Mar 29, 2012

Thất tinh


Nhóm nguyệt san Sáng Tạo khi xưa gồm "thất tinh" 
- không phải "thất tình"
mất 4: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế, Ngọc Dũng.
Nay còn 3:

Trần Thanh Hiệp

Duy Thanh và Doãn Quốc Sỹ

Sáng Tạo
(Sưu tầm by Anh Quân)



Tháng 10 năm 1956 tạp chí Sáng Tạo ra đời. Tờ báo đáp ứng một sự thiếu vắng, nó được hoan nghênh ngay.

Trước “vận hội mới” quần chúng độc giả chờ đợi một xuất hiện mới trên lãnh vực văn nghệ. Loại thơ văn trên báo Đời Mới của Trần Văn Ân chẳng hạn không còn sức thu hút nữa, những sáng tác ra mắt trên nhật báo không thể thõa mãn, tờ Mùa Lúa Mới vẫn chỉ là của một địa phương. Tờ Sáng Tạo chính đã đến đúng lúc. Và nó đã nhằm đúng vào tâm trạng quần chúng: chờ cái mới.

Thoạt ra mắt, Sáng Tạo đã phát động ngay “một nền nghệ thuật mới”, “nghệ thuật hôm nay”. Phát động thật ồn ào. Mười bốn năm sau, Mai Thảo nói về lúc khởi đầu ấy vẫn còn nói bằng giọng say sưa: “Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu” (1) – Cách mạng chống lại cái gì? Phá bỏ cái gì vậy? – Những cái không thuộc về hôm nay: “Trong một thực trạng dày đặc những chất liệu của sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân thu, những luận đề Tự lực.” (2) Cuộc cách mạng này “tựu trung vẫn chỉ là lịch sử tiến trình biện chứng của những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế” (3)

Nhưng đến khi cần biết về “ngọn triều lớn” thì không thể biết gì rõ ràng. “Văn nghệ hôm nay” chủ trương ra sao? Đưa ra lý thuyết gì? Vạch ra những đường lối gì? Bác bỏ văn nghệ hôm qua ở chỗ nào? – Nhóm Sáng Tạo không có giải đáp: “ … thế nào cũng được. Điều đáng ghi nhận là lên đường ấy đã có.” (4) Vâng, thì lên đường đã được ghi nhận xong; nhưng lên đường đi về hướng nào đây? Về thi ca, Mai Thảo bảo rất đại khái: “Và thơ bây giờ là thơ tự do.” (5); về các bộ môn khác, không thấy có ý kiến gì. Thơ tự do không phải là cái mới mẻ nữa. Nó không phải là sáng kiến của văn nghệ hôm nay, của cách mạng. Sau này, có lần Mai Thảo thú nhận: “Tôi không nhìn Sáng Tạo như nơi phát xuất và hình thành một dòng văn học nghệ thuật. Lớn chuyện quá. Một tinh thần nào, một cách thế thì có.” (6)

Nhìn như một tinh thần, thì đó là một tinh thần đổi mới đầy tự tin, đầy hứng khởi. Tinh thần ấy có sức lôi cuốn, động viên; một tinh thần đáng tán thưởng. Nhưng nhìn như một cách thế, thì cách thế Sáng Tạo có những chỗ khó bảo là “tuyệt đẹp”. Chẳng hạn trong lối “khai tử” nền văn học tiền chiến có một cách thế kiêu căng; chẳng hạn trong lối diễn đạt của những vị trong nhóm chủ trương có một cách thế kiêu kỳ; hoặc hoa hòe hoa sói, kiểu cách ưỡn ẹo, hoặc tối tăm rối rắm.

Tuy nhiên Sáng Tạo đã có những đóng góp đáng kể. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn 31 tháng, nó đã phát huy được một số văn tài đông đảo. Nhiều người trong số đó về sau, sau khi tờ tạp chí đình bản, tiến lên giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động văn nghệ riêng biệt của mình. Thanh Tâm Tuyền dần dần viết truyện nhiều hơn làm thơ, viết truyện rất thành công và có ảnh hưởng rộng trong văn giới lớp sau; Doãn Quốc Sỹ chủ trương một nhà xuất bản, giới thiệu thêm một số cây bút mới nữa (trong đó có Phan Nhật Nam); Nguyên Sa rồi đứng ra chủ trương các tạp chí Gió Mới, Hiện Đại, và có một uy thế riêng; Tô Thùy Yên, Sao Trên Rừng (sau đổi ra là Nguyễn Đức Sơn) rồi trở thành những thi sĩ có bản sắc đặc biệt; Dương Nghiễm Mậu sáng tác mỗi lúc mỗi phong phú mỗi độc đáo, chủ trương nào nhà xuất bản nào tạp chí Văn Nghệ (cùng với Lý Hoàng Phong), là một cây bút xuất sắc hoạt động mạnh mẽ cho đến ngày cuối cùng của Miền Nam v. v…


Võ Phiến

(Trích “Văn Học Miền Nam Tổng Quan”
(Võ Phiến, Nxb Văn Nghệ, tháng 7-1988)



Mar 28, 2012

His Name Is Michael - Donna M. Marriott


[...]

He appeared at my classroom door in the middle of a busy morning gripping the hand of a harried school secretary... The secretary handed this child to me and rattled off the institutional essentials: "His name is Michael.  He is a bus rider.  He doesn't speak English." 

... Michael existed marginally on the outside of the group.  Sometimes he was on the outside looking in; sometimes he was on the outside looking out... I met with the bilingual resource teacher to chat about concerns and possibilities...  She came. She watched. She listened. On the way out she said, "You might have better results, dear, if you call him Miguel."

... Miguel didn't stay with us for long. His family moved on to follow their own calendar of opportunities... Miguel's paperwork arrived about three weeks after he had moved away.  I was going through the folder, updating it for his next teacher, when I noticed something that made me catch my breath.  His name wasn't Michael.  It wasn't Miguel.  His name was David.

... I wonder how it was that this child could have been part of my classroom for more than a month, and in that entire time he never had enough personal power to tell me that his name was David... I have to do a bit of guessing about what was going on in David's head.  I am guessing that he was told to respect la maestra - to "be good" in school.

...  I don't have to do much guessing at my own complicity... In the entire breath of my experience, people had called me by my given name. In those few instances when someone mispronounced my name, I would offere a oplite but prompt correction.  I was taught to speak up for myself.  I was given the power to be me... I never considered checkin in with David about his name.  It was beyond the scope of my experience.  It was beyond the lens of my culture. 

... Our power distance was huge.  I had all the power.  I was white; I was the teacher; I spoke English.  David had no power.  He was brown; he was a child; he spoke Spanish.  Our sense of individualism clashed. 

... I have learned many difficult lessons in the years since David sat submissively on the edge of my classroom.  I have learned lessons about passive racism - the kind that we cannot see in ourselves, don't want to see in ourselves, and vehemently deny.  I have learned lessons about implicit power and explicit powerlessness - about those voices we choose to hear and those voices we unknowingly silence.  I have learned that being a good teacher is as much about rapport and relationships as it is about progressive curriculum, pedagogy, and assessment. 

... If I could go back to that day when the secretary brought in a little boy with carefully combed hair wearing a crisply pressed shirt, I would shake his hand and say, "Hello.  My name is Mrs. Marriott.  What's your name?"  I believe that if I had simply asked him, he would have told me.

Donna M. Marriott

Source: Academic Reading - College Major and Career Application, Kathleen T. McWhorter

Mar 25, 2012

Chuyện kể ...

 
Đoàn hướng đạo của Oui tập trung tại park trong thành phố Westminster,
để cùng đi đến Irvine Lake
thực hiện buổi "Cắm trại câu cá" (ngủ qua đêm)
 

Oui thuộc loại cao lớn hơn các bạn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Oui gan dạ hơn các bạn.
Bằng chứng là Oui năn nỉ bố Hưng đi chung để ngủ lại đêm với Oui.
(Đây là lần đầu tiên trong đời Oui ngủ trại không có bố và anh Nô)


Đoàn xe rời thành phố  Westminster 

đến Irvine lake tại thành phố Irvine.



Chỗ này có nguyên bãi trống mênh mông 
tha hồ mà cắm lều câu cá.

 


Đến nơi, mỗi người một việc.





Phụ huynh bác Liên phụ bưng bánh bò

Các phụ huynh khác phụ chuẩn bị củi đốt, 
dựng bàn, dựng lều.  


 
 Hướng đạo sinh lo dọn đá để dựng lều 
(tối nằm đỡ bị đau lưng)


 
Ông không biết phụ gì ...
nên ông đi lang thang ngắm cảnh.



 Chuyện kể chỉ có thế thôi! 

Mar 22, 2012

Đêm khuya tội nghiệp - Doãn Quốc Sỹ

Đêm khuya tội nghiệp

Chú gà mà đi ăn đêm,
Thấy hạt cơm mềm vung vãi đâu đây.
Đêm khuya tội nghiệp cho mày,
Vất vả canh chày một bóng thành hai.
 
Doãn Quốc Sỹ
 
 Photo: Tĩnh Độ 

Mar 18, 2012

Thăm các bạn - Doãn Quốc Sỹ



Hôm nay, ngày chủ nhật, 18 tháng 3 năm 2012, con gái út của tôi, ở nhà  vẫn thường gọi là Út Hương, đề nghị đưa tôi đến nghĩa trang thăm mộ một vài người thân.  Nói là làm, Út Hương đưa tôi đến nghĩa trang ở đường Bolsa và Beach.  Thoạt tiên thăm mộ anh bạn trẻ Trần Đại Lộc. Anh Lộc là chỗ thân tình của gia đình tôi.  Các con tôi vẫn gọi thân mật là anh Hai. Anh Hai trang bị cho các con tôi những điều cần thiết để hiểu về văn nghệ.

 

Sau đó, tôi tới thăm mộ anh Mai Thảo - người bạn văn nghệ thân thương từ thuở tôi là "dân Bắc Cờ di cư” vào Nam năm 1954; rồi chúng tôi gặp nhau, chủ trương nguyệt san Sáng Tạo.



 

Anh Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý. Anh sinh năm 1927, nghĩa là kém tôi 4 tuổi.  Mai Thảo mất vào năm 1998.  Anh có đời sống thật là nghệ sĩ.  Có thể nói là thuần túy nghệ sĩ vì một tháng nói đủ 30 ngày, anh có mặt tại vũ trường.  Đôi khi anh có mang tôi đến tiệm nhảy.  Khi tiệm đóng cửa, anh thường đưa thêm một em vũ nữ đi theo. Chúng tôi cùng đến một tiệm ăn nào đó, ăn bữa cơm khuya thân mật. Sau đó, anh đưa em vũ nữ về gần nhà em, rồi mới về nhà mình. Ngủ muộn tức dậy muộn! Đó là lý do thuở anh làm việc tại tòa báo Sáng Tạo, chúng tôi ai cũng biết ít nhất phải đến 10 giờ anh mới thức giấc và ra ngồi tại bàn làm việc.

Con gái Út của tôi có nói đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi thăm mộ bạn. Nghĩa trang mênh mông thế này, chưa từng biết bạn nằm đâu, đi kiếm mộ bạn đâu phải dễ! Chắc chắn hương hồn của ông bạn đã dẫn dắt tôi đến nơi ông nằm nghỉ cuối đời này.


Doãn Quốc Sỹ

"Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời, sẽ hiểu thôi."

Mai Thảo (1927-1998) 

Mar 15, 2012

Kỷ niệm đệ tam chu niên cô Út rời quê nhà


cho DH

A ha! Lấy vòng kim cô riệt đôi chân xinh xắn lại
Không cho nó chạy khỏi quê nhà
Không cho nó chạy khỏi quê nhà ...
Chao ôi! Nửa chừng câu thiên lý
Lại mọc ra vó ngựa đường xa
Nhịp nhàng nhịp vấp dây bịn rịn
Làm sao hốt lại giọt lệ nhòa


Thôi thì bỏ xứ mà đi trớt
Có nhớ cũng đành mượn bờ môi
Khóc lên một tiếng
Ơi, một tiếng
Một tiếng dài như kiếp mây trôi
Thiên lý chạy vòng nửa trái đất
Đói lòng ăn chút bụi quê nhà
Hớp miếng gió quê cay tròng mắt
Hột lệ nào khóc miết không ra



...
Hột lệ nào khóc miết không ra
Chiếc khăn đành thiếu giọt sương nhòa
Hai tay khép lại khuôn trời cũ
Chân đi quên ngoảnh lại quê nhà
Em đi như hạt rụng thành hoa
Rắc hương trong áo mỏng đường xa
Chỉ có câu thơ là ở lại
Thả dấu lặng chìm giữa tiếng ca

Phan Ni Tấn 07/03/09




http://www.youtube.com/watch?v=3x3GIGxOUFA



Photos - Bồ Kỳ Nam & Bồ Hùng Dũng

Mar 12, 2012

Ánh Mắt - Dương Năm Hưng

 

Tôi đến Texas lần đầu tiên vào cuối năm 2009 để thăm Cụ Ông và Cụ Bà lúc ấy đang ở cùng nhà với Thái Hằng.
Vừa bước chân vào cửa, tôi đã nghe tiếng của Thái:
-    Mẹ có nhớ ai đây không?
Cụ Bà ngẩng đầu lên một chút rồi chăm chú nhìn.
Mọi người đều chú ý đến Cụ Bà lúc đó; tôi bước gần lên một chút nữa
-    Con nè, bác nhớ con không?
Cụ Bà lại ngước mắt lên:
-    Ông Năm Hưng …
Mọi người đều ồ lên một tiếng đầy ngạc nhiên:
-    A mẹ nhớ ra rồi.
Thì ra thời gian gần đây Cụ Bà quên nhiều rồi, nghe nói Vinh qua thăm cũng không được Cụ Bà nhìn ra .
Nhưng tôi lại được nhớ kỹ, có lẽ là ...
Lần đầu đến nhà thăm Khánh là lần có cả hai cụ Sỹ về Saigon ăn Tết. Khi được giới thiệu là bạn của Khánh thì điều đầu tiên tôi nhận xét là Khánh rất giống Cụ Bà, từ khuôn mật cho đến thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn. Trong khi nói chuyện với Cụ Bà, tôi nói:
-    Khánh rất giống bác, nhất là cái mặt.
-    Thế à? Khánh giống tôi lắm hả?
Câu hỏi này được lập đi lập lại nhiều lần và tôi phải trả lời nhiều lần. Mỗi lần tôi lại đổi câu trả lời một chút, chẳng hạn như:
-    Khánh chừng vài chục năm nữa sẽ có y chang khuôn mặt bác bây giờ.
-    Khánh chừng 20 năm nữa thôi là hình ảnh của bác lúc này đây.
Nhưng lúc ấy tôi không biết sự lập đi lập lại của bà là dấu hiệu thời kỳ đầu của bệnh Alzheimer.
Sau đối thoại ban đầu này,mặc dù căn bệnh quên,  Cụ Bà vẫn tiếp tục nhớ tôi. Lần gặp lại bà trong kỳ triển lãm tranh đầu tiên của Vinh ở California, tôi được Cụ Bà ưu ái thốt gọi:
-    Ông Năm Hưng!
Cụ Bà quen gọi tôi là “ông” như thế dù tôi được giới thiệu là bạn của con gái bà. Giọng bà gọi “ông” ban đầu dè dặt, sau thân thuộc hơn, nhưng đến khi Cụ Bà nhìn thẳng vào mắt tôi và kết tội: “Ông Năm Hưng đã cuỗm con gái của tôi rồi!” thì tôi giật mình.Vậy hả? Ui chèng ui !!! Tôi nhìn bà và nhận ra một vẻ hóm hỉnh trong ánh mắt.Tôi không ngờ sự kiện con gái rượu của Cụ Bà có bạn trai lại gây cảm xúc mạnh đến như thế. Đó là lý do tại sao Cụ Bà nhớ tôi lâu …
Rồi thời gian cứ trôi. Bệnh của Cụ Bà ngày càng tiến triển nặng hơn. Không ăn trực tiếp được, rồi dần dần hôn mê. Tình trạng này càng kéo dài thì việc chăm sóc của vợ chồng Thái Hằng càng cực khổ và khó khăn.
Mọi người trong đại gia đình thay phiên nhau qua Texas phụ giúp phần nào cộng việc của vợ chồng thằng con cả. Nhưng chỉ có cô Út là còn thỉnh thoảng hàng tháng, còn thì Hiển và chị Thanh thì hàng năm vì đường xá xa xôi cách trở; họ phải đi từ Úc sang Mỹ.
Sau lần cuối cùng cấp cứu thì cả gia đình đều quyết định chuyển bà vào nursing home vì công việc chăm sóc đã quá tầm tay của vợ chồng Thái Hằng. Cụ Bà đã có nhiều biến chứng khác sau thời gian nằm một chỗ. Rồi sau thêm nhiều lần cấp cứu nữa, Cụ Bà được chuyển sang dịch vụ hospice dành cho những người sắp mất.
Cả gia đình đều chuẩn bị cho những ngày này rất kỹ. Chị hai Thanh báo động để mọi người ai có được thì đi Texas tiễn chân Cụ Bà.
Có cả Cô Cô, Chú Chú đi nữa.
Lần đến Texas này vào đầu tháng 9 nên thời tiết nóng ác liệt. Rời khu vực có máy lạnh của phi trường, cả nhóm đều bị cái nóng làm điên đảo. Về đến nhà, Thái sắp xếp chở mọi người thay phiên vào thăm Cụ Bà từng nhóm một.  Những người ít mệt vào trước, những người mệt nhiều vào sau.
Đến sáng hôm sau thì Hưng đề nghị tất cả đều vào cùng một lúc và dùng số đông để hợp lực cầu nguyện cho Cụ Bà.
Sau một hồi kinh, cả gia đình vây quanh giường của Cụ Bà và tranh nhau gọi:
-    Mẹ, mẹ …
-    Chị, chị …
Quả nhiên, với sự cộng lực truyền sang, Cụ Bà bắt đầu mở mắt. Sau một thời gian dài hôn mê, đây là lần đầu tiên cụ mở mắt.
Cái nhìn lúc ban đầu của Cụ Bà ngơ ngác , chưa định hướng và không tập trung. Nhưng chỉ đợi có thế, mọi người bắt đầu nhao nhao tự giới thiệu:
-    Mẹ, con Út nè.
-    Mẹ, Khánh nè mẹ.
-    Mẹ ơi, Thanh đây.
-    Chị, em là Quý đậy.
Hưng từ từ nói thêm:
-    Mẹ, mọi người đến thăm mẹ nè. Có Bố. có cô Quý, chú Phong nữa đó.
Lúc này Cụ Bà mở mắt lâu hơn một chút. Và khi mắt bà mở thật to thì sự chăm chú làm mọi người ngạc nhiên.
Ánh mặt Cụ Bà nhìn mọi người rất ư là linh hoạt, như thể chưa bao giờ bệnh. Ai nấy lại nhao nhao tự giới thiệu.
Cụ Bà chỉ nhìn khi ai có tiếng nói. Cụ mở mắt ra nhìn, cái nhìn như thâu tóm lấy những hình ảnh quen thuộc và yêu quý, nhất là hình ảnh của đám con yêu quý của một thời nâng niu, bồng ẵm, chăm chút cho đến lúc trưởng thành. Ôi, con của tôi!
Ai cũng được đứng bên cạnh giường của Cụ Bà để được bà nhìn, cái nhìn của người vợ, người mẹ hay người chị.
Mỗi lần có tiếng xưng danh, Cụ Bà lại mở mắt nhìn, không lâu lắm, nhưng bà nhìn.
Tới phiên tôi, tôi cũng gọi từ cuối giường:
-    Bác, bác, Năm Hưng nè.
Gọi lần một, rồi gọi lần hai. Cụ Bà mở mắt nhìn tôi. Cái nhìn vẫn như ngày nào, ngạc nhiên và vui tươi. Khuôn mặt dường như cố hướng về tôi và ánh mắt dường như nói:
-    A ông Năm Hưng đây rồi.
Thật là may quá, Cụ Bà đã nhận ra tôi. Tôi giơ tay vẫy vẫy, đầu cố gắng thâu nhận ánh mắt vui tươi và có phần hóm hỉnh của bà. Hẳn Cụ Bà đã nhận ra tôi là kẻ “cuỗm” con gái bà.
Kế đó là Vinh, người cuối cùng bước tới chân giường
-    Vinh đây mẹ!
Tôi còn nhanh nhẩu nói phụ:
-    Vinh nè bác.
Cặp mắt Cụ Bà mở to hơn bao giờ hết, nhìn Vinh rất thắm thiết và rất sinh động. Dường như  mắt dốc hết tâm sức để ghi nhận hình ảnh đứa con trái yêu quý của mình. Tôi nghĩ bà muốn nói:
-    Con đó hả, Vinh?
Lần nhìn sau cùng này lâu lắm. Cái nhìn đằm thắm và vô cùng thiết tha. Mắt càng mở to hơn và dường như muốn ôm ấp lấy hình ảnh của thằng con yêu quý. Đến khi Cụ Bà nhắm mắt lại thì mọi người dù có kêu bà cũng không mở nữa.
Và chính nhờ những ánh mắt sau cùng này tôi mới nhận ra một điều: bất cứ một người mẹ nào chắc chắn đều có những cái nhìn giống như Cụ Bà. Rồi mỗi lần nhớ đến những cử chỉ trìu mến thiết tha dành cho con, đến tình thương bao la của mẹ hiền, tôi lại nhớ đến ánh mắt của  người mẹ

Năm Hưng
CA, tháng 3 năm 2012

Mar 9, 2012

spaghetti western - ANH QUÂN



Dear Gia Hưng,

Hôm nọ  mày có viết trên Facebook của tao nhắc về loại phim cao bồi do diễn viên Clint Eastwood thủ vai chính, mày có nói loạt phim không thể bỏ qua vì đây là những phim hay. Đúng như vậy, tao một dạo khoái coi phim cao bồi này lắm vì cốt chuyện cho những người yếu tiếng Anh như tao , dễ dàng theo dõi và nhất là điệu nhạc trong phim nghe rất là đã lỗ tai.

Các loại phim cao bồi này  còn có tên là “spaghetti western” dịch ra tiếng Việt là “Cao bồi mì ống Ý Đại Lợi”, lý do là cả đoàn làm phim từ đạo diễn , quay phim, viết kịch đối thoại, hóa trang …. Là dân Ý hết, chỉ trừ diễn viên là Mỹ hay người xứ khác. Sân  trường quay phim là tại Tây Ban Nha là vì bên đó có vùng đất sa mạc , được xem là nơi duy nhất tại Châu âu có sa mạc và cũng là đất cổ xưa nhất. Tên gọi khu vực đó là Almeria còn mệnh danh là Mini Hollywood . Tất cả các phim cao bồi mì ống quay tại đó và gần đây nhất là phim Indiana Jones phần 3 cũng quay ở đó.

Thường thì phim cao bồi quay tại Mỹ mới đúng, nhất là vùng đất Texas đầy sa mạc , cây xương rồng. Hay đi về Trung Mỹ nơi xuất xứ người “mọi da đỏ” thì mới có Apache cầm cung bắn chết cao bồi Mỹ chứ. Chứ qua đất âu châu chỉ có 6 tháng ấm áp thì quay cái gì?

Nếu giờ ngồi xem lại các phim cao bồi nổi tiếng thì đa số quay phim thập niên 50 rất nhiều. Chẳng hạn phim “High Noon” , do Garry Copper  ( cha mẹ mình thời đó rất mê còn gọi là Garry Cọp  cho dễ) và người đẹp Grace Kelly đóng chung (sau này thành bà Hoàng Monaco) . Nội phim rất đơn giản nhưng phim rất là thu hút làm người xem theo dõi không ngừng trong vòng 80 phút. Chính diễn viên và cũng là nhà võ thuật tài ba Đông Nam á Lý Tiểu Long cũng học vài cảnh trong phim “High Noon” để quay một số cảnh cho phim “Mãnh Long Quá Giang”. Ai đã xem qua thì sẽ lại được đoạn Lý Tiểu Long bị ép rời Ý về Hong Kong trước 12 giờ đêm , cái khoảng chờ đợi và đúng 12 giờ đồng hồ kêu “Cút Coo.. Cút Coo” là học trong phim High Noon.  Ngoài ra có một số phim cha mẹ mình rất mê như là “The River of No Return” (do Robert Mitchum và cô đào sexy Marilyn Monroe đóng) , chẳng những thích xem mà còn thích nghe bài hát mang cùng tên phim, do Monroe hát. Ngoài ra bài đó rất phổ biến bên Hong Kong và được dịch qua tiếng Quảng Đông qua tiếng hát nữ ca sĩ Từ Bình của thập niên 60. Tiếp theo một số phim như là : 3:10 to Yuma (vừa mới quay lại), Gun Fight at the OK Corral , Jubal, The Faster Gun Alive (Việt Nam mình dịch là Bắn Chậm Thì Chết) , Vera Cruz và vv…

Bước qua thập niên 60 , các phim Cao Bồi tại Hollywood bớt dần ăn khách, có lẽ thiên hạ bắn đầu chán loại phim người hùng miền đất hứa, một mình, một tay cầm sung (có khi hai tay hai súng) bắn chết cả chục người.  Họ muốn xem một  cái gì mới , thế là những cuốn phim có lien quan đến đệ nhị thế chiến. Đồng Minh đánh thắng Đức quốc xã ào ào ra đời. Loại phim này mấy anh chị Do Thái xem là khoái nhất , cứ thấy phim đóng mà Đức thua là họ hoan hỉ.

Trong lúc phim Cao Bồi bắt đầu ế độ  thì nhà đạo diễn Sergio Leone liền cho ra một loạt ba bộ phim do diễn viên Clint Eastwood thủ vai chính, một tay sung thiện xạ, bắn ai là người đó phải chết và người đóng vai mang tên Vô Danh (the man with no name). Lúc đó dân châu âu vẫn còn thích phim Cao Bồi, nên loạt phim cao bồi do cây nhà lá vườn vô cùng ăn khách.  Phim đầu tiên là “Fistful of Dollars”, cốt chuyện là mượn từ truyện Nhật Bản có tên là “Yojimbo", một kiệt tác phẩm của đạo diễn trứ danh Nhật Bản Akira Kurosawa, kể lại chuyện một tay samurai đơn thân đến một làng nọ đang có tranh chấp giữa hai băng đảng rồi dùng tài trí khiến cho hai băng đảng tự tiêu diệt lẩn nhau để rồi cuối cùng tay samurai ra đi thủ lợi với một số tiền lớn lao. Sergio Leone thay thế tay samurai bằng một tay súng giang hồ cưởi ngựa đến một thị trấn nọ mà kiếm ăn.

Đạo diễn Sergio Leon thay đổi cach quay phim hoàn toàn khác biệt với Hollywood.  Nếu ai có thú làm phim hay quay phim thì sẽ nhận thấy một kỹ thuật mới mẻ từ châu âu. Thứ nhất là quay cận ảnh, những nét nhíu mày , cái lườm và cái nhìn qua đuôi mắt.  Ai mà đã xem cuộn phim “The Good, The Bad and The Ugly” thì đều nhớ đoạn chót 3 tên cao bồi đứng tại một nghĩa trang để dành vàng, thì lúc đó cái quay sát cảnh ai đấy đều thấy ánh mắt lườm nhau giữa Clint Eastwood và Lee Van Cleff  thật là ngầu. Nhất là cách chuyển cảnh từ ánh mắt này qua ánh mắt kia xem vô cùng hồi hợp.  Rồi quay đôi giày boot, tiếng kêu lóp cóp trên sàn gỗ làm người xem háo hức muốn biết chuyện gì xảy ra. Loại quay phim này vô cùng thành công nên ai mà đã xem qua phim “Mãnh Long Quá Giang” thì khó mà quên ánh mắt Lý Tiểu Long được quay sát cùng với cái nhìn của Chuck Norris sắp sửa đánh nhau tại Roman Colosseum ở Rome . Mới thấy rằng việc quay phim vô cùng khó khan luôn phải xem những phim khác để học hỏi. Chính đạo diễn John Woo (Ngô Vũ Sâm) đã nói ông thành công là nhờ học hỏi cách quay phim của người Pháp về loại phim Xả Hội Đen, nhất là phim Samurai của Pháp do Alain Delong đóng.
Tuy nhiên phim của đạo diễn Sergio Leone thành công được là cũng phải nhờ nhạc sĩ  Ennio Morricone. Nếu không có tiếng nhạc của Ennio thì loại phim Cao Bồi Mì Ống ITALY không cách nào thành công . Thế mà thời gian đầu các phim của Sergion Leone qua Mỹ vẫn chưa ăn khách, ông đạo diễn và nhạc sĩ phải đổi tên cho giống Mỹ , vậy chẳng được trò trống gì , vậy mà vài năm sau trở  thành phim ăn khách. Từ đó đạo diễn Sergion thừa thắng xông lên làm những phim như “Fistful of Dynamic”, “Once upon a time in the west”... tất cả những phim Django  do Franco đóng đều do ông làm đạo diễn. Vì ông là người Ý nên các đối thoại phim của ông rất đơn giản thành ra hợp với quần chúng trên thế giới.  Thêm nữa cách làm phim của ông là trong một con người đều bị lẫn lộn giữa chánh và tà. Một người có hay tới mấy vẫn có cái tham , nên ai xem cũng thấy Clint Eastwood là một người như chánh nghĩa nhưng trong đó vẫn có long tham là đi chia chác vàng bạc sau mỗi vụ kiếm ăn với các tên cướp.  Ông đã cho thấy những thằng bá vơ cướp bốc đi lạc vào một cuộc cách mạng tự nhiên trở thành một anh hung , còn một người một long vì đất nước trở thành anh hung vô danh. Đó là trong phim “Fistful of Dynamic”. Phim này là tao thích nhất , vào khúc chót một thằng cướp đứng khóc cho một người cách mạng chân chính và nó trở thành anh hung dân tộc.

Rất tiếc Sergion Leon đã qua đời năm 60 tuổi vì bệnh tim, nên ông không còn làm them một cuốn phim nào nữa cho chúng ta xem, nhưng phải nói bên Ý Đại Lợi đã sanh ra một số đạo diễn tài ba như ông Vittorio De Sica đã sản xuất ra cuốn phim Bicycle Thieves vào năm 1948 được xem là cuốn phim hay nhất của mọi thời đại. Tuy phim cũ trắng đen mà xem xong tao rất thích , nên tao không lấy làm ngạc nhiên khi các phim Ấn Độ và vào năm 2001 bên Tàu có ra cuốn phim Bicycle Bejing  là học theo tư tưởng của cuốn phim này.

Nói chuyện về điện ảnh thì nói cả ngày chẳng hết. Lúc nào cũng có người làm phim, có người nổi tiếng , có người cả đời chảng ai biết mang đứa con tinh thần của mình xuống tuyền đài mà chẳng ai màn để ý tới mà còn bị nói “đồ dở hơi! Làm phim dở ẹt thế mà cũng làm “..... Thôi xin dừng tại đây.




http://en.wikipedia.org/wiki/File:Fistful_Macaroni.jpg (nguồn của tấm hình đầu tiên)

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/2/28/SergioLeone2.jpg (hình đạo diễn Sergio)

http://www.moviegoods.com/large_detail.asp?http://www.moviegoods.com//Assets/product_images/1020/205440.1020.A.jpg (fistful of Dynamite poster)

Trăng 16


"Con học Thầy hồi đệ tứ, đệ ngũ gì đó, tại trường Hồ Ngọc Cẩn....

Con học kiến thức ở Thầy ít thôi; con học phong cách dạy và tính tình của Thầy rất nhiều!

Khi còn học với Thầy, con chưa đọc tiểu thuyết Thầy viết.  Mãi sau này con mới đọc. Khi đọc "Dòng Sông Định Mệnh", con thích quá, bèn tập tành yêu trăng 16, mặc dù chẳng hiểu tại sao :) "

Mar 3, 2012

Rằng Ơi Là Nhớ - VÂN TRẦN


Rằng Ơi Là Nhớ

rằng...
từ chân bước ra đi
ơi...
nghe thương nhớ thầm thì bên tai
là...
em xuôi một chuyến dài
nhớ...
đành treo ngọn sóng ngoài biển khơi

Vân Trần

Mar 2, 2012

Một bữa ăn của Mẹ! - Nguyễn Minh Hằng


Cụ bà mất sức rất nhiều sau khi vào bệnh viện vì triệu chứng heart attack!!! Điều khó khăn là cụ vốn đã kén ăn, cộng thêm nết ăn của cụ từ xưa tới giờ là phải nhai thật kỹ trước khi nuốt, sẽ là trở ngại rất lớn cho việc bồi dưỡng sức khoẻ. Vả lại, cô con dâu biết mẹ chồng mình có khó khăn trong việc nuốt thức ăn, dường như cổ họng cụ teo lại, làm cho cụ lại càng biếng ăn hơn xưa.

Bữa ăn diễn ra với lời đối thoại giữa cô con dâu và cụ bà:
-    Mẹ thích ăn cơm với thịt ruốc sỏai kho tieu, con làm sẵn rồi. Mẹ ăn đi mẹ.
-    Ừ, thong thả để mẹ ăn…

Cô con dâu đút một muỗng cà phê cơm cho cụ.
-    Đừng xúc nhiều quá, không ăn nổi! Thôi để mẹ xúc một mình vậy!

Cụ xúc tí tẹo cơm vào muỗng cà phê nhỏ xíu… Cô con dâu mặc cả với cụ.
-    No...no… không được mẹ ơi, thêm một chút cơm nữa.

Một cách miễn cưỡng, cụ bà xúc muỗng cơm khác hơi đầy hơn muỗng trước.
-    Thế đó, mẹ giỏi hen!

Cụ nhai chậm rãi nhưng nhăn mặt và than với cô con dâu:
-    Mẹ no rồi! Tí nữa mẹ ăn lại. Cho mẹ uống sữa đi vậy!

Cô con dâu lắc đầu, giọng nhẹ nhàng nhưng không kém phần cương quyết:
-    Không được đâu mẹ! Mẹ mới ăn hai muỗng cơm, chưa đủ đâu!
-    Nhưng mẹ không nuốt được cơm mà, khó nuốt lắm! – Cụ nhăn.
-    Không sao đâu … con có món soup legumes cho mẹ sẵn rồi đây.

Cô con dâu nhanh nhẹn đứng lên hâm lại chén soup, thật sự chỉ là một nửa chén, loại chén kiểu xưa dùng để ăn chè be bé xinh xinh.

Lần này, chính tay cô đút cho cụ bà. Và quả là cụ ăn có khá được thêm vài muỗng.

-    Thôi, không ăn nữa đâu nhé. Mẹ no lắm rồi. Ép mẹ nữa, mẹ ói ra đấy.
-    Không sao đâu mẹ. Mẹ có lỡ ói thì con dọn cho. Nhưng mẹ phải ăn hết nửa chén soup này.

Với giọng cương quyết, cô con dâu tiếp:
-    Mẹ biết không, mẹ mà không chịu ăn thì mẹ sẽ lại phải vào nhà thương. Mẹ đâu có muốn như vậy phải không?
-    Nhưng mà trước giờ mẹ vẫn mạnh khoẻ, tập thể dục đều đặn. Tại sao mẹ lại bị như thế này?
-    Thì tại mẹ gầy quá, thiếu dinh dưỡng nên phải vào nhà thương điều trị.
-    Láo nào! Chắc chắn mẹ phải có vấn đề gì với cái đầu của mẹ đấy!

Cô con dâu cười thầm, hoá ra cụ vẫn đủ tinh tường để cảm nhận được có điều gì không tốt trong sức khoẻ của chính mình…

- Nhưng mà bây giờ không có gì phải lo cả mẹ nhé. Chủ yếu mẹ phải ăn cho khá vào thì mới có sức. Bác sĩ hẹn tuần sau sẽ gặp lại mẹ đó nha.

Với giọng dịu dàng, cụ bà dụ dỗ cô con dâu với đòn tâm lý
-    Thôi không sao đâu. Để đó cho mẹ. Con đi lo cho các cháu ăn đi rồi đi làm kẻo muộn. Mẹ sẽ từ từ ăn hết mà.
-    Uh Uh… con biết mẹ sẽ không ăn. Con mà đứng lên đi làm thì mẹ sẽ đi vào nằm thôi.

Cụ đâm ra gắt gỏng và ré lên cầu cứu ông.
-    Ông ơi … !

Cụ ông đứng từ xa cười hè hè và dỗ dành cụ bà:
-    Mẹ nó ráng ăn đ. Con nó đã có lòng. Phải ăn thì mới có sức!

Cụ mím môi quay đầu đi, nhất định từ chối muỗng soup nhỏ bé đang chờ đợi mình…
-    Mẹ !!!

Cô con dâu gắt nhẹ, rồi lại dịu giọng xuống dỗ dành cụ bà.
-    Con là đại diện cho tám đứa con của mẹ. Con chịu trách nhiệm với các anh chị em ở xa gần trong việc chăm sóc khoẻ mẹ. Mẹ không thương các con của mẹ à???
-    Có chứ…. Mẹ thương con lắm … nhưng mẹ lạy con … cho mẹ ngưng đi, đủ rồi. Cụ năn nỉ cô con dâu.
-    Không … con lạy mẹ mới đúng. Mẹ thương con thì mẹ ráng ăn đi nhé.

Vẫn cương quyết với cụ bà, nhưng cô biết đã đến lúc phải đấu dịu lại với cụ bằng cách dỗ dành cụ bà như trẻ lên ba.

- Wow … còn có ba muỗng thôi mẹ ơi. Sắp xong rồi đó.

………………………………….

Hm, cụ bà tính không trật đi đâu cả … Quả là cô con dâu cố tình đếm lộn số muỗng soup để đánh lừa cụ.

-    Oh … xong rồi nè. Bà giỏi thiệt! Vậy đó! Xong rồi. Hết rồi đó mẹ thấy không. Bây giờ chỉ uống thuốc và đi ngủ trưa nhé.
-    Vâng. Cụ bà gật đầu khẽ nói và nhẹ nhàng uống viên thuốc trợ tim một cách ngoan ngoãn.

Đắp chăn lại cho cụ bà :
-    Mẹ! Mẹ nằm nghỉ nhé. Con phải đi làm lại . Bye mẹ hén.
-    Vâng! Con đi. Mẹ cm ơn con nhé.
-    Dạ. Bye mẹ.

Cô con dâu thở phào nhẹ nhõm bước ra khỏi phòng. Cô có phần hối hận vì phải làm căng với cụ bà nhưng không làm thế, cụ sẽ không bao giờ ăn được hết nửa chén soup cỏn con. Lời cám ơn của cụ bà làm cô mỉm cười, thầm nhủ thế là cụ không giận mình rồi.


Nguyễn Minh Hằng

Mar 1, 2012

Không Đề - Doãn Quốc Thái


Mẹ ơi Mẹ ở nơi xa
đêm qua thức giấc Mẹ về bên con
Mẹ cười nụ nở đơm hoa
xuan về con nhớ Mẹ xưa mắt nhòa

Doãn Quốc Thái