Apr 28, 2011

PHÓNG SỰ HÌNH - William , To Love , To Honour, To Keep (But not To Obey) ... - ANH QUÂN


Giới truyền thông trên thế giới đã xuất hiện trên đường phố London. Đi tìm người phỏng vấn. Cô bé người da nâu là phóng viên của đài ABC . Người chụp cũng rán chui tọt vào ống kính, không biết có được thu hình qua Mỹ không :)Sau khi làm lễ xong, xe ngựa sẽ chở chú rể và cô dâu về điện  Buckingham, con đường vào điện.  Sau đó cả gia đình Hoàng Gia và hai đứa  nhỏ mới cưới nhau sẽ lên chào dân chúng.

2 tấm hình là gồm khán đài dành riêng cho truyền thông, còn lại là các phóng viên đi làm việc.


Nhờ đông người , nên có người đi kiếm ăn là bán cờ và bán áo 



Cắm lều, ngủ qua đêm để sáng dậy có một vị trí tốt mà xem gia đình Hoàng Gia, chú rể, cô dâu ngồi trên xe ngựa.  Vào lúc 6 giờ chiều tại London, người xem đã chiếm hết các chỗ tốt.

Bà Hương,
Sorry nghen. Bạn của bà làm biếng, không giữ chỗ cắm lều để mai chụp hình cô dâu chú rể.  Bà chịu khó coi TV ngày mai nhé.

Quân 



Trong khi chờ đợi, kiếm chuyện tự giải trí







  

Apr 26, 2011

36 NĂM NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI, NGHĨ VỀ CỘNG ĐỒNG, NGHĨ VỀ TỔ QUỐC

Năm nay đã là năm thứ 36 người Việt hải ngoại kỷ niệm Tháng Tư Đen. Khắp nơi trong Little Saigon, cộng đồng hiện đang có nhiều sinh hoạt liên quan đến biến cố lịch sử này.
Mời quí độc giả nghe ý kiến của ba cư dân Việt ở hải ngoại nói về cộng đồng, về tổ quốc sau 36 năm mất nước. Một người ở Mỹ, một người ở Úc, và một người ở Anh...

 Người Việt Bolsa kỷ niệm 36 năm Tháng Tư Đen

Chị H. –hiện ở Quận Cam Cali:

Sau 30 năm, cộng đồng người Việt Quận Cam đã phát triển thành cộng đồng lớn nhất ngoài nước Việt Nam. Sự lớn lên đó kèm theo cả điều tốt lẫn điều không tốt. Cộng đồng mình quá phức tạp, có lẽ nguyên nhân chính vẫn là do những vết thương của một lịch sử chiến tranh, đau buồn để lại.

Bộ mặt chính của cộng đồng thông qua khu vực Little Saigon bây giờ sáng sủa hơn  xưa nhiều. Nhớ ngày xưa, cửa hàng nhỏ, mặt hàng kinh doanh buôn bán cũng nghèo nàn. Bây giờ thì người Việt làm đủ thứ ngành nghề kinh doanh rồi. Người Mỹ có gì, mình có đó. Nhớ hồi xưa đã có người từng nói đùa là: “…business của người Việt  chỉ còn thiếu có mỗi… nhà quàn thôi!...”, mà bây giờ mình cũng đã có rồi. Hồi xưa, dân mình chỉ lo đi làm, kiếm tiền mua nhà, lo cho gia đình. Bây giờ dân Việt cũng đã bắt đầu thong thả, biết hưởng thụ hơn. Nhớ hồi xưa, cửa tiệm của tôi ngày lễ không dám nghỉ, vì khách đông lắm. Còn bây giờ, ngày lễ khách cũng đi chơi, có mở cũng vắng khách, cho nên có thể đóng tiệm nghỉ ngơi được.

Có một số thói quen không tốt theo sự phát triển của cộng đồng mà từ từ mất đi. Một thí dụ là ở các văn phòng bác sĩ. Trước đây, bác sĩ là vua. Đi bác sĩ phải xếp hàng chờ đợi. Bệnh nhân còn bị nạt nộ, sợ bác sĩ như hồi còn ở Việt Nam. Bây giờ thì đỡ rồi. Khách hàng ở Mỹ là thượng đế mà. Những bác sĩ trẻ ra trường ở Mỹ theo phong cách làm việc của Mỹ, đối xử với bệnh nhân lịch sự hơn. Nhưng cũng có những tật xấu lại phát triển khi cộng đồng lớn ra. Thí dụ như tật xả rác. Khi cộng đồng mình ở co cụm lại với nhau, thì người dân cảm thấy thoải mái như kiểu xóm làng ở Việt Nam, do đó không muốn thay đổi những thói quen cũ. Chứ hồi xưa khi còn ít người Việt, ai mới đến cũng muốn học cách sống văn minh, trật tự của người Mỹ, muốn nhập gia tùy tục để được người Mỹ tôn trọng. Đã có ý kiến nói rằng người Việt nên ở xa nhau ra một chút, ở lẫn vào chung với người Mỹ thì có lẽ sẽ tốt hơn. Tệ hơn nữa, hiện nay đã có một số biểu hiện “văn hóa luật rừng”, hay “tiền là tiên là phật ” kiểu dân “Hà Nội mới” xuất hiện ngay giữa cộng đồng. Mong rằng nền văn hóa cũ đủ mạnh để đồng hóa những hành xử kém văn hóa này.

Những sinh hoạt cộng đồng cũng thay đổi nhiều. Lấy phong trào hướng đạo là một ví dụ. Những năm tháng đầu tiên, phong trào hướng đạo Việt Nam tại hải ngoại được gây dựng bởi những cựu trưởng, đoàn sinh từ Việt Nam sang. Mọi người tham gia sinh hoạt đều hăng hái, tự nguyện. Rồi sau đó một thời gian, phong trào yếu đi vì những người này bận làm ăn, sinh sống. Chỉ mới hơn10 năm đổ lại đây, phong trào mới phát triển mạnh mẽ trở lại, bởi vì những bậc phụ huynh bắt đầu để ý tới con cái hơn, biết hướng đạo là môi trường tốt nên dắt chúng đi, cho dù các em có thể không thích. Các trưởng cũ đã vượt qua được giai đoạn tập trung kiếm sống, nên có thể dành nhiều thời gian hơn cho đoàn sinh.

Còn chuyện chính trị? Lấy ngày 30-04 làm ví dụ. Nhiều người lo tưởng niệm, tổ chức biểu tình, hô hào tranh đấu. Năm nào đến ngày này, gia đình tôi cũng vào Bolsa dự một sinh hoạt nào đó. Nhưng cũng có người thờ ơ, chẳng còn quan tâm nữa. Nhiều người vẫn lo lắng cho Việt Nam, nhưng cũng có người không còn muốn bận tâm gì đến cái quê hương khốn khổ, tuyệt vọng, ngoài tầm với. Hết thuốc chữa rồi. Tôi có mấy đứa cháu ở Hà Nội sang Mỹ du học. Đứa nào cũng xoay sở để ở lại, và đó là lời khuyên của cha mẹ chúng, đều là đảng viên nhưng trong sạch. Người trong nước còn thờ ơ, thì người ở ngoài làm gì được?

Người Việt cùng đón Tết cổ truyền ở Luân Đôn

Anh Q. – hiện ở Anh Quốc:

Đến ngày hôm nay, Cộng Đồng người đi từ Việt Nam tại Anh quốc đã chia thành 4 nhóm khác nhau.
Nhóm thứ nhất là thuyền nhân tị nạn, bắt đầu đến Anh vào năm 1975 cho đến 1989. Đông nhất là người Việt gốc Hoa từ miền Bắc Việt Nam.
Nhóm thứ nhì là người Việt đi thẳng vào Anh xin tị nạn. Họ bắt đầu vào Anh từ năm 1994,  họ đi một đoạn đường dài bằng máy bay, xe hơi, xe lửa và đi bộ. Có người đi mất vài tuần, có người mất vài tháng và có người mất cả năm. Nhóm này đa phần là người từ Nghệ An, Hà Tỉnh và Quảng Bình. Nhóm người này bị gọi là “Người Rơm” và “Người Rừng”.

Nhóm thứ ba là từ Đông Âu, nhờ công đồng âu châu nay đã thống nhất, những người Việt có giấy định cư tại Tiệp khắc, Ba Lan, Hungary... họ có thể qua đây sinh sống. Toàn nhóm người này đều là từ miền Bắc Việt Nam.

Nhóm thứ tư là nhóm du sinh Việt Nam. Khác với các du sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ, Uc, Canada... thành phần du sinh này khác đặc biệt là khá nhiều con cái lãnh đạo của chính phủ Việt Nam đang học tại Anh như con trai út của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, con của cựu Thủ Tướng CSVN Phan Văn Khải. Gần đây nhất ai cũng nghe chuyện hối lộ in tiền của cựu thống đốc ngân hang Việt Nam ông Lê Đức Thúy, nhờ đó con gái ông có chỗ đi Anh du học. Khá nhiều con cái của các vị Đại Sứ Việt Nam tại Nga, tại Ba Lan, tại Tiệp... cũng du học ở Anh. Con cháu của các vị lãnh đạo này qua đây học phải lo hoạt động cộng đồng sinh viên, vì trong đó có cả bí thư Đoàn CSHCM hoạt động chung với nhóm này. Tuy họ tuyên bố hoạt động sinh viên, nếu theo dõi kỹ thì họ muốn tạo ảnh hưởng trong cộng đồng Việt Nam.

Bởi vậy chữ “Người Việt Quốc Gia” giờ khó mà còn được nghe trong sinh hoạt cộng đồng tại Anh. Lá cờ vàng ba sọc đỏ càng khó tìm thấy trong các buổi sinh hoạt tập thể. Nhớ lại vào thập niên 80 không khí sinh hoạt cộng đồng người Việt quốc gia vô cùng sôi nổi. Các cuộc biểu tình 30/4 của người Việt quốc gia được bắt đầu vào năm 1985. Lúc đó không khí rất mạnh, đến cả ngàn người cầm cờ vàng đi trên thành phố London. Một cuộc đi bộ biểu tình đi đến 15 miles. Chẳng những ngày 30 tháng 4 biểu tình mà ngày 2 tháng 9 cũng biểu tình, có những cuộc biểu tình lên đến mức cao độ, gây sự bực mình cho tòa Đại Sứ CSVN .Một tùy viên đại sứ tên Thân Nhân Khang, cầm khẩu súng ra hâm dọa , thế là hắn ta bị trục xuất ra khỏi Anh quốc vào ngày hôm sau vì tội cầm vũ khí. Thời đó các hội đoàn đứng rất gần với nhau như Tổng Hội Sinh Viên, Hội Cựu Quân Nhân VNCH, Hội Thanh Niên tị nạn, Mặt Trận Kháng Chiến...

Bây giờ thì hết rồi. Dân nhập cư sau này không thiết tha công việc xã hội và chính trị. Vấn đề quan trọng của họ là tài chánh. Mình không nói họ sai, nhưng vì hơn 20 năm họ sống trong chế độ CS ngoài bắc, họ đâu được phép nói, họ phải tìm mọi kẻ hở của xã hội mà sống, vì vậy nên đạo đức con người dần dà mất đi, họ chỉ biết sống theo chủ nghĩa cá nhân mà sinh tồn. Đối với họ chữ “Quốc Gia” hay “Cờ Vàng” chẳng có một ý nghĩa gì hết. Còn Cộng Sản Việt Nam thì họ không muốn nói tới, họ cũng không muốn theo.

Nghĩ về Việt Nam? Đảng CSVN có tất cả. Ngân sách trong tay họ, tài nguyên quốc gia trong tay họ, vũ khí trong tay họ, quân đội trong tay họ và cả lực lượng công an, mật vụ trong tay họ. Vậy toàn bộ lá bài là thuộc hết về họ. Nhiệm vụ của họ là chơi lá bài cho thật đẹp, lèo lái đất nước Việt Nam cho khéo. Vậy mà họ đã không đem Việt Nam trở thành một con Rồng châu á sau 36 năm qua. Một thất bại hoàn toàn. Hy vọng một tương lai tươi sáng cho Việt Nam là một giấc mơ còn quá xa. Đúng là “Đường đi không đến”...
 Huy hiệu Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu
 
Anh G. – hiện ở Úc Đại Lợi

Cộng đồng tị nạn  tại Úc khác với cộng đồng nhiều nước trên thế giới. Lý do là cộng đồng người Việt tại Úc hầu hết là dân tị nạn đến Úc sau 30/4/75 khoảng  vài năm. Họ đã sống với cộng sản, nên hiểu rõ thế nào là Việt cộng, không còn mơ hồ gì về Việt cộng . Đây là lý do chính cho sự đoàn kết cuả cộng đồng người Việt tại Úc.

Ngay từ những ngày đầu đại diện cộng đồng người Việt tự do tại Úc không điều hành bởi những ông tướng tá nên có nét quần chúng hơn. Cho đến nay cộng đồng ngừơi Viêt tại Úc đã có hai vị chủ tich cộng đồng là luật sư trẻ tốt nghiêp tại Úc, mà  các cộng đồng Mỹ và Âu châu chưa có, Họ đã làm việc tích cực và cùng với cộng đồng tranh đấu cho nền dân chủ và Tự do cho VN.

 Sau 36 năm, một thời gian dài, nhưng cộng đồng người Việt tại Úc năm nào cũng từ các tiểu bang về tập trung tại trước tòa đại sứ VC tại Canberra để tỏ thái độ không chấp nhận sư độc tài cuả VC trên đất nước và vẫn còn tiếp tục tranh đấu cho một VN tự do.

Tại Úc một số lớn tuổi đã ra đi nhưng những thành phần trẻ vẫn tiếp tục con đường của cha ông vận động tranh đấu cho một VN  tự do, điều này là niềm hãnh diện cho cộng đồng Viêt Nam taị Úc.Thế hệ này sinh tại VN và lớn lên tại Úc nên còn nói tiếng Việt và đã vào chính mạch trong xã hội sở tại - nay làm việc trong cộng đồng thì được lợi cả 2 đường: vẫn là cánh tay nối dài của thế hệ trước, và đủ trình độ để liên lạc uyển chuyển với chính phủ Úc để bảo vệ và nói lên tiếng nói của cộng đồng mình.  Vì vậy CĐVN bao giờ cũng được 2 chính đảng Tự Do và Lao Động "cưng" và chào mời để kiếm phiếu - tỉ như cho xây dựng tượng đài chiến sĩ ở Cabramatta, Bankstown Plaza (1 quận đông người Việt) được đổi thành SaiGon Plaza... 

Nhìn về VN sau 36 năm thì lại càng mịt mù cát chạy đá bay ... Cha ông chúng ta đã đổ máu để dựng nước và giữ nước thì nay giới lãnh đạo không chỉ ăn ruỗng đất nước, mà tiến tới cùng cực là bán nước cho Tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.  Nhìn bọn Tàu bủa vây kinh tế, lấn đất và chiếm biển một cách vừa trắng trợn vừa kín đáo,  thấy dân đen VN chỉ có từ chết tới chết, giống hệt Tây Tạng thôi.   Chỉ còn mong hồn thiêng của giống nòi run rủi - tới hồi đất nước bỉ cực thì nảy sinh anh tài, có được một Hội Nghị Diên Hồng mà thay đổi lại vận mạng. Việt Nam trong một vài năm nữa chắc sẽ xụp đổ về kinh tế vì sự lãnh đạo kém cỏi cuả nhà cầm quyền. Với phong trào đấu tranh đòi tự do trên toàn thế giới và ở VN,  hy vọng sẽ có ngày  dân VN có tự do .
 
VB

Apr 21, 2011

Bí quyết làm lãnh đạo ?


Chính là phải đội mũ lệch!


Khi đội mũ lệch, lãnh đạo ...

... không đi sai đường,

không phường nào buồn được cả!

Apr 20, 2011

Người đàn bà còn ở lại - Anh Quân

Bà Hương,

Nhìn ảnh mẹ bà mà tui cứ nhớ chuyện xưa (chuyện đã kể cho bà rồi mà tui không quên được chuyện cũ). Hồi đó bọn con trai trong lớp vào buổi chiều hay rủ nhau đi tắm hồ, mà lại khoái đi xa là đi tuốt xuống hồ bơi Phú Lâm để tắm. Thời gian năm 1977, hệ thống xe buýt cũ của Sài Gòn vẫn còn chạy, các tuyến đường chính vẫn còn xe, nhờ đó bọn tui mới đi xa được. Chì nhất vẫn là tui, nhà tận bên Tân Thuận, ngồi xe buýt đến trường Sư Phạm Thực Hành, rồi cùng nhau đi xe tiếp xuống tận Phú Lâm.

ở cái tuổi đó bọn tui làm gì có tiền, đi chơi như vậy là xin tiền cha mẹ, nên có đi chơi chẳng thằng nào bao thằng nào, mạnh đứa nào tự mà lo lấy thân. Đi bơi xong, leo xe quay lại vể đường Trần Bình Trọng, tui thì lo được phần tui, nhưng có tên Phong Thái đi chung, nó hết tiền mua vé xe. Bà bán vé cứ đòi đuổi nó xuống, nhưng nó cứ lì hổng chịu xuống, mà con năn nỉ xin đi nữa, thế là bà bán vé với nó cứ cò cưa trên xe. Xem ra bà ta bắt đầu thua nó vì xe đến đường Trần Bình Trọng càng lúc càng gần.

Khi xe đến khúc đường Hùng Vương, xe chống chỗ, Thái ta tỉnh bơ ngồi xuống cho đỡ mỏi chân, thì có người phụ nữ tuổi trung niên bước lên xe, trên tay cầm túi xách, tóc bà bị ướt vì cơn mưa tháng 9, nhìn bà ta rất trầm, có một chút nghiêm nghị, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế. Thái mới nói nhỏ vào trong tai tui là "Má của Thanh Hương đó". Lúc đó tui để ý kỹ hơn nữa. Tui nhìn thấy nét điềm đạm, nhưng khuôn mặt có một cái gì mệt mỏi , nhất là ánh mắt có chút gì ưu tư và lo lắng.

Hình ảnh của mẹ bà đúng nhà diễn tả "Người đàn bà còn ở lại"... Đó là lần đầu tui thấy mẹ bà mà thời gian trôi qua là 34 năm mà tui vẫn không có cơ hội gặp mẹ bà để nói tiếng Chào Bác. Tuy nhiên hình ảnh ngày ấy tui gặp mẹ bà mà đến giờ tui vẫn không quên được.

Được gần mẹ là niềm vui đó , hãy tận hưởng những gì mình có đi nha.

Thân

Quân

Cùng mẹ nghe pháp


- Mẹ nghe giống Út nghe không?
- Giống chứ .. nhưng mà ....

zzzzz
Pháp ru mẹ ngủ :)

Apr 18, 2011

Run for fun - Run for charity - ANH QUÂN



London Marathon 2011 đã được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 17 tháng 4. Có tất cả 36,500 người tham dự một trong những giải chạy bộ lớn nhất của hành tinh của chúng ta. Năm ngoái người viết đã viết về giải Marathon, nên lần này xin thuật lại một số sự kiện về Marathon 2011.

 Về nhất giải nam là anh Emmannuel Mutai là người Kenya, anh đã phá kỷ lục quốc tế là 2g 4 phút và 39 giây.

Về nhất giải nữ cũng là người Kenya là cô Mary Keitany , cô chạy mất 2 giờ 19 giây và 17 phút.

 Những điều đáng nhớ của Marathon 2011

- Cựu cảnh sát là anh David Rathband, 43 tuổi, trong một lần công tác, anh bị kẻ ác tấn công bị mù đôi mắt, anh đã tham dự giải Marathon năm nay. Anh mất hết 6 giờ 49 phút để chạy đoạn đường dài 26.2 miles.

- Cựu vô địch chèo thuyền trong các giải Olympic là anh James Cracknell, năm ngoái vào tháng 7 bị tại nạn trong chuyến đua xe đạp tại Hoa Kỳ, đã ảnh hưởng tới não bộ của anh. Sau khi bị nạn, anh không bỏ cuộc rán luyện lại sức khoẻ để chạy Marathon. Người chèo thuyền 38 tuổi đã mất hết 3 tiếng 3 phút. Anh đã xin lỗi là anh không thể chạy nhanh hơn được vì lý do sức khoẻ.

- Một đôi nam nữ chọn ngày 17 tháng 4 để kết hôn, mà cả hai là dân chạy bộ nên không muốn hụt giải Marathon 2011. Nên cả hai đã quyết định chạy, khi chạy được 20 miles, cả hai chạy vào khách sạn Marriott, nơi đó thân nhân cả hai họ đều có mặt để làm chứng đôi nam nữ là anh Andrew Ford và cô Katrina Scaife ký giấy hôn thú, đeo nhẫn và sau đó cả hai chạy tiếp 6.2 miles còn lại.

- Đã nhiều tổ chức từ thiện đã tham dự giải Marathon 2011. Năm nay họ đã thu được 47.2 triệu Anh kim (khoảng 70 triệu mỹ kim) để giúp đỡ các nhóm từ thiện trong và ngoài nước.

- Nếu ai thích nghe bài hát Leave Right Now thì sẽ thấy ca sĩ Will Young tham dự giải Marathon. Ngoài ra nhiều nhân vật nổi tiếng trong người mẫu, truyền hình, kịch, phim ảnh của Anh quốc đã cùng chạy với Will Young.

Xin hẹn sang năm sẽ tường thuật về London Marathon 2012.

Quân

 


 









Kinh Báo Ân Cha Mẹ



[...]

Đức Thế Tôn lại dạy : "A nan, Như Lai xét thấy chúng sinh tuy làm thân người, tâm trí vẫn còn tối tăm. Không biết ân đức cha mẹ cao dày. Không biết kính trọng, vong ân bội nghĩa. Không lòng mến thương, bất hiếu bất mục. Từ mẫu mang thai trong mười tháng tròn, đứng ngồi không yên, như gánh gánh nặng, ăn uống không xuống, như bệnh lâu ngày. Khi đủ ngày tháng, sắp sửa sinh con, thì đủ khổ sở, khiếp sợ tử thần, tánh mạng mong manh. Như vật bị hại, huyết chảy tràn đất : mẹ khổ đến thế mới sinh ra ta. Sinh rồi nuớt đắng nhổ ngọt, bồng ẵm nuơi nấng, không kể mệt nhọc, chịu nắng chịu mưa, không từ cay đắng. Chỗ khô con nằm, chỗ ướt mẹ lăn. Suốt trong ba năm, nhờ huyết sữa mẹ mới thành đứa bé. Đến khi khôn lớn, lo việc giáo dục, lo việc hôn nhân, kinh doanh sản nghiệp, tận tụy lao khổ. Khổ nhọc suốt đời, không kể công khó. Con cái tật bệnh, cha mẹ bệnh theo, bịnh con nếu hết, cha mẹ mới lành.

[...]

Trích bản dịch của HT. Thích Trí Quang


Apr 16, 2011

Photography - Le petit train chez Benjo - THANH TÙNG

Thiên đường của tuổi thơ...
không chỉ là nhà



mà còn là xe lửa ...


Tchou-tchou...

CHUYỆN VUI SẦU - Khánh Doãn


Nhớ xưa  Bùi Giáng hứa: “Tôi sẽ yêu mến trần gian này mãi mãi, vì nơi đây tôi có cả vui sầu”. Thật thương ông thi sĩ lấy vui sầu làm mồi thắp sáng lòng yêu mến trần gian. Phải chăng nhờ đó mà ông làm thơ hay? Thực ra, người Việt xa xứ chúng ta ai cũng có một bụng chuyện vui sầu, nhưng từ đó có yêu mến trần gian không là một chuyện khác. Tôi dạy học cho một tổ chức phi lợi nhuận của người Việt nên được dịp nghe tâm sự của nhiều người đồng hương. Tôi vẫn ao ước mỗi người đều có trong mình một ông thi sĩ, hay tiểu thuyết gia, hay đạo diễn thì đó sẽ là chất liệu cho bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật, để mà từ đó chúng ta đem lòng yêu mến trần gian.

Câu chuyện sau đây được tôi theo dõi như một cuốn phim sống động. Tôi vẫn như còn nghe được từng lời tâm sự của nhân vật chính:
“Cô giúp tôi tìm thông tin trên mạng về mấy chuyến bay đi Hawai được không?”
“Bữa nay con gái chở đi học, tui hết đón xe “bớt” rồi.
“Con gái thi đậu bằng lái rồi. Đang tìm mua xe.”
“Con gái qua rồi. Đang học lái xe.”
“Tui lãnh đứa con gái độc thân, nó sắp qua.”
Cuốn phim quay nhanh, chiếu lùi trình tự những bước đời vui của một người Việt trên đất Mỹ, khớp với khẩu hiệu “Welcome to America”.

Người kể chuyện là một bác gái tuổi ngoài 70, mặt tròn phúc hậu. Bác là học viên trong lớp luyện thi quốc tịch của tôi. Bác và bác trai được con trai bảo lãnh qua Mỹ đã ngót mười năm, nay bác mới  được đoàn tụ với con gái. Nghe giọng miền Nam chân chất, nhìn nụ cười nhẹ nhàng quen thuộc tôi hiểu bác vui niềm vui chừng mực của người thất thập hiểu sự đời.

Trước khi con gái qua, bác chăm chỉ đón xe buýt đi học lớp luyện thi quốc tịch. Bác thà đi chuyến sớm bét để rồi ngồi ở băng ghế cuối hành lang ôn bài, còn hơn ở nán lại dọn dẹp nhà cửa rồi hồi hộp sợ lỡ chuyến xe buýt sát giờ. Bác tâm sự rằng đứa con gái mang sang một ít vốn liếng từ Việt Nam, đủ để mua một chiếc xe cũ. Mua xe của một người quen, chồng tiền rồi mà người ta còn nhì nhằng cả tháng mới giao xe. Ngày đầu tiên được con gái chở đi học, bác đến lớp chỉ mười lăm phút trước giờ học. Bác giải thích: “Bị bữa nay con gái chở!” Tôi reo vui dùm bác: “Vậy bác giã từ đời xe buýt rồi hén”. Bác cười hiền: “Dạ, hết đón xe “bớt” rồi.”

Được ít lâu, bác lại đi sớm bét. Đón ý dò hỏi của tôi, bác giải thích:
“Bị bữa nay con gái chở tui đi sớm để nó còn đi hầu tòa.”
“Ủa, làm sao phải đi hầu tòa vậy bác?”
“Nó lái xe chưa rành, lại không biết đường xá, vượt đèn đỏ mà không hay. Năm trăm hai mươi đồng đó cô, lại còn phải ra tòa, rồi đi học nữa.”

Tôi lắng nghe tiếp, chờ đợi một câu trách móc. Nhưng không, bác chỉ chép miệng:“Tội nghiệp con nhỏ!”

Trước Tết vài ngày tôi nhận điện thoại của bác. Giọng bác khẩn cấp: “Cô giúp tôi tìm thông tin trên mạng về mấy chuyến bay đi Hawai được không?”
“Dạ được. Đi ngày nào bác? Vé khứ hồi, phải không?”
“Đi càng sớm càng tốt. Vé một chiều.”
Khẩn cấp thật, chiếc vé không đường về. Tôi vào mạng liền và 15 phút sau báo cho bác biết các chuyến bay đi Hawai trong hai ngày sắp tới giá một chiều hơn 1000 đồng. Qua điện thoại, giọng bác sửng sốt: “Mắc quá, tưởng vài trăm!”

Tôi không dám hỏi thêm, chỉ mách nước bác đến một văn phòng du lịch ở Phước Lộc Thọ, lầu 2. Họ có nhiều thông tin hơn.

Hôm sau gặp bác ở lớp học, tôi hỏi liền: “Bác có mua được vé đi Hawai chưa?” Bác hớn hở:
“Được rồi. Hôm qua vừa nói chuyện với cô xong tôi thay quần áo đến văn phòng du lịch liền. Người ta tìm cho tôi một vé đi Hawai ngày mùng 3 Tết, giá 310 đồng.”

Tôi mừng cho bác và hơi ngượng vì “tài” search vé của mình. Bác gạt phăng: “Có sao đâu. Cám ơn cô đã giới thiệu chỗ mua vé.”  Rồi bác loay hoay móc từ bọc ra một chùm bưởi ba trái nhỏ, có lá xanh tươi. “Biếu cô mấy trái bưởi của vườn nhà chủ. Trái mùa đầu tiên, tui không biết nó chua ngọt ra sao. Mới hái đó cô.”  Nói thêm dăm ba câu nữa, bác lại nói “Bưởi mùa đầu, lỡ chua cô đừng buồn nha.”
Chưa đến giờ học, bác kể lể chuyện đi Hawai của đứa con gái. Một người bạn kêu nó đi gấp vì tiệm nail ở đó đang cần người những ngày Tết. Tính ra một ngày được 100 đồng, một tháng được 3000 đồng. Chủ bao ăn uống và chỗ ở. Kể tới đây bác hạ giọng nói: “Nói thiệt với cô, mua vé máy bay cho nó xong, cả nhà chỉ còn 100 đồng. Tui đưa nó năm chục để đóng tiền hành lý và tiền xe từ phi trường. Tui giữ năm chục đợi đến ngày đóng tiền điện nước.” Không nghe bác nhắc tới tiền ăn.

Tối giao thừa, tôi vừa bầy chùm bưởi của bác vào mâm cúng đón ông bà vừa cầu mong bưởi ngọt để bác đừng áy náy.

Sau Tết bác lại đến lớp sớm bét, ngồi ôn bài ngoài hành lang. Tội nghiệp bác phải quay lại với kiếp xe “bớt”; chắc bác nhớ con gái dữ. Tôi hỏi thăm bác: “Con gái bác đi làm chưa?” “Chưa cô ơi, nó nói bà chủ chưa sắp xếp.” Tự nhiên tôi thấy lo trong bụng, nhưng hình như bác vững tâm lắm. Bác nói: “Hôm qua nó gọi về, tui dặn nó kiêng ngày mùng 5, làm trễ một ngày cũng được.”

Tối hôm đó tôi soạn trái cây ngày Tết, chợt thấy mấy trái bưởi của bác. Vừa định bổ ra ăn thử một trái thì em tôi cản liền “Đừng ăn, em đã thử, chua len lét. Em phải bỏ đi!”  Tôi nhìn trái bưởi trong tay, thầm trách: “Sao mày chua, sao mày không ngọt?”. Tôi tần ngần nhớ đến một trăm đồng cuối cùng của bác, nhớ đến năm trăm đồng mất toi cho DMV và ba trăm tiền vé máy bay cho người con gái đi xa mưu sống. Cuộc đời đã chua, sao bưởi nỡ lòng nào còn chua hơn?

Hai ngày sau gặp bác ở lớp học, tôi vẫn đeo đuổi câu chuyện “Con gái bác đi làm chưa, bác?” Bác vừa ngồi xuống ghế vừa thở dài: “Nó về nhà rồi cô ơi. Bữa nay nó chở tui đi học.” Bác kể là người chủ tiệm chỉ mướn một người nhưng kêu hai người phòng hờ. Đứa con gái bay đến thì cũng có người khác đến. Người kia được chọn, nó phải đi về. Tôi nghe lòng chua chát, nhưng bác điềm tĩnh kể tiếp: “Người ta cũng tử tế, mua vé cho nó về. Trước khi về còn chở nó đi một vòng cho biêt Hawai.” Tôi lắng nghe, vẫn không có lời than vãn nào kế tiếp.

Chiều hôm ấy về nhà, mắt tôi lại vô tình trông thấy ba trái bưởi chua trong rổ trái cây. Tự nhiên tôi đùng đùng muốn “thanh toán” cái của chua lét này. Ba trái mọng nước vắt được một ly lớn. Tôi nếm thử, nước bưởi chua gắt và có vị đắng. Tôi vùng vằng bỏ thêm ba muỗng đường. Nước bười bây giờ chua, đắng và ngọt. Tôi sớt cho đứa cháu gái một ly nhỏ, còn lại tôi nhắm mắt uống một hơi. Vị chua đắng ngọt đọng trên lưỡi hồi lâu.

Hai hôm sau bác đi học, giọng chào “morning, cô” vẫn điềm tĩnh như bình thường. Nhưng sau đó bác ngồi xuống ghế, nói liền: “Cô ơi, chuyện buồn gì cũng kể cho cô nghe, hôm nay tôi có chuyện vui nè.” Tôi cũng bắt chước giọng điềm tĩnh của bác: “Vậy hả bác, chuyện vui gì ạ?”

“Hôm trước Tết đứa con ở Việt Nam gọi qua. Nó trách sao để chị phải đi làm xa. Tui nói ‘má kẹt tiền quá con à.” Nó suy nghĩ vài bữa, hôm qua mới gọi lại nói “Má, con gửi má hai ngàn đồng nha. Con nói anh Hai ký check cho má trước, con chuyển tiền sau.” (Anh Hai ở miền Bắc nước Mỹ)
Bác ngưng lời kể, hít một hơi dài: “Mừng quá, cô ơi!”

Nhìn khuôn mặt hằn nét vui buồn của bác tôi lại nhớ đến hình ảnh ông Bùi Giáng phong trần. Trần gian, quả như ông nói, sầu vui tiếp nối. Tôi yêu mến trần gian vì ở đó có những người hứng nhận chuyện vui sầu mà không khởi tâm hờn giận.



Khánh Doãn

Apr 15, 2011

Photography - KHÚC HÁT THANH XUÂN - Tía Dũng



Ngày ấy khi xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui ...

Có lứa đôi
Yêu nhau rồi 
Hẹn rằng còn mãi khôn nguôi ....



Người mẫu : Ni - Minh

Apr 14, 2011

Chuyện tháng Tư.... - ANH QUÂN



Lại sắp đến ngày 30 tháng 4, cuộc chiến Việt Nam chấm dứt được 36 năm rồi, chóng ghê chưa,chuyện như mới xảy ra ngày nào, tôi còn nhớ một ngày của tháng 4 năm 1975, buổi trưa nóng nực đi học lớp chiều tại trường học của mình là Sư Phạm Thực Hành, đến trước cổng trường có tấm bảng ghi là trường phải đóng cửa là vì tình hình chiến trường sôi động. Ở cái tuổi lên 10 tôi làm gì biết lo, biết sợ, chỉ biết là được nghĩ học là khoái lắm rồi, không phải rơi vào cảnh trả bài hay kiểm tra là sướng quá đi, vậy là được rong chơi sướng quá đã, thêm nữa vào thời gian đó cha mẹ đâu có bắt học bài mà cả ngày tôi cứ nghe mọi người cứ nói ngoài trung thất thủ, cộng sản chắc sắp vào tới Sài Gòn. Tôi cũng chẳng biết Cộng Sản  là ai? Mà bà ngoại tôi cứ nói họ ác lắm, vì vào năm 1945 bà ngoại tôi ở ngoài Bắc có nuôi Việt Minh, còn được huy hiệu khen thưởng người phụ nữ anh hùng nữa, có lẽ lý do đó bà ngoại tôi cũng biết về Cộng Sản. Nghe ác thì nghe vậy chứ tôi nào để tâm. Lúc đó tôi không còn được phép ở nhà tôi bên Cư Xá Ngân Hàng, nay là quận 7, cả nhà phải lên nhà bác tôi tại đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) tập trung tại đó để nhỡ có đi tản cư thì đi cùng một lúc. Y như hồi 1954 cả họ hàng nhà tôi, (tất nhiên là tôi chưa ra đời) cũng tập trung leo lên tàu đi vào nam. Tôi còn nhớ các ông anh họ tôi vận dụng hết sự quen biết bên phía Mỹ để tìm cách lên máy bay di tản qua Mỹ. Danh sách đã nộp, cả nhà cứ ngồi đợi thì nghe tin phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích vào ngày 28 tháng 4, thế thôi mộng tôi lên máy bay hết thành rồi, với tôi lúc đó có đi Mỹ hay không chẳng quan trọng, nhưng được đi máy bay là điều mơ ước vì từ nhỏ đến lớn chưa được đi. Qua hôm sau thì ông anh họ tôi nói là có quen người Mỹ, theo họ thì có thể leo trực thăng ra Hạm Đội 7, nhưng đi không được đông, chỉ có một số người đi mà thôi, thế là cả nhà ngồi tính toán ai đi ai ở. Đến phần gia đình tôi thì bố mẹ tôi không đi nhưng mẹ tôi lại hỏi tôi đi không? Tôi ừ liền, đi máy bay không được thì đi trực thăng chắc cũng vui lắm, thêm nữa lại đi Mỹ qua đó tha hồ ăn “sô cô la”, uống “coca” và quan trọng nhất là không phải đi học bên Việt Nam. Thế là mẹ tôi bịn rịn đóng hành lý giao tôi cho các ông anh họ tôi đi xuống một Villa cũng ở đường Yên Đổ nơi mà các viên chức Mỹ chuyên thuê nhà trong thời gian qua Việt Nam làm việc.

Đi xuống dưới đó ngồi đợi, từ giờ này qua giờ kia, chẳng thấy bong thằng Mỹ nào hết, ông anh tôi nói thôi rồi mấy thằng Mỹ bỏ của chạy lấy người rồi. Buổi chiều 29 tháng 4 , tất cả lại lục đục về nhà thì nghe tin giờ nếu mà leo vào trong tòa đai sứ Mỹ là có cơ hội đi, nhưng làm sao mà leo vì toàn đại gia đình tôi có cả ông bà già cả lẫn con nít thì chịu thua thôi.

Sáng 30 tháng 4, cả nhà quyết định ra bến tàu để xem đi đường thủy có được không? Nhưng lúc đó bố tôi quyết định không đi vì sợ nguy hiểm, thêm nữa mẹ tôi đang có thai thì bố tôi càng không dám, riêng tôi thì cũng khoái đi tàu thủy lắm vì từ nhỏ đến lớn chưa được đi. Bố tôi không cho đi tôi đứng buồn bã nhìn các người anh họ tôi ra đi, họ đã leo lên một chiếc tàu đi đến Phi Luật Tân và sau đó họ đi đến Mỹ.

Sau này gặp các ông anh của tôi bên Mỹ , thì các ông ấm ức nhất là chiếc tàu thủy “Việt Nam Thương Tín” vì đã nhiều người dấu diếm không cho biết thong tin,đây là một chiếc tàu ra đi an toàn nhất. Vậy mà khi tới đảo Guam một số người vì đi bắt đắc dĩ, vợ con còn ở lại Sài Gòn nên quyết tâm rủ nhau về và rồi người nhà chưa kịp gặp thì cùng nhau đi ở tù.

Chiếc tàu cuối cùng rời Việt Nam vào trưa ngày 30 tháng 4, là chiếc Trường Xuân, do thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy lái, đây là chiếc tàu chở hang, đã chở gần 4000 người đến bờ tự do. Nghe đâu ca sĩ Elvis Phương và Bảo Hân cũng đi chuyến này. Còn tôi quen một hành khách trên chiếc Trường Xuân đang sống tại London, thì ông này đã bao nhiêu lần chạy, ông kể lúc bé theo cha mẹ ngồi tàu Há mồm từ Hải Phòng vào Sài Gòn, ở không được bao lâu, vài tháng lại đi ra bắc, ra ngoài đó là thôi luôn, hết vào nam, cả nhà ân hận. Cho đến tuổi thì đi Bộ Đội, đụng trận năm 1971 bên Kampuchia, thế là ông đi hồi chánh ở Sài Gòn. Rồi tới ngày 30 tháng 4, ông nghe tin quân đội nhân dân, cũng vốn là đồng chí của ông, thế là ông ta tái mặt, sợ quá chạy ra bến tàu, chứ ở lại bị treo cổ mất, đứng lang bang ngoài cảng kho 5, thấy chiếc Trường Xuân, rồi thấy mấy thằng nhỏ bán đậu phọng nhảy xuống bán, ông nhảy theo , tàu nhổ neo đi luôn, mấy thằng nhỏ bán đậu phọng đứng khóc bù lê bù la, đâu muốn đi. Thế mà tụi nó cũng qua Anh quốc định cư với ông Hồi Chánh. Đến giờ thì ông Hồi Chánh cũng chẳng có vợ, mà cũng còn sợ chưa dám về Việt Nam. Còn mấy thằng nhỏ bán đậu phộng tôi có quen biết và tui nó kiếm tiền nhiều lắm vì có một chức vụ khá lớn trong nhà ngân hàng. Tụi nó thì nhiều lần đã về Việt Nam chơi.

Ai ở lại Việt Nam sau 1975 thì đều biết chữ “Khổ” rồi, diễn tả ra là thừa. Cũng vì cái khổ đó xảy ra chuyện người Việt bỏ nước ra đi. Kể ra thì đã có những chuyến đi bằng tàu bè sau năm 1975. Lúc đó thì chỉ thưa thớt không đáng kể cho đến giữa tháng năm 1978 là sự ào ạt ra đi bằng tàu ghe và một số bằng đường bộ. Nếu bây giờ hỏi ai đi bằng đường biển như thế nào thì ai cũng có câu chuyện để kể mà có người sẽ tạo thêm câu chuyện bi đát và bi thương. Nói chung là “Khổ” nhưng còn hỏi chuyện hấp dẫn không thì chắc là không, ngoại trừ câu chuyện vượt biên bằng đường bộ của Phi Công Lý Tống thì được báo chí thế giới để ý đến, báo Reader Digest đã đăng câu chuyện của ông. Còn lại thì chẳng có câu chuyện nào thu hút như “Người Tù Khổ Sai, Papillon”  hay “The Great Escape” cả. Tất cả các câu chuyện vượt biển là chuyện buồn.  Có một điều phải nói từ năm 1975 – 1989 số người Việt Nam đi vượt biển rất là nhiều, không ai nắm nổi bao nhiêu người chết ngoài biển, chỉ biết nhiều đến nổi thế giới phải chú ý.

Cho nên vào ngày 20 tháng 6 năm 1979, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 74 của nhà triết gia thiên tả nổi tiếng của Pháp là Jean Paul Satre, ông đã đưa kiến nghị lên chính phủ Pháp là phải giúp đỡ “Thuyền Nhân” Việt Nam. Đã nhiều năm ông Satre ít xuất hiện trước công chúng, lần này ra mặt ông đã nói về người tị nạn Đông Dương: “Trong số người vượt biển đó có những người, họ không đứng về phía chúng ta, nhưng trong lúc này chúng không cần tìm hiểu quan điểm chính trị của họ, nhiệm vụ chúng ta phải cứu sống họ. Đây là vấn đề đạo đức, một câu hỏi cho chúng ta về cách sống đạo đức và tình người”.

Nói xong, ông Sartre ngồi xuống, kế bên ông là một đối thủ truyền kiếp, không đội trời chung trên chiến trường chính trị là nhà văn nổi tiếng cùa Pháp là ông Raymond Aron, đây là lần đầu tiên, kể từ cuộc chiến Algerian năm 1954, ông Sartre mới cười lại với Raymond và bắt tay lấy ông ta. Nhưng hai ông cũng chẳng làm bạn được thêm với nhau bao lâu vì tới năm 1980 ông Satre lăn đùng ra chết về bệnh phổi và ông Raymond chết vào năm 1983 lên cơn đau tim bất ngờ.

Thêm một nhân vật nổi tiếng người Đức mà hoạt động chính trị tại Pháp vào thời sinh viên của thập niên 60,  là ông Daniel Cohn-Bendit, là lảnh đạo cuộc cách mạng sinh viên Pháp vào năm 1968, cũng là một người thiên tả nhưng ông đã nói:
“Ngày hôm qua người Mỹ đã giết trẻ em vô tội bằng các quả bom napalm, ngày hôm nay người cộng sản đã dìm chết trẻ em xuống biển. Hôm qua chúng ta có những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam mà hôm nay chúng ta đều im lặng trước việc người đi vượt biển”.

Chuyện “Thuyền Nhân” kéo dài tới tháng 6 năm 1989 là thế giới tuyên bố chuyện người Việt đi tị nạn đã chấm dứt, tất cả sẽ là lịch sử và không còn ai muốn nghe chuyện người Việt Nam đi tị nạn nữa. Các trại tị nạn Đông Nam á sẽ đóng cửa , những cái tên như Paula Bidong, Galang 1 và 2, Shongkha, Kho Đen, Chi Ma Wan, Đầu Trắng... tất cả sẽ xa vời nhưng rất khó quên được trong tâm người tị nạn.

Câu chuyện người Việt Nam ra đi tưởng rằng đã chấm dứt, nhưng sau khi tất cả chế độ cộng sản tại châu âu không còn nữa, lại bắt đầu cuộc phiêu lưu khác, bỏ xứ ra đi của người Việt. Câu chuyện đầu tiên mà tôi gặp được là vào năm 1994 , nhưng đến giờ tôi vẫn không biết sự thật phía sau câu chuyện về một người Việt lưu lạc sang tận bên Anh mà thời gian đầu tôi đã bỏ nhiều thời gian giúp anh ta. Tuy nhiên đây cũng là chuyện mở màn cuộc di dân của người Việt từ thập niên 90 và sẽ được thuật trong lần tới.

ANH QUÂN 


Photos: http://groups.yahoo.com/group/TinhThuong36-A/message/5501

VỀ VỚI TÂM KHÔNG - Huệ Liên



VỀ VỚI TÂM KHÔNG


Qua bao năm mòn mỏi
Lăn theo cơn gió đời
Tiền tài và danh lợi
Làm mờ lối chân như.

Người ơi, hãy dừng lại
Dành đôi phút soi tâm
Những gì ta đang có
Sẽ chỉ là dư âm.

Chuyên cần ta bền chí
Tu niệm kiên trong lòng
Làm lành và lánh dữ
Xin trở về tâm không.

Linh hồn dù oen ố
Lau đi những bụi trần
Với tấm lòng rộng mở
Ta về với tâm không.

Hu Liên
05/31/10

Apr 12, 2011

Hứng khởi sau khi đọc BẠN VĂN TIẾNG SÓNG



Rất thú vị nhất là tấm hình đầu là bố của bà _ Bác Doãn Quốc Sỹ
Tấm hình chót là Bác Tui - Vũ Quốc Thúc

Giòng họ Vũ là bên mẹ tui, vào thời 1945 là ông Ngoại tui mất giòng họ Bùi nghe nói cũng lớn lắm thuộc giòng Bùi Tường nhưng ông Ngoại tui không hợp nên bỏ Bùi Tường luôn, nghe kể họ Bùi Tường giờ làm khấm khá bên Pháp lắm ... tất nhiên tui không dám nhận rồi...

Sau đó bà Ngoại tui đành phải về lại nhà họ Vũ sống và từ đó là các người Bác họ Vũ trong đó có bác Vũ Quốc Thúc chăm sóc bà và mẹ tui cho đến lúc mẹ tui lập gia đình sanh ra tui. Nếu bà xem tiểu sử thì đúng hết sinh hoạt của bac Thúc tui, cũng nhờ lúc ông lên đạt đỉnh cao nhất của cuộc đời ông thì mẹ tui cũng được hưởng lây.

Bà cũng biết nước mình lúc đó được bao nhiêu Luật Sư nổi tiếng, tất nhiên được ông Diệm mời vào làm rồi. Bởi vậy bên nghành Luật xem như ông Thúc và ông Thông là những ngôi sao sáng
Cũng như tui gặp nhiều người bên đây là sinh viên trường Vạn Hạnh của Bác Trai và ai cũng kính trọng và tài năng hết.

Những người như bố bà hay bác Thúc tui là những người say mê cống hiến cho xã hội đất nước, dân tộc nên không bao giờ giàu có hết . Họ có ra đi sẽ để lại tiếng muôn đời.

Ông Thúc may hơn bố bà là không bị đi tù. Tui nghe bác tui kể Đỗ Mười la oai oái tại sao còn để thằng Thúc nhởn nhơ ngoài xã hội, sau đó có cho công an tới nhà nhưng may mắn là có lá thơ mùa hộ mạng của Thủ Tướng Pháp là nhận cho qua Pháp dạy học. Ông Thúc nói cũng may là Thủ Tướng Pháp thời xưa học chung lớp bên Pháp, không biết sao lúc đó anh ta ham chơi bài tập làm không kịp cho mượn, nên viết thơ qua nói chuyện cũ may ra anh ta nhớ thì cho mình qua.

Lúc đó Phạm Văn Đồng qua Pháp thì ông Thủ Tướng Pháp làm áp lực nên tụi nhà nước VN không dám đụng tới nữa. Đó là cái may của ông Thúc.

Giờ thì ông sống trong một chung cư nhỏ tại Pháp, với bà vợ cũng bị bệnh như mẹ bà, con cái cũng sống tại Paris hết.

Tuy ông Thúc là vai anh mẹ tui có điều tuổi cách xa , cho nên mẹ tui lại thân hết tất cả các người con của ông, cũng vì vậy tui cũng thân luôn với các con của ông. Nhưng tui rất thích nghe ông thích nói chuyện vì ông kể chuyện nghe vui tai lắm nhiều câu chuyện nghe cũng hấp dẫn... Có một điều không ai nghĩ nổi một cựu Bộ Trưởng về hưu vô cùng đạm bac, nhưng được 1 cái rất nhiều học trò muốn tới thăm nhưng bác tui tiếp đâu nổi.

Chuyện ngoài lề là gốc nhà họ Vũ là từ bên Tàu qua, vào Nam Định định cư , lúc đó làm ăn thất bại , thua lỗ, phá sản sau đó nhờ Thầy Địa Lý táng mã , vào một mã tốt , nhưng lại không được nhiều đời' Lúc táng xong nhà họ Vũ làm ăn phát tài thành một Đại Gia tại Nam Định, sau đó sanh ra những người con thì liền một lúc 3 người con đậu làm tri huyện hết trong đó có ông Thúc. Người phát nhiều nhất là ông Thuc , nhưng mã táng có hạn thôi , đến giờ con cháu có cao lam là Tiến Sỹ mà thôi, còn lại là chuyên viên, bác sỹ và dược sỹ chứ không ai nổi tiếng cả....

Thật ra tất cả những điều tui biết và có chuyện viết BLOG cho bà là nhờ sau 1975 , nhà hai ông Thông và Thúc còn một thư viện bé, trong đó nhiều sách lắm, cuối tuần Chủ Nhật là tui lên căn nhà tại Đường Yên Đỗ chui vào trong đó ngồi doc. Bà cũng biết sau 1975 sách bị cấm nhiều lắm.

Mấy hôm nay tui dọn GARA lại thấy chồng sách của Bác Chi , hôm Bác Tuân và Chị Yên kêu tui đem về ... tui cũng đứng bùi ngùi đôi chút nhớ về Bác , có lẽ không quá 10 người tại London này còn nhớ tới Bác , ít ra tui là thằng duy nhất còn giữ được sách của bác....

Tui có nguyên quyển Võ Phiến toàn tập. Nhưng tui lại thích cách viết của nhà văn Nguyễn Hưng Quốc viết về Võ Phiến cũng như Mai Thảo. Ong Quốc có nói là có những lần về VN gặp một số người họ phê bình chỉ trích Võ Phiến một cách tàn nhẫn, thiếu điều mạt xát.

Sau khi nghe xong ông Quốc hỏi mấy người phê bình nhà văn Võ Phiến là đã đọc qua tác phẩm của ông ta chưa? những người đó chừng hửng trả lời chưa và nói gượng gạo là nghe người ta kể lại. Ong Quốc nói kể cũng lạ tai VN chưa đọc qua một tác phẩm của một nhà văn mà họ có đủ trình độ phê bình.

Ông Nguyễn Văn Lục tui đọc nhiều là các bài lịch sử của ông, có những bài rất hay . Trong vài năm qua ông lại bị rơi vào một trận bút chiến và thêm nữa chuyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với nhà văn Nguyễn Thị Vinh. Với tui thì không thắc mắc nhưng làm tui hoi mất tin tưởng vào các thông tin của ông. Nhưng ông Lục viết tui vẫn đọc điều cho đến ngày hôm.

Còn nhà văn Uyên Thao và Phan Lạc Phúc tui không theo dõi vào hết mọi chi tiết nên không có chuyện viết cho bà đọc

Đó tui cũng rơi vào tình trạng có những người không biet mà cung viết về họ
Tui
Quân


LỄ MỪNG 04 NỮ HOÀNG KIM (GOLD AWARD) VÀ 06 NAM ĐẠI BÀNG (EAGLE SCOUT) CỦA LIÊN ĐOÀN TRƯỜNG SƠN


Đằng sau 04 nữ Hoàng Kim…


và 06 nam Đại Bàng…


... là cả một đại gia đình Trường Sơn gắn bó,
thương yêu, cùng một lý tưởng


Vào ngày Thứ Bảy, 09 tháng 04 vừa qua, Liên Đoàn Hướng Đạo Trường Sơn đã tổ chức lễ trao đẳng cấp Hoàng Kim (Gold Award) cho 04 nữ hướng đạo sinh Nancy Đinh, Danielle Hồ, Vannie Lương, Darlene Tiêu, và đẳng cấp Đại Bàng (Eagle Scout) cho 06 nam hướng đạo sinh Victor Hà, Anthony Hứa, Justin Lê, Kevin Ngô, John Nguyễn và John Trần. Một con số kỷ lục về số đoàn sinh đạt được hai danh hiệu cao quí này của Trường Sơn, liên đoàn đã có lịch sử 30 năm tồn tại và phát triển trên đất Mỹ.

Những danh từ chuyên môn của hướng đạo như Gold Award, Eagle hiện nay không còn xa lạ với cộng đồng chúng ta. Có thể thấy rằng phong trào hướng đạo trong những năm gần đây đang có khuynh hướng phát triển mạnh hơn trong cộng đồng người Việt Quận Cam. Tìm hiểu một chút về đời sống hướng đạo của các em nữ Hoàng Kim và nam Đại Bàng, ta sẽ hiểu rõ hơn về lý do phát triển của phong trào này.

Một nửa trong 10 em này có cha mẹ là các trưởng trong Liên Đoàn Trường Sơn. Một nửa còn lại có gia đình đã sinh hoạt với liên đoàn Trường SƠn từ trên 10 năm. Nancy Đinh, 19 tuổi, nói rằng em hơn một nửa đời của em gắn bó với hướng đạo, với liên đoàn. Anh của Nancy cũng là một đoàn sinh của Trường Sơn, cũng đã đạt đẳng cấp Đại Bàng vài năm trước đó.

10 em đều còn ở độ tuổi teen. Ở tuổi này ở xứ Mỹ, quá nhiều phụ huynh đang lo lắng tìm cách ngăn con em mình khỏi rơi vào các tệ nạn xã hội như băng đảng, xì ke. Hoặc nhẹ hơn là ngăn cho chúng bớt dán mắt vào video game suốt ngày, hoặc khuyên chúng sống sao cho vị tha hơn, đừng chỉ lo nghĩ đến bản thân mình. Còn các em Hoàng Kim & Đại Bàng làm gì trong các dự án của mình ở tuổi đôi tám? Danielle Hồ tổ chức talent show cho các bạn học sinh cần sự giúp đỡ đặc biệt trong trường học của mình. Vannie Lương và Darlene Tiêu cùng tổ chức kỳ trại hè 02 tuần giới thiệu nghệ thuật tạo hình đến với các sinh viên đồng trang lứa ở Santa Ana College. Anthony Hứa đóng 02 băng ghế dài cho sân thính phòng ngoài trời của trường. Justin Lê đóng 02 cột gôn di động để chơi bóng tròn cho các em tiểu học… Tất cả những dự án của cả 10 em đều để phục vụ cộng đồng, một tiêu chí bắt buộc của các dự án Hoàng Kim & Đại Bàng. THông qua dự án, các em còn học hỏi về kỹ năng lãnh đạo, sắp xếp tổ chức công việc, kỹ năng giao tiếp…, những kỹ năng rất cần để thành công khi ra đời. Và quan trọng hơn nữa,

Làm sao để các em có được những kỹ năng và tấm lòng đáng quí như vậy? Có phải đó là do thuộc tính có sẵn của các em? Hay chỉ qua một vài tháng làm dự án là các em sẽ có đủ hết mọi thứ tốt đẹp? Xin thưa rằng không. Đó là kết quả của những nỗ lực hướng dẫn, dìu dắt của cha mẹ, của các trưởng dành cho các em trong nhiều năm trời. Nếu thả cho tự do thì chắc các em cũng sẽ ham chơi, ham muốn những hưởng thụ dễ dãi giống như nhiều bạn trẻ khác. Để hướng các em đến với sinh hoạt hướng đạo, đến với tinh thần giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào của hướng đạo, các phụ huynh phải kiên trì, khuyến dụ các em ngay từ lúc còn nhỏ. Đã có nhiều em kể rằng hồi mới đi hướng đạo, bị thức dậy sớm, bị mất một buổi sáng cuối tuần không chơi game… các em không thích chút nào, nhưng vẫn phải đi vì cha mẹ ép buộc. Nhưng rồi vài năm sau, quen bạn bè, quen trưởng, quen với môi trường sinh hoạt, các em bắt đầu thích thú và gắn kết với liên đoàn hơn. Nancy Đinh nói rằng em xem Trường Sơn như nhà ngôi nhà thứ hai của mình. Mà quả là vậy. Các trưởng xem các đoàn sinh như con em của mình. Những phụ huynh trong liên đoàn cũng vui vì những thành tích của các em trong liên đoàn như chính con em mình. Nancy cảm ơn cha mẹ hồi nhỏ đã ép em phải đi hướng đạo dù em chưa thích. Nếu hồi đó, không có cha mẹ hướng dẫn, thì em đã không đi hướng đạo, và cuộc đời của em chắc sẽ rất khác ngày hôm nay.

Những ai nghĩ rằng cứ đem con gởi vào hướng đạo là tự nhiên chúng sẽ tốt hơn, người đó lầm. Những ai nghĩ rằng mục đích vào hướng đạo của các em là đạt danh hiệu đại bàng, hoàng kim, người đó cũng lầm. Đó là ý kiến của một trưởng trong liên đoàn Trường SƠn, cũng là cha của một trong 06 tân Đại Bàng. Hướng đạo là một con đường đi chứ không phải là đích đến. Trên đường đi có bao nhiêu điều để hưởng thụ, để học hỏi. Những kỳ cắm trại dài ngày vào mùa hè trên núi Big Bear. Những đêm lửa trại ngoài biển San Onfore State Beach. Những kỳ rửa xe gây quĩ cứu trợ nạn nhân bão lụt, động đất, sóng thần. Những ngày tham gia công tác trong hội chợ Tết sinh viên, Niềm Mơ Ước Giáng Sinh… Mỗi ngày như vậy là một niềm vui trước đã. Rồi qua thời gian, tinh thần sắp sẵn, vị tha của hướng đạo mới bắt đầu thấm dần vào trong nếp nghĩ, hành động của các em. Các em trưởng thành dần dần qua nhiều năm sinh hoạt với đoàn thể, chứ không phải trong một sớm một chiều.

Danh hiệu Hoàng Kim, Đại Bàng cũng không phải là đích đến sau cùng của hướng đạo sinh. Đó chỉ là sự khởi đầu. Một trưởng khác của liên đoàn đã nhiều lần nhắc nhở các em điều này. Trong khi hoàn thành dự án, các em bắt đầu làm quen với những thử thách mà các em sẽ phải đối mặt khi ra đời sau này. Qua đó các em có được những kiến thức, kỹ năng cơ bản để giải quyết công việc. Nhưng các em vẫn phải tiếp tục học hỏi, trau dồi các kỹ năng để không bị tụt hậu. Phải tránh thái độ tự mãn. Có vậy thì các em mới tiếp tục vững bước trên đường đời được.

Cả 10 em khi phát biểu trước quan khách tham dự buổi lễ trao danh hiệu Hoàng Kim & Đại Bàng đều gởi lời cảm ơn đến cha mẹ, các trưởng, các bạn bè cùng trang lứa trong liên đoàn của mình. Hơn ai hết, các em hiểu những danh hiệu này không chỉ là công sức của các em.

Câu chuyện về các chàng trai Đại Bàng và cô gái Hoàng Kim là thế đó. Đằng sau 06 Đại Bàng, 04 Hoàng Kim của ngày hôm nay, phải thấy cả một đại gia đình Trường Sơn gắn bó, thương yêu, cùng một lý tưởng đã có từ hàng chục năm trước…

Đoàn Hưng

PHOTOGRAPHY - Chân dung Tiểu Quỳnh