Logo của tổ chức
Susan G Komen For The Cure Cứ mỗi 69 giây, thì căn bệnh ung thư ngực cướp đi sinh mạng của một người phụ nữ trên trái đất. Con số này đủ nói lên sự nguy hiểm của căn bệnh này, khiến giới y khoa toàn cầu đã và đang tìm những biện pháp để chế ngự nó. Susan Komen For The Cure là tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất ở Mỹ và cả thế giới đã tuyên chiến với căn bệnh ung thư ngực. Được thành lập từ năm 1982, tổ chức này đã cống hiến hơn 2 tỉ Đô La cho các nghiên cứu y khoa, các dự án giáo dục-xã hội có liên đến việc chữa trị, ngăn ngừa căn bệnh này trên nước Mỹ. Các dự án này được xét duyệt bởi những chuyên viên thẩm định dự án (đều làm thiện nguyện) của trên 100 chi nhánh Susan Komen trên toàn nước Mỹ.
Chị Hằng Vũ, cư dân của thành phố Chapel Hill thuộc Tiểu Bang North Carolina, là một trong những chuyên viên thẩm định dự án của Susan Komen ở North Carolina. Điều đáng nói là chính chị cũng đã từng bị ung thư ngực và được chữa lành tương đối sớm. Chị đã kể lại câu chuyện cảm động của chính mình, từ một bệnh nhân trở thành người tham gia tuyên chiến với căn bệnh hiểm nghèo này…
Chị Hằng theo gia đình sang định cư ở Mỹ từ năm 1991. Chị là một cựu nữ sinh Gia Long, rồi tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa Sài Gòn ngành Hóa. Thời gian đầu chị ở San Jose, sau đó lập gia đình rồi theo chồng sang định cư ở North Carolina, lấy bằng cử nhân Sinh Hóa ở NC State University. Hiện nay chị là Chemist của công ty dược phẩm Eisai Inc.
Cuộc đời của chị diễn ra êm đềm, đều đặn theo kiểu nhịp sống của một thành phố nhỏ ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Cho đến một ngày của tháng 03-2008, bác sĩ gọi chị trở lại để làm thêm xét nghiệm biopsy, MRI sau khi có kết quả mammogram. Rồi sau đó bà thông báo là chị đã bị ung thư ngực ở giai đoạn một.
Thật là choáng váng. Trước đó, chị không bao giờ nghĩ mình có thể bị ung thư ngực. Bởi vì chị tin là mình có một sức khỏe gần như hoàn hảo, đến độ các nữ đồng nghiệp Mỹ cứ phải hỏi là chị có bí quyết gì không. Là dân học hóa, làm cho hãng dược, chị rất kỹ lưỡng trong việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như ăn nhiều rau quả, trái cây, ăn ít thịt, uống nhiều nước lọc, ít ăn đồ chiên, bơ mỡ, năng đi bộ, vận động chân tay, cho con bú sữa mẹ đến sáu tháng… Đã có lúc, chị từng nghĩ: “…bệnh ung thư ngực chỉ dành cho phụ nữ Mỹ, chứ mình thì… còn lâu!”. Chị còn nhớ là hôm nhận tin từ bác sĩ, chị có tâm sự cho cô bạn đồng nghiệp Mỹ, thế là cô này ôm chị khóc nức nở! Chị vừa buồn cười, vừa lo. Ung thư giai đoạn một đâu có nghĩa là chết đâu. Nhưng mà… biết đâu đó…
Chị Hằng bắt đầu được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị. Chị có một người bạn thân cùng học Gia Long ở San Jose tên B., cũng bị ung thư ngực trước đó vài năm. Chị gọi ngay cho chị B. để chia xẻ thêm những kinh nghiệm trong việc điều trị. Không ngờ, đây là những liên lạc sau cùng của hai người bạn đồng cảnh ngộ. Chị được biết là bệnh tình của chị B. đã chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3, ung thư đã di căn ra cột sống, ra gan… Song song với việc điều trị của chính mình, chị nhận được những thông tin ngày càng xấu đi của bạn. Cái ngày chị đi xạ trị lần đầu tiên, và được bác sĩ báo tin mừng là bệnh ung thư của chị chưa di căn, cũng là ngày chị nhận tin chị B. qua đời trong bệnh viện tại San Jose. Chị giống người bị ung thư hai lần, cảm nhận luôn sự tuyệt vọng của người bạn xấu số. Đó là thời gian khó khăn nhất trong đời mà chị đã từng trải qua. Sức khỏe suy giảm. Tinh thần hoang mang, buồn chán, thất vọng…
Nhưng rồi chị cũng đủ nghị lực để vượt qua được nó. Chị không chịu đầu hàng căn bệnh. Phải làm một cái gì đó! Chị Hằng không sợ chết, nhưng chưa muốn chết như chị B.. Chị không cam chịu là nạn nhân, mà muốn mình đối đầu với nó. Chị nghĩ đến chuyện tham gia vào các chương trình phòng chống ung thư. Việc đầu tiên là chị tình nguyện tham gia một nghiên cứu cuả trường Đại Học UNC Chapel Hill để thử nghiệm loại thuốc điều trị ung thư đang trong giai đoạn nghiên cứu tại bệnh viện. Rồi chị tình nguyện tham gia hững hoạt động của tổ chức Susan Komen For The Cure, tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực phòng chống căn bệnh ung thư ngực. Bà Phó Chủ Tịch của công ty chị làm (Eisai Inc.) cũng là thành viên của Ban Quản Trị Susan Komen chi nhánh North Carolina Triangle. Khi chị đi làm trở lại, bà ta đến hỏi thăm tình hình điều trị của chị, và hỏi chị có muốn trở thành tình nguyện viên của tổ chức này không. Được lời như cởi tấm lòng, chị đồng ý ngay, và trở thành người Mỹ gốc Á duy nhất trong Hội Đồng Thẩm Định Dự Án năm 2010 và 2011 của Susan Komen chi nhánh North Carolina Triangle.
Tổ chức Susan Komen (S.K) đã quyên góp và tài trợ hàng tỉ Đô La cho các dự án phòng chống ung thư ngực ở Mỹ và thế giới. Một trong những cách hữu hiệu nhất để chiến thắng căn bệnh quái ác này là phát hiện bệnh sớm, ngay từ khi nó mới bắt đầu. Rất nhiều dự án được tài trợ bởi S.K đi theo hướng này. Ở Quận Cam Cali, hai tổ chức có dự án được S.K tài trợ là Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa và Hội Ung Thư Việt Mỹ. Ở North Carolina vào năm ngoái, khoảng 40,000 cư dân đã nhận được sự hỗ trợ từ các dự án của S.K. Triangle.
Chị Hằng Vũ đang thẩm định dự án tại nhà
Chị Hằng cho biết trong Hội Đồng Thẩm Định năm 2011 có tổng cộng 18 người, là chuyên viên trong nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau: giáo sư đại học, y tá, bác sĩ, khoa học gia, luật sư... Ban Thẩm Định sẽ xem xét và chấm điểm hơn 30 dự án đến từ các tổ chức khác nhau trong khu vực North Carolina Triangle, đa phần là nhà thương, trung tâm y tế, các trường đại học… Riêng chị Hằng thì chịu trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ của 12 dự án. Những nhà thương cho biết có nhiều bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, mà cũng không có đủ tiền để đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm, cho nên xin tài trợ để giúp đỡ những bệnh nhân này. Một số nhà thương công xin tài trợ để giáo dục cộng đồng về cách phòng ngừa bệnh. Lại có dự án xin tài trợ cho một trung tâm xét nghiệm lưu động, đưa máy mammogram đến các vùng thôn quê hẻo lánh để chuẩn đoán sớm cho các phụ nữ.
Một số tiêu chuẩn để xét duyệt, đánh giá các dự án có thể kể như: dự án phải phục vụ cho cộng đồng, sự sử dụng tiền tài trợ phải hợp lý, dự án thực sự có tác dụng trong việc phòng ngừa, chữa trị bệnh ung thư ngực… Chị Hằng kể rằng một tháng trời ngồi nghiên cứu 12 dự án cũng khá căng thẳng. Ban ngày đi làm, tối về lo việc gia đình, đến khuya mới pha cà phê, ngồi chong đèn đọc dự án, có khi đến một hai giờ sáng là chuyện thường. Xét duyệt dự án đòi hỏi không chỉ khối óc mà cả con tim nữa. Bên cạnh việc phân tích hợp lý, người thẩm định còn phải biết vượt qua chữ nghĩa, những con số để cảm nhận được chân giá trị của một dự án. Những dự án được soạn thảo bởi các đại học, các nhà thương lớn thường được viết rất hay, khoa học, chi tiết, cho nên đọc dễ hiểu và “dễ có thiện cảm”. Ngược lại, những dự án viết bởi các tổ chức nhỏ ở vùng thôn quê, thị trấn nhỏ có khi luộm thuộm, trình bày không rõ ràng. Người xét duyệt dự án phải vượt qua được những trở ngại này, để đánh giá được tính hữu ích của những dự án dù “viết dở” nhưng lợi ích đem lại cho cộng đồng lại lớn. Một chi tiết cũng đáng lưu ý là những dự án của những tổ chức lớn ở những thành phố lớn cũng dễ xin được tiền tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau hơn.
Cho dù cuộc sống thêm bận rộn, chị Hằng rất hứng thú với những việc mình đã đóng góp cho S.K. Bây giờ đã sang năm thứ ba kể từ ngày chị mắc bệnh và chữa bệnh. Người ta nói rằng phải 05 năm trở đi thì mới chắc là căn bệnh sẽ không tái phát. Chị cũng không chắc chắn lắm về trường hợp của mình. Chị vẫn theo dõi, tái khám thường xuyên. Có một điều đang xảy ra trong hiện tại mà chị Hằng thấy rất rõ, đó là căn bệnh đã thay đổi nếp suy nghĩ, hoạt động của chị trong đời sống theo một chiều hướng tích cực. Bây giờ chị cảm thấy yêu cuộc sống hơn. Chị sống trọn vẹn hơn cuộc đời của mình. Chị trở nên cởi mở, hướng ngoại hơn, sẵn sàng tham gia nhiều vào những hoạt động cộng đồng. Chị tham gia vào ngày trình diễn thời trang của các bệnh nhân ung thư ngực để khuyến khích những bệnh nhân vẫn tiếp tục vui sống. Chị trở thành một thuyết trình viên trong một buổi tiệc gây quĩ của tổ chức S.K. Trước đây thì không bao giờ, bởi vì chị là một người phụ nữ của gia đình và tương đối nhút nhát nữa.
Người phụ nữ Việt Nam truyền thống hay có tính “cam chịu”, có điều gì không hay xảy đến với mình thì giữ kín một mình. Điều này không tốt. Chị Hằng nghĩ rằng nếu như trong cuộc sống có điều gì không đúng ý muốn xảy ra, mình ráng tìm cách suy nghĩ khác, lạc quan hơn mà tiếp nhận nó. Nếu có những lúc buồn rầu, chán nản, hãy tâm sự với bạn bè, người thân, nỗi buồn sẽ giảm đi. Nếu gặp lúc không biết xoay xở ra sao, cũng nên vấn kế bạn hữu. Việc giữ im lặng nỗi buồn cho riêng mình nhiều khi quẫn trí, nản lòng lắm.
Thật là kỳ lạ, chị Hằng lại muốn cám ơn căn bênh quái ác này! Nó khiến chị nhìn cuộc đời theo một góc cạnh khác. Chị thấy rằng “Cuộc đời là một cuộc hành trình, không phải là cái đích để đến, lại càng không phải là cuộc tranh đua”. Nếu đời là một cuộc hành trình, tại sao không thưởng thức cảnh đẹp quanh ta trong khi đi du ngoạn nhỉ? Trên đường chúng ta đi, sẽ có lúc chúng ta gặp phải những chỗ gập ghềnh, khúc khuỷu (khó khăn, hoạn nạn), lên đèo xuống dốc (lên voi xuống chó), trơn trượt, ổ gà ổ chuột, lắm lúc phải đi lòng vòng rồi lại quay về chỗ cũ. Nhưng xin đừng vì vậy mà quên ngắm cảnh đẹp hai bên đường đời. Mà lúc nào là lúc mình ngắm cảnh đẹp? Chỉ có giây phút hiện tại mà thôi. Quan trọng hơn nữa, có phải là đợi đến lúc mình mắc bệnh nan y rồi mới thấy quí giây phút hiện tại sao? Vậy thì những ai có may mắn là còn được một cơ thể khỏe mạnh, còn chờ gì nữa mà không tận hưởng hạnh phúc binh dị nhưng tuyệt vời này.
Chị Hằng kết thúc câu chuyện của mình bằng một phương châm sống rất có ý nghĩa: “Pay It Forward”. Chị có may mắn là phát hiện ra căn bệnh ung thư sớm và được điều trị kịp thời. Chị sẽ trả ơn cho ai đây? Câu trả lời là hãy làm ơn hướng về tương lai. Những việc chị đang làm với tổ chức S.K sẽ đem lợi lộc cho nhiều người bệnh trong hiện tại, trong tương lai, chứ không cần trả ơn cho ông bác sĩ đã chữa cho chị. Đó có lẽ là cách trả ơn đời hợp tình, hợp lý nhất…
Đoàn Hưng
Chị Hằng chụp chung với bà Nancy Brinker,
Sáng Lập Viên & CEO Susan G Komen
của tổ chức For The Cure