanh và đổi thế bấm “position” liên tục thì mới miễn rung.
- Đàn hai bài Meditation de Thais - Massenet và Ave Maria - Schubert là để học đếm nhịp qua rung. Đàn đủ chậm để nghe và đếm được số lần rung. Nhịp nằm ở chỗ đó nha.
Và phương pháp thứ ba là tập hai cú “archet” cho một nốt đen. Bốn cú “archet” cho nốt trắng và cứ thế mà tính. Đàn như thế để nhịp nó thấm vào tay trái và tay phải rồi lúc đó mình mới đàn vào bài. Và tôi tập. Tập đủ cả ba phương pháp.
Cuối cùng tôi chọn dùng máy gõ nhịp và rung để giữ nhịp. Phương pháp kia chắc phải thú tội với anh thầy là không hiểu quả đối với tôi. Và xin để nó sang một bên vì nó làm tôi rối tung lên vì phải đếm số archet!
Kỹ thuật rung “vibration”
- Rung làm sao để tiếng đàn nghe oang oang. - Anh thầy bảo vậy.
- Muốn vậy thì lực bấm vừa đủ cho tiếng phát ra và không bấu ngón tay xuống sâu quá thì khoảng lắc qua lại mới đủ rộng để làm tiếng oang oang.
- Kỹ thuật rung cho bài Humoresque thì các nốt được rung nhanh, dứt khoát và mạnh ở đầu nhịp.
- Với bài Ave Maria thì nghe tiếng đàn kêu rồi mới rung. – Anh Thầy đàn mẫu.
- Hiểu chưa? Có muốn hỏi gì nữa không? – Anh Thầy kết thúc buổi học. Anh luôn kết buổi học bằng câu hỏi như vậy.
Tốc độ
Chạy nốt, còn gọi là đàn nhanh, nhanh thiệt nhanh nếu được. Với đàn violin nhanh hay chậm nó đều cần sự phối hợp đúng lúc của cả hai tay. Tay bấm nốt và tay kéo “archet” sao cho đúng. Nếu không sẽ bị trật đường rầy, tiếng đàn bị tịt.
- Cả hai tay đều nhẹ. Tay trái bấm nhẹ thì ảnh hưởng ngay đến tay phải cầm “archet”. Do vậy, tay “archet” đặt rất nhẹ trên dây và kéo. Tay trái bấm vừa đủ để nghe tiếng. Cả hai tay đàn nhẹ thì mới dễ chạy và chạy nhanh hơn được.
- Tay “archet” không được đè, lúc này không dùng cả cánh tay mà chỉ sử dụng các khớp của ngón tay và bàn tay mà thôi.
- Đàn thử anh xem. – Anh Thầy ra lệnh.
Đôi khi cũng dùng đến kỹ thuật:
- “Archet” đặt rất nhẹ lên dây để nó trôi theo sức nặng của chính nó.
- Tay cầm hờ, giữ nó không bị rớt, thế nhé. Khi kéo đến điểm đầu, tay cầm “archet” hướng về trước, giữ luôn thẳng góc với dây.
Khi tôi thực hiện được tiếng đàn đúng là:
- Hiểu chưa? Tiếng đàn violin là vậy đó.
Đó là cách anh Thầy khen thưởng trò.
Thực tập thả lỏng. Đây là một phương pháp hiện đại mà ngày xưa tôi chưa bao giờ được nghe:
- Trước khi đàn, khom gập người xuống, hai tay buông xuôi và thả lỏng, khuấy bột… Đã thấy cơ tay mềm chưa? Rồi lúc đó mới bắt đầu cầm đàn và đàn. Cứ mỗi 15’ buông đàn, lập lại động tác trên.
- “Archet” đã đặt lên dây, trước khi đàn nhớ hít một hơi sâu và thở ra nhẹ, tiếng đàn phát ra theo hơi thở ra… Tiếng đàn đã nhẹ chưa?
Tôi thích thú với lối dạy mới thật mới của anh Thầy. Dường như anh Thầy đã áp dụng sự thả thỏng, buông thư của nhà Thiền.
Cũng vậy, tôi xem việc tập đàn hằng ngày giống như việc lau gương soi mặt. Mỗi ngày phải ít nhất một lần lau nó cho sạch bụi bẩn. Bụi bẩn không còn thì hình ảnh phản chiếu từ gương sẽ rõ ràng, sáng rõ. Học đàn cũng vậy, không thực tập hằng ngày thì làm sao có được tiếng đàn sạch, ngón tay trơn tru chạy trên phím cho được?!
Do vì thích lau gương cũng như học đàn hằng ngày như thế nào thì ngược lại vế bên kia người dạy đàn chắc cũng hứng khởi dạy. Tôi ngẫm và đoan chắc là anh Thầy cũng vui và hạnh phúc vì có một học trò già mà học giỏi như tôi!
Hơi có một sự tự tin đó, nhưng chắc là đúng không sai.
California, ngày 31 tháng 12 – 2022
Doãn Cẩm Liên