Năm nay đã là năm thứ 36 người Việt hải ngoại kỷ niệm Tháng Tư Đen. Khắp nơi trong Little Saigon, cộng đồng hiện đang có nhiều sinh hoạt liên quan đến biến cố lịch sử này.
Mời quí độc giả nghe ý kiến của ba cư dân Việt ở hải ngoại nói về cộng đồng, về tổ quốc sau 36 năm mất nước. Một người ở Mỹ, một người ở Úc, và một người ở Anh...
Người Việt Bolsa kỷ niệm 36 năm Tháng Tư Đen
Chị H. –hiện ở Quận Cam Cali:
Sau 30 năm, cộng đồng người Việt Quận Cam đã phát triển thành cộng đồng lớn nhất ngoài nước Việt Nam. Sự lớn lên đó kèm theo cả điều tốt lẫn điều không tốt. Cộng đồng mình quá phức tạp, có lẽ nguyên nhân chính vẫn là do những vết thương của một lịch sử chiến tranh, đau buồn để lại.
Bộ mặt chính của cộng đồng thông qua khu vực Little Saigon bây giờ sáng sủa hơn xưa nhiều. Nhớ ngày xưa, cửa hàng nhỏ, mặt hàng kinh doanh buôn bán cũng nghèo nàn. Bây giờ thì người Việt làm đủ thứ ngành nghề kinh doanh rồi. Người Mỹ có gì, mình có đó. Nhớ hồi xưa đã có người từng nói đùa là: “…business của người Việt chỉ còn thiếu có mỗi… nhà quàn thôi!...”, mà bây giờ mình cũng đã có rồi. Hồi xưa, dân mình chỉ lo đi làm, kiếm tiền mua nhà, lo cho gia đình. Bây giờ dân Việt cũng đã bắt đầu thong thả, biết hưởng thụ hơn. Nhớ hồi xưa, cửa tiệm của tôi ngày lễ không dám nghỉ, vì khách đông lắm. Còn bây giờ, ngày lễ khách cũng đi chơi, có mở cũng vắng khách, cho nên có thể đóng tiệm nghỉ ngơi được.
Có một số thói quen không tốt theo sự phát triển của cộng đồng mà từ từ mất đi. Một thí dụ là ở các văn phòng bác sĩ. Trước đây, bác sĩ là vua. Đi bác sĩ phải xếp hàng chờ đợi. Bệnh nhân còn bị nạt nộ, sợ bác sĩ như hồi còn ở Việt Nam. Bây giờ thì đỡ rồi. Khách hàng ở Mỹ là thượng đế mà. Những bác sĩ trẻ ra trường ở Mỹ theo phong cách làm việc của Mỹ, đối xử với bệnh nhân lịch sự hơn. Nhưng cũng có những tật xấu lại phát triển khi cộng đồng lớn ra. Thí dụ như tật xả rác. Khi cộng đồng mình ở co cụm lại với nhau, thì người dân cảm thấy thoải mái như kiểu xóm làng ở Việt Nam, do đó không muốn thay đổi những thói quen cũ. Chứ hồi xưa khi còn ít người Việt, ai mới đến cũng muốn học cách sống văn minh, trật tự của người Mỹ, muốn nhập gia tùy tục để được người Mỹ tôn trọng. Đã có ý kiến nói rằng người Việt nên ở xa nhau ra một chút, ở lẫn vào chung với người Mỹ thì có lẽ sẽ tốt hơn. Tệ hơn nữa, hiện nay đã có một số biểu hiện “văn hóa luật rừng”, hay “tiền là tiên là phật ” kiểu dân “Hà Nội mới” xuất hiện ngay giữa cộng đồng. Mong rằng nền văn hóa cũ đủ mạnh để đồng hóa những hành xử kém văn hóa này.
Những sinh hoạt cộng đồng cũng thay đổi nhiều. Lấy phong trào hướng đạo là một ví dụ. Những năm tháng đầu tiên, phong trào hướng đạo Việt Nam tại hải ngoại được gây dựng bởi những cựu trưởng, đoàn sinh từ Việt Nam sang. Mọi người tham gia sinh hoạt đều hăng hái, tự nguyện. Rồi sau đó một thời gian, phong trào yếu đi vì những người này bận làm ăn, sinh sống. Chỉ mới hơn10 năm đổ lại đây, phong trào mới phát triển mạnh mẽ trở lại, bởi vì những bậc phụ huynh bắt đầu để ý tới con cái hơn, biết hướng đạo là môi trường tốt nên dắt chúng đi, cho dù các em có thể không thích. Các trưởng cũ đã vượt qua được giai đoạn tập trung kiếm sống, nên có thể dành nhiều thời gian hơn cho đoàn sinh.
Còn chuyện chính trị? Lấy ngày 30-04 làm ví dụ. Nhiều người lo tưởng niệm, tổ chức biểu tình, hô hào tranh đấu. Năm nào đến ngày này, gia đình tôi cũng vào Bolsa dự một sinh hoạt nào đó. Nhưng cũng có người thờ ơ, chẳng còn quan tâm nữa. Nhiều người vẫn lo lắng cho Việt Nam, nhưng cũng có người không còn muốn bận tâm gì đến cái quê hương khốn khổ, tuyệt vọng, ngoài tầm với. Hết thuốc chữa rồi. Tôi có mấy đứa cháu ở Hà Nội sang Mỹ du học. Đứa nào cũng xoay sở để ở lại, và đó là lời khuyên của cha mẹ chúng, đều là đảng viên nhưng trong sạch. Người trong nước còn thờ ơ, thì người ở ngoài làm gì được?
Người Việt cùng đón Tết cổ truyền ở Luân Đôn
Anh Q. – hiện ở Anh Quốc:
Đến ngày hôm nay, Cộng Đồng người đi từ Việt Nam tại Anh quốc đã chia thành 4 nhóm khác nhau.
Nhóm thứ nhất là thuyền nhân tị nạn, bắt đầu đến Anh vào năm 1975 cho đến 1989. Đông nhất là người Việt gốc Hoa từ miền Bắc Việt Nam.
Nhóm thứ nhì là người Việt đi thẳng vào Anh xin tị nạn. Họ bắt đầu vào Anh từ năm 1994, họ đi một đoạn đường dài bằng máy bay, xe hơi, xe lửa và đi bộ. Có người đi mất vài tuần, có người mất vài tháng và có người mất cả năm. Nhóm này đa phần là người từ Nghệ An, Hà Tỉnh và Quảng Bình. Nhóm người này bị gọi là “Người Rơm” và “Người Rừng”.
Nhóm thứ ba là từ Đông Âu, nhờ công đồng âu châu nay đã thống nhất, những người Việt có giấy định cư tại Tiệp khắc, Ba Lan, Hungary... họ có thể qua đây sinh sống. Toàn nhóm người này đều là từ miền Bắc Việt Nam.
Nhóm thứ tư là nhóm du sinh Việt Nam. Khác với các du sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ, Uc, Canada... thành phần du sinh này khác đặc biệt là khá nhiều con cái lãnh đạo của chính phủ Việt Nam đang học tại Anh như con trai út của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, con của cựu Thủ Tướng CSVN Phan Văn Khải. Gần đây nhất ai cũng nghe chuyện hối lộ in tiền của cựu thống đốc ngân hang Việt Nam ông Lê Đức Thúy, nhờ đó con gái ông có chỗ đi Anh du học. Khá nhiều con cái của các vị Đại Sứ Việt Nam tại Nga, tại Ba Lan, tại Tiệp... cũng du học ở Anh. Con cháu của các vị lãnh đạo này qua đây học phải lo hoạt động cộng đồng sinh viên, vì trong đó có cả bí thư Đoàn CSHCM hoạt động chung với nhóm này. Tuy họ tuyên bố hoạt động sinh viên, nếu theo dõi kỹ thì họ muốn tạo ảnh hưởng trong cộng đồng Việt Nam.
Bởi vậy chữ “Người Việt Quốc Gia” giờ khó mà còn được nghe trong sinh hoạt cộng đồng tại Anh. Lá cờ vàng ba sọc đỏ càng khó tìm thấy trong các buổi sinh hoạt tập thể. Nhớ lại vào thập niên 80 không khí sinh hoạt cộng đồng người Việt quốc gia vô cùng sôi nổi. Các cuộc biểu tình 30/4 của người Việt quốc gia được bắt đầu vào năm 1985. Lúc đó không khí rất mạnh, đến cả ngàn người cầm cờ vàng đi trên thành phố London. Một cuộc đi bộ biểu tình đi đến 15 miles. Chẳng những ngày 30 tháng 4 biểu tình mà ngày 2 tháng 9 cũng biểu tình, có những cuộc biểu tình lên đến mức cao độ, gây sự bực mình cho tòa Đại Sứ CSVN .Một tùy viên đại sứ tên Thân Nhân Khang, cầm khẩu súng ra hâm dọa , thế là hắn ta bị trục xuất ra khỏi Anh quốc vào ngày hôm sau vì tội cầm vũ khí. Thời đó các hội đoàn đứng rất gần với nhau như Tổng Hội Sinh Viên, Hội Cựu Quân Nhân VNCH, Hội Thanh Niên tị nạn, Mặt Trận Kháng Chiến...
Bây giờ thì hết rồi. Dân nhập cư sau này không thiết tha công việc xã hội và chính trị. Vấn đề quan trọng của họ là tài chánh. Mình không nói họ sai, nhưng vì hơn 20 năm họ sống trong chế độ CS ngoài bắc, họ đâu được phép nói, họ phải tìm mọi kẻ hở của xã hội mà sống, vì vậy nên đạo đức con người dần dà mất đi, họ chỉ biết sống theo chủ nghĩa cá nhân mà sinh tồn. Đối với họ chữ “Quốc Gia” hay “Cờ Vàng” chẳng có một ý nghĩa gì hết. Còn Cộng Sản Việt Nam thì họ không muốn nói tới, họ cũng không muốn theo.
Nghĩ về Việt Nam? Đảng CSVN có tất cả. Ngân sách trong tay họ, tài nguyên quốc gia trong tay họ, vũ khí trong tay họ, quân đội trong tay họ và cả lực lượng công an, mật vụ trong tay họ. Vậy toàn bộ lá bài là thuộc hết về họ. Nhiệm vụ của họ là chơi lá bài cho thật đẹp, lèo lái đất nước Việt Nam cho khéo. Vậy mà họ đã không đem Việt Nam trở thành một con Rồng châu á sau 36 năm qua. Một thất bại hoàn toàn. Hy vọng một tương lai tươi sáng cho Việt Nam là một giấc mơ còn quá xa. Đúng là “Đường đi không đến”...
Huy hiệu Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu
Anh G. – hiện ở Úc Đại Lợi
Cộng đồng tị nạn tại Úc khác với cộng đồng nhiều nước trên thế giới. Lý do là cộng đồng người Việt tại Úc hầu hết là dân tị nạn đến Úc sau 30/4/75 khoảng vài năm. Họ đã sống với cộng sản, nên hiểu rõ thế nào là Việt cộng, không còn mơ hồ gì về Việt cộng . Đây là lý do chính cho sự đoàn kết cuả cộng đồng người Việt tại Úc.
Ngay từ những ngày đầu đại diện cộng đồng người Việt tự do tại Úc không điều hành bởi những ông tướng tá nên có nét quần chúng hơn. Cho đến nay cộng đồng ngừơi Viêt tại Úc đã có hai vị chủ tich cộng đồng là luật sư trẻ tốt nghiêp tại Úc, mà các cộng đồng Mỹ và Âu châu chưa có, Họ đã làm việc tích cực và cùng với cộng đồng tranh đấu cho nền dân chủ và Tự do cho VN.
Sau 36 năm, một thời gian dài, nhưng cộng đồng người Việt tại Úc năm nào cũng từ các tiểu bang về tập trung tại trước tòa đại sứ VC tại Canberra để tỏ thái độ không chấp nhận sư độc tài cuả VC trên đất nước và vẫn còn tiếp tục tranh đấu cho một VN tự do.
Tại Úc một số lớn tuổi đã ra đi nhưng những thành phần trẻ vẫn tiếp tục con đường của cha ông vận động tranh đấu cho một VN tự do, điều này là niềm hãnh diện cho cộng đồng Viêt Nam taị Úc.Thế hệ này sinh tại VN và lớn lên tại Úc nên còn nói tiếng Việt và đã vào chính mạch trong xã hội sở tại - nay làm việc trong cộng đồng thì được lợi cả 2 đường: vẫn là cánh tay nối dài của thế hệ trước, và đủ trình độ để liên lạc uyển chuyển với chính phủ Úc để bảo vệ và nói lên tiếng nói của cộng đồng mình. Vì vậy CĐVN bao giờ cũng được 2 chính đảng Tự Do và Lao Động "cưng" và chào mời để kiếm phiếu - tỉ như cho xây dựng tượng đài chiến sĩ ở Cabramatta, Bankstown Plaza (1 quận đông người Việt) được đổi thành SaiGon Plaza...
Nhìn về VN sau 36 năm thì lại càng mịt mù cát chạy đá bay ... Cha ông chúng ta đã đổ máu để dựng nước và giữ nước thì nay giới lãnh đạo không chỉ ăn ruỗng đất nước, mà tiến tới cùng cực là bán nước cho Tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Nhìn bọn Tàu bủa vây kinh tế, lấn đất và chiếm biển một cách vừa trắng trợn vừa kín đáo, thấy dân đen VN chỉ có từ chết tới chết, giống hệt Tây Tạng thôi. Chỉ còn mong hồn thiêng của giống nòi run rủi - tới hồi đất nước bỉ cực thì nảy sinh anh tài, có được một Hội Nghị Diên Hồng mà thay đổi lại vận mạng. Việt Nam trong một vài năm nữa chắc sẽ xụp đổ về kinh tế vì sự lãnh đạo kém cỏi cuả nhà cầm quyền. Với phong trào đấu tranh đòi tự do trên toàn thế giới và ở VN, hy vọng sẽ có ngày dân VN có tự do .
VB