Apr 30, 2013

Street Photography : Brick lane Market - Chợ Brick lane phía Đông London - ANH QUÂN

Đây là khu chợ của cộng đồng  Bangladesh tại miền đông London, ước chừng 185 ngàn người định cư tại khu vực này và tổng dân số người Bangladesh sống tại Anh quốc là 500 ngàn người. Họ di dân vào Anh nhiều nhất từ thập niên 70, được xem một cộng đòng trẻ tuổi và phát triển nhanh nhất .  Hơn 30 năm trước tại con đường Brick Lane phía đông London chỉ có sinh hoạt duy nhất của  người Bangladesh nhưng giờ đã có nhiều thay đổi là nhiều sắc tộc khác nhau đã bước vào đây kinh doanh, nên tạo sinh hoạt đa chủng tộc và thu hút nhiều du khách bốn phương.

Quân

PS : tui đang đi training về khóa Street Photography vào mỗi Chủ Nhật trong tháng 5 thì hy vọng sẽ kể được cho bà nghe nhiều chuyện trên đường phố London.













Apr 27, 2013

PHOTOGRAPHY - Marathon @ London - Anh Quan















TÌM LẠI NÉT VĂN HÓA SÀI GÒN TRONG TẬP NHẠC PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG-TÒAN BỘ SÁNG TÁC

 Bìa sách Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác

Chiều Ngày Chủ Nhật 21 Tháng 04, tại Hội Quán Lạc Cầm ở cạnh khu Phước Lộc Thọ, những người dự buổi ra mắt tập nhạc Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác ra về với khuôn mặt mãn nguyện. Cầm trong tay tập nhạc này, nhiều người nói rằng mình đợi nó đã lâu rồi. Nhiều người hỏi nhau rằng chừng nào sẽ có một chương trình tương tự như vậy nữa, để cùng rủ nhau đi dự.
Theo anh Phạm Thành- con trai của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, và cũng là người chủ trương thực hiện tập nhạc này- đây là một chương trình ra mắt sách nhạc, với phần phụ diễn văn nghệ chỉ mang tính chất thân hữu. Như vậy điều gì đã làm cho chương trình này đem lại cho khán giả nhiều điều thú vị đến thế?

Chắc có lẽ bởi vì nó mang đậm tính chất văn hóa mà không phải chương trình ca nhạc chuyên nghiệp nào cũng có được. 

Đó không phải là một buổi trình diễn ca nhạc bình thường. Vào chiều hôm ấy, qua những chia xẻ ngắn mà cảm động của nữ tài tử Kiều Chinh, của nhà thơ Trần Dạ Từ, của anh Phạm Thành… về nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người tham gia có dịp nhớ lại không khí văn nghệ tuyệt vời của Sài Gòn trước 1975, nay đã bị xóa đi tại quê nhà.
Tập nhạc Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác cũng không phải là một tập nhạc bình thường, chỉ gồm những dòng kẻ, nốt nhạc, lời nhạc. Đó cũng là một công trình văn hóa. Nó chứa đựng rất nhiều kỷ niệm về một nền văn hóa Sài Gòn xưa, mà bây giờ chỉ còn được ghi nhớ lại bởi một số mái đầu đã bạc, đang sống rải rác khắp nơi bên ngoài quê hương Việt Nam…
Mở từng trang của tập nhạc Phạm Đình Chương, người xem như sống lại với những kỷ niệm của chính mình gắn liền với cái tên Sài Gòn. Nhẩm hát trong đầu bài Mộng Dưới Hoa, hẳn có người nhớ lại những mối tình thơ mộng của mình thời thanh xuân ở một Sài Gòn thanh lịch. Có những người trẻ hơn sẽ tự hỏi sao người xưa có thể yêu nhau lãng mạn đến thế.

Mở trang có bài Đêm Màu Hồng, hẳn có người sẽ nhớ lại con đường Tự Do với phòng trà Đêm Màu Hồng, phòng trà Khánh Ly, vũ trường Maxim… Nhớ đến Sài Gòn phong phú về văn hóa, với nhiều phong cách nhạc cho đủ mọi tầng lớp người dân. Từ Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, đến Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, rồi nhạc bolero với Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Thanh Sơn…

Mở trang có bài Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Lá Thư Mùa Xuân… người ta nhớ lại những mùa xuân bất tử của Miền Nam tự do, với nắng vàng, trời xanh nhuộm màu tự do phơi phới. Dù quê huong chẳng bao giờ ngưng chinh chiến, nhưng những mùa xuân Miền Nam qua nhạc của Phạm Đình Chương cứ vẫn mãi là những mùa xuân tràn đầy hy vọng, tràn đầy lạc quan, hạnh phúc…
Xen kẽ với những bài nhạc, đâu đó người xem lại bắt gặp một vài giai thoại văn nghệ giữa nhạc sĩ Phạm Đình Chương và những người bạn cố tri. Thi sĩ Trần Dạ Từ nhắc lại kỷ niệm ngày đầu tiên ông được nhạc sĩ Phạm Đình Chương & ca sĩ Thái Thanh hát riêng cho ông nghe bài nhạc phổ thơ của mình, Người Đi Qua Đời Tôi. Một buổi sáng Sài Gòn mùa mưa bão năm 1969, tại phòng trà Đêm Màu Hồng… Trong khung cảnh của một phòng trà ban ngày, với bàn ghế ngổn ngang, người nhạc sĩ mời người bạn thi sĩ nghe bài nhạc mới phổ thơ từ đêm hôm trước… Nghe với ly rượu đầu ngày do chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương pha chế…Có một cái gì đó rất là Sài Gòn trong câu chuyện này… Mới đó mà đã hơn 40 năm rồi…

Đối với người chơi guitar, tập nhạc có một món quà thú vị: tất cả các bài hát đều ghi sẵn các accord để đệm, cùng cả các thế bấm trên đàn guitar. Người có chơi nhạc sẽ nhận ra một điều: nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết quá nửa các ca khúc của mình trên các bộ khóa flat (sử dụng âm giáng): Fa trưởng, Si giáng trưởng, Mi giáng trưởng, Sol Thứ, Đô thứ… Cũng không rõ nguyên nhân. Chắc là tại vì đa phần ca khúc của người nhạc sĩ có đượm một vẻ u hoài… Cũng đượm u hoài như nét mặt, cuộc đời của người nhạc sĩ… 

Ngay cả Lời Giới Thiệu của tập nhạc được viết bởi anh Phạm Thành cũng đọng lại cho người xem nhiều suy nghĩ. Anh Phạm Thành có tâm sự là bố anh chưa bao giờ khuyến khích anh nối nghiệp nghệ sĩ của ông. Có lẽ vì ông hiểu được tính thăng trầm của đời nghệ sĩ. Ấy vậy mà dòng máu yêu văn nghệ cứ tiếp tục tiếp nối trong gia đình anh. Anh cho biết chính con trai anh là người thực hiện công việc kẻ nhạc cho tập nhạc của ông nội mình. Hai cha con cùng làm việc, anh chia xẻ với cháu về sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của ông nội mình. Anh cảm thấy hạnh phúc làm được cầu nối cảm thông giữa ba thế hệ. Anh Phạm Thành và con trai cảm nhận được di sản quí báu mà mình nhận được từ nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Điều quan trọng hơn nữa, di sản đó bây giờ không còn thuộc về của riêng gia đình anh nữa rồi. Nó là gia sản văn hóa của chung của toàn bộ 90 triệu con người Việt Nam, ở trong và ngoài đất nước với 3 dòng sông cứ mãi mơ ngày hội trùng dương bên trời Biển Đông…

Chắc chỉ là sự tình cờ, khi anh Phạm Thành chọn ngày ra mắt tập nhạc Phạm Đình Chương-Toàn Bộ Sáng Tác vào dịp cuối Tháng Tư, khi mà người Việt hải ngoại khắp nơi kỷ niệm năm thứ 38 mất nước. Cầm tâp nhạc như một di sản văn hóa trong tay, nghĩ về Phạm Đình Chương cùng nền văn hóa Sài Gòn rực rỡ hơn 4 thập kỷ về trước, nhiều người không khỏi bùi ngùi. Đất nước đã qua gần 4 thập niên trăn trở. Nền kinh tế, chính trị vẫn chưa có lối thoát. Còn về văn hóa thì sao? Nền văn hóa Việt Nam trong nước hiện tại có điểm gì đặc biệt, có gì đáng tự hào? Người ta vẫn sáng tác, vẫn hát, vẫn đi nghe hát. Nhưng đâu là bản sắc của nền âm nhạc Việt Nam hôm nay?

Xin hãy nghe tâm sự của một đạo diễn còn trong nước Việt Nam, khi nhận được tập nhạc Phạm Đình Chương từ một người bạn ở Mỹ gởi tặng:
“…Tui chỉ có thể nói chữ "Trời ơi" vì H. đã dành cho tui một "di vật văn hóa" vô cùng quý giá…
…Tui vẫn luôn giữ và scan lại mọi thứ "xa xưa"... chỉ mong rằng thế hệ sau (ít ra là con mình) không được quên quá khứ (tất nhiên trong đó có văn hóa và tư tưởng).
Tui không biết lấy gì cám ơn H… chỉ mong rằng những "chia xẻ văn hóa" này có thể "động viên" mình trong thời kỳ hỗn mang (chaos) này…”
Trong bối cảnh văn hóa dân tộc đang xuống cấp như vậy, di sản văn hóa của Phạm Đình Chương để lại cho dân tộc Việt còn đáng trân quí hơn bao giờ hết… 
VB

Để đặt sách, xin gởi order cho Phạm Thành tại địa chỉ email là: phamthanh@phamdinhchuong.com, phone: 951-973-3030. Xin cho biết tên, số cuốn muốn đặt và địa chỉ gửi sách đến.
Xin Gửi chi phiếu $25 USD/1 cuốn về: Pham Thành, 38638 Vista Del Bosque, Murrieta CA 92562. Chi phiếu xin viết cho: Pham Thành.
Giá trên chỉ áp dụng cho USA mà thôi. Đối với Canada, Australia hay Châu Âu, xin email để tính chi phí gửi.



Phạm Đình Chương & ban hợp ca Thăng Long tại phòng trà Đêm Màu Hồng


Apr 13, 2013

TRUYỆN VÀ PHIM HARRY POTTER - Anh Quân



Phim bộ Harry Potter là một trong những bộ phim nổi tiếng nhất trong hành tinh của chúng ta. Bộ phim được dựa theo tác phẩm tưởng tượng của một nhà văn nữ người  Anh là bà J.K Rowling. Đến giờ bà viết tất cả là 7 tập truyện Harry Potter.  Quyển đầu tiên là “Harry Potter và Hòn đá Phù thủy” (Harry Potter and the Philosopher’s stone). Quyển này được xuất bản vào ngày 30/6/1997, được xem là quyển quan trọng nhất vì nó là nền tảng cho 6 tập kế tiếp.  Sự xuất hiện của tập truyện Harry Potter đã làm chấn động toàn thế giới, hơn 400 triệu bản bán toàn 5 châu , được xem là bộ truyện bán nhiều nhất trong lịch sử sách vở. Truyện đã dịch ra tất cả 67 ngôn ngữ, được giới phê bình ủng hộ và đánh giá tập truyện thành công về mặt thương mại.

Vào cuối năm 1997, tại văn phòng của nhà sản xuất phim David Heyman ở London, nhận quyển đầu tiên Harry Potter, lúc đó quyển truyện này được xem một loại tiểu thuyết không đáng quan tâm , cứ vứt vào trong kệ sách là xong, nhưng người thư ký của văn phòng để ý đến quyển truyện tưởng tượng này. Sau khi đọc bà ta liền nói với ông Heyman đây là một quyển sách đáng đồng tiền bát gạo. Ban đầu khi thấy tựa quyển sách thì ông Heymam cho đây loại sách rẻ tiền đáng giá 3 xu , nhưng khi bắt đầu đọc giòng đầu tiên vào lúc chiều thì ông đọc không ngừng cho đến 4 giờ sang hôm sau. Sau đó ông biết quyển sách này là “Con gà đẻ trứng vàng”, ông tìm mọi cách đưa bộ truyện này tới Hollywood và bán bản quyền cho hang phim Waner Bros vào năm 1998, nhưng tác giả Rowling đặt điều kiện là khi làm phim là phải thuê tất cả diễn viên là người Anh.

Nhà văn nữ J.K Rowling sanh ngày 31 tháng 7 năm 1965 tại Yate, thuộc địa hạt Gloucestershire phía bắc nước Anh. Vào đầu thập niên 90 bà làm việc cho cơ quan nhân quyền quốc tế ở London, nhưng bà lại sống tại thành phố Manchester, nên phải mất 3 tiếng xe lửa đi đến chổ làm cũng như về nhà. Vào một ngày trong năm 1990, chuyến xe lửa gặp sự cố nên phải dừng lại thì cũng vào lúc đó bà tưởng tượng ra câu chuyện Harry Potter, rồi các nhân vật cứ hiện ra trong tư tưởng của bà. Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo “The Boston Globe” bà có nói như sau “ Tôi thật sự không biết ý tưởng viết truyện từ đâu ra. Bắt đầu là nhân vật Harry, rồi các nhân vật cứ xuất hiện , tình tiết câu truyện cứ tràn đầy trong đầu vô cùng mạch lạc”. Nói theo người châu á mình là bà Rowling được trời cho lộc , đó là một cách giải thích cho dể nghe. Thật ra, bà đã viết truyện tưởng tượng từ lúc còn học tiểu học.  Bà rất có khiếu về ngôn ngữ, nên khi tốt nghiệp trung học bà đậu kết quả rất cao về môn Anh ngữ, Pháp ngữ và Đức ngữ. Vào năm 1982 bà xin vào trường đại học danh tiếng toàn cầu là Oxford, nhưng rất tiếc bà không qua được thử thách kiểm tra kiến thức và phỏng vấn để được một chỗ học tại Oxford.  Bà cảm thấy thất vọng và xin học tại Đại Học Exeter thuộc địa hạt Devon về cử nhân Pháp văn.

Về hoàn cảnh gia đình bà không hoàn toàn hạnh phúc, mẹ của bà bị mất vào cuối năm 1990. Bà không hợp tính với người cha và cho đến giờ cả hai người không nói chuyện. Bà kết hôn với một nhà báo người Bồ Đào Nha vào năm 1992. Trước khi lập gia đình thì bà đã một lần xảy thai. Đến tháng 7 năm 1993, bà sanh một đứa bé gái. Đến tháng 11 năm 1993, hôn nhân của bà bắt đầu bị đổ vỡ, vì người chồng của bà thuộc loại vũ phu, ngày cuối cùng của hai người là chồng của bà kéo bà ngoài đường vào lúc 5 giờ sáng, đánh đập một cách tàn bạo. Đến tháng 12 năm 1993, bà đi lên Scotland để sống chung với người chị. Hành lý đi theo bà là cô con gái và trong ba chương bản thảo của tập truyện đầu tiên Harry Potter.  Bà cho lúc đó bà  ở một cuộc sống hoàn toàn thất bại bà còn bị rơi vào căn bệnh chán đời và có những lúc muốn tự tử.

Sau đó bà cố gắng để mà sống, gia tài của bà chỉ có đứa con gái và cái máy đánh chữ cổ lỗ sỉ. Bà không tìm được việc, bà đành phải dựa vào trợ cấp chính phủ , để nuôi con và viết truyện Harry Potter.

Vào năm 2004, tạp chí Forbes đánh giá bà Rowling là  Nữ Tỉ Phú mỹ kim đầu tiên sống nhờ sách. Đứng hạng nhì trong giới giải trí. Xếp hạng 1062 người giàu trên thế giới. Trong nước Anh bà đứng hạng 144 người giàu có. Ngoài ra được xem hạng 13 là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Anh. Vào ngày  26 tháng 12 năm 2001 , bà Rowling lập gia đình lần thứ hai và người chồng thua bà 6 tuổi.

Có lẽ nhiều người đang thắc mắc là có tập 8 về Harry Potter không? Cho đến giờ thì bà Rowling chưa có một quyết định nào cả nhưng sự xuất hiện của tập 8 thì hơi khó vì bà cảm thấy bà đã cho quá nhiều về thế giới tưởng tượng của bà.  Vào tháng 6 năm 2011 bà tuyên bố một kế hoạch Harry Potter trên mạng và có nhiều trò chơi điện tử được cung cấp từ mạng. Bà tạo ra một Mạng có tên là Pottermore. Vào ngày 13 tháng 4 năm 2012, trang mạng được khai sinh. Bà Rowling sẽ tạo ra một tự điển bách khoa về thế giới Harry Potter. Tất cả mọi lợi nhuận trên mạng là bà sẽ cống hiến hết từ thiện . Vậy câu truyện tập 8 Harry Potter sẽ còn quá xa để đến người hâm mộ.

Vào ngày mạc Olympic năm 2012 tại London, tiểu thuyết tưởng tượng nổi tiếng của Rowling đã được xếp trong chương trình thể thao nổi tiếng toàn cầu. Cũng vào ngày 31 tháng 3 năm 2012, hang phim nổi tiếng Warner Bros đã khai mạc trung tâm làm phim Harry Potter tại Leavesden, ngoại ô thành phố London.  Tại đây khách thăm viếng sẽ thấy hết quá trình làm phim Harry Potter, cảnh dàn dựng sân khấu, kỷ thuật máy tính, y phục , cách làm quái thú và các xảo thuật khác.

Thành thật mà nói cho đến giờ, tui chưa đọc truyện, cũng như xem bộ phim Harry Potter nào cả. Tui cũng không biết nội dung 7 tập truyện ra sao? Nên tui không có khả năng viết tóm tắt hết 7 tập truyện này. Nhưng có một điều là tui có sưu tầm rất nhiều Stamp về Harry Potter,ngay cả quyển stamp về Harry Potter của Singapore tui tìm ra cho bằng được. Thêm nữa hôm nay tui đưa má xấp nhỏ và hai cậu con trai đi tới tận trung tâm trưng bày cách làm phim Harry Potter. Giờ tui biết được thêm chuyện làm phim Harry Potter như thế nào. Tui xin tường thuật qua hình ảnh về một ngày đi thăm viếng nơi làm phim. Tui biết bạn của tui nhiều người đã xem phim Harry Potter, còn hay hay dở tui chẳng biết để phê bình nhưng cách làm phim thì tui cho là số một, phải nói thêm là Độc Nhất Vô nhị trên toàn cầu.

Quân Trần

Tháng 4 /2013


















Apr 10, 2013

NHỮNG VÌ SAO RƠI - Doãn Quốc Sỹ dịch


Xưa có một cô gái nhỏ, cha mẹ đã mất, không có gì để lại cho cô – không có nhà để ở, không có chiếc giường nhỏ để ngủ.  

Cô chẳng có gì ngoài bộ đồ đang mặc và miếng bánh nhỏ mà một nghười thiện tâm đã cho cô, nhưng mặc dầu gặp những điều không may như vậy, cô vẫn là cô gái nhỏ hiền lành, dễ thương.   


Vì không có người thương chăm sóc, cô đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thượng Đế và nhập vào thế giới bên ngoài. 


Thoạt cô gặp một người nghèo, người đó nói: “Tôi đó quá. Xin cô cho một chút gì để ăn!”

Cô gái nhỏ trao tặng người đó miếng bánh mì của mình.  “Xin cầm miếng bánh mì này với sự phù hộ của Thượng Đế.”  


Cô nói và tiếp tục đi.


Kế đó cô gặp một cậu bé đang khóc.  “Đầu tôi bị lạnh quá! Xin cho tôi một cái gì để giữ cho đầu được ấm!”  Cậu bé nói.  Thế là cô bé lấy chiếc mũ đương đội tặng cho câu bé. 


Cô tiếp tục đi xa được một quãng thì gặp một đứa nhỏ khác rét run cầm cập vì không có áo ngoài mặc.  

Cô tặng cho chú bé chiếc áo khoác của mình.  


Lại tiếp tục đi thêm một quãng đường,


cô gặp một cô bé khác xin cho chiếc váy.  Thế là cô bèn trao tặng cho cô bé chiếc váy của mình.  


Sau cùng cô tới một khu rừng.  Khi màn đêm đã chụp xuống, một cậu bé khác đến xin cô chiếc áo.  “Trời đã tối sầm,” cô bé nghĩ vậy, “không ai nhìn thấy tôi.  Tôi không cần chiếc áo này nữa.”  Cô bé cởi áo ra và trao cho cậu bé.

 

Và trong khi cô đứng ở đó, mình trần trụi, những vì sao đột nhiên bắt đầu rơi xuống từ vòm trời, và khi rơi xuống như vậy, những vì sao biến thành những đồng tiền vàng lấp lánh.  

 
Mặc dầu cô bé đã cho đi tấm áo cũ, cô tự thấy mình đương mặc một tấm áo mới đẹp nhất.  

Cô gom tất cả những đồng tiền vào trong vạt áo và cô trở thành người giàu có suốt cuộc đời còn lại. 



Lời kể : The Brothers Grimm
Lời dịch : Doãn Quốc Sỹ
Hình minh họa: Eugen Sopko