Feb 20, 2011

BỨC TRANH THỨ MƯỜI “Nhập triền thuỳ thủ ” (Thõng tay vào chợ) - Thích Phước Tịnh


Bản thơ nguyên âm chữ Hán

Lộ hung tiển túc nhập triền lai
Phù thổ đồ khôi tiếu mãn tai
Bất dụng thần tiên chân bí quyết
Trực giáo khô mộc phóng hoa khai

“Lộ hung tiển túc nhập triền lai” nghĩa là ăn mặc xốc xếch, bày ngực bày hông, đi chân trần với thái độ thong dong, bước vào quán rượu. Chú mục đồng này đã từng tu tập rất lâu, đến lúc thành tựu trên con đường tu, không có oai nghi chi cả. Nhưng chú chưa dừng lại nơi đây.

“Phù thổ khôi tiếu mãn tai” nghĩa là bôi đất, trét tro. Hình ảnh đoan trang của chú mục đồng khi tu với thầy không còn nữa, thay bằng hình ảnh trần lao, ô uế, đầu tro, mặt đất. Tuy nhiên, chú có một nụ cười rất tươi (tiếu mãn tai). Chúng ta vì lo âu đè nặng từ sáng đến tối nên có khi chúng ta cười nhưng gượng gạo, hoặc có hậu ý phía sau nên không cười trọn vẹn.

“Bất dụng thần tiên chân bí quyết. Trực giáo khô mộc phóng hoa khai” nghĩa là lúc này, chú mục đồng không cần bí quyết thần thánh chi cả, nhưng vẫn có thể làm người khác “nở hoa”, tươi lại dù cho người ấy như cành cây khô, không còn sức sống.

Đối với các bậc giác ngộ, đã chứng được con đường Niết Bàn, các ngài không vận dụng kinh điển như chúng ta, cũng chẳng cần nói nhiều nhưng năng lượng của sự giác ngộ, yên bình, tĩnh tại, đến gần, chúng ta cảm nghiệm ngay. Đó là ý thứ nhất. Ý thứ hai là các ngài không cần vận dụng cổ thư của Đức Thế Tôn hay của Thánh kinh, mà đem tuệ giác nơi chính tâm thức của các ngài để diễn đạt. Những điều các ngài truyền đạt đặc biệt làm cho tâm thức của thính chúng, dù có đóng khung mấy lớp tường thành, cũng vỡ vụn mà thấm giáo lý giác ngộ - giống như cây khô cũng trổ bông.

Bản dịch của thầy Tuệ Sỹ:

Lưng trần, chân đất, chợ người,
Cát lầm bụi vẫn ta cười say xưa.
Thần tiên mấy biết cũng thừa,
Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng.

“Lưng trần, chân đất, chợ người. Cát lầm bụi vẫn ta cười say xưa” – cho dù cát bụi phủ đầy thân hình bên ngoài – đầu tro mặt đất, nhưng nụ cười bên trong tâm thức của bậc giác ngộ vẫn rất trong sáng do tâm rất thong dong vào phố thị.

“Thần tiên mấy biết cũng thừa. Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng.” Không cần sử dụng bí quyết thần tiên chi cả, các bậc giác ngộ vận dụng ngôn ngữ của chính các ngài, với sức sống rất hùng tráng, giúp được cho những ai có duyên tiếp xúc với họ - dù đang chìm ngập trong nỗi buồn- mở được cánh cửa chánh Pháp, đi vào cửa Đạo, vượt thoát nỗi khổ trong một sát na. Chữ “thoắt” trong câu thơ thứ tư rất hay, có nghĩa “bừng nở”, “bất chợt”, không phải từ từ phát triển từ búp đến nụ rồi mới nở hoa, cũng giống những người có khả năng thâm đạt con đường Thiền, một khi mở con mắt, lập tức tỉnh ngủ.

Qua 10 bức tranh Chăn Trâu, chúng ta biết được một trong hai con đường đi vào để chúng ta nhận ra con người thật của mình. Con đường đầu là con đường dài, cực khổ miên man, đi ngang qua 10 bức tranh này. Có khi đi mất một đời, nhiều đời cho tiến trình Phàm phu chứng Phật quả. Theo truyền thống của kinh văn, sự thành đạt cuối cùng là thành đạt được giác ngộ, chứng được Phật quả, ngồi trên toà sen phóng hào quang. Thế nhưng trong bộ tranh, người ta không vẽ hình chú mục đồng ngồi trên toà sen hay phóng hào quang, rất ngược lại với những quan niệm thông thường. Chú nhỏ mục đồng đã từng tu tập trên núi cao, bây giờ lại đi vào phố chợ, phía trước xách bầu rượu, phía sau quảy con cá, chơi với bọn đầu trộm, đuôi cướp trong chốn giang hồ thay vì kết bạn với thầy tu hay thành lập đạo tràng.

Con đường thứ hai là con đường ngắn, dành cho những người có cơ duyên đặc biệt, bước vào luôn không gian giác ngộ, triệt chứng đứng được quả giác ngộ. Có những lúc chúng ta oằn oại trong nỗi khổ. Nếu trầm tư lại, chúng ta sẽ thấy có hai phần: “nỗi khổ” và “con người” không thể sống với nỗi khổ ấy. Con người thật của chúng ta là nhân chứng nhận diện được nổi khổ, không phải là nổi khổ. “Con người” và “nổi khổ” có khoảng cách rất rõ ràng. Nếu nhận ra điều này, người xưa gọi là “ngộ đạo”, chứng được quả giác ngộ.

Trích "Về Nguồn 7" - www.matthuongnhindoi.com

Photography - một nhát bấm, trúng hai chân dung

Feb 16, 2011

BỨC TRANH THỨ CHÍN “Phản Bản Hoàn Nguyên ” (Trở về nguồn cội) - Thích Phước Tịnh




Bản thơ nguyên âm chữ Hán của ngài Quách Am:

Phản bổn hoàn nguyên dĩ phí công
Chân như thục hạ nhược manh lung
Am trung bất kiến am tiền vật
Thuỷ tự mang mang hoa tự hồng

“Phản bổn hoàn nguyên dĩ phí công” nghĩa là trở về nguồn cội rồi mới thấy mình phí công vô ích.

“Chân như thục hạ nhược manh lung” nghĩa là đâu bằng ngay bây giờ và ở đây, ta làm người không nghe, không thấy. “Manh-lung” nghĩa là đui và điếc.

“Am trung bất kiến am tiền vật” nghĩa là trong am không thấy cảnh trí ngoài am

“Thuỷ tự mang mang hoa tự hồng” nghĩa là ta vẫn biết bên ngoài am, có nước chảy, hoa hồng.

Bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:

Phí công về đến nhà xưa,
Đâu bằng ngay đó lặng lờ bạch duyên
Trong am bặt hết nẻo huyền
Nước trôi hoa thắm an nhiên một trời.

Trước tiên nói về quy luật phản hồi. Quy luật phản hồi là đi một vòng rồi trở lại. Thử nhìn vào thiên nhiên sẽ thấy. Ví dụ như Xuân, Hạ, Thu, Đông; hay trái đất quay chung quanh mặt trời 1 triệu km/ 1 giờ rồi quay lại điểm cũ; hay hệ mặt trời quay chung quanh một dãy ngân hà 1 triệu km/ 1 giờ. Dãy thiên hà cũng di chuyển, còn nhanh hơn cả tốc độ di chuyển của mặt trời. Thế thì một hạt nguyên tử nhỏ nhất cũng quay; hành tinh cũng quay, thái dương hệ và các dãy ngân hà cũng quay. Chu kỳ vận hành ngoài thiên nhiên đều chung một quy luật phản hồi và trở về nguồn cội.

Nói về quy luật phản hồi trong sự vận hành của xã hội, lấy ví dụ về thời trang, khi thì mốt mặc ngắn, lúc thì mốt mặc dài, đi một vòng cũng trở về mốt cũ. Chu kỳ tất nhiên về nhà cửa cũng vậy: giá cả lên tột đỉnh rồi cũng xuống.

Quy luật phản hồi cũng có mặt trong tự thân con người. Cơ thể vật lý của chúng ta cũng theo chu kỳ như vậy. Mới sinh ra mình không có răng. Đến khi già mình cũng không có răng. Dù có làm răng giả, tối ngủ cũng bỏ ra. Trí nhớ của ta đi ngang thời gian, chứa đầy kinh nghiệm của đời sống, thế mà trí nhớ dài hạn, ngắn hạn, đến già cũng mất dần đi. Tới một lúc, người già cười nói thơ ngây như em bé, thích những thứ em bé thích. Tuổi già nào cũng thích chơi với người trẻ vì năng lượng của người trẻ làm họ thấy đời sống của họ trẻ trung lại. Đó là khuynh hướng tất nhiên của vòng vận hành vật lý. Tâm lý của chúng ta cũng đi theo như vậy. Ta có thể nhộn nhịp lễ hội trong vài ngày, nhưng sau đó chúng ta cảm thấy mỏi mệt, mơ ước được an bình, lắng lại.

Điều thứ hai nói về cách lý giải từ các thiền sư. Nói về sự thành tựu, các thiền sư đạt ngộ ngày xưa đều có nhận định giống nhau. Tô Đông Pha có sáng tác một bài thơ:

Lô Sơn yên toả Triết giang triều
Vị đáo thanh bình hận bất tiêu
Báo đáp hoàng lai vô biệt sự
Lô sơn yên toả Triết giang triều

Mù toả non lô sóng Triết giang
Khi chưa đến ấy luống mơ màng
Đến rồi nào thấy chi đâu lạ
Mù toả non lô sóng Triết giang

Tô Đông Pha là một thiền sư rất ham tu. Bài thơ này không phải tả cảnh mà tả tâm chứng của ông. Non Lô Sơn kia mịt mù sương khói. Sáng sương giăng, chiều nắng nhạt. Ai cũng mơ ước được đến Non Lô để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của nó. Nhưng từ vạn dặm đến nơi rồi, không có gì lạ vì vẫn nắng, vẫn sương, vẫn sông, vẫn cây rừng. Tình huống của những người tu khi thành đạt con đường thiền tập cũng vậy.

Từ sự thành tựu của các vị thiền sư cho chúng ta thấy rằng chúng ta khao khát tu tập, bỏ bao nhiêu năng lực, nhưng khi đến cuối đoạn đường, chúng ta khám phá ra mình đã từng có niềm vui dù chưa thực tập thở vào, thở ra. Chúng ta đã từng an trú ngay nơi niệm hiện tiền. Chúng ta khám phá ra ta đã từng có kinh nghiệm thành đạt tu hành trước khi tu.

Điều thứ ba là làm thế nào để quy chiếu vào sự thực tập. Mục tiêu thực tập của chúng ta là làm sao có thể đạt đến cội nguồn nơi ta đã sinh ra. Nơi nào là nơi ta được sinh ra? Đó là nơi trạng thái của tâm an nhiên bất động. Chúng ta từ nguồn tuệ giác bất động được sinh ra trong cuộc đời, rồi lại trở về nguồn tuệ giác ấy. Nguồn tuệ giác này còn được gọi là trạng thái Niết Bàn, gọi là Tâm Phật Bất Động.

Tóm lại tuỳ vào trình độ tâm thức của từng người mà đặt ra mục đích của đời mình. Người bình thường mong được trở về nơi tâm thức yên bình. Người đẩy được tâm thức lên trên một chút mong được biết ta từ đâu đến, trả hình hài này, ta về đâu. Tuy mục đích khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều phải tự nỗ lực, tự có trách nhiệm về đời sống của mình, không ai dắt dẫn ta được cả.

Trích "Về Nguồn 7" - www.matthuongnhindoi.com

Feb 15, 2011

International Mother Language Day - Ngày Mẫu Ngữ Quốc Tế - ANH QUÂN

Nơi Quân làm việc là thuộc miền Đông London, được xem là khu có nhiều sắc tộc, nên thành thuộc loại khu đa văn hóa, tính ra nào là Pakistan (Hồi quốc), Bangladesh, Tàu, Somali (bên Phi châu), Columbia, Ukraine, Ba Lan, Rumani, Hong Kong, An Độ, Việt Nam....
Xem đi xem lại thì lại ít dân bản xứ là người Anh, vì dân Anh thấy cũng khó sống chung với dân tộc thiểu này, nên dọn nhà ra khu khác. Tuy là tui nó luôn nói là văn hóa khác nhau, mà lại có hành động sống thì không khác nhau là bao nhiêu, chẳng hạn là nói chuyện ồn ào ngoài đường, xếp hang thì xếp đó nhưng đến lúc cần lấn thì vẫn lấn, lái xe thì mở nhạc thiệt to, xả rác thì vẫn xả như thường. Bởi vậy mình cũng có thể nói là dân thiểu số này “hiện tượng thì khác nhưng bản chất như nhau thôi”. Chưa kể thêm sự tự hào nữa là thằng An độ luôn xem thường hai thằng hang xóm Pakistan và Bangadesh, còn Việt Nam và Tàu thì khỏi nói rồi, anh Tàu luôn coi mình là dân man di, chẳng những vậy còn chê luôn Hong Kong là thiếu văn hóa, trong khi đó Hong Kong cũng xem thường Việt và Tàu luôn. Qua tới Ba Lan thì mấy anh này luôn có ánh mắt khinh bỉ dân Rumani vì đây là bọn du mục làm gì có văn hóa.
Xem ra bọn dân tộc thiểu số này chẳng đoàn kết tí nào cả, nhưng đối với chính phủ Anh là tốt lắm, vì đúng theo chính sách của họ là phải tìm cách “Chia để Trị” bọn da màu này chứ, tụi nó mà đoàn kết quá thành một công đoàn da màu thì vô cùng phiền toái. Cứ xem Pakistan và Bangadesh đi, trước kia là một quốc gia to lớn, cùng nhau ăn cà ri, cùng nhau chơi môn Cricket (môn này chỉ có dân Anh và thuộc địa chơi thôi), thế mà trước khi trả độc lập, bọn thực dân Anh này chỉ dung một chiêu chia đất thôi, thành hai quốc gia, là từ đó hai thằng trở thành kẻ thù, rủ nhau thề là sẽ thù nhau không đội trời chung (mà trên đầu của hai thằng cùng một ông trời, mà tui nó không chịu đội thì chẳng biết sao nữa đây). Gặp Paskistan mà chỉ kêu một tiếng ê dân Paki, ôi thôi là có chuyện đổ máu liền, vì xài chữ Paki là khinh bỉ cũng như mình kêu Tàu là “Chệt” hay tụi Mỹ kêu là “Chin”.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi chiếm đất thiên hạ để kiếm lời, thì việc trị dân da màu tại Anh là chuyện nhỏ của chính quyền Anh. Mà cũng phải công nhận cái dân Anh này được tính liều và phiêu lưu, cứ xem đất Hong Kong xa tít mù khơi, chẳng biết phong thổ ra sao, thế mà bọn Anh dám chèo thuyền sang tận Tàu để chiếm đất. Chưa kể thời đó đi biển gặp bọn hải tặc Thanh Long và Hắc Long bên Nhật đâu phải vừa, thế mà tụi nó ngang nhiên vào lấy đất người ta. Thêm nữa dân bến tàu Hong Kong cũng không hiền, trong quá khứ đã xảy ra các trận chiến giữa dân cảng Hong Kong và Hải Quân Anh và sau cùng tụi Anh đã thắng, xây được thuộc địa Hong Kong đến 157 năm. Sự thành công của dân Anh là nhờ chiến tranh tình báo, buôn bán á phiện và mua chuộc bằng vật chất, cái trò này tụi nó vẫn áp dụng cho đến ngày hôm nay.
Với phương pháp đó, chính phủ Anh nắm chặc về kinh tế, đúng theo câu “Phi kim ngân bất thành đại sự”. Họ cứ chia tất cả mọi thứ thành những cái quỹ, chẳng hạn phục vụ người cao niên là một ngân sách, lớp học cho thiếu nhi một ngân sách, rồi dân da màu đông quá, tụi nó tuy sống ở đây nhiều năm, chỉ thấy xác chứ không thấy hồn, vì nói chuyện ra tụi nó chỉ nói chuyện nơi sanh ra cắt rún mà thôi, mà kêu về sống luôn ở đất mẹ của tụi nó thì mặt mũi thằng nào thằng đấy xanh lè, chẳng chịu về nhưng tụi nó đòi bảo tồn văn hóa tiếng mẹ đẻ, thế thì chiều đúng theo ý là cho ra một ngân sách tiếng mẹ đẻ, đứa nào thấy đủ số con cháu đi học tiếng mẹ đẻ thì nộp đơn xin giờ để dạy học. Để cho dân chủ hơn, chính phủ Anh chấp nhận ra một ban ngôn ngữ cộng đồng (community language) trong hội đồng từng quận, mà để cho dân da màu quản lý hành chánh, còn kinh tế thì do dân Anh làm chủ. Nhiệm vụ của ban này là tạo các trường học dạy tiếng mẹ đẻ của mỗi ngôn ngữ, rồi tranh đấu với bộ giáo dục Anh phải chấp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ là một bằng cấp chính qui khi một học sinh đi thi lấy bằng trung học.
Ngoài ra hang năm vào ngày 21 tháng hai họ tổ chức ngày “International Language Day”.
Sau đây xin trích từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia để sơ lược một ít về ngày “International Language Day”

“Ngày 21 tháng 2 hàng năm được UNESCO tuyên bố là Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế vào ngày 17 tháng 11 năm 1999. Ngày kỷ niệm này cũng đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận trong nghị quyết trong đó quyết định năm 2008 là Năm Ngôn ngữ Quốc tế.
Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế bắt nguồn từ sự thừa nhận trên toàn thế giới Ngày Phong trào Ngôn ngữ, tưởng niệm sự kiện diễn ra tại Bangladesh (trước đây là Đông Pakistan) từ năm 1952, khi một số sinh viên của trường đại học Dhaka bị cảnh sát và quân đội Pakistan giết chết tại Dhaka trong Phong trào tiếng Bengal.
Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế được các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức hàng năm tại các trụ sở UNESCO nhằm quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 1948, Mohammed Ali Jinnah, Toàn quyền Pakistan, tuyên bố rằng Urdu sẽ là ngôn ngữ chính thức duy nhất cho cả Tây và Đông Pakistan. Người dân Đông Pakistan (ngày nay là Bangladesh), với thứ tiếng chính là tiếng Bengal, bắt đầu phong trào phản đối quyết định này. Ngày 21 tháng 2 năm 1952 (tức là ngày 8 Falgun 1359 theo lịch Bengal), những sinh viên tại thành phố mà nay là thủ đô Dhaka kêu gọi bãi công trên toàn tỉnh. Chính quyền ban bố lệnh giới nghiêm để ngăn chặn việc này và sự phản kháng có phần giảm xuống để không vi phạm luật giới nghiêm. Cảnh sát Pakistan đã bắn vào sinh viên dù họ đang biểu tình một cách hòa bình và một số sinh viên đã bị giết chết.
Chủ đề hàng năm
Những lần tổ chức Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế thường có một chủ đề, được ghi trong chương trình tổ chức chính thức của UNESCO, hoặc tuyên bố công khai cho công chúng[3].
• 2000, Lễ ra mắt Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế
• 2001, Lễ mừng thường niên thứ hai
• 2002, Đa dạng Ngôn ngữ: 3000 Ngôn ngữ đang gặp nguy (khẩu hiệu: Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi một từ là một ngôi sao)
• 2003, Lễ mừng thường niên thứ tư
• 2004, Trẻ em được học hành (buổi lễ tại UNESCO có ghi "cuộc triển lãm độc đáo gồm những sách bài tập của trẻ em trên toàn thế giới thể hiện quá trình trẻ em học tập và thành thạo cách sử dụng kỹ năng viết trong lớp học")
• 2005, chữ Braille và ngôn ngữ dấu hiệu
• 2006, Ngôn ngữ và Mạng thông tin
• 2007, Học vấn đa ngôn ngữ
• 2008, Năm Quốc tế Ngôn ngữ
Những lễ kỷ niệm quốc tế

• Giải thưởng Linguapax được trao hàng năm vào Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế.
• UNESCO lập chủ đề cho từng Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế và tổ chức những sự kiện liên quan tại các trụ sở tại Paris vào khoảng ngày 21 tháng 2 hàng năm.
• Năm 2008, Năm Quốc tế Ngôn ngữ được chính thức bắt đầu vào Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế.”
Quay lại sinh hoạt của Quân là cứ mỗi năm tới ngày này là Quân lo xanh cả mặt. Lý do là ban “Community language” yêu cầu từng trường học dạy tiếng mẹ đẻ phải đóng góp một chương trình như bài hát hay bài vũ hoặc đọc thơ và cái gì có lien quan tới ngôn ngữ. Thật ra mà nói công việc không khó, nhưng kẹt một cái là trường tiếng Việt của Quân càng ngày càng suy, học trò quá ít, nội việc dạy tụi nó nói được tiếng Việt đã muốn chết thì làm sao đóng góp. Các sắc tộc khác tụi nó đông người nên chuyện gì cũng dể, nhìn qua thằng Tàu, tụi nó có một đội vũ nhi đồng vô cùng hung mạnh, mỗi lần tụi nó múa là bà con chăm chú ngồi xem.
Những năm trước, Quân phải đi tới nhà Chùa, Nhà Thờ hay các cộng đồng Việt khác để thuê đội vũ của họ về múa, kêu đám con nít giả làm học trò trường của mình. Có năm bí quá tới trường võ Không Thủ Đạo của thằng con đang học kêu bà thầy của tụi nó dắt đám con nít đi biểu diễn, không ngờ chương trình được đám nhi đồng khan giả vỗ tay ủng hộ hết mình, còn được lên báo địa phương, nhưng cũng không ngờ bị phản ứng ngược là hội đồng giáo dục địa phương chỉ trích là ngày ngôn ngữ phải thanh tao, trang nhã sao lại có trình diễn bạo động vậy, phải dẹp ngay tức khắc. Thế là Quân có lời nhắc nhở là từ giờ chỉ ca hát thôi nhé.
Thời gian trôi qua, sinh hoạt cộng đồng Việt Nam tại Anh ngày càng tệ, thế hệ thứ nhất ngày càng lớn tuổi, rút chân vào hậu trường, còn thế hệ thứ hai thì không còn thiết tha các sinh hoạt như thế này nữa. Lớp vũ nhi đồng không còn nữa vì không còn ai dạy dỗ, ban nhạc chẳng còn ai. Bởi vậy lần này năm nay Quân không biết thuê ai lên vũ nữa, cũng hổng biết nói tại sao không có chương trình, nên chỉ biết nhìn mà cười mà thôi......
ANH QUÂN
(bài viết tặng Minh Trang)


Pic 1: Tượng đài Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế,
Công viên Ashfield, Sydney, Úc.
Lễ khánh thành, 19 tháng 2 năm 2006

Pic 2: Đ ội vũ của Tàu

Pic3 và Pic 4 : Đội vũ của Việt Nam


Pic5 : Đội vũ Bagadesh

Pic6 : Đội vũ ấn độ

Pic7: Đội vũ Nga

Tóc em cài xôi gấc - THANH TÙNG





Út, xôi gấc và giò lụa

Feb 11, 2011

Dược Sư Phật Đường tại Anh Quốc - ANH QUÂN


Dược Sư Phật Đường tại Anh quốc được thành lập vào năm 2000. Thầy trụ trì là Thích Tịnh Thông. Chùa Dược Sư nằm dưới Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, chuộng nền dân chủ và tự do. Tuy là một nhà tu, Thầy Tịnh Thông đã hoàn tất nghành Y khoa tại Anh quốc, nếu hành nghề thì có thể xem là một người Bác Sỹ. Sau đó Thầy học tiếp nghành y học Châu A, nên Thầy rất giỏi về châm cứu. Nguyên tắc Tu của Thầy là tự lực cánh sinh trước khi nhờ đến Phật Tử, nên vậy khi mua ngôi Chùa vào hai năm trước Thầy cố gắng đi làm để tạo ra tài chánh và tiếp theo sự đóng góp của một số Phật Tử nên tạo ra một ngôi Chùa tại phía nam London. Thầy có một phòng mạch riêng, rất nhiều đạo diễn Hollywood đã đến chữa bệnh, Hoàng Gia A Rập, ca sỹ George Harrison (của Beatles trước khi mất), ngôi sao Tom Cruise.... đã đến điều trị.

Ưu tiên của Thầy là học đạo Phật, nên mỗi tuần thuyết pháp tại Chùa, Thầy luôn cố giảng qua tiếng Anh để các em nhỏ hiểu đạo. Ngoài ra Thầy là một cao thủ Thái Cực quyền, chiêu Vân Thủ đánh bằng tay của Thầy có thể tạo thành lực mạnh khoảng 70kg. Cũng nhờ đôi tay Thái Cực, Thầy châm cứu vô cùng xuất sắc, có những lúc phóng kim vào huyệt, chính xác và nhanh đến nổi bệnh nhân không nghĩ là mình bị kim đâm. Học trò người Anh đến học châm cứu rất là nhiều. Cũng vì vậy tên chùa được chọn là Dược Sư, cứ vào cuối tuần Thầy và học trò của Thầy có mặt tại Chùa để châm cứu miễn phí cho người Việt Nam. Bình thường trong tuần mà lại phòng mạch của Thầy chi phí khá cao nhưng cũng nhờ đó mà có ngôi chùa tại Anh quốc vào ngày hôm nay.

Sau cùng Thầy có một năng khiếu về đạo diễn, cắt ráp phim và quay phim. Nhân dịp xuân Tân Mão 2011, Chùa Dược Sư tổ chức ngày mừng xuân, để Phật Tử về chùa lấy lộc đầu xuân và là dịp gặp gỡ lẫn nhau tại xứ người. Năm nay đón xuân có sự hiện diện của Cha nhà thờ, khi Thầy và Cha cùng đứng với nhau, thì là một hình ảnh đẹp nhất của mùa Xuân 2011.

Xin các bạn cùng xem một đoạn phim trên You Tube, đặc biệt là võ thuật năm nay Sư Phụ Thiếu Lâm không biểu diễn, để học trò lên múa, mà các em mới luyện khoảng 2 năm đã có những bài quyền rất là vững chắc.

http://www.youtube.com/watch?v=zx_EIU2DiY4

ANH QUÂN

Feb 10, 2011

Kỳ kỳ là kỳ cục ... - PHAN NI TẤN


KỲ KỲ LÀ KỲ CỤC ...


Kỳ kỳ là kỳ cục em,
Không cho anh mở ra xem blog mình.
Nhiều khi trong mộng anh rình,
Thấy em nhấp nhỏm lén nhìn lại anh.
Anh đòi mở blog nhanh nhanh,
Mà em Út cứ loanh quanh chối hoài.
Thương em bồng thẩy lên vai,
Ghét, bỏ vô miệng, anh nhai tối ngày.

PHAN NI TẤN

Feb 2, 2011

Tống Cựu Nghinh Tân - DOÃN QUỐC VINH


TỐNG CỰU

Thêm năm qua...
thêm một tuổi già
Thêm ngắn đời ...
thêm bớt buồn vui.
Đắng cay, mặn nhạt, ngọt bùi,
Trăm năm cứ thế ngậm ngùi mà trôi.

NGHINH TÂN

Kia Xuân, Hạ
nọ Thu, Đông
Thân tâm lại nở nụ bông trắng ngần
rất thanh tân,
thật ân cần,
Ung dung ra đón tuổi xuân mới về.

XUÂN MIỀN NAM - Đoàn Hưng


“Trong nắng xuân trong sáng
Cành mai khẽ lung lay
Trong gió xuân tươi mát
Áo muôn màu tung bay
Trong nắng gió ta đoán
Chúa xuân đã về đây”

Thưở niên thiếu, ký ức về những mùa xuân miền Nam trong tôi đã được ghi lại chỉ đơn giản như vậy. Đối với tôi, tết đến xuân về là thời gian đẹp nhất của tuổi thơ. Hằng năm, tôi tận hưởng nó từng giờ, kể từ 23 tháng Chạp cho đến ngày rằm tháng Giêng, rồi luyến tiếc nhìn mùa xuân qua đi, mà trong lòng đã mong chóng đến Tết năm tới.

Tận hưởng hết mình, nhưng tôi không hề có ý định phân tích tại sao mùa xuân trong tôi lại đẹp đến thế. Mãi cho đến khoảng 10 năm sau biến cố 1975, tôi có một bà cô ruột đem gia đình từ Hà Nội vào sống hẳn trong Sài Gòn. Gặp nhau trong ba ngày Tết, cô tôi than thở rằng “…ở trong Nam không có không khí tết như ngoài Hà Nội…”. Tôi ngạc nhiên vô cùng, hỏi cô tại sao vậy. Cô tôi giải thích khá dài dòng, nhưng đại loại là Tết trong Nam nắng nóng quá. Còn Hà Nội, mùa tết trời rét đậm, mọi người có dịp diện áo lạnh đi chơi. Đặc biệt là mưa phùn trong những tối giao thừa. Thế mới là không khí Tết… À, thì ra thế! Tôi mới hiểu tại sao Nguyễn Bính đã gói gọn mùa xuân miền Bắc trong một câu thơ: “…Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay…”.

Xuân miền Bắc hẳn là đẹp. Nhưng tôi không thể đồng ý với cô tôi rằng Sài Gòn không có không khí Tết bởi vì không có mưa xuân. Kể từ lúc đó, tôi mới rắp tâm mổ xẻ, phân tích xem hương vị Xuân Miền Nam nằm ở đâu.

Ai đã từng sống trong miền Nam lâu một chút, hẳn sẽ nhận ra mùa Tết có một khí hậu hết sức đặc biệt. Ở một xứ chỉ có hai mùa mưa nắng, thời tiết những ngày cuối năm giáp tết có lẽ là đẹp nhất. Mùa mưa đã qua hẳn, mùa nóng lại chưa về. những đợt gió mùa Đông Bắc thổi xuống chỉ đủ để tặng cho người miền Nam cái cảm giác xe lạnh, đặc biệt là vào ban đêm. Đối với người dân miền Nam vốn không quen chịu rét, đó là lúc tốt nhất để thưởng thức cái lạnh trong những bộ áo vest, hay những bộ áo dài khăn đóng đi chúc tết, thăm viếng người thân. Còn vào ban ngày, tôi không bao giờ quên được bầu trời xanh thẳm của những ngày Tết Sài Gòn. Bầu trời thường không gợn một bóng mây. Chỉ có một màu xanh ngắt trải rộng ra tới tận chân trời. Và trong cái nền đó, nắng xuân chan hòa, trong sáng, sưởi ấm mọi nơi. Nếu phải miêu tả “màu nắng”, thì xin hãy nhớ lại cảm giác về nắng trong những ngày Tết Sài Gòn. Nắng xuân được nhắc tới trong rất nhiều bài nhạc xuân : “…Nắng xuân về trên muôn hoa…Nắng xuân hồng về nơi nơi…”, “…Kìa trong vạt nắng, mạch xuân tràn dâng…”, “…Ngày xuân êm ấm, nắng xuân tưng bừng…”, “…Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng…”. Nắng thì không màu. Nhưng nắng xuân làm nền để vạn vật đón xuân rực rỡ hơn. Nắng xuân muôn hình, muôn vẻ trong tim người nghệ sĩ…

Trời xuân xanh thắm. Gió xuân nhè nhẹ. Nắng xuân trong sáng. Xuân của đất trời đi vào từng khu phố, con đường, ngõ hẻm của Sài Gòn. Hãy điểm thêm một cành mai vào phong cảnh xuân miền Nam. Nếu mưa xuân và hoa đào là biểu tượng của xuân miền Bắc, thì nắng xuân và mai vàng là hình ảnh của xuân miền Nam. Chậu mai vàng trước ngõ đón người thân quen đến chúc tết. Mai vàng đón em lễ chùa này, mang lộc đầu xuân về nhà. Mai bán ở chợ tết, gia đình đi lựa một cành mai mua về nhà, sao cho hoa nở rộ vào đúng ba ngày Tết, biểu hiện của vận may trong năm mới.

Hãy vẽ thêm hình ảnh những người con gái Sài Gòn du xuân. Ngày xuân đi liền với áo mới. Những tà áo dài muôn sắc của những cô gái xuân đi lễ chùa, đi chúc tết trên những con đường Sài Gòn. Trong ba ngày Tết, đường phố vắng hẳn. Người đi trên đường không vội vàng, bận rộn như ngày thường. Ai cũng khoan thai, nói cười, rộn ràng cùng với mùa xuân. Chỉ cần ra phố, ngắm người qua lại, ta cũng đã cảm nhận được xuân về…

Sắc xuân miền Nam có vẻ đã hiện ra khá rõ nét rồi đó. Bây giờ ta đi tìm lại những thanh âm của mùa xuân. Có lẽ khó ai mà quên được tiếng pháo giao thừa. Xuân Mìên Nam trước 1975 mất đi tiếng pháo kể từ sau biến cố Tết Mậu Thân. Sau 1975, người Sài Gòn được đón xuân trong tiếng pháo trở lại, cho đến năm 1994 thì bị cấm hẳn. Ai cũng tiếc, vì thiếu tiếng pháo không khí tết bị hụt hẫng đi nhiều, nhất là trong đêm giao thừa. Trong cái thời khắc đón năm mới, lúc mà mọi nhà chuẩn bị thắp hương, khấn vái trước mâm cúng lộ thiên, cũng là lúc tiếng pháo giao thừa bắt đầu rộn ràng. Lúc đầu chỉ râm rang xa gần, cho đến đúng nửa đêm là tưng bừng, rộ lên nhất. Trong những con hẻm Sài Gòn, bà con thi nhau đốt pháo đón giao thừa, chúc nhau năm mới trong tiếng pháo đầu xuân. Có tràng pháo nổ dòn dã, có tràng chát chúa. Có tràng nổ nhanh, có tràng nổ khoan thai. Người sành tiếng pháo bình phẩm đây là pháo Gò Vấp, kia là pháo Đà Nẵng. Rồi trong những tràng pháo không dứt, tiếng chuông trống giao thừa ở một ngôi chùa gần đó cũng vang lên, đánh dấu một năm mới đã bắt đầu. Thiêng liêng, trang trọng…

Nhạc xuân cũng là những thanh âm góp phần tạo dựng nên không khí rất riêng của xuân Miền Nam trước 1975. Hàng năm, vào khỏang từ ngày đưa ông Táo về trời, nhạc xuân bắt đầu phát đều đặn trên tivi, radio. Người Sài Gòn cảm nhận không khí tết khi nghe văng vẳng đâu đó câu hát: “…Xuân vừa về trên bãi cỏ non, gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn…” (Hoa Xuân-Phạm Duy), hay “…Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng, trong nắng vàng, khắp chốn đón xuân sang…” (Xuân Họp Mặt, Văn Phụng). Và trong giờ phút giao thừa, có ai trong chúng ta mà không chờ được nghe bản nhạc xuân bất tử:
“Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no
Thóat ly đời gian lao nghèo khó…”
(Ly Rượu Mừng- Phạm Đình Chương)

Nhiều năm sau ngày miền Nam thất thủ, người miền Nam vẫn không thể quên được những bài nhạc xuân đó. Bởi vì chúng đánh dấu những mùa xuân rất đẹp của đất nước đã mất đi. Gia đình tôi và một số thân hữu vẫn giữ truyền thống hát chung bài Ly Rượu Mừng mỗi năm, vào dịp cùng nhau đón giao thừa, bất chấp xã hội thay đổi đảo điên. Chúng tôi tin tưởng là sẽ có ngày những mùa xuân đích thực sẽ trở lại. Và sau chừng 20 năm bị cấm đóan, người Miền Nam lại được nghe, lại được hát những bài nhạc xuân thân yêu của mình. Nền văn nghệ thiếu tự do tư tưởng không thể cho những bản nhạc có hồn xuân chân thật, nên phải chấp nhận sử dụng lại nền nghệ thuật đích thực của miền Nam cũ. Một phần hồn xuân đã trở lại với những mùa xuân Miền Nam.

Như vậy, làm sao mà ta không cảm nhận được Xuân Miền Nam? Nó đến với mọi người tràn đầy qua mắt nhìn, tai nghe, qua những cảm thọ với nắng xuân, gió xuân. Xuân Miền Nam còn đến qua hương vị của chiếc bánh chưng mới bóc, hay nồi thịt kho nước dừa, hay ly rượu mời nhau ba ngày Tết. Thêm vào đó, người Miền Nam cảm nhận mùa xuân một cách trọn vẹn với một tâm hồn tự do phơi phới. Xuân đến với đất trời, nhưng liệu con người có cảm nhận được hết cái đẹp của mùa xuân nếu tư tưởng bị tù đầy trong lòng thù hận, hoặc bị đầu độc với những điều dối trá? Cái đẹp của những mùa xuân miền Nam có lẽ chỉ được tận hưởng với cái tâm hào phóng, khóang đạt của những con người Tự Do.

Ghi nhận về vài nét riêng của những mùa xuân miền Nam của tôi dừng lại ở đây. Và bây giờ, mỗi khi Tết đến với miền Cali nắng ấm, lòng tôi vẫn chưa thôi nhớ về những mùa xuân cũ. Tôi vẫn cố đi tìm lại hương vị của Xuân Miền Nam. Ở đây cũng có trời xanh, nắng ấm. Phố phường của Little Saigon cũng thân quen, gần gũi. Cũng có tiếng pháo rộn rã trong đêm giao thừa. Cũng đầy đủ hương vị bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Cũng có những bài nhạc xuân bất hủ của thưở nào. Vậy mà sao trong lòng vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì…Tại vì tuổi thanh xuân đã qua? Hay tại vì thiếu một chút không khí của quê nhà?

Tôi nghiệm ra rằng sẽ không bao giờ tìm lại được lại những mùa xuân đã đi vào quá khứ. Chỉ có mùa xuân hiện tại là còn tràn đầy.

Vậy thì hãy tận hưởng những mùa xuân ở miền Nam Cali, với một tâm xuân thật trọn vẹn…
“…Miền Nam, niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam, tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
Giờ đây, muà xuân đến xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầu nhớ, vui ca tung gieo nguồn sống
Đắp xây tự do…”
(Xuân Miền Nam – Văn Phụng)

Đòan Hưng