Hồi còn bé tôi rất mê xem truyện hình. Tôi còn nhớ khi còn học mẫu giáo là trường Aurore (hình như giờ là trường Lương Định Của, đường Nguyễn Đình Chiểu), mỗi lần tan học, mẹ tôi đón tôi, đi bộ qua đường Cao Thắng để về nhà, thì đi ngang qua tiệm bán sách, gần rạp Văn Hoa là mẹ tôi mua cho tôi quyển sách hình. Lúc đó tác giả cho các quyển truyện tranh đều “Made In Cholon” như siêu nhân, người điện quang, hiệp sĩ mù... Đây là loại truyện bị đánh giá văn hóa thấp, các gia đình nhà giàu là cấm tiệt không cho con cái đọc, nhưng tôi thấy con cái họ còn mê các tập truyện tranh vẽ này hơn là loại tủ sách nhi đồng quốc tế, bao gồm những loại sách như “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, “Cô bé lọ lem”, “Cô bé khăn quàng đỏ”....
Qua đến năm 1973, quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam. Sinh hoạt văn nghệ và văn hóa Việt Nam bắt đầu thay đổi. các ca sĩ nhạc trẻ Việt Nam bắt đầu hát nhạc ngoại lời Việt, một loạt sách hình Việt Nam được xuất hiện, mới xem là tưởng truyện hình Việt Nam nhưng xem rồi thì không phải. Đó là sách hình ngoại quốc dịch qua tiếng Việt. Hai nhân vật chuyên dịch loại sách này là do Kỳ Phát và Trường Kỳ. Theo lời ông Trường Kỳ kể “... ông anh Nguyễn Văn Thành bầy ra trò dịch sách hình Tây để anh em sống cầm hơi. Kỳ Phát và tôi từ đó làm việc như điên. Phát thì dung giấy sáp tô lại hình của những quyển Lucky Luck, Tintin hoặc Schtroumphs vv... Sau đó là đến lượt tôi ngồi dịch như máy...”
Các loạt truyện như Tin Tin, Tí Hon Thần Lực, Xì Trum, Asterrix và Obelix, Phan Tân Sĩ Phú, Lữ Hân và Phi Lục ... trở nên thu hút đám khách thiếu nhi, các truyện tranh của các chú Chợ Lớn mờ dần trong bong chiếu, ngoài trừ hai bộ truyện hình Tàu còn gây sự chú ý cho đám nhỏ là “Tề Thiên Đại Thánh” và “Phong Thần”. Cho mãi cho đến năm 1975 thì loạt truyện tranh của Nhật bắt đầu gây ấn tượng là “Tiểu Lưu Manh”, nhưng tới lúc đó Miền Nam bị đứt phim. Tất cà mọi truyện hình là loại sách phản động, được trưng bày trong trung tâm “Tội Ac Mỹ Ngụy”, sợ thật ! thế là nhi đồng miền nam phải tự giác từ bỏ các quyển sách hình, nhìn các chú Xì Trum bị đốt trong đám lửa y như màu đỏ tràn dần từ Bắc đến Nam và làm cho mọi người có một cái gì tiếc nuối. Rồi các em thiếu nhi đi làm quen với những câu chuyện Việt Nam từ miền bắc như Anh Kim Đồng, Lê Văn Tám, xa hơn nữa là truyện Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu....
Hầu như tất cả các truyện tranh ngoại quốc ta xem đều là từ các nhà họa sĩ từ Bỉ quốc, vì xứ Bỉ xài chữ Pháp nên lúc bé cứ hay nhầm lẫn là sách hình của Pháp. Trong các truyện tôi xem là tôi thích nhất truyện Xì Trum, có lẽ nhìn các chú Xì Trum đáng yêu, tôi thích hết các chú Xì Trum có tên gọi là Tí Vua (PaPa Smurf), Tí lười (Lazy Smurf), Tí Cận (Brainy Smurf) , Tí Quạu (Clumsy Smurf) , Tí Cô Nương, Tí Siêng (Handy Smurf), Tí Tham (Greedy Smurf) và vv...
Tiếng Anh gọi Xì Trum là Smurfs, tiếng Pháp là Les Schtroumpfs và tiếng Hà Lan là Smurfen. Cha đẻ ra Xì Trum là ông Peyo (tên thật của ông là Pierre Culliford), người Bỉ quốc. Ong sinh vào năm 1928 tại Brussels, bố của ông là người Anh và mẹ là người Bỉ. Ong qua đời vào đêm Giáng Sinh năm 1992, chết vị bệnh đau tim và hưởng thọ 64 tuổi.
Xì Trum được chào đời vào ngày 23 tháng 10 năm 1958. Vào ngày hôm đó Peyo đi ăn cơm với người bạn đồng nghiệp là André Franquin ở một bờ biển tại Bỉ quốc, mà ông André là cha đẻ của loạt truyện hình Spirou et Fantasio (tiếng Việt mình gọi là Phan Tân và Sĩ Phú) loạt truyện này ra đời vào năm 1938, rất thành công bên châu âu như truyện TIN TIN và Asterix. Trong bữa cơm ông Peyo muốn André đưa lọ muối, không biết lý do gì mà Peyo nói không ra chữ muối bằng tiếng Pháp, thế là ông nói luôn chữ Schtroumpfs, thế là gia đình Xì Trum được ra đời nhưng lúc đó ông Peyo đang làm việc cho cơ quan sản xuất truyện hình, của Franco-Belgian Comic (quốc gia Pháp và Bỉ hợp tác phát hành chuyện hình), ông đang vẽ truyện tranh về hai nhân vật thời trung cổ là Johan và Pirlouit (tiếng Anh gọi là Johan và Peewit, còn tiếng Việt mình kêu là Lữ Hân và Phi Lục) và do tạp chí Spriou phát hành. Khi câu truyện tranh “Cây sáo có 6 cái lỗ - The flute with six holes”, hai nhân vật chính là Lữ Hân và Phi Lục nhưng phải cần them cái vai phụ họa, thế là gia đình Xì Trum được tham dự. Cho đến năm 1959 thì ông Peyo mới cho chuyện nhà Xì Trum thành một tập truyện riệng biệt liên tục là 101 anh chàng Xì Trum, tuổi trên cả trăm, riêng Tí Vua trên 500 tuổi, luôn bị tên phù thủy Gà Mên và con Mèo đến bắt sống để đem về chế thuốc trường sanh. Với tài chỉ huy sang suốt của Tí Vua, tất cả âm mưu của Gà Mên bị thất bại và luôn bị thua trận một cách đau đớn.
Truyện Xì Trum thành công cả hai thập niên tại Bỉ và Pháp. Công ty Schliech đồ chơi Đức quốc đứng ra thầu sàn xuất các chú Xi Trum, riêng Quân vào những năm 80 đi Đức chơi, thường mua các chú Xì Trum cho người em trai. Hình như người em Quân đã sưu tầm cũng đến 50 chú Xì Trum rồi. Công ty Schliech mỗi năm sản xuất khoảng 12 chú Xì Trum (trong đó có Tí Cô Nương), cho đến ngày hôm nay đã 300 triệu chú Xì Trum bán toàn trên thế giới. Hai công ty là Xăng Dầu BP và McDonal’s đã sử dụng các chú Xì Trum trong việc quảng cáo.
Vào đầu thập niên 80, các chú Xì Trum thật sự gia nhập vào thị trường Bắc Mỹ qua loạt phim hoạt hình. Chương trình “Saturday morning cartoon” đã phát hình phim hoạt hoạt Xì Trum trên đài NBC của Hoa Kỳ từ năm 1981 cho đến 1989. Đây là chương trình thành công với các em thiếu nhi tại Bắc Mỹ. Vào năm 1989 đài NBC chấm dứt chương trình phim hoạt họa Xì Trum vì số lượng người xem giảm và kế hoạch phát triển chương trình “Today morning show. Cho mãi hơn 10 năm sau công ty Sony Pictures có kế hoạch ra lại phim Xì Trum và được trình làng vào ngày 29 tháng 7 năm 2011. Phim được mang tựa đề “The Smurfs” loại phim 3 chiều – 3D. Phim dài 102 phút, chi phí sản xuất phim là $110 triệu và đã đạt doanh thu là $242.2 triệu.
Nội dung phim xin trích từ Wikipedia
“Khi phim bắt đầu, dân làng Xì Trum đang chuẩn bị cho Lễ hội Trăng Xanh. Nhờ phép thuật, Tí Vua nhìn thấy những cư dân Xì Trum bị nhốt trong những cái lồng, Tí Vụng Về đánh rơi cây gậy rồng, và Gargamel trở nên đầy quyền lực. Ông khuyên Tí Vụng Về không nên rời khỏi làng để đi lấy cây thuốc xì trum, nhưng cậu đã bí mật làm vậy. Gargamel nhìn thấy Tí Vụng Về và đuổi theo cậu về làng. Sau đó là cảnh chạy trốn đầy hoảng loạn, nhốn nháo của những Xì Trum, và rồi Tí Vụng Về chạy trốn vào hang cấm. Tí Vua, Tí Cô Nương, Tí Quạu, Tí Cận và Tí Ngầu phát hiện và đuổi theo cậu, cuối cùng tìm thấy cậu ở rìa dốc đứng. Trong khi cứu Tí Vụng Về lên, họ bị hút vào một lốc xoáy và nó đưa họ đến New York. Cặp đôi Patrick và Grace gặp họ [những Xì Trum] và tất cả họ đã làm bạn với nhau.
Tí Vua nghĩ rằng ông có thể đưa họ về làng chỉ sau hai đêm, nhưng trước hết ông phải biết phép thuật làm được điều này. Patrick nói rằng có một hiệu sách cũ trong thành phố, và họ đi đến đó. Sau một hồi tìm kiếm, họ tìm thấy quyển truyện tranh về chính họ, chứa đựng phép thuật họ cần tìm. Sau khi biết rằng những Xì Trum đang ở hiệu sách, Gargamel đi đến đó và lấy được một cây gậy rồng. Gargamel dùng cây gậy để bắt cóc Tí Vua. Những Xì Trum đã hứa là sẽ không quay về giải cứu Tí Vua, nhưng Tí Vụng Về do bị bỏ ở nhà nên đã không hứa lời hứa đó, và Patrick cũng không hứa như vậy, nên họ nghĩ ra kế hoạch cứu Tí Vua. Rồi những Xì Trum khác cũng đồng ý giúp. Trong lúc đó, Gargamel đang chiết xuất "tinh chất Xì Trum" từ Tí Vua và truyền nó vào cây gậy rồng, khiến Gargamel trở nên quyền lực hơn bao giờ hết.
Patrick và những Xì Trum đấu với Gargamel trong khi Tí Cô Nương cứu Tí Vua. Cùng lúc, Tí Cận đã làm phép và mở được cánh cửa, cậu quay về làng và kêu gọi những Xì Trum khác đến trợ giúp. Gargamel lần nữa bắt được Tí Vua và ném ông lên không, nhưng Patrick đã giữ được Tí Vua lại. Ngay trước khi Gargamel tiêu diệt cả hai, Tí Ngầu bắt được gậy rồng, nhưng lại làm rơi. Tí Vụng Về cố bắt lại cây gậy, Tí Vua và những Xì trum khác nghĩ rằng cậu sẽ không làm được, nhưng, trước sự ngạc nhiên của hết thảy, Tí Vụng Về đã chụp được gậy phép. Không có cây gậy, Gargamel không còn sức mạnh, và Tí Vua phá hủy cây gậy mãi mãi. Rồi những Xì Trum trở về làng. Loạt ảnh trong phần kết thúc phim cho thấy Patrick và Grace có một bé trai và họ đặt tên đứa trẻ là Blue.”
Ngoài ra có hình ảnh dể thương nhất là khi một chú Xì Trum từ biệt New York, chú mặc váy của người Scotland, thì cái váy tung lên thấy phía sau quần lót là chử I love New York. Phim coi rất vui nhộn, nhất là ai là Fan của Xì Trum từ thập niên 70 thì khi xem ít nhiều nhớ lại thời thơ ấu. Những người trẻ lớn lên tại Việt Nam ngày này có lẽ không ai biết là Xì Trum có mặt tại Việt Nam đã gần 40 năm và không hiểu nguyên nhân tại sao được ghi lại là Xì Trum được bắt đầu từ nhà sách Thanh Niên?
Nhạc Xì Trum được hát trong nhiều thập niên qua với các ngôn ngữ khách nau, nhưng bài thành công nhất là bà “The Smurf Song” do tác giả Pierre Karter người Hà Lan và đã chiếm hạng nhất trong chương trình nhạc POP tại 16 quốc gia và hơn 10 triệu đĩa CD được bán ra.
Ngoài ra còn có những công viên giải trí thiếu nhi mang tên Xì Trum. Vào năm 1984 xuất hiện tại Bắc Mỹ, Quân đã đi thăm làng Xì Trum trong công viên Great America gần San Jose. Vào năm 1989 vùng Lorrain tại Pháp đã có công viên Smurf có tên là Big Bang Schtroumpf. Tại khu vui chơi Canada’s Wonderland đã có làng Smuf. Vậy ai ghé Toronto nhờ bạn bè dắt đi khu Wonderland.
Phim Xì Trum là một cuốn phim giải trí nên đi xem vì phim sẽ cho chúng ta quên đi những ngày đi làm mệt nhọc và những lo toan trong cuộc sống. Đây là phim đáng nhớ của mùa hè 2011.
ANH QUÂN