May 29, 2011

Nhân Tiệc Gây Quĩ Nối Vòng Tay Lớn 3: Nhìn Lại Công Tác Giáo Dục Thanh Thiếu Niên Của Liên Đoàn Hướng Việt

 Múa Quạt Cô Tấm Ngày Nay

Vào tối Chủ Nhật 22/05/2011, tại nhà hàng Seafood Palace, Hội Phụ Huynh Liên Đoàn Hướng Đạo Hướng Việt đã tổ chức tiệc văn nghệ gây quĩ Nối Vòng Tay Lớn lần 03. Đây là tiệc được tổ chức 02 năm một lần, nhằm gây quĩ để trang trải các chi phí hoạt động của Liên Đoàn Hướng Việt. Trong buổi tiệc này, một đại diện của phụ huynh đã nhắc  nhiều đến sự thành công trong công tác giaó dục thế hệ trẻ của liên đoàn, một thành quả mà các tổ chức thanh thiếu niên trong cộng đồng Người Việt Đất Mỹ của chúng ta đều mong muốn đạt được.

Liên Đoàn Hướng Việt mới thành lập vào năm 2005 tại Irvine, năm nay là năm thứ 6, cũng tương ứng với tiệc gây quĩ Nối Vòng Tay Lớn lần thứ 3. Dù chỉ trong một thời gian ngắn, liên đoàn Hướng Việt phát triển nhanh chóng. Số lượng 250 đoàn sinh hiện nay  là một con số bị “chặn trên” bởi Liên Đoàn Trưởng, bởi vì liên đoàn không đủ nguồn lực để chăm sóc đông các em hơn nữa. Chứ nếu “"mở cửa tự do"” thì không biết dân số của liên đoàn sẽ là bao nhiêu! Có phụ huynh phải để con mình trong waiting list tới hai năm mới được nhận vào, và họ cảm thấy không hề hối tiếc.

Đâu là lực hấp dẫn của liên đoàn Hướng Việt? Hội Trưởng Hội Phụ Huynh trong buổi tiệc gây quĩ nói rằng liên đoàn Hướng Việt giống như một trường huấn luyện. Các trưởng là thâỳ chính, phụ huynh là các phụ giảng, và lsự thành nhân của các em là đích đến. Hướng Việt là liên đoàn có tổ chức hội phụ huynh chặt chẽ và lớn mạnh nhất, bởi vì việc tham gia vào hội phu huynh là tiêu chuẩn bắt buộc để con em mình được nhận vào sinh hoạt trong liên đoàn. Hàng tháng có kỳ họp bắt buộc đối với phụ huynh, và liên đoàn có 136 gia đình thường xuyên tham gia. Nhiều người trong số họ là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, các doanh nhân… rất bận rộn với công việc hàng ngày. Tuy nhiên, ý thức được sự quan trọng vai trò giáo dục  con em mình, các anh chị phụ huynh đã không nề hà bỏ công sức, thời gian để tham gia vào hầu hết các sinh hoạt liên đoàn. Từ việc có mặt trong những buổi sinh hoạt hằng tuần ngoài công viên, cho đến tham gia tổ chức các kỳ trại liên đoàn. Liên Đoàn Hướng Việt là liên đoàn duy nhất có tổ chức một trung tâm Việt Ngữ riêng cho liên đoàn, với số lượng khoảng 70 em học sinh (cũng là đoàn sinh của liên đoàn), chia thành 04 cấp lớp. Chính phụ huynh và các trưởng là thầy cô giáo của các lớp Việt Ngữ này. Trong chương trình văn nghệ của tiệc gây quĩ, phụ huynh chính là những nhạc công keyboard, violin, guitar… Quan khách có nhận xét rằng ban nhạc nghiệp dư này quá “pro”, cho nên họ tưởng đây là ban nhạc của nhà hàng!

CÔng tác giáo dục thế hệ trẻ  của các trưởng  và phụ huynh  liên đoàn  Hướng Việt ra sao? Kết quả có lẽ thể hiện phần nào qua phần trình diễn của các em trong chương trình văn nghệ gây quĩ tối hôm ấy. Một trưởng của liên đoàn nói rằng khi tự chọn bài hát cho mình, không biết các em có sắp xếp hay không, mà giống như các em có mộng sẽ làm chủ thế giới tương lai. Thiếu Đoàn Mê Linh hợp ca bài Heal The World. Chim Non Gi Gi, cô ca sĩ nhỏ tuổi nhất của đêm văn nghệ (10 tuổi), tự giới thiệu dõng dạc bằng tiếng Việt bài hát Top Of The World của mình. Cặp song ca Minh Quân- Thanh Hà của Thanh Đoàn Lạc Việt rất tự tin trong bài hát The Whole New World. Chuyện mạnh dạn tiến vào và thành công trong mainstream ở xứ Mỹ đối với các em chỉ là vấn đề thời gian.

 
 Hợp Ca Con Tim Việt Nam của lớp Việt Ngữ Hướng Việt

Hướng Việt là tên, mà cũng là mục tiêu của Liên Đoàn. Mục tiêu này chắc liên đoàn cũng đạt được. Em Vy An của Thiếu Đoàn Mê Linh đơn ca bài Tình Ca của Phạm Duy rất chững chạc. Các em Chim Non và Thiếu Nữ rực rỡ muôn màu trong các bộ áo tứ thân, đậm chất dân tộc trong màn múa quạt Cô Tấm Ngày Nay. Phần trình diễn của các em được kết thúc với baì hợp ca Con Tim VIệt Nam của lớp Việt Ngữ của liên đoàn. Nhìn những gương mặt thơ ngây, cùng hát tiếng Việt dù nói còn chưa sõi, khó có ai nghĩ rằng các em khi lớn lên sẽ quên cội nguồn Việt Nam.
Trong lời kết thúc đêm văn nghệ Nối Vòng Tay Lớn 03, liên đoàn trưởng Thiên Hương có nhắc lại một phần ý nghĩa của tiệc gây quĩ này là để cho phụ huynh của liên đoàn có dịp kết thân với nhau, với các trưởng hơn. Từ đó người mới biến thành người cũ, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động của liên đoàn trong tương lai. Nối Vòng Tay Lớn là vậy đó.

Với một chủ trương, tổ chức hoạt động chặt chẽ như vậy, phụ huynh  liên đoàn có thể tin chắc rằng sự nghiệp  giáo dục thế hệ trẻ của liên đoàn  Hướng Việt sẽ tiếp tục thành công. Hy vọng liên đoàn Hướng Việt sẽ có điều kiện để mở cửa đón nhận thêm các con em gốc Việt vào liên đoàn của mình trong tương lai.

Đoàn Hưng

May 25, 2011

ăn chay - THÍCH PHƯỚC TỊNH


[...] 

Việc ăn cũng là điều quan trọng cần lưu ý.  Khi ăn chay, thức ăn chay thanh khiết giúp thân thể được nhẹ nhàng, nuôi dưỡng và tăng trưởng tâm thương yêu.  Khi ăn mặn, chúng ta không chỉ đơn thuần ăn một miếng thịt; chúng ta ăn một sinh mạng của chúng sanh ấy.  Bên cạnh đó, chúng ta đem cả  tâm thức của chúng sanh ấy vào trong ta.  Trước khi chết, các loài động vật kia thường đem theo nỗi kinh hoàng, sự đau đớn và thù hận vào trong từng thớ thịt của nó.  Những loại độc hại này không có loại thuốc tẩy, hay nước lửa nào có thể phân hoá được.  Cho nên khi ăn vào,  tất cả tâm thức phẫn hận, uất ức, sợ sệt còn trong thịt của nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của chúng ta, khó điều phục vô cùng.  

[...]

Trích "Sử Phật Giáo" - Thích Phước Tịnh  
 

May 24, 2011

BÔNG BỤP


Họ hàng nhà bông bụp có nhiều giây mơ rễ má lắm Út.  Cái em trong hình, lá chĩa năm như lá phong, tên là Abutilon - có nhiều màu đẹp lắm. 

 

Trong vườn nhà Peel có 2 màu hồng và cam - có điều hoa nở khum khum giống như lồng đèn, chứ không toe toét như em bên Lampson :) 


Trò chơi mùa hè

Mùa hè đến ...


 ĐI SỞ THÚ ...


 hoặc

ĐI RA NGOÀI TRỜI VẼ

 hay ...


 ĐI TẮM BIỂN



CHƠI CÁT

CHƠI LEO TRÈO

CHƠI XÍCH ĐU 


Bạn chơi trò nào?

May 18, 2011

LÃNG ĐÃNG THIỀN SƯ ...

 Nike: Ê, Hanala.
Anh Oui không để ý đến tụi mình!

 Hanala: Phải rồi! Tui bên chân trái,

... bạn bên chân phải.
Vui thiệt! 

 Nike: Anh Oui mang giày vào rồi mà vẫn chưa để ý đến tụi mình!

Hanala: Yeaah ... "Lãng Đãng Thiền Sư" mà!
Có gì là lạ ?! :)


Đối thoại thật:
- Út: Ouiii, sao mang vớ chiếc này, chiếc kia?
- Oui: Không sao đâu Út!
- Út: Không được! Vào phòng đổi vớ ngay!
- Oui: Không sao đâu Út, đến giờ đi trường với bố rồi.
- Út: .... thở dài ... 

May 11, 2011

NHÂN NGÀY LỄ PHẬT ĐẢN 2555, NGHĨ VỀ ĐẠO PHẬT CỦA NGƯỜI VIỆT Ở MỸ, CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG NƯỚC


Chùa Thiên Mụ - Huế
 
Cách đây 36 năm, người Việt đất Mỹ bắt đầu trang lịch sử tị nạn của mình bằng các đợt bỏ nước ra đi để lánh nạn cộng sản, tìm tự do. Người Việt bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, bỏ lại người thân,  bỏ lại những thói quen, nếp nghĩ cũ, lao mình vào một xã hội mới, hoàn toàn khác lạ để mưu sinh. Về mặt tâm linh, những người theo đạo Công Giáo, Tin Lành thì không gặp nhiều khó khăn để tiếp tục niềm tin tôn giáo của mình trên Đất Mỹ, vì nền văn minh Tây Phương gắn liền với Ky Tô Giáo.

Nhưng người Phật Tử Việt thì phải mất nhiều thời gian hơn để có được một môi trường sinh hoạt tôn giáo của mình trên quê hương mới. Khi đã bắt đầu tạm ổn định cuộc sống vật chất, điều mà nhiều Phật Tử quan tâm nhất chính là khôi phục lại các sinh hoạt tâm linh đã phải bỏ quên trong những năm đầu. Bắt đầu là phải có thầy. Có một số thầy đi từ rất sớm, cùng đi tị nạn, đi vượt biên, sang Mỹ cùng với Phật tử. Nhưng cũng có những thầy sau này từ trong nước được cử đi do sứ mạng tôn giáo. Vì Phật tử Việt ở Mỹ ngày càng đông thêm, mà không có đủ thầy để chăm sóc đời sống tâm linh. Người Việt mình trọng chữ hiếu lắm. Nghĩ đến lúc cha mẹ mất mà không có đến thầy tụng một thời kinh cầu siêu là cảm thấy áy náy lương tâm vô cùng. Rồi các thầy và Phật tử bắt đầu dựng chùa. Những mái chùa đầu tiên chỉ là những căn nhà được sửa sang lại, thí dụ như chùa Việt Nam ở trên Los Angeles. Những năm sau đó, Phật tử giàu hơn, người Việt ở Mỹ bắt đầu có những ngôi chùa lớn,thậm chí còn đẹp hơn, rộng rãi hơn những ngôi chùa trong nước, thí dụ như chùa Việt Nam ở Houston.
Sau 36 năm, mọi chuyện giờ đã khác. Chỉ nói riêng đến người Việt Quận Cam, có thể khẳng định rằng Phật tử Việt có dư thừa phương tiện cho đời sống tâm linh của mình.  Khu vực Little Saigon có lẽ là nơi có mật độ chùa tính trên đầu người dân Việt là cao nhất thế giới, ở Việt Nam chắc chỉ có Huế mới sánh kịp. Chùa lớn, chùa nhỏ khắp nơi. Có những ngôi chùa chắc chỉ có vài chục Phật tử là thường xuyên lui tới. Đã có một Thầy nói rằng các Phật tử vì quí trọng mấy thầy, xây chùa riêng cho thầy mà làm hại mấy thầy! Mỗi thầy một chùa, quá trình tu tập thiếu tăng thân, thiếu tăng đoàn nên cũng khó tinh tấn hơn. Phật tử ở Mỹ còn có thật là nhiều tông phái để chọn lựa: Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông…Phật Giáo theo truyền thống Việt Nam, truyền thống Trung Hoa, truyền thống Tây Tạng đều có đủ. Cuối tuần nào cũng có lịch giảng của các thầy, Phật Tử tha hồ mà lựa chọn cho phù hợp với căn cơ của mình: thầy Phước Tịnh, thầy Hằng Trường, thầy Tâm Thiện...Phật tử ở Mỹ còn có cơ hội diện kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, nhân vật Phật Giáo nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, điều mà Phật Tử trong nước có mơ cũng không thấy! Có một số Phật tử mới sang định cư một hai năm gần đây nói rằng từ hồi sang Mỹ đến giờ, đời sống Phật Pháp, tâm linh của mình phong phú hẳn ra. Đúng là nghịch lý, vì trước đây đâu ai có nghĩ ra là sang Mỹ lại có nhiều điều kiện tu học hơn ở Việt Nam!
Như vậy thì chuyện gì đang xảy ra với đạo Phật và Phật tử trong nước?

Nhớ lại khoảng cách đây 05 năm, khi mà lần đầu tiên chính quyền CSVN cho phép Thiền Sư Nhất Hạnh và tăng đoàn về nước, nhiều Phật tử trong nước đã vui mừng vì nghĩ rằng lịch sử Phật Giáo Việt Nam đã sang một trang mới tươi sáng hơn. Ngày ra đón sư ông và tăng đoàn tại Tân Sơn Nhất, nhiều người quen biết nhau từ trước qua chuyện làm ăn, công việc ngoài đời, nay mới nhận ra rằng “phe ta” đều là “fan” thầm lặng của sư ông Làng Mai từ lâu nay mà không biết! Vui quá! Chắc đất nước sắp mở cửa thực sự rồi. Nhưng rồi niềm hy vọng ngắn ngủi đó cũng tan theo mây khói. Năm 2009, người Phật tử Việt bàng hoàng theo dõi “biến cố Bát Nhã”, dẫn đến việc toàn bộ tăng đoàn của Làng Mai bị trục xuất khỏi tu viện Bát Nhã. Rồi mới đây, Thiền Sư Nhất Hạnh chính thức mở trung tâm tu học tại Thái Lan. Một trong những người  Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến Phật Giáo của nhiều quốc gia Âu Mỹ lại không có chỗ đứng ngay tại quê hương mình. Tất cả những sự kiện kể trên chứng tỏ rằng sẽ mãi mãi không có gì thay đổi về đạo pháp tại Việt Nam nếu CSVN vẫn còn độc quyền cai trị.

Ở Việt Nam vẫn có rất nhiều chùa. Vẫn có rất nhiều người đi chùa vào những ngày rằm, mồng một, ngày Phật Đản, Vu Lan… Nhưng đa phần đó chỉ là hình thức tôn giáo. Chính quyền Việt Nam luôn tìm mọi cách để giới hạn vai trò của Đạo Phật tại Việt Nam chỉ là một tôn giáo. Triết học Mác Lê Nin nói rằng tôn giáo là thuốc phiện, các chế độ phong kiến, tư bản dùng nó để ru ngủ quần chúng, cho nên phải dẹp bỏ thì mới có đấu tranh giai cấp. Và bây giờ chính họ lại muốn Phật Giáo làm công việc này để ru ngủ người dân trong nước. Chứ đạo Phật mới mẻ, khuyến khích con người có tư tưởng cách tân, đưa Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày theo kiểu thiền sư Nhất Hạnh thì quá nguy hiểm cho chế độ, phải loại trừ ngay trong trứng nước!

Lấy đời sống tâm linh của đa số người dân miền Bắc hiện nay ra làm thí dụ. Trước đây, họ chỉ có một niềm tin, đó là chủ nghĩa xã hội, bác và đảng. 30 năm sau khi kết thúc cuộc chiến, những niềm tin này rơi rụng dần. Nhiều người còn nhận ra được niềm tin trước đây của mình dựa trên những điều dối trá, bịa đặt. Từ đó, cuộc khủng hoảng niềm tin bắt đầu trong hàng triệu con người. Mỗi người tự đi tìm lấy một niềm tin mới cho riêng mình. Một niềm tin rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam là tin vào tiền: “ Tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, ôi tiền là hết ý!”. Làm giàu là lý tưởng cao cả nhất, vì có tiền là có tất cả. Nhưng không phải ai cũng làm giàu được, cho nên nhiều người vẫn cần có những niềm tin khác. Vì những tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo… đều bị hạn chế ở miền Bắc, người dân đổ theo khuynh hướng mê tín dị đoan. Tin vào thần thánh, ma quỉ, vong linh … Những niềm tin nào càng đơn giản, càng dễ tin theo kiểu “mì ăn liền” càng dễ phát triển. Ở Miền Bắc xuất hiện hàng loạt các “nhà ngoại cảm”, chuyên nói chuyện được với cõi âm để tìm ra mộ người chết. Phong trào lên đồng bóng nở rộ, ngay cả với giới thanh niên, có học thức cao. Có ông đại tá quân đội, trước đây chỉ biết có bác và đảng, nay nói chuyện về khoa học cõi âm, về thế giới vô hình như là một sự thực không cần tranh cãi. Nhiều quan chức lớn có thầy địa lý, thầy tử vi, thầy bói… làm cố vấn cho mình. Trong khi đó, những ngôi chùa ở miền Bắc ngày càng mất đi tính chất trang nghiêm, không còn là nơi trở về để thêm sức cho tâm linh nữa. Ai đã từng nghe bài thơ Đi Chùa Hương thơ mộng của Nguyễn Nhược Pháp, nay có dịp trở về Việt Nam trẩy hội chùa Hương sẽ thất vọng não nề. Ở đó bây giờ là chốn sô bồ, người ta đến để mua thần bán thánh chứ không có hương vị nào của Phật Pháp. Các ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hà Nội là chỉ là địa điểm du lịch, hoặc khách thập phương đến đó để cầu xin cho gia đình được bình an, sung túc. Chắc chẳng có mấy người dân biết Trúc Lâm Yên Tử là cái nôi của Phật Giáo đời Trần, là thời kỳ rực rỡ nhất của Phật Giáo Việt Nam, lúc mà đạo Phật đi vào vương triều, làm quốc gia phát triển hưng thịnh về mọi mặt.

Thật là đáng tiếc! Mảnh đất tâm linh còn hoang sơ như vậy mà không được gieo mầm hạt giống chánh pháp để có hoa trái tốt lành sau này, nay lại trở thành những cánh đồng cỏ hoang dại. Bởi vì chính quyền Việt Nam muốn như vậy. Đạo Phật càng được phát triển một cách có hệ thống, nhà nước càng có nhiều khả năng mất thế độc đảng lãnh đạo. Bởi vì Đạo Phật trao cho con người một cái nhìn tự do, vượt thoát ra khỏi những ràng buộc của cuộc đời, từ đó con người vượt thoát ra khỏi những nỗi sợ hãi. Mà chính quyền Việt Nam bây giờ cai trị người dân chủ yếu bằng sự sợ hãi. Khi mà người dân không còn sợ, dám làm, dám nói những điều có lợi cho xã hội, đất nước, ngày đó Việt Nam sẽ thay đổi.
Nghĩ xa thêm một chút nữa, nhân sinh quan Phật Giáo không những có thể giúp cho cuộc cách mạng Hoa Sen có khả năng sớm chín muồi ở Việt Nam, mà còn chuẩn bị môi trường thuận lợi cho nền dân chủ của đất nước trong tương lai. Nhiều người lo ngại rằng ngay bây giờ mà Việt Nam có dân chủ, rất có thể tình hình hỗn loạn sẽ xảy ra tương tự như Iraq. Người dân một nước với lòng sân hận, căm thù khó mà sử dụng món quà dân chủ một cách thích hợp để xây dựng lại đất nước. Nếu như bất bạo động là phương pháp đấu tranh duy nhất phù hợp cho việc đòi lại nền dân chủ trong nước, thì tấm lòng từ bi, vị tha cũng sẽ là hành trang vô cùng quan trọng để dân Việt nuôi dưỡng và phát triển xã hội dân chủ. Mà từ bi, vị tha là những bài học đầu tiên của người Phật Tử. Cách nhìn nhân quả của Phật Giáo cũng rất cần thiết cho một xã hội Việt Nam dân chủ. Người trong nước bây giờ có cái nhìn ngắn hạn quá, dẫn đến một cách sống chụp giựt cho riêng bản thân, gia đình mà bất cần đến tương lai, bất kể đến người khác. Cách suy nghĩ này đang đẩy tương lai Việt Nam vào ngõ cụt. Tin vào nhân quả, người dân Việt sẽ có ý thức hơn với mọi hành vi trong hiện tại, tin tưởng vào những hành động có lợi ích trong tương lai, hành động luôn có ý thức về tác hại đến những người xung quanh. Đó chính là con người của một xã hội dân chủ văn minh.

Có thể kết luận rằng trong nhiều khía cạnh, Phật Tử ở Mỹ có nhiều cơ duyên để gần với chánh pháp hơn nhiều người Việt trong nước. Có vẻ nghịch lý, nhưng đó là một sự thật! 36 năm nay, người Việt ở Mỹ vẫn đóng vai trò thành trì dân chủ- tự do cho người trong nước Việt Nam. Bây giờ, người Phật Tử ở Mỹ thấy mình có thêm một trọng trách nữa: đem cái nhìn về đạo Phật áp dụng trong xã hội, trong đời sống thường ngày về cho người đồng đạo còn ở lại quê hương…

Hoa Sen


Chùa Bảo Quang (Santa Ana) vẫn còn đang tiếp tục mở rộng

May 8, 2011

GOLDEN GOOSEBERRY

Though this intriguing berry grows wild in many locations throughout the continental United States, it's generally cultivated in tropical zones such as Hawaii, Australia, New Zealand, South Africa, Asia, and Central and South America. At first glance the cape gooseberry with its inflated, papery skin, looks somewhat like a Chinese lantern. The bittersweet, juicy berries that hide inside the skin are opaque and golden in color. Imported cape gooseberries are available from March to July.

The English had a passion for gooseberries and in colonial days gooseberry wines, pies and puddings were very popular. However, today many of those recipes have all but disappeared from cookbooks. 

http://www.fruitsandveggiesmatter.gov/month/gooseberries.html

May 7, 2011

BÀ MẸ TRẺ - Gã Khổng Lồ

Bà mẹ trẻ và Gã khổng lồ

Ừ thì cũng nhân ngày Mother’s Day nên tui có chút chút viết về người Mẹ Trẻ của tui.

Trước khi có MẸ TRẺ, tui đã từng có MẸ GIÀ; MẸ GIÀ có công sinh thành và dưỡng dục, rồi chứng kiến bao mặn ngọt chua cay trong đời thằng con từ thuở lính tráng đến thuở cải tạo. Tưởng thế là xong, dè đâu trong những ngày còn lại, khi tóc đã hai màu, đời tôi lại xuất hiện một MẸ TRẺ. Và đây là điều tui muốn kể lại cho bà con nghe chơi.

MẸ TRẺ tui đặc biệt nhất là tài chỉ huy tui, từ chuyện ăn uống đến chuyện ăn nói. …
Phải bị chỉ huy chuyện ăn uống vì tui có thân mình hơi bề bộn một chút, lại có tật mỗi khi ăn mà thức ăn hơi bị ngon là tui cảm thấy không dừng được. Thứ hai là sau khi đi học tập về thì thề sẽ không còn ăn cực khổ nữa; bữa ăn phải có thịt có cá. Và sau đó thì hơi phát tướng một chút. Cứ tưởng không sao cả, vì mấy năm trước cứ diet tốt thì sau một vài ngày đã thấy xẹp bụng lại liền … ai mà dè … cái bụng cứ dần dần tiến lên theo tuổi. Một vài người thân, bạn bè lâu lâu gặp lại. liếc sơ qua một cái, đã có lời khen liền: “Bác N. coi bộ hơi nặng cân ra hả?”! Chết chưa. Thế là ngó lại cái bộ vó của tui liền. Ý cha cha, coi bộ không sai mấy. Diet mà không triệt để. thì không xong với Bà Mẹ Trẻ của tui. Mấy món tui thích như giò heo, như cheese và cả đậu  phụ chiên cũng bị kiểm soát tối đa. Trong bữa ăn ở nhà hay ở tiệm, hễ có mấy món ăn tôi thích khẩu thì y như rằng Mẹ Trẻ sẽ xen vào: “Để … ăn dùm cho … “ và sau đó thì lại còn càm ràm suốt: “Ăn thế thì bảo sao càng ngày không càng phình ra?”
Tội nghiệp cái thằng “tốt bụng” hay ăn này, bị vây bủa bởi vô số những “phải” và “không được”
“Mổi ngày phải đứng trên  cân một lần để kiểm soát sức nặng …”
“Nếu không đi bơi mỗi ngày phải đi bộ hay đạp xe 30 phút …”
“ … sau 8 giờ tối thì tuyệt đối không được ăn gì thêm …”
“ … khi chiên cái gì thì cũng xài bớt dầu lại” (dạn tay đổ dầu khi xào nấu là chuyện nhỏ đối với tui.)
Đại khái là đủ mọi thứ càm ràm mỗi khi có dịp.
MẸ TRẺ cứ nói và tui thì cứ lì lì rồi len lén làm, để gọi là chống đối. Nhưng nhìn lại thái độ và bộ mặt tiu nghỉu của MẸ thì cũng đành nhường chút chút cho … vui đời. Ngu sao làm mẹ giận?

Phải bị chỉ huy chuyện ăn nói vì tui là con người nóng tính, có nhiều thành kiến với những thói hư tật xấu của thiên hạ. Theo ý tôi là như vậy, nhưng MẸ TRẺ cho rằng phản ứng nhanh sẽ có hậu quả bi đát. MẸ TRẺ cứ rỉ rả, thì thầm bên tai: “Cái gì cũng phải từ từ rồi mới nói, cũng phải chờ cho sự việc rõ ràng mới có thái độ.”
Quả thực, tui nhìn sự việc theo khía cạnh xấu nên đôi khi có nhiều ý kiến rất ư là lệch lạc. Rồi không giữ được bình tĩnh, phát biểu ý đó ra một cách “ồn ào” là, ui cha, lãnh hậu quả liền: bị MẸ TRẺ rỉ rả “dũa” cho bể mình bể mẩy luôn. Nhất là khi sự việc cuối cùng không diễn ra như tôi suy xét.
Có một sự việc xảy ra mà sau tui phải thay đổi cả cách ứng xử theo thói quen. Số là một lần tui trả lời một điều gì đó của MẸ TRẺ, t cứ tưởng mình đang nói giọng bình thường, ai dè MẸ len lén chùi nước mắt. Chèng đét ui, sao vậy cà? Tui cứ ngẩn người ra, không biết tại sao thì chỉ thấy MẸ trả lời bằng cách lắc đầu và càng nhiều nước mắt hơn. Sao vậy ta?
Cuối cùng thì MẸ TRẺ cũng ráng cho ra mấy tiếng gọi là thông tin:
-    Sao anh quát em?
Chết mẹ rồi. Thói quen trả lời lớn tiếng và bộp chộp đã làm MẸ TRẺ hiểu lầm. Cho nên từ đó tôi phải luyện thái độ và cung cách ăn nói với người chung quanh  êm ái hơn. Không quá rổn rảng, cũng không quá “hẩm hừ”! Tui tự khen mình là đã có thay đổi chút chút.

Đến đây thì tui tìm cách giải thích tại sao tui khó không nghe lời MẸ TRẺ. Đó là vì cách đối xử với tha nhân của MẸ TRẺ. MẸ có cái TÂM BỒ TÁT. Đối với tui thì đó là một điều rất khó thực hiện và rất không phù hợp với cuộc sống hỗn loạn như bây giờ. Vậy  mà MẸ TRẺ đã sống như vậy từ hồi còn ở Việt Nam thời cơ cực và vẫn giữ mãi cho đến bây giờ. MẸ TRẺ có quan niệm như thế này nè:: “Thiên lương là ở trong lòng mọi người vì “nhân chi sơ tính bản thiện”  Ý là người ác cũng có cái thiện của họ, chứ không phải lúc nào cũng ác. Ui chao, quan niệm này cực kỳ khó thực hiện đối với tui! Tui sống ở cái xứ Mỹ này sao thấy nhiều chuyện hết chỗ bình luận, chỉ còn chỗ chê thôi (vẫn theo ý tui). Tui có nhận xét như vậy là lập tức được MẸ TRẺ “răn dạy” : “Dù một người có một hành động xấu, họ vẫn có một cái tốt nào để góp mặt với đời. Hãy cho họ cơ hội.” Tui miển cưỡng ậm ừ. Cũng được đi, miễn MẸ TRẺ vui là được rồi. Dần dà tui tập tành để có cái nhìn thoáng hơn một chút về những con người mà mình cứ nghĩ là xấu …
MẸ TRẺ vốn dĩ đã có sự tinh khiết trong tâm hồn– đúng như cái tên mà tôi đặt lúc đầu mới quen: MÂY TRẮNG.

Giờ đây được MẸ TRẺ giáo dục, huấn luyện, răn dạy dài dài, tui cảm thấy mình có phước. Phước đầu tiên là mấy thằng cha bên VN không có con mắt (tui hay nói là đui), nên không nhìn ra con người đầy đức tính và hiền thục này. May mà môi trường Sư Phạm đã tạo ra một vẻ nghiêm nghị, đẩy xa những kẻ ngấp nghé trong đám gần xa. Chỉ có thằng liều này mới dám nhào vô cái tường “bê tông cốt sắt” này thôi!
Ui cha cha, mèng đét ui … cám ơn trời. cám ơn Ơn Trên đã cho tui bà MẸ TRẺ cận kề để an hưởng những ngày còn lại của cuộc đời.

GÃ KHỔNG LỒ ( biệt hiệu do MÂY TRẮNG đặt)

May 6, 2011

PHOTOGRAPHY - câu chuyện Khoai-Na - MINH SAN


Ở đây chán quá!
Ra ngoài kia chơi thôi! 

Ngồi một mình cũng chán quá !

Ra chơi với bé Na thôi!

Ú ... à ...
Ê ..ê ...

Đang chơi vui mà!
Bỏ đi đâu vậy bé Na?

Ngồi yên đây nghen!

Để anh Khoai đi lấy ... ghế cho bé Na chơi!
Hổng thích chơi ghế hả?

Để anh đi lấy máy bay cho bé Na chơi!

Sao bỏ đi nữa vậy?
Mẹ ơi! Đi về!
Bé Na không chịu chơi với Khoai nữa! 

May 5, 2011

Chuyện về PHIM - Anh Quân


Tôi đi lồng âm cho phim Mỹ. 

Từ trước đến giờ Quân hay kể chuyện đi quay phim, đi coi phim và các câu chuyện về phim. Lần này thì cũng nói chuyện về phim nhưng hơi khác một chút là Quân đi lồng tiếng cho phim, mà lại cho hảng phim Paramount của Mỹ, nghe mà thấy bảnh quá đi.

Chuyện này cũng lâu lắm rồi, hồi năm 1987 lận,  có một thằng bạn người miền Bắc, mà là dân nghệ sĩ thứ thiệt, nó được đào tạo dưới mái trường văn nghệ xã hội chủ nghĩa , nên lúc vui thì kêu nó là nghệ sĩ nhân dân, lúc quạu nó thì cứ gọi nó là ca sĩ quốc doanh. Nó hồi bé đã được đi học tại trường quốc gia âm nhạc Hà Nội, rồi được đi Cu Ba trao đổi âm nhạc, nhưng rất tiếc nó không nổi tiếng như Đặng Thái Sơn. Nó có qua đây học lại, sáng tác nhạc mà lời ca nghe khô khan và tiếng đàn Piano vẫn không được lã lướt như giới nghệ sĩ được tự do sang tác. Nó hay khoe là đàn em của nữ ca sĩ Huyền Châu (hình như ca sĩ này cũng đã làm qua MC cho Paris By Night, không nhớ cuộn số mấy), nó mê Huyền Châu lắm, mà nó cũng khoe là đàn em của ca sĩ Ai Vân.  Từ ngày qua đây, mỗi lần gặp mấy ông bà thuộc loại ca sĩ nghiệp dư Hà Nội thì ai cũng khoe là từng làm việc qua với Ai Vân và bạn của bà ta hết. Mà không ai khoe là quen Văn Cao hết. Cũng nhờ nói chuyện với nhóm này thì mới biết thập niên 60, họ có nhạc Beatles và Shadow nghe lén, lâu lâu họ lén lút tập trung đánh nhạc Beatles. Mới nghe thì thắc mắc là lúc đó miền Bắc bế quan tỏa cảng thì làm sao có nhạc Tây phương. Họ không nói khoác, vì khoảng thời gian đó Việt Kiều Thái Lan và Tân Đảo bị dụ khị về miền Bắc Việt Nam. Chuyến đầu tiên ông Hồ còn ra cảng Hải Phòng đón dân Tân Đảo, nước mắt Bác rưng rưng, xúc động đón Việt Kiều. Dân tại Hải Phòng kể lại là bị ép ra đứng đón, họ nhìn từng đoàn người Tân Đảo xuống tàu mà trong lòng ngao ngán. Hình ảnh đó đẹp quá làm cho dân Tân Đảo về nữa. Rủ nhau về thì phải đợi cho đến năm 1979 lại  rủ nhau lên ghe vượt biên qua Hong Kong. Nhóm Việt kiều đó đã mang những đĩa nhạc Shadow về Việt Nam, từ đó thanh niên miền bắc mới có cơ hội lén lút nghe nhạc Rock “n” Roll.

Không biết sao hang phim Pinewood tại Anh liên lạc với thằng bạn của Quân là nói cần khoảng 20 người Việt Nam tới làm phim. Pinewood Studio là phim trường lớn nhất tại Anh, chuyện trị loạt phim gián điệp James Bond 007, ngoài ra một số phim nổi tiếng cũng được đóng tại đây như Mission Impossible 1, The Bourne Ultimatum, Harry Potter, The Da Vinci Code.... Thời gian đó thằng bạn Quân lập ra ban nhạc , lấy tên Ban Mai, ban nhạc có khoảng chục người, gồm ca sĩ và các tay đờn trống. Nó lại kêu Quân vào ban nhạc không phải để ca hát (vì đâu biết hát) mà phụ tá nó vì nó là ông Bầu khiêm luôn nhạc trưởng của đoàn. Quân chuyên đi giao dịch với các cộng đồng và hội đoàn để tổ chức ca hát vào dịp Tết, Trung Thu và Noel. Tuy nó là dân Bắc 75 vậy mà khi lập ra ban nhạc thì cả ban là dân miền nam. Cuối tuần tập trung ca hát nên cũng tạo được một trung tâm hoạt động cho nhóm trẻ địa phương. Có đều đến năm 1988 nó lấy vợ, chắc vợ nó không cho đi ca hát, thế là ban nhạc tan rã vào năm 1988.

Sau khi nhận lời với hang phim Pinewood, nó về kêu ban nhạc là đủ 20 người đi lên phim trường. Vào trong đó là Quân mê nhất các tờ Posters về phim James Bond. Đây là hang thiệt chứ không phải loại Poster Reproduction bán ngoài tiệm. ở trong phòng Studio thấy cả một giàn máy âm thanh hiện đại, người trách nhiệm  về âm thanh mới nói đây là cuốn phim chiến tranh Việt Nam về Hambuger Hill, phim đã quay xong tại Mỹ, bây giờ có một số phần âm thanh được làm tại đây, giờ tới đoạn tiếng Việt , nay thuê các bạn tới nói tiếng Việt và sẽ dung âm thanh các bạn lồng vào phim.

Hamburger Hill tạm dịch là “ trận đánh Đồi Thịt Băm”. Cuộc chiến xảy ra giữa quân đội Hoa Kỳ  và quân đội Bắc Việt. Trận đánh xảy ra 10 ngày, từ ngày 10/5/1969 cho đến 20/5/1969 ở Thừa Thiên. Quân đội Mỹ tập trung gần 2000 lính để chiếm núi Abia. Với sự yểm trợ hỏa lực phi pháo thì quân đội Mỹ đã đánh đuổi được quân đội Bắc Việt nhưng đã chết 70 người lính Mỹ và 372 người bị thương. Sau một tháng quân đội Mỹ phải bỏ địa điểm này.

Đạo diễn phim là John Irvin, ông là người Anh.  Khi đem trình làng thì lợi nhuận của phim đứng hạng thứ năm trong Box Office.

Công việc của nhóm đi lồng tiếng là phải làm Việt Cộng đánh nhau với lính Mỹ, tức là phải la lối khi đánh nhau, nhất là phải chửi thề. Vừa la xung phong và kèm theo tiếng D.M , hay là bắn chết nó đi, tao bị thương rồi, hay tao chết rồi... rồi khi đánh xáp lát cà bị đâm là phải kêu hụ hụ, hự hự. Chuyện có vậy thôi mà cứ thâu âm đi thâu âm lại, mất cả 10 tiếng. Còn phe nữ phải làm giọng gái làng chơi kêu mấy anh G.I vào nhất dạ đế vương, rồi cần cả tiếng khóc phụ nữ khi than nhân trong làng bị bắn chết.

Sau ngày lồng tiếng mọi người được trả khoảng $150, đối với Quân là khá nhiều vì còn là sinh viên và Quân nghĩ đúng là một ngày đi chửi bậy mà được tiền. Có điều phải làm giọng VC và phải la chết nữa. Ngoài ra Quân có nghĩ là hãng phim thuê sai người rồi, vì trừ thằng nhạc trưởng ban nhạc là dân Bắc Kỳ, còn tất cả là nam kỳ. Vậy quân đội nhân dân anh hùng đánh Mỹ là giọng nam không.

Sau 24 năm , đến giờ Quân vẫn chưa xem phim “Hambuger Hill”. Quân luôn có cảm giác không bao giờ hứng thú xem những loại phim chiến tranh Việt Nam như Deer Hunter, Platoon,  Good Morning Vietnam, We are a soldier, Heaven and Earth, Born on the 4th of July.... Nên Quân chẳng biết là giọng mình có được lông âm trong phim không? Và Quân chẳng biết là phim hay hay dở nữa , nhưng chắc cũng không hay cho lắm đâu. Có điều đó là một kỷ niệm với Quân có một ngày làm việc tại phim trường và cũng là một ngày vui của một thời tuổi trẻ.
 
Anh Quân

May 2, 2011

THẦM LẶNG - Doãn Kim Khánh


Một đời thầm lặng mẹ theo bố.

Tháng 9 năm 1954 mẹ theo bố vào Nam. Trước đó bố hoạt động ngang dọc, sáng ngời lý tưởng rồi ê chề thất vọng. Quyết định vào Nam là của bố, mẹ chỉ bế hai con và dắt cô em chồng 17 tuổi theo. Trong Nam, bố tưng bừng thi thố tài năng, tay phấn tay bút. Mẹ thầm lặng ở nhà nuôi dạy con và chăm chút em. Dân số con từ hai tăng thành tám. Tám con tám tính, có lúc hư lúc ngoan; mẹ theo từng bước, khen chê mắng mỏ. Cô em chồng tốt nghiệp đại học, chuẩn bị lên xe hoa, mẹ lo toan chuyện cưới hỏi. Bố vất vả bên ngoài, về nhà chỉ cần đảo mắt nhìn là thấy mọi sự tươm tất. Ra đường, các con được gọi là “con bố”, em là “em anh”, không ai biết có một nhân vật thầm lặng đã làm nên những con người ấy.

Vào những năm thăng tiến trong cả hai nghề dạy và viết, bố hay mời khách về nhà đãi đằng. Mẹ tiếp khách lịch thiệp, rồi rút về hậu trường trổ tài nấu nướng. Trước khi ra về các bác bao giờ cũng chào “bà chủ” trong tiếng cười hỉ hả “Cám ơn chị cho một bữa ngon quá.” Thỉnh thoảng có những vị khách nữ, khen thức ăn và khen cả ông chủ. Tôi còn nhớ có người còn nói rất chân tình với mẹ: “Chồng em mà được một phần của anh thì em chết cũng hả.” Hình như mẹ đón nhận lời nói ấy như một sự khen tặng cho chính mình.

Rồi chính sự miền Nam nóng bỏng; ngòi bút bố cũng nóng theo. Các bạn bố đến chơi chỉ bàn chuyện cộng sản và quốc gia. Mẹ không mấy quan  tâm đến “chuyện các ông”, nhưng khi bố đi Mỹ du học, mẹ ở nhà điều hành việc bán sách thật tháo vát. Khoảng hai tuần một lần, mẹ đi xích lô đến trung tâm Saigon, rảo một vòng các tiệm sách để xem họ cần thêm sách nào. Sau đó mẹ cột sách thành từng chồng và “đáp” một chuyến xích lô khác để giao sách. Tôi hay mân mê những sợi giây được cột chắc nịch, suýt xoa: “Sao mẹ cột chặt hay thế?”

Thế rồi chính sự miền Nam đến hồi kết thúc. Con người không chính trị của bố lại một lần nữa ê chề. Ngày công an đến bắt bố đi, mẹ con bàng hoàng nhìn nhau. Các con chưa đứa nào đến tuổi kiếm tiền. Mẹ xưa nay thầm lặng trong vai “nội tướng”, giờ miễn cưỡng ra quân. Tiền dành dụm của gia đình không đáng kể. Có tám miệng để nuôi, có bố nhục nhằn trong lao tù đợi tiếp tế. Mẹ vụng về tìm kế sinh nhai. Thoạt tiên mẹ nấu khoai mì trộn với dừa và vừng, rồi để vào rổ cùng với một ít lá gói. Tôi băn khoăn hỏi:
“ Mẹ nghĩ có bán được không?”
“Mẹ không biết, cứ mang ra chỗ trường học xem sao.”
Nhìn dáng mẹ lom khom ôm rổ, đầu đội xụp cái nón lá, tôi thương mẹ khôn tả. Chỉ nửa tiếng sau tôi đã thấy mẹ trở về. Rổ khoai mì vẫn còn nguyên, mẹ ngượng ngập giải thích:
“Hình như hôm nay lễ gì đó, học trò nghỉ con ạ.”

Rồi mẹ lại xoay sang nghề bán thuốc lá. Mẹ mua lại của ai đó một thùng đựng thuốc lá để bầy bán. Mẹ nghe ai mách bảo, chọn một địa điểm khá xa nhà rồi lụi hụi dọn hàng vô, dọn hàng ra mỗi ngày. Nghề này kéo dài được vài tháng. Mẹ kể cũng có một số khách quen, nhưng toàn mua thuốc lá lẻ. Hôm nào có khách “xộp” mua nguyên bao thì mẹ về khoe ngay. Cũng may thuốc lá không thiu nên khi “giải nghệ” mẹ chỉ lỗ cái thùng bầy hàng.

Mẹ rút về “bản dinh” là căn nhà ở cuối hẻm, tiếp tục nhìn quanh, tìm một lối thoát. Hàng xóm chung quanh phần lớn là những người lao động. Họ như những đàn kiến chăm chỉ cần cù, 4 giờ sáng đã lục đục, người chuẩn bị hàng họ ra chợ, kẻ kéo xe ba bánh hoặc xích lô ra tìm khách. Suốt mười mấy năm qua họ nhìn gia đình chúng tôi, gia đình “ông giáo”, như  từ một thế giới khác, kính trọng nhưng xa cách. Nay “ông giáo” đi tù, “bà giáo” hay xuất hiện ngoài ngõ, có lẽ họ cảm thấy gần gủi hơn. Một hôm, chị bán sương xâm ở đối diện nhà qua hỏi thăm “ông giáo”. Thấy cái máy giặt vẫn còn chạy được, chị trầm trồ: “Giặt máy tiện quá bác há!”, rồi nảy ý “Tụi con ngày nào cũng có cả núi quần áo dơ. Bác bỏ máy giặt dùm, tụi con trả tiền. Bác chịu không?”  Lời đề nghị thẳng thừng, không rào đón. Mẹ xăng xái nhận lời. Kể từ đó, mổi tuần khoảng hai lần, mẹ nhận một thau quần áo cáu bẩn, bốc đủ loại mùi khai, tanh, nồng. Mẹ đích thân xả qua một nước, rồi múc nước từ hồ chứa vào máy giặt, bỏ xà bông và bắt đầu cho chạy máy. Cái máy cổ lỗ sĩ, chạy ì ạch nhưng nhờ nó mà mẹ kí cóp được chút tiền chợ.

Ít lâu sau, cũng chị hàng xóm đó lại sáng thêm một ý nữa:
“Con bé nhà con nay biết bò rồi, con không dám thả nữa. Bác nhận không, con gửi nó mỗi ngày từ sáng tới chiều. Con trả tiền bác.”

Thế là sự nghiệp nhà trẻ của mẹ bắt đầu. Mẹ dọn căn gác gỗ cho quang, có chỗ treo võng, có cửa ngăn ở đầu cầu thang. Cả ngày mẹ loay hoay bận bịu pha sữa, đút ăn, lau chùi những bãi nước đái. Được ít lâu, chị bán trái cây ở cuối hẻm chạy qua nhà tôi, nói:
“Bác coi thêm con Đào nhà con nha. Con mang cái võng qua mắc cạnh cái võng của của con Thủy.”
Hai võng đong đưa một lúc, cháo sữa đút liền tay hơn, căn gác bừa bộn hơn. Sau đó lại thêm một thằng cu nữa. Mẹ tay năm tay mười, làm việc thoăn thoắt. Cũng công việc quen thuộc ấy, ngày xưa làm cho con, nay làm kế sinh nhai, nuôi đủ tám con với một chồng. Mẹ không còn thầm lặng nữa. Mẹ lớn tiếng điều khiển tám quân sĩ, cần roi có roi, cần lời ngọt có lời ngọt. Riêng chúng tôi vẫn nhớ ơn những người lao động đã giúp chúng tôi sinh sống những ngày khốn khó đó. 
Nhưng sau những giờ ban ngày ồn ào náo động là những đêm tối trầm ngâm lo lắng. Nỗi bận tâm không rời của mẹ là chuyện thăm nuôi bố. Mỗi ngày mẹ nghĩ ra một món, làm dần vào buổi tối, nay muối vừng, mai mắm ruốc, mốt bánh mì khô. Mẹ để sẵn một giỏ lớn trong góc bếp và chất dần đồ thăm nuôi trong đó. Khi giỏ đầy là ngày thăm nuôi sắp tới. Thuở ấy bố bị giam ở núi đồi Pleiku, muốn lên đến đó phải mất hai ngày đường và nhiều giờ chầu chực xe đò. Mỗi lần thăm nuôi, hoặc mẹ, hoặc một đứa con được chỉ định đi. Con trưởng nữ hay được đi nhất vì nó tháo vát và nhanh trí, thằng thứ nam cũng đươc nhiều lần “tín nhiệm”; mẹ nói nó nhỏ tuổi nhưng đạo mạo, đỡ đần mẹ được. Con thằng trưởng nam đúng tuổi đi “bộ đội”, mẹ ra lệnh ở nhà. Có lần mẹ đi về, mặt thất thần. Các con hỏi chuyện thì mẹ chỉ buông hai chữ “biệt giam”. Biệt giam thì bị trừng phạt không được thăm nuôi. Tôi thảng thốt hỏi:
“Đồ thăm nuôi đâu hết rồi mẹ?”
“Mẹ phải năn nỉ. Cuối cùng họ hứa chuyển đồ ăn cho bố.”
“Mẹ nghĩ họ sẽ chuyển không?
“Họ hẳn sẽ ăn bớt, nhưng nếu mẹ mang về thì phần bố đói còn chắc chắn hơn nữa.”
Mẹ ngày nào thầm lặng, nay thực tế và quyết đoán như thế.
Ngày bố được thả đợt 1, nhà trẻ của “bà giáo” vẫn còn hoạt động. Mẹ hướng dẫn bố đu võng khi các bé ngủ. Mẹ cũng dặn bố thường xuyên lau chùi gác và bỏ giặt tã dơ. Bố một mực nghe lời. Tưởng như cờ đã chuyền sang mẹ một cách êm thắm…
Tuy nhiên, mẹ không thể ngăn được bố lân la cầm lại cây bút. Thời gian này là lúc họ hàng ngoài Bắc vào chơi nhiều. Bên ngoại có cậu tôi làm đến chức thứ trưởng; cậu kể rằng lúc còn sống, ông ngoại (một nhà thơ cách mạng)  phiền lòng vì sự nghiệp văn chương của thằng con rể. Bên nội có chú tôi - một nhạc sĩ cách mạng- chú biết ngòi bút đang thôi thúc bố và đã từng rít lên giữa hai hàm răng:
“Trời ạ! Đã chửi vào mặt người ta, không xin lỗi thì chớ lại cón nhổ thêm một bãi nước bọt! Lần này mà vào tù nữa thì mọt gông.”  .
Mấy mẹ con chết lặng trước viễn tượng “mọt gông”. Bố không màng đến điều này, vẫn miệt mài gõ máy đánh chữ. Đêm khuya thanh vắng tiếng gõ càng vang mồn một. Vài lần mẹ can ngăn, có lần mẹ giận dữ buộc tội:
“Ông chỉ biết lý tưởng của mình, không biết thương vợ con.”
Vài tuần sau, chị hàng xóm đối diện nhà chạy sang xì xào với mẹ:
“Công an đặt người ở bên nhà con đó bác, họ theo dõi bác trai.”
Mẹ lại thử can thiệp, nhưng đã quá trễ. Bố bị bắt lần thứ hai năm 1984. Lần thứ hai bị bắt, bố bình tĩnh đợi công an lục lọi tung nhà. Trước khi bắt đi, họ chụp hình bố với nhiều tang chứng chung quanh. Trong hình  bố ngẩng cao đầu trông rất ngạo nghễ. Nhiều năm sau, bố vẫn còn được nhắc tới với hình ảnh này. Không ai biết đến người đàn bà thầm lặng bị bỏ lại đằng sau. Sau biến cố thứ hai này, mẹ phải đối phó thêm với nhiều khó khăn loại khác, điển hình là những giấy gọi gia đình ra dự phiền tòa xử bố. Gọi rồi hoãn, rồi lại gọi lại hoãn. Mỗi lần như vậy cả nhà lại bấn loại tâm trí, lo cho mạng sống của bố. Riêng mẹ thì vừa lo vừa soạn thêm một số thức ăn thăm nuôi. Mẹ thực tế là thế đó.
Sau khi bố bị gọi án 10 năm tù, cuộc sống của mẹ không còn những bất ngờ khủng khiếp, chỉ còn những đen tối và tù túng đều đặn. Tưởng là dễ chịu hơn, nhưng thực ra nó gậm nhấm tâm thức, tích lũy buồn bực chỉ đợi cơ hội bùng nổ. Hết ngày này qua tháng nọ mẹ lầm lũi chuẩn bị đồ thăm nuôi, từng món ăn thức uống, từng vật dụng hằng ngày. Các con lần lượt trưởng thành, đứa nào cũng có bạn bè và những sinh hoạt riêng. Chuyện thăm nuôi bố và lòng thương bố quan trọng lắm, những cũng chỉ là một phần trong những cái quan trọng khác trong đời. Chỉ đối với mẹ, những thứ ấy mới là tất cả, độc tôn choán ngập tâm hồn mẹ. Mẹ hẳn có những lúc thấy tức tưởi và cô đơn mà các con nào hay biết. Có vài lần chúng tôi lỡ một lời nói hoặc cử chỉ không vừa ý mẹ, me òa khóc tu tu, lớn tiếng kể lể, tuôn trào như một giòng lũ không ngăn được. Lúc ấy chúng tôi mới choàng tỉnh.

Ngày mãn hạn tù về, bố bình an như một thiền sư, để lại sau lưng hết cả những thăng trầm của quá khứ. Rồi bố mẹ sang Mỹ ở Houston sống cùng cậu trưởng nam. Mẹ bận bịu với cháu nội, nhưng không quên nhắc ông nội đi tắm và bao giờ cũng nặn kem đánh răng vào bàn chải cho ông mỗi tối. Thỉnh thoảng giao tiếp với họ hàng và bạn bè, mẹ lại phải đỡ lời cho bố, khi bố cứ mỉm cười mà không nói năng chi. Thư viết về cho con cháu ở VIệt Nam, ai cũng nói mẹ viết hay hơn ông nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Lúc đó chắc mẹ nghĩ thầm rằng: “bởi vì mẹ là con của ông Tú Mỡ mà!”

Như thế được mười năm thì mẹ ngã bệnh. Hôm nay, ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, mẹ nằm bất động một chỗ và không nói được nữa. Nhưng mẹ vẫn đưa mắt nhìn bố mỗi lần bố ra vào trong phòng. Hôm nào bố vắng nhà vài ngày thì mẹ nhìn con trai, mắt dò hỏi lo lắng. Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.
Doãn Kim Khánh
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-92_4-174228_5-50_6-1_17-133_14-2_15-2/



PHOTOGRAPHY : Côn Đảo - Minh SAN




Văn xuôi - văn vần - DOÃN QUỐC THÁI


DÌ ÚT

Nhà em có nuôi một dì Út.
Tuy nó lùn nhưng nó cao hơn đèn neon 1m20 và hát rất hay.
Vì dì ở tuổi mộng mơ nên cây đào của dì trông rất xanh tươi và đâm hoa kết trái rất bạo.
Cây đào của dì Út, tuy cũng lùn như chủ của nó, nhưng được cái rất sai trái (tức là nhiều trái chứ không phải tầm bậy)
Kết luận: dì Út của nhà em rất có lợi cho việc chăn nuôi ☺
Xin chào đoàn kết và thắng lợi.

PS: cây đào của Út chính là Nectarine nhưng chỉ để ngắm thôi (nhạt nhách à, không có chua nên không mắc công làm muối ớt !!!! Hôm nay phải khoe thêm rằng cây lựu của bác Thanh cũng tươi tốt và ra rất nhiều hoa lựu … đạn.  Tính làm bài văn xuôi tả bác Thanh nhưng sợ phạm thượng, nên thôi làm thơ vậy:

CHỊ CẢ

Nhà em có chị cả
Các con đều lớn cả
Nên chị được thong thả
Dáng chị thật đon đả
Giọng cười chị rôm rả
Tiếng nói rất xa xả
Nên vừa lòng anh cả
Anh làm bò nướng xả
Nhậu lair ai thật đã
Cho vui đời phây phả
Chiều nay lục gia phả
Rất mừng có chị cả
Với tấm lòng cao cả.

Thi sĩ DQThái