Jan 23, 2014

CHUYỆN THÁNG TƯ - Anh Quân

Chuyện tháng Tư

Lại sắp đến ngày 30 tháng 4, cuộc chiến Việt Nam chấm dứt được 36 năm rồi, chóng ghê chưa,chuyện như mới xảy ra ngày nào, tôi còn nhớ một ngày của tháng 4 năm 1975, buổi trưa nóng nực đi học lớp chiều tại trường học của mình là Sư Phạm Thực Hành, đến trước cổng trường có tấm bảng ghi là trường phải đóng cửa là vì tình hình chiến trường sôi động. Ở cái tuổi lên 10 tôi làm gì biết lo, biết sợ, chỉ biết là được nghĩ học là khoái lắm rồi, không phải rơi vào cảnh trả bài hay kiểm tra là sướng quá đi, vậy là được rong chơi sướng quá đã, thêm nữa vào thời gian đó cha mẹ đâu có bắt học bài mà cả ngày tôi cứ nghe mọi người cứ nói ngoài trung thất thủ, cộng sản chắc sắp vào tới Sài Gòn. Tôi cũng chẳng biết Cộng Sản là ai? Mà bà ngoại tôi cứ nói họ ác lắm, vì vào năm 1945 bà ngoại tôi ở ngoài Bắc có nuôi Việt Minh, còn được huy hiệu khen thưởng người phụ nữ anh hùng nữa, có lẽ lý do đó bà ngoại tôi cũng biết về Cộng Sản. Nghe ác thì nghe vậy chứ tôi nào để tâm. Lúc đó tôi không còn được phép ở nhà tôi bên Cư Xá Ngân Hàng, nay là quận 7, cả nhà phải lên nhà bác tôi tại đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) tập trung tại đó để nhỡ có đi tản cư thì đi cùng một lúc. Y như hồi 1954 cả họ hàng nhà tôi, (tất nhiên là tôi chưa ra đời) cũng tập trung leo lên tàu đi vào nam. Tôi còn nhớ các ông anh họ tôi vận dụng hết sự quen biết bên phía Mỹ để tìm cách lên máy bay di tản qua Mỹ. Danh sách đã nộp, cả nhà cứ ngồi đợi thì nghe tin phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích vào ngày 28 tháng 4, thế thôi mộng tôi lên máy bay hết thành rồi, với tôi lúc đó có đi Mỹ hay không chẳng quan trọng, nhưng được đi máy bay là điều mơ ước vì từ nhỏ đến lớn chưa được đi. Qua hôm sau thì ông anh họ tôi nói là có quen người Mỹ, theo họ thì có thể leo trực thăng ra Hạm Đội 7, nhưng đi không được đông, chỉ có một số người đi mà thôi, thế là cả nhà ngồi tính toán ai đi ai ở. Đến phần gia đình tôi thì bố mẹ tôi không đi nhưng mẹ tôi lại hỏi tôi đi không? Tôi ừ liền, đi máy bay không được thì đi trực thăng chắc cũng vui lắm, thêm nữa lại đi Mỹ qua đó tha hồ ăn “sô cô la”, uống “coca” và quan trọng nhất là không phải đi học bên Việt Nam. Thế là mẹ tôi bịn rịn đóng hành lý giao tôi cho các ông anh họ tôi đi xuống một Villa cũng ở đường Yên Đổ nơi mà các viên chức Mỹ chuyên thuê nhà trong thời gian qua Việt Nam làm việc.

Đi xuống dưới đó ngồi đợi, từ giờ này qua giờ kia, chẳng thấy bong thằng Mỹ nào hết, ông anh tôi nói thôi rồi mấy thằng Mỹ bỏ của chạy lấy người rồi. Buổi chiều 29 tháng 4 , tất cả lại lục đục về nhà thì nghe tin giờ nếu mà leo vào trong tòa đai sứ Mỹ là có cơ hội đi, nhưng làm sao mà leo vì toàn đại gia đình tôi có cả ông bà già cả lẫn con nít thì chịu thua thôi.
Sáng 30 tháng 4, cả nhà quyết định ra bến tàu để xem đi đường thủy có được không? Nhưng lúc đó bố tôi quyết định không đi vì sợ nguy hiểm, thêm nữa mẹ tôi đang có thai thì bố tôi càng không dám, riêng tôi thì cũng khoái đi tàu thủy lắm vì từ nhỏ đến lớn chưa được đi. Bố tôi không cho đi tôi đứng buồn bã nhìn các người anh họ tôi ra đi, họ đã leo lên một chiếc tàu đi đến Phi Luật Tân và sau đó họ đi đến Mỹ.

Sau này gặp các ông anh của tôi bên Mỹ , thì các ông ấm ức nhất là chiếc tàu thủy “Việt Nam Thương Tín” vì đã nhiều người dấu diếm không cho biết thong tin,đây là một chiếc tàu ra đi an toàn nhất. Vậy mà khi tới đảo Guam một số người vì đi bắt đắc dĩ, vợ con còn ở lại Sài Gòn nên quyết tâm rủ nhau về và rồi người nhà chưa kịp gặp thì cùng nhau đi ở tù.

Chiếc tàu cuối cùng rời Việt Nam vào trưa ngày 30 tháng 4, là chiếc Trường Xuân, do thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy lái, đây là chiếc tàu chở hang, đã chở gần 4000 người đến bờ tự do. Nghe đâu ca sĩ Elvis Phương và Bảo Hân cũng đi chuyến này. Còn tôi quen một hành khách trên chiếc Trường Xuân đang sống tại London, thì ông này đã bao nhiêu lần chạy, ông kể lúc bé theo cha mẹ ngồi tàu Há mồm từ Hải Phòng vào Sài Gòn, ở không được bao lâu, vài tháng lại đi ra bắc, ra ngoài đó là thôi luôn, hết vào nam, cả nhà ân hận. Cho đến tuổi thì đi Bộ Đội, đụng trận năm 1971 bên Kampuchia, thế là ông đi hồi chánh ở Sài Gòn. Rồi tới ngày 30 tháng 4, ông nghe tin quân đội nhân dân, cũng vốn là đồng chí của ông, thế là ông ta tái mặt, sợ quá chạy ra bến tàu, chứ ở lại bị treo cổ mất, đứng lang bang ngoài cảng kho 5, thấy chiếc Trường Xuân, rồi thấy mấy thằng nhỏ bán đậu phọng nhảy xuống bán, ông nhảy theo , tàu nhổ neo đi luôn, mấy thằng nhỏ bán đậu phọng đứng khóc bù lê bù la, đâu muốn đi. Thế mà tụi nó cũng qua Anh quốc định cư với ông Hồi Chánh. Đến giờ thì ông Hồi Chánh cũng chẳng có vợ, mà cũng còn sợ chưa dám về Việt Nam. Còn mấy thằng nhỏ bán đậu phộng tôi có quen biết và tui nó kiếm tiền nhiều lắm vì có một chức vụ khá lớn trong nhà ngân hàng. Tụi nó thì nhiều lần đã về Việt Nam chơi.

Ai ở lại Việt Nam sau 1975 thì đều biết chữ “Khổ” rồi, diễn tả ra là thừa. Cũng vì cái khổ đó xảy ra chuyện người Việt bỏ nước ra đi. Kể ra thì đã có những chuyến đi bằng tàu bè sau năm 1975. Lúc đó thì chỉ thưa thớt không đáng kể cho đến giữa tháng năm 1978 là sự ào ạt ra đi bằng tàu ghe và một số bằng đường bộ. Nếu bây giờ hỏi ai đi bằng đường biển như thế nào thì ai cũng có câu chuyện để kể mà có người sẽ tạo thêm câu chuyện bi đát và bi thương. Nói chung là “Khổ” nhưng còn hỏi chuyện hấp dẫn không thì chắc là không, ngoại trừ câu chuyện vượt biên bằng đường bộ của Phi Công Lý Tống thì được báo chí thế giới để ý đến, báo Reader Digest đã đăng câu chuyện của ông. Còn lại thì chẳng có câu chuyện nào thu hút như “Người Tù Khổ Sai, Papillon” hay “The Great Escape” cả. Tất cả các câu chuyện vượt biển là chuyện buồn. Có một điều phải nói từ năm 1975 – 1989 số người Việt Nam đi vượt biển rất là nhiều, không ai nắm nổi bao nhiêu người chết ngoài biển, chỉ biết nhiều đến nổi thế giới phải chú ý.

Cho nên vào ngày 20 tháng 6 năm 1979, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 74 của nhà triết gia thiên tả nổi tiếng của Pháp là Jean Paul Satre, ông đã đưa kiến nghị lên chính phủ Pháp là phải giúp đỡ “Thuyền Nhân” Việt Nam. Đã nhiều năm ông Satre ít xuất hiện trước công chúng, lần này ra mặt ông đã nói về người tị nạn Đông Dương: “Trong số người vượt biển đó có những người, họ không đứng về phía chúng ta, nhưng trong lúc này chúng không cần tìm hiểu quan điểm chính trị của họ, nhiệm vụ chúng ta phải cứu sống họ. Đây là vấn đề đạo đức, một câu hỏi cho chúng ta về cách sống đạo đức và tình người”.

Nói xong, ông Sartre ngồi xuống, kế bên ông là một đối thủ truyền kiếp, không đội trời chung trên chiến trường chính trị là nhà văn nổi tiếng cùa Pháp là ông Raymond Aron, đây là lần đầu tiên, kể từ cuộc chiến Algerian năm 1954, ông Sartre mới cười lại với Raymond và bắt tay lấy ông ta. Nhưng hai ông cũng chẳng làm bạn được thêm với nhau bao lâu vì tới năm 1980 ông Satre lăn đùng ra chết về bệnh phổi và ông Raymond chết vào năm 1983 lên cơn đau tim bất ngờ.

Thêm một nhân vật nổi tiếng người Đức mà hoạt động chính trị tại Pháp vào thời sinh viên của thập niên 60, là ông Daniel Cohn-Bendit, là lảnh đạo cuộc cách mạng sinh viên Pháp vào năm 1968, cũng là một người thiên tả nhưng ông đã nói:
“Ngày hôm qua người Mỹ đã giết trẻ em vô tội bằng các quả bom napalm, ngày hôm nay người cộng sản đã dìm chết trẻ em xuống biển. Hôm qua chúng ta có những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam mà hôm nay chúng ta đều im lặng trước việc người đi vượt biển”.
Chuyện “Thuyền Nhân” kéo dài tới tháng 6 năm 1989 là thế giới tuyên bố chuyện người Việt đi tị nạn đã chấm dứt, tất cả sẽ là lịch sử và không còn ai muốn nghe chuyện người Việt Nam đi tị nạn nữa. Các trại tị nạn Đông Nam á sẽ đóng cửa , những cái tên như Paula Bidong, Galang 1 và 2, Shongkha, Kho Đen, Chi Ma Wan, Đầu Trắng... tất cả sẽ xa vời nhưng rất khó quên được trong tâm người tị nạn.

Câu chuyện người Việt Nam ra đi tưởng rằng đã chấm dứt, nhưng sau khi tất cả chế độ cộng sản tại châu âu không còn nữa, lại bắt đầu cuộc phiêu lưu khác, bỏ xứ ra đi của người Việt. Câu chuyện đầu tiên mà tôi gặp được là vào năm 1994 , nhưng đến giờ tôi vẫn không biết sự thật phía sau câu chuyện về một người Việt lưu lạc sang tận bên Anh mà thời gian đầu tôi đã bỏ nhiều thời gian giúp anh ta. Tuy nhiên đây cũng là chuyện mở màn cuộc di dân của người Việt từ thập niên 90 và sẽ được thuật trong lần tới.

Anh Quân

Jan 19, 2014

ĐÓN ĐỌC SÁCH TRONG DỊP XUÂN GIÁP NGỌ: MỘT CÀNH MAI – HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC TỊNH



ĐÓN ĐỌC SÁCH  TRONG DỊP XUÂN GIÁP NGỌ: MỘT CÀNH MAI – HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC TỊNH

Nhân dịp xuân Giáp Ngọ, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh & nhóm Giới Trẻ Mây Từ có một món quà rất có ý nghĩa dành cho dân mê đọc sách: cuốn sách mang tựa đề Một Cành Mai.
Trong tâm thức người Việt, mỗi độ xuân về, Tết có ý nghĩa thiêng liêng hơn nhiều so với năm mới của người Âu Mỹ. Người Việt đón xuân, đón Tết một cách trang trọng. Người Việt cúng đất trời trong thời khắc giao thời, đón ông bà về ăn Tết, chúc thọ người già, mừng tuổi trẻ em. Người Việt tính sổ năm cũ, chuẩn bị đón năm mới bằng niềm vui để mong cho cả năm được hanh thông, hạnh phúc. 


Đối với người tu, năm hết Tết đến cũng là dịp nhìn lại con đường tu tập của mình. Người nào cũng mong muốn cho năng lực tu đủ hùng mạnh, để vững tin vượt qua thử thách của năm tới. Cái nhìn của người tu về mùa xuân vì vậy sâu sắc hơn của người đời. Người tu vui với hoa cỏ mùa xuân, nhưng cũng nhìn thấy xuân qua, hè tới, thu sang, đông về là điều không tránh khỏi. Người tu thấy tuổi trẻ là mùa xuân của đời người, nhưng cũng nhìn thấy tuổi già cũng sẽ đến, cho nên biết lo tu tập để giữ được mùa xuân miên viễn trong tâm thức của mình.


Cuốn sách Một Cành Mai được thực hiện bởi Nhóm Giới Trẻ Mây Từ. Sách được phiên tả từ một số bài pháp thoại của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh có chủ đề về mùa xuân. Bằng cách bình luận thi ca, Thầy chia xẻ cái đẹp của mùa xuân vô thường trong đất trời, rồi hướng người đọc đến mùa xuân vĩnh cửu trong hình hài tứ đại của chính mình.
Khi nhắc đến cụm từ “một cành mai”, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến bài thơ bất hủ Cáo Tật Thị Chúng của Thiền Sư Mãn Giác, với hai câu chót mang đậm tính chất thiền:
“…Đừng bảo đông tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”


Bài thơ này cũng được Thầy trích dẫn và bình luận trong cuốn sách Một Cành Mai để chỉ cho đại chúng thấy tâm xuân bất diệt của một vị tu hành ngộ đạo.
Thầy Phước Tịnh nhắc đến rất nhiều bài thơ nổi tiếng có chủ đề mùa xuân của nền thi ca Việt Nam, cả thơ thiền lẫn thơ nhân thế. Nhà thơ Vũ Đình Liên đã làm cho cành đào ngày tết trở nên bất tử cùng hình ảnh cụ đồ trong bài thơ “Ông Đồ Già”, mà có lẽ người Việt nào đến trường lớp cũng đều biết đến:


 “Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…
…Năm này đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ…”


Ý thơ, lời thơ thật đẹp, nhưng nó man mác buồn làm sao! Cũng với cành đào ấy, nhưng thiền sư Linh Vân (đời Đường Trung Hoa) lại cho ta niềm hứng khởi của một người ngộ đạo chỉ vì thấy hoa đào nở:


Ba mươi năm kiếm khách tìm cầu
Lá rụng cành khô chẳng thấy đâu
BỖng nhiên chợt thấy hoa đào nở
Khối nghi bùng vỡ tỏ nhiệm mầu


Thầy Phước Tịnh chỉ ra cho chúng ta thấy thơ thiền khác thơ nhân thế ở chỗ thơ thiền làm cho tâm hồn người đọc thanh thản, hướng chúng ta tới con đường tu giải thoát phiền não. Thầy vẫn thường giảng rằng Phật tánh, hay chân tâm, hay tự tánh niết bàn… chính là sự nhận biết hiện tại đơn thuần nhưng mầu nhiệm, mà mỗi chúng ta ai cũng có sẵn. Trong Một Cành Mai, Thầy dạy chỉ cần thắp sáng sự nhận biết đó, thì lập tức tâm ta tràn ngập mùa xuân. Và cho dù ngày tháng trôi qua, cái thân của chúng ta sẽ già đi theo qui luật vô thường, nhưng tâm ta vẫn luôn luôn là mùa xuân miên viễn:


“…Mời được Sự Nhận Biết luôn rạng ngời chiếu sáng tĩnh tại hiện tiền, thì không có buồn giận lo lắng nào có thể chạm vào đời sống chúng ta được cả. Hành tinh này được bầu khí quyển bao quanh, nên bất cứ một tảng vẩn thạch nào chạm vào khí quyển đều tan thành tro bụi. Cũng thế, khi năng lực tu của chúng ta đủ hùng mạnh, an trú được trong vùng trời chánh niệm sáng rỡ, thì mùa xuân sẽ mãi hiện hữu trong tâm thức chúng ta. Đời sống ta tự nhiên trở thành giàu có, mỗi một ngày niềm vui mỗi một tỏa sáng, và bấy giờ đời sống rạng ngời như mùa xuân bất tận…”
(Thông Điệp Xuân- Thích Phước Tịnh)
 
Giới Trẻ Mây Từ là nhóm Phật tử trẻ do Thầy Phước Tịnh thành lập đã hơn một năm. Nhóm có nhiều hoạt động để đem nhiệt tâm huyết người tu trẻ tuổi phục vụ cho xã hội, cộng đồng: nấu ăn cho người vô gia cư (dưới sự tài trợ của chợ Á Đông), đi thăm người già trong viện dưỡng lão, dọn dẹp, tu sửa chùa, tu viện… Một Cành Mai là cuốn sách đầu tiên của Thầy do nhóm phát hành. Trong tương lai, nhóm dự định sẽ tiếp tục thực hiện công việc này, để phổ biến lời giảng của Thầy rộng rãi hơn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bạn đọc có thể mua sách qua những hình thức sau:
-    Mua sách trực tiếp tại Zippost: 9353 Bolsa Ave Westminster, CA 92683
-    Gởi e-mail đến cho Giới Trẻ Mây Từ: lienlac@gioitremaytu.org
-    Gọi điện thoại cho:
o    Chương Vũ: 714 768 9378
o    Vi Nguyễn:   714 722 2060
o    Diệu Ngọc: 714 858 8704
o    Doãn Hưng: 310 985 0908

-    Đặt sách ở Canada, xin liên lạc Tâm Nguyễn, Tel: 905 979 1190, e-mail: tamthnguyen@gmail.com
Ấn phí là $10. Giao sách miễn phí tại khu vực lân cận vùng Little Saigon. Chi phí gởi sách bằng bưu điện là $3. Chi phiếu xin ghi cho: Compassionate Cloud Association, gởi về địa chỉ:
 

Giới Trẻ Mây Từ
9353 Bolsa Ave # I 13 Westminster, CA 92683
 

VB