Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh– Trụ Trì chùa Việt Nam Houston
- đang giải thích về ý nghĩa của các nghi thức tang lễ
theo truyền thống Phật Giáo.
Chuẩn Bị Cho Người Hấp Hối, Người Chết Trong Đám Tang Theo Truyền Thống Phật Giáo
(Theo Sự Hướng Dẫn Của Tăng Đoàn Chùa Việt Nam – Houston)
1- Chuẩn bị cho người hấp hối:
- Giữ cho tâm người hấp hối bình an. Muốn giúp cho người hấp hối được bình an thì chính cái tâm của những người thân chung quanh cũng phải bình an. Nhắc cho họ nhớ rằng đã có sinh là có tử. Chết là một tiến trình tự nhiên xảy ra với mọi người, không nên quá sợ hãi.
- Nhắc lại những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc đời của người sắp chết. Nhắc đến những công đức mà họ đã tạo được. Nhắc họ là bây giờ việc đời đã xong, không còn gì để vướng bận. Những người còn lại sẽ lo chu toàn chuyện gia đình, vì vậy hãy sẵn lòng ra đi thanh thản.
- Để cho người hấp hối nghe liên tục tiếng niệm Phật (Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát…), hoặc tiếng tụng kinh. Ngay cả khi người hấp hối đang hôn mê, hoặc đang ngủ, họ vẫn có thể nghe những âm thanh niệm phật, tụng kinh trong vô thức. Điều này quan trọng, vì khi họ chết, thần thức của họ đã quen thuộc với lời kinh, câu niệm phật, nên có thể nương theo đó mà siêu thoát chứ không còn quyến luyến cái thân xác cũ nữa.
- Nếu có thể, những người thân nên cùng nhau tụng kinh, và hồi hướng công đức cho người chết. Kinh Địa Tạng là một bộ kinh nếu tụng được sẽ vô cùng lợi lạc cho người hấp hối. Nguyên tắc quan trọng nhất trong khi tụng kinh cho người hấp hối là NHẤT TÂM VÀ THÀNH TÂM. Chỉ có sự thành tâm của người tụng mới có thể truyền được công đức, sự bình an cho người hấp hối, cho dù họ đang hôn mê.
2- Lúc mới chết:
- Một điều quan trọng cần nhớ đối với người chết: cái thân xác chết đi, nhưng cái tâm thức chứa đầy nghiệp lực của người đó thì không hề mất. Kể từ lúc chết, cái tâm thức này nếu chưa siêu thoát sang một kiếp mới, thì chỉ còn giao tiếp với những người thân còn sống qua tâm ý. Nếu tâm của những người an lạc, thì người chết cũng có thể cảm nhận được sự an lạc đó. Ngược lại, nếu tâm những người thân lo âu, buồn khổ thì tâm người chết cũng có thể bị ảnh hưởng. Hiểu như vậy, ta nên giữ cho tâm mình bình an trong khi hộ niệm cho người chết.
- Yêu cầu để yên xác người thân không để ai đụng tới trong vòng từ 6 đến 8 giờ đồng hồ. Những đụng chạm vào thân xác của người mới chết có thể làm thần thức của họ cảm thấy đau đớn hơn bình thường nhiều lần, làm cho thần thức hoảng loạn, có thể dẫn đến những cõi tái sinh không tốt. Trong suốt thời gian này, tiếp tục tụng kinh, niệm Phật để hỗ trợ tâm linh cho người chết.
- Yêu cầu khi tẩm liệm không lấy đi nội tạng của người mới chết (lý do tương tự như trên).
3- Trong lúc tang lễ:
- Thần thức của người chết nếu chưa siêu thoát, còn ở lại quanh quẩn nơi thân xác cũ sẽ dễ đồng cảm với cái tâm của những người thân thuộc. Nếu người thân khóc thương, sầu thảm có thể sẽ làm tâm thức người chết cũng quyến luyến, khó mà siêu thoát. Do đó, nếu có thương yêu người quá cố thì hãy chuyển tình thương đó vào cái tâm bình an của chính mình để trợ lực cho cái tâm của người chết. Thay vì tiếng khóc, nên chuyển thành lời cầu kinh, tiếng niệm Phật thành tâm để hộ trì cho người chết được nương theo năng lượng bình an của mình mà về với cõi Phật, hoặc tái sinh vào cõi tốt lành. Câu niệm dễ nhất có lẽ là “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.”
- Làm lễ tụng kinh cầu siêu trong lúc phát tang, an táng hoặc hỏa táng để hộ niệm cho tâm linh người chết. Khi nhiều cái tâm của người thân thuộc cùng hợp lại để trợ lực cho người chết trong những buổi cầu kinh như vậy, thần thức của người chết có nhiều cơ hội được siêu thoát nhanh chóng.
- Cúng cơm cho người chết trong suốt thời gian tang lễ cũng là một lễ nghi cần thiết. Thần thức người chết nếu chưa siêu thoát thì vẫn có nhu cầu ăn uống như lúc còn sống, nhưng chỉ dưới dạng “thức thực”, tức là ăn uống chỉ bằng tâm ý cảm thọ. Được người thân cúng cơm với tấm lòng thành, tâm người chết có thể hưởng được, và an ổn trong đời sống “thân trung ấm”, cho nên dễ có cơ hội đầu thai trong cõi an lành.
- Nghi thức cúng cơm, cầu siêu nên tiếp tục trong thời gian 49 ngày sau khi chết, tức là trong thất tuần. Phần này sẽ được phân tích kỹ hơn trong những kỳ tới.
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-67_4-181073_15-2/
Giúp Đỡ Cho Người Thân Sau Khi Chết: Cúng Thất Tuần Theo Truyền Thống Phật Giáo
Hộ trì cho thân trung ấm người chết. (ảnh: www.thienviendaidang.net).
(Theo Tăng Đoàn Chùa Việt Nam – Houston Và Tử Thư Tây Tạng)
Việc cúng thất tuần, bao gồm việc cúng cơm và cầu siêu cho người chết, là một việc làm thường thấy đối với những gia đình theo Phật Giáo. Tuy nhiên, nếu việc làm này không xuất phát từ sự hiểu biết thì sẽ người thực hiện sẽ không có niềm tin. Mà thiếu niềm tin, không thành tâm thì việc cúng kiếng cũng không giúp đỡ được người chết nhiều.
Đạo Phật tin vào thuyết luân hồi, tin rằng người chết sẽ tái sinh vào những cõi khác nhau tùy theo nghiệp lực của chính mình và sự hỗ trợ của người thân. Nhiều người cho rằng đây là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, gần đây do khoa học, y học tiến bộ, nhiều khám phá về cái chết của khoa học rất giống với những gì đã nói trong kinh sách Phật. Y học tiên tiến đã cứu sống được những người đã “chết lâm sàng”, họ kể lại những kinh nghiệm khi mình “sắp chết”, hay “cận tử nghiệp”, thì hoàn toàn rất giống với Tử Thư Tây Tạng đã mô tả: cuốn phim cuộc đời quay ngược lại, kinh nghiệm “thoát xác” thấy được chính mình và những người xung quanh, thấy ánh sáng chói lọi ở cuối đường hầm bóng tối…
Cái tâm thức của người mới chết (linh hồn)- tồn tại dưới dạng năng lượng ánh sáng- nếu không thể nhập vào được Ánh Sáng Căn Bản, hay ánh sáng của thế giới Pháp Tánh (cảnh giới niết bàn & chư Phật), thì sẽ trở lại với một cái thân do ý sanh gọi là thân trung ấm. Đây là cái thân chuyển tiếp của người chết cho đến khi họ nhập được vào bào thai của một đời sống mới. Những người thân còn sống đôi khi thấy người chết trở về chính là ở trạng thái thân trung ấm này. Thân trung ấm mang đầy nghiệp lực của người chết, và cũng bị định hướng trong cõi trung ấm chuyển tiếp bởi chính nghiệp lực này.
Thân trung ấm không bị ràng buộc bởi cái thân xác vật lý, cho nên có thể di chuyển khắp nơi mà không gặp trở ngại. Thân trung ấm có đủ tất cả các giác quan, với mức độ bén nhạy gấp 07 lần giác quan của người thường. Họ vẫn có cảm giác đói khát, hưởng thức ăn bằng ý thức hay “thức thực”. Họ có khả năng cảm nhận được tâm ý của người thân, cho nên khi người thân đau buồn, giận dữ, khởi tâm từ bi hay ác độc đều có thể ảnh hưởng đến họ nhiều hơn khi họ còn sống. Tuổi thọ của thân trung ấm trung bình là khoảng 49 ngày sau khi chết, tuy nhiên vẫn có trường hợp họ “sống” lâu hay mau hơn, cũng giống như tuổi thọ đời thường vậy. Trong khoảng 21 ngày đầu, thân trung ấm có liên hệ mạnh mẽ với cuộc đời, cho nên đó là thời gian tốt nhất chúng ta có thể giúp đỡ cho họ. Cứ bảy ngày một lần, thân trung ấm trở lại với kinh nghiệm của cái chết của mình. Đó là vì lý do tại sao chúng ta cúng thất tuần cho người chết. Lưu ý rằng nếu người chết có nhiều nghiệp lành, có thể họ đã vãng sanh ngay sau khi chết. Tuy nhiên, bởi vì chúng ta không biết chắc được điều này, cho nên việc chăm sóc cho thân trung ấm của họ trong 49 ngày là điều cần thiết.
Những giúp đỡ cho người chết trong thời gian 49 ngày là rất quan trọng. Chúng ta có thể hộ trì giúp họ đi vào cõi vô sinh tử của chư Phật, hay giúp họ có một tái sinh lại trong cõi người một cách tốt đẹp. Qua thời gian này, nếu người chết vẫn chưa siêu thoát, có khả năng họ trở thành ma quỉ, cô hồn vất vưởng ở cõi thế gian này.
Dựa vào những hiểu biết như trên về thân trung ấm, những việc nên làm để giúp đỡ người chết trong vòng 49 ngày bao gồm:
- Cúng cơm cho người chết để họ không có cảm thọ khổ sở vì đói khát.
- Tụng kinh cầu siêu, niệm Phật vào mỗi thất, để vong linh có thể nương theo đó mà vãng sanh ở cõi Phật. Điều cần nhất trong việc tụng niệm là NHẤT TÂM VÀ THÀNH TÂM, bởi vì người chết chỉ có thể giao tiếp với ta qua tâm ý mà thôi.
- Tiếp tục làm việc công đức, bố thí, giúp đỡ người bệnh, người nghèo khổ… và THÀNH TÂM hồi hướng công đức này về cho người chết.
- Thiền định và truyền cái tâm bình an của mình cho người chết
Xin hãy nhớ rằng với lòng từ bi và sự chân thành, chúng ta có thể giúp đỡ cho người chết rất nhiều.
VB